Châu chấu, loài gặm nhấm và lũ lụt phá hủy mùa màng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc
Trong năm nay, khu vực miền nam Trung Quốc đã hứng chịu những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Nông dân ở tỉnh Vân Nam cho biết ngoài lũ lụt còn có dịch châu chấu và sự phá hoại của loài gặm nhấm đang diễn ra, làm thiệt hại gần như tất cả các loại cây trồng.
Theo một báo cáo vào ngày 30/8 của hãng thông tấn South China Morning Post, “những đàn châu chấu (cào cào) tre gai vàng đã vượt qua biên giới hồi cuối tháng 6 và từ đó hướng lên phía bắc… Tính đến ngày 17/8, 41 dặm vuông (106 km vuông) của 11 huyện trên địa bàn tỉnh này đã bị ảnh hưởng.”
Theo một báo cáo ngày 10/7 của cơ quan ngôn luận Tân Hoa Xã của chính quyền, các chuyên gia Trung Quốc tuyên bố rằng nạn châu chấu ở khu vực phía nam của Trung Quốc đang “trong tầm kiểm soát”.
Đến tối ngày 9/7, thành phố Phổ Nhĩ (Pu’er) ở miền nam Vân Nam báo cáo, đã có hơn 28 dặm vuông (73 km vuông) diện tích nuôi trồng bị bầy châu chấu xâm nhập.
Bà Ni ở thị trấn Tongguan, quận Mojiang ở Phổ Nhĩ nói với The Epoch Times rằng vào ngày 29/7, một bầy châu chấu lớn đã kéo đến khu vực địa phương bà và sau hai hoặc ba ngày thì rời đi. Cây tre đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Một đàn châu chấu đã bay ngang qua (đây), chúng đậu trên ngọn tre. Có hơn 3,000 con trên một cụm tre (khoảng 20 cây tre) và trông nó giống như một cái tổ. Sau đó, chúng đã bị quét sạch bằng thuốc trừ sâu để ngăn chúng đẻ trứng ở đó”, bà cho hãng thông tấn biết hôm 30/8.
Bà Ni cho biết loài châu chấu này chủ yếu gây hại cho cây tre và cây ngô. Do địa phương này cách xa biên giới Lào, xuất phát điểm của bầy châu chấu, nên ngô chưa bị ảnh hưởng.
Nhưng bà đang lo lắng về cánh đồng ngô. Bà giải thích rằng trong những trường hợp nhẹ thì lá ngô sẽ biến mất, và trong trường hợp nghiêm trọng nhất thì sẽ không còn ngô để thu hoạch. Bà Li nói rằng tình hình tại quận Giang Thành (Jiangcheng) ở Phổ Nhĩ nghiêm trọng hơn do gần với Lào.
Một nhân viên của một công ty chuyển phát nhanh ở quận Giang Thành nói với The Epoch Times rằng một số cây trồng địa phương đã bị phá hoại hoàn toàn do bị bầy châu chấu tấn công. “Bầy châu chấu tấn công ruộng lúa, gặm nát bông lúa. Chúng trông giống như một con châu chấu cỏ, lớn hơn châu chấu cỏ năm hoặc sáu lần. Trông như một chiếc áo choàng xám bao phủ toàn bộ khu vực và rất nhiều ngũ cốc đã bị chúng ăn hết”, anh nói.
Cổng thông tin Trung Quốc Sohu đưa tin rằng giữa tháng Bảy, khu vực sông Niuluo và các khu vực khác ở Giang Thành có một số lượng lớn châu chấu. Sau 4 giờ chiều mỗi ngày, bầy châu chấu di cư từ Lào lại bay phủ kín bầu trời và nghe như tiếng gầm rú của động cơ.
Ngô bị phá hủy bởi châu chấu, động vật gặm nhấm và lũ lụt
Ngày 27/8, Cục Quản lý Lâm nghiệp và Thảo nguyên tỉnh Vân Nam đã đăng một thông báo trên Weibo, một trang web blog nhỏ của Trung Quốc. Bài đăng cho biết từ cuối tháng 6, châu chấu tre gai vàng đã xâm nhập vào tỉnh này cho đến tận ngày 26/8; nhưng tình hình vẫn được kiểm soát vì nhà chức trách đã có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. Tính đến ngày 28/8, không phát hiện thêm châu chấu di cư ở quận Giang Thành, Khu Bảo tồn Thiên nhiên sông Niuluo, và vùng biên giới của thị trấn Qushui trong 20, 36 và 34 ngày liên tiếp. Các khu vực bị châu chấu tre gai vàng xâm nhập ở Vân Nam đã được “dọn sạch”.
Tuy nhiên, một người dân đã cung cấp cho The Epoch Times những thông tin khác.
Bà Wang ở thị trấn Kangping, quận Giang Thành, nói với hãng thông tấn vào ngày 30/8 rằng tháng trước bầy châu chấu đã xâm nhập vào vùng quê bà. “Đã 20 ngày rồi. Khi chúng đến, chúng phân thành từng nhóm. Chúng đến như những con chim nhỏ bay tới cổng làng theo từng đàn. Phải mất vài phút bầy châu chấu mới bay qua hết và cả bầy đã che cả ánh mặt trời.”
Bà Wang nói mặc dù chính quyền địa phương đã huy động một số lượng lớn nhân viên và chuyên gia nông nghiệp để diệt trừ châu chấu, nhưng tình hình rất khó kiểm soát do không phải lúc nào bầy châu chấu cũng di chuyển theo đàn như chúng thường làm. “Bây giờ bầy châu chấu đang phân tán và khó phát hiện ra chúng — một số ở đây, một số thì ở kia, chúng di chuyển nhanh chóng và chúng bay nhanh như một con chim.”
Bà Wang nói rằng tai họa do bầy châu chấu gây ra là rất nghiêm trọng. “Chúng ăn mọi thứ, ngô và lá tre. Chúng đặc biệt thích ăn lá tre. Búp tre và lá đều bị ăn hết, chúng đi đến đâu là mọi thứ bị ăn hết. Tre và cả lá mới đâm chồi đều bị ăn hết. Trường hợp nghiêm trọng thì ăn cả vỏ ngô, ăn hết cả bắp ngô. Điều này gây ra tác hại lớn.”
Bà Wang trồng chè, ngô và các loại hạt. Ngoài nạn châu chấu năm nay, sự phá hoại của loài gặm nhấm cũng khiến cánh đồng của bà bị thiệt hại nặng. “Cũng có rất nhiều loài gặm nhấm. Chúng ăn tất cả mọi thứ. Thiệt hại là nghiêm trọng, ngô không còn bắp, đều bị ăn hết cả”.
“Các loại hạt chúng tôi trồng đều đã biến mất. Chúng tôi chỉ trồng khoảng hai mẫu ngô. Nếu được khoảng 590 kg (1,300 pounds) ngô sau khi thu hoạch, thì chúng tôi chỉ có thể còn một nửa số đó. Nếu quy ra tiền mặt, chúng tôi có khả năng mất vài nghìn Nhân dân tệ, khoảng 5 hoặc 6 nghìn Nhân dân tệ (730 USD đến 877 USD).”
Bà Vương nói rằng năm nay có rất nhiều thiên tai. Người nông dân sống ven sông phải hứng chịu nhiều đợt lũ lụt đã gây thiệt hại lớn cho mùa màng họ [gieo] trồng. “Làng và thị trấn địa phương chúng tôi nằm bên cạnh con sông bị lũ lụt. Những hàng ngô, lúa đều bị ngập úng. Nước tràn ao, cá bơi hết ra ngoài. Tôi không sống cạnh sông nên nhà tôi không bị ngập.”
Khi được hỏi các nhà chức trách có cứu trợ gì cho nông dân hay không, bà Wang nói rằng không có dấu hiệu nào về việc đó. “Chưa nghe thấy gì về việc cứu trợ. Không biết phải làm gì. Quá nhiều hoa màu đã bị ăn (bởi bầy châu chấu). Việc này đã được báo cáo [cho chính quyền], nhưng về việc cứu trợ, thì (tôi) không có tin tức nào cả.”
Bà Wang cũng đề cập đến những thiệt hại do voi rừng thường xuyên xuất hiện trong vùng. “Đàn voi rừng kiếm ăn trên cánh đồng ngô, hết mảnh này đến mảnh khác. Chúng ăn khá nhiều, chúng đi thành đàn, hết đàn này đến đàn khác. Vùng mà voi xuất hiện năm nay không có thu hoạch.”
Bà thở dài và nói, “Năm nay mùa màng đã bị thiệt hại quá nhiều, lũ lụt, châu chấu rồi cả chuột bọ.”
Tác giả: Yi Ru