Chế độ Trung Cộng sử dụng món mì để quảng bá chương trình nghị sự ở nước ngoài: Theo tài liệu bị rò rỉ
“Loa Sư Phấn” (luosifen) là một món mì nổi tiếng có hương vị từ ốc sông, có nguồn gốc từ vùng Quảng Tây, Trung Quốc. Trong những năm gần đây, nó đã trở nên nổi tiếng trên thế giới thông qua các nhà hàng Trung Quốc và các sản phẩm mì ăn liền được bán trong các cộng đồng nhập cư trên thế giới.
Một loạt các tài liệu chính phủ bị rò rỉ mà The Epoch Times có được cho thấy chế độ Trung Cộng đã và đang sử dụng món ăn này để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình: bảo đảm những người nhập cư Trung Quốc ở Hoa Kỳ và Canada đi đúng hướng; và thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), một kế hoạch xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng ở các khu vực của châu Á, châu Phi, và châu Âu.
Trong các tài liệu từ chính quyền thành phố Liễu Châu-nơi món ăn này được phát minh lần đầu tiên-các nhà chức trách đã đề ra kế hoạch của Trung Cộng sử dụng món mì Loa Sư Phấn như một công cụ để thúc đẩy chiến lược Mặt trận thống nhất của mình ở Hoa Kỳ và Canada. Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Đảng chịu trách nhiệm giám sát các hoạt động gây ảnh hưởng ở nước ngoài của Đảng, điều phối và hỗ trợ hàng nghìn tổ chức hải ngoại tuyên truyền, gây ảnh hưởng đến giới tinh hoa địa phương, và trấn áp các nhóm bất đồng chính kiến.
Chính quyền Liễu Châu đề nghị cử một phái đoàn đến Hoa Kỳ và Canada để quảng bá món mì này.
Một báo cáo nội bộ của chính quyền năm 2018 nêu rõ: “Chúng ta phải đoàn kết rộng rãi người Hoa hải ngoại bằng cách quảng bá mì Loa Sư Phấn nổi tiếng của Liễu Châu như một tấm danh thiếp tuyệt vời để tiếp cận Hoa Kỳ và Canada; sử dụng nó để tăng cường mối liên hệ với cả các hiệp hội Hoa kiều cũ và mới ở các nước đó, nhằm tận dụng đầy đủ các lợi thế tự nhiên của họ trong việc thúc đẩy và thực hiện dự án BRI.”
BRI, còn được gọi là Một vành đai, Một con đường, đã bị các quan chức phương Tây chỉ trích vì đặt các nước đang phát triển vào khoản nợ khổng lồ. Bắc Kinh cũng đã sử dụng các dự án BRI như một hình thức gây áp lực kinh tế, trong đó một số chính phủ đã áp dụng các chính sách thân Bắc Kinh sau khi ký kết vào kế hoạch này.
Chính quyền Liễu Châu đã phân tích một số thành phố lớn ở Hoa Kỳ và Canada, đồng thời đề nghị các chiến lược khác nhau về cách tiếp cận các cộng đồng địa phương và thúc đẩy hoạt động của Mặt trận thống nhất Trung Cộng thông qua việc thiết lập các nhà hàng mì Loa Sư Phấn.
Ví dụ: tài liệu này đã phân tích nhân khẩu học của thủ đô Ottawa của Canada. Trong đó nêu rõ: “Việc quảng bá mì Loa Sư Phấn cũng sẽ làm vơi đi nỗi “nhớ nhà” của người Hoa hải ngoại ở đây, đồng thời gửi gắm tình yêu quê hương đất nước và Liễu Châu, điều này sẽ giúp cho hoạt động của Mặt trận Thống nhất ở hải ngoại của chúng ta đa dạng và phong phú hơn về nội dung.”
Một tài liệu khác, có tiêu đề “Những thành tựu chính trong công tác đối ngoại của Liễu Châu trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13” do Sở Ngoại vụ Liễu Châu ban hành vào năm 2020. Nó cho thấy mức độ nỗ lực tiếp cận của chính quyền Liễu Châu trong việc quảng bá mì Loa Sư Phấn trên toàn cầu vào năm ngoái (2020).
Theo tài liệu trên, Liễu Châu đã thiết lập tổng cộng “224 nhà phân phối và 753 cửa hàng” để bán mì Loa Sư Phấn, trải khắp 127 quốc gia, đạt được “mức độ bao phủ hoàn toàn các quốc gia dọc theo hành lang BRI và tất cả các thành phố ASEAN kết nghĩa của Liễu Châu.” ASEAN là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Tài liệu này cũng cho biết tổng kim ngạch xuất khẩu mì gói Loa Sư Phấn đóng gói được sản xuất tại Liễu Châu trong nửa đầu năm 2020 đạt giá trị 7.5 triệu nhân dân tệ (khoảng 1.15 triệu USD).
Truyền thông nhà nước Guangming Daily đưa tin hôm 04/11/2020 rằng các cư dân mạng đã xếp mì Loa Sư Phấn là hạng mục “văn hóa” hàng đầu đại diện cho văn hóa Trung Quốc.
Một tài liệu thứ ba, do Văn phòng Ngoại vụ trong Ủy ban Đảng của thành phố Liễu Châu ban hành hôm 17/08/2020, tiết lộ rằng việc quảng bá mì Loa Sư Phấn là do các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương yêu cầu. Tài liệu này kêu gọi sự hỗ trợ và hợp tác của các văn phòng chính quyền địa phương để quay và sản xuất tập thứ tám, mùa thứ hai của chương trình truyền hình thực tế “Kung Fu Apprentice” ở Liễu Châu. Tập đó tập trung vào ngành mì Loa Sư Phấn của Liễu Châu.
Bản tin nói trên cũng tiết lộ rằng “Kung Fu Apprentice” là một dự án do nền tảng chia sẻ video Trung Quốc Mango TV và Discovery China, bộ phận Trung Quốc của kênh Discovery Channel cùng hợp tác đầu tư. Việc sản xuất chương trình do Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện giám sát, và được Ban Tuyên truyền của Đảng hỗ trợ.
Các nhà chức trách Trung Cộng tuyên bố rằng sản xuất mì Loa Sư Phấn là một “ngành chiến lược mới nổi.”
Một tài liệu bị rò rỉ khác cho thấy các quan chức địa phương đã được cử tham gia các chuyến đi đặc biệt để quảng bá món ăn này cho các chính phủ và hiệp hội nước ngoài. Bài viết trên nói về chuyến thăm của một quan chức Trung Cộng tới Hoa Kỳ và Canada vào tháng 5 và tháng 6 năm 2018, và cho thấy rằng Liễu Châu đã cử phái đoàn này. Nhóm này bao gồm sáu người và do Xiang Jun, Cục trưởng Cục Công tác Mặt trận Thống nhất của Liễu Châu khi đó dẫn đầu.
Dựa trên hành trình của họ, phái đoàn đã dành tám ngày ở cả hai nước. Trong hai ngày, nhóm này đã quảng bá Liễu Châu và món mì nổi tiếng cho Hiệp hội Thương mại Quốc tế San Fernando Valley ở Los Angeles và chính quyền thành phố San Francisco.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự đóng tại Hoa Kỳ Li Linyi nói rằng mì Loa Sư Phấn hiện đã trở thành một phương pháp để Trung Cộng thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trước đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về các chiến dịch Mặt trận Thống nhất của Trung Cộng.
Trong một bài phát biểu tại thủ phủ bang Wisconsin vào tháng 9 năm ngoái (2020), ông gọi Mặt trận Thống nhất là “công cụ tuyên truyền chính thức ở hải ngoại của Trung Cộng. Đó là một trong ba ‘Vũ khí ma thuật’ của Trung Cộng, theo lời của Chủ tịch Mao [Trạch Đông], cùng với ‘đấu tranh vũ trang’ và ‘xây dựng đảng.’”
Gần đây, chính phủ Hoa Kỳ cũng áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các quan chức của Bộ Mặt trận Thống nhất “những người đã tham gia vào các hoạt động gây ảnh hưởng xấu ở nước ngoài để hợp tác và ép buộc những người phản đối chính sách của Bắc Kinh,” bao gồm cả việc từ chối họ nhập cảnh vào đất nước.
Alex Wu
Lê Trường biên dịch
Xem thêm: