Châu Âu trong mắt nhà văn du lịch Rick Steves: Lịch sử sống động ở Praha
Praha là một trong những thành phố được bảo tồn tốt nhất ở châu Âu, nơi không bị bom đạn của thế kỷ trước tàn phá.
Praha là một trong những thành phố được bảo tồn tốt nhất ở châu Âu, nơi không bị bom đạn của thế kỷ trước tàn phá. Không đâu minh chứng cho điều này rõ ràng hơn Quảng trường Lâu đài (Castle Quarter) tọa lạc trên đỉnh đồi, thấp thoáng uy nghi phía trên thành phố và ngự trị đường chân trời. Với các công trình nghệ thuật đỉnh cao và các tòa nhà tráng lệ có niên đại từ 1,200 năm, nơi đây chứa đầy tính lịch sử. Thậm chí ngày nay, du khách vẫn thích được di chuyển lọc cọc trên một cỗ xe ngựa sang trọng dạo qua những con phố này.
Lâu đài Praha thống trị cả khu vực xung quanh. Từ nơi đây, các nhà lãnh đạo của Cộng hòa Séc đã trị vì đất nước suốt hơn 1,000 năm. Lâu đài này được ca ngợi là công trình lớn nhất thế giới, với chuỗi sân trong, nhà thờ, và cung điện trải dài tới 460m. Nếu “mệt nhoài” là thước đo cho sự rộng lớn [của nơi này], thì tôi hoàn toàn đồng ý với điều đó. Trong một chuyến viếng thăm lâu đài đáng nhớ, tôi có cảm giác như mình đang ở trong một chiếc máy bắn bi — lăn xuống dốc, di chuyển từ điểm tham quan này sang điểm tham quan khác trước khi ra khỏi cổng ở phía dưới.
Điểm dừng chân đầu tiên của tôi là Nhà thờ Chính tòa Thánh Vitus — nhà thờ quan trọng nhất ở Cộng hòa Séc — và cũng là khu vực đông đúc nhất của quần thể lâu đài. Điểm nhấn của nhà thờ này là ô cửa sổ mang phong cách Tân Nghệ thuật (Art Nouveau) — một kiệt tác của họa sĩ Alphonse Mucha chế tác năm 1931, khắc họa hai vị Thánh Methodius và Cyril, được nhiều người nhìn nhận là Tổ phụ của Cơ Đốc Giáo Slavic.
Nhà thờ chính tòa cũng là nơi an nghỉ của các nhân vật hoàng gia và tôn giáo quan trọng, chẳng hạn như Vua Ferdinand Đệ nhất, vị hoàng đế đầu tiên của Vương tộc Habsburg, và Thánh John xứ Nepomuk, vị Thánh quốc gia có lăng mộ được trang trí lộng lẫy với hơn một tấn bạc. Do nhà thờ nằm gần nơi ở hoàng gia, nên nhà vua có một khán đài riêng ngăn thành từng ô trên ban công riêng — kết nối với phòng riêng của ông bằng một hành lang trên cao để ông có thể tham dự Thánh lễ trong trang phục ở nhà.
Trái tim lịch sử của nhà thờ này là Nhà nguyện Wenceslas nguy nga. Nơi an nghỉ của Thánh Wenceslas, vị thánh bảo trợ quốc gia Séc (và là “Vị Vua Nhân từ” nổi tiếng trong bài hát mừng Giáng sinh), đã thống nhất người dân Séc hồi thế kỷ thứ 10. Là một ví dụ hiếm hoi về một vị vua có học thức và trí tuệ uyên bác, ông đã nâng cao nền văn hóa, sáng suốt khi liên minh những người Séc thất thế với Thánh Chế La Mã, và bắt đầu củng cố lâu đài Praha thành trung tâm của chính phủ Séc. Trong nhiều thế kỷ, các vị vua Séc đều đăng quang ngay trước linh cữu được phủ khăn đỏ của Thánh Wenceslas. Các vị tân vương được trao vương trượng, quả cầu, thanh kiếm hoàng gia, và đội chiếc vương miện Thánh Wenceslas nạm ngọc quý. Câu chuyện về Thánh Wenceslas có thể mang tính huyền thoại nhiều hơn tính lịch sử, nhưng ông vẫn là biểu tượng cho sự thống nhất của Cộng hòa Séc mỗi khi quốc gia này cần hiệu triệu người dân.
Sau khi băng qua quảng trường, tôi đến thăm Cố Cung Hoàng gia, nơi ở của các hoàng tử xứ Bohemia từ thế kỷ 12. Ngày xưa, sảnh đường rộng lớn của cung điện này lấp đầy các quầy bán hàng, tạo cơ hội cho giới quý tộc mua sắm mà không cần phải thực sự vào thị trấn. Không gian này thậm chí còn đủ rộng [để tổ chức] các cuộc cưỡi ngựa đấu thương, với chiếc cầu thang được thiết kế để một kỵ sĩ có thể phi nước đại vào bên trong. Cho đến cuối những năm 1990, đây là nơi quốc hội tụ họp để bầu tổng thống.
Cung điện này cũng là nơi diễn ra sự kiện mang tính chính trị nổi tiếng nhất thế giới — “Defenestration” (nghĩa là: ném ai đó qua cửa sổ) — theo đúng nghĩa đen. Khi hai thống đốc khu vực thuộc Công Giáo Habsburgs đàn áp quyền tự do tôn giáo vào năm 1618, giới quý tộc theo đạo Tin Lành Séc đã giận dữ tràn vào văn phòng của họ và ném hai vị thống đốc này ra ngoài cửa sổ (fenestra, trong tiếng Latinh có nghĩa là “cửa sổ”). Hai người vẫn sống sót, nhưng sự việc này đã châm ngòi cho Cuộc chiến Ba Mươi Năm tàn khốc — và mang đến cho chúng ta một thuật ngữ để chỉ việc loại bỏ những chính trị gia tồi.
Cuối cùng thì cũng đến được phần cuối của lâu đài phức hợp này, tôi tản bộ vào Cung điện Lobkowicz, nơi trưng bày bộ sưu tập tư nhân của một gia đình quý tộc Séc danh tiếng, bao gồm các bức tranh, đồ gốm, và các bản nhạc. Điểm nổi bật ở đây là hệ thống hướng dẫn bằng âm thanh tuyệt vời, được chính các thành viên của gia tộc Lobkowicz tường thuật lại, trong đó có cả vị hoàng tử của cung điện này, ông William Lobkowicz. Từng là một nhà môi giới bất động sản ở thành phố Boston, ông William đã trở về vào năm 1990 để đòi lại địa sản của gia đình, và cuối cùng khôi phục chúng về hiện trạng trước đây. Hệ thống hướng dẫn bằng âm thanh khiến cho lịch sử của cung điện như sống lại, đồng thời giúp du khách hiểu thêm về gia tộc này, những người đã mất tất cả tài sản vào tay Đức Quốc xã, lấy lại được chúng sau Đệ nhị Thế chiến, và rồi lại lần nữa mất tất cả vào tay cộng sản.
Sau khi trả lại thiết bị hướng dẫn bằng âm thanh, tôi gửi cho nhân viên danh thiếp của mình và nhờ cô gửi lời cảm ơn hoàng tử. Cô hỏi tôi có muốn gặp ngài ấy không. Và thế là, Hoàng tử William cùng phu nhân Sandra đã đích thân đưa tôi đi khắp cung điện, để tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về mọi thứ. Chúng tôi trò chuyện về những thách thức và thành công trong quá trình hoàn trả tài sản thời hậu Đức Quốc xã, cũng như thực tế rằng, nhiều nhà quý tộc đã bị mang tiếng xấu kể từ Cách mạng Pháp. Như Hoàng tử William đã nói, “Chúng tôi chỉ là những người bình thường sở hữu những cung điện lớn.” Sau khi suy ngẫm, tôi nhận thấy rằng từ “cao quý” giờ đây có lẽ là từ miêu tả chính xác nhất cho những nỗ lực mà Hoàng tử William và gia tộc ông đang làm để bảo tồn những mảnh ghép quý giá của nền di sản văn hóa Séc.
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times