Cha mẹ tích âm đức, con cái hiển đạt lưu danh
Đậu Yên Sơn dạy 5 con trở thành tiến sỹ, ‘ngũ tử đăng khoa’, là câu chuyện minh chứng rằng cha mẹ có ảnh hưởng rất lớn đối với sự giáo dục con cái và sự tu dưỡng đạo đức của cha mẹ mang đến phúc báo cho gia đình.
Đậu Yên Sơn là nhân vật thường được nhắc đến trong những bài giảng đầu tiên của Nho học. Trong “Tam Tự Kinh” có hai câu thơ rằng:
“Đậu Yên Sơn, hữu nghĩa phương,
Giáo ngũ tử, danh câu dương”
Nghĩa là: Đậu Yên Sơn, có đạo đức, dạy năm con, đều lưu danh
Đậu Yên Sơn tên thật là Đậu Vũ Quân, sống vào thời Chu sau thời Ngũ Đại thập quốc. Nhà ông ở Ngư Dương thuộc nước Yên cổ nên mọi người gọi ông là Đậu Yên Sơn.
Yên Sơn sinh ra trong một gia đình danh giá, gia cảnh khá giả, sống trong nhung lụa, chiều chuộng nên từ nhỏ đã không phải động tay làm việc, tính tình ngỗ ngược, hay bắt nạt người nghèo khổ.
Khi thành gia lập thất, hơn 30 tuổi mà vẫn chưa có mụn con nào, trong lòng lo lắng e rằng sẽ không có người lo hương hỏa cho tiên tổ.
Một đêm, ông nằm mộng thấy ông nội và người cha quá cố của mình trở về, nói: “Vũ Quân, con làm làm nhiều việc bất nghĩa như vậy, kiếp này vận mệnh không tốt, không những không có con nối dõi, mà thọ mệnh cũng rất ngắn ngủi. Nếu muốn trường thọ và kéo dài hương hỏa tổ tiên thì con phải mau quy tâm hướng thiện. Từ nay trở đi cháu phải thật tâm hối cải, sửa chữa những lỗi lầm trước kia mà hành thiện tích đức, mới có hy vọng thay đổi được số mệnh”.
Đậu Yên Sơn tỉnh dậy, mồ hôi toát lạnh cả người. Ông đem lời của ông nội và cha điểm hóa trong mơ, ghi nhớ nằm lòng, lập chí từ nay về sau hối cải tu thiện, tích âm đức, quyên tiền cứu dân nghèo khổ, xây cầu làm đường, làm rất nhiều việc thiện.
Đậu gia có một người làm, trong một lần túng thiếu đã dại dột lấy trộm tiền của chủ nhân, anh ta lo lắng bị phát giác và bị phạt, liền viết một phiếu gán nợ, buộc ở cổ tay đứa con gái 12 tuổi. Trên phiếu đó viết: “Tôi bán đứa con gái này, bồi thường số tiền đã lấy trộm”. Sau đó người hầu này trốn biệt tích nơi đất khách.
Đậu Yên Sơn biết chuyện trong lòng rất thương cảm cho cảnh không nơi nương tựa của đứa trẻ. Ông lập tức đốt hủy phiếu gán nợ kia, nhận đứa bé làm con nuôi, cũng dặn vợ rằng: “Phải nuôi nấng tốt đứa bé này, sau này lớn lên, sẽ tìm một người tốt để gả”. Cô bé sau khi trưởng thành, được Đậu Yên Sơn chuẩn bị của hồi môn, rồi chọn gả cho một người chồng hiền đức.
Người hầu kia biết được chuyện này, vô cùng cảm động, liền quay trở về Đậu gia, quỳ xuống khóc lóc sám hối về sai lầm trước kia của mình. Đậu Yên Sơn không những không truy cứu chuyện cũ, mà còn khuyên hối cải làm người tốt. Người hầu trong nhà chứng kiến cảnh này thì vô cùng cảm động.
Có một buổi tối Rằm tháng Giêng năm nọ, Đậu Yên Sơn đến thắp hương bái Phật ở chùa Duyên Khánh, bỗng nhiên nhặt được một túi tiền ở bậc thang bên cạnh hậu điện, bên trong chứa hai trăm lượng bạc ròng, ba mươi lượng hoàng kim. Ông nghĩ, cái này nhất định là người khác bị thất lạc rồi.
Sáng sớm hôm sau, Đậu Yên Sơn đã vội đi đến chùa để chờ người mất của. Chỉ chốc lát sau, từ xa xa có một người mặt mày ủ rũ, vừa khóc vừa bước tới. Ông bước đến hỏi người này vì sao khóc, anh ta thật tình kể:
“Cha tôi phạm tội, sắp sửa bị đày đến vùng biên cương hoang vu sung quân. Vì để chuộc tội cho cha, tôi khẩn cầu năn nỉ tất cả mọi người thân thích, thật vất vả mới mượn được một số bạc, đều cho hết vào trong một cái trong túi, thời khắc không dám rời thân. Ai ngờ, đêm qua cùng một người bạn uống rượu, uống say về sau hoa mắt váng đầu, không biết chuyện gì xảy ra, túi tiền cũng không còn đâu nữa. Không có tiền, tôi làm sao chuộc tội cho cha, đời này sợ rằng sẽ không còn được gặp lại phụ thân rồi”. Nói rồi anh ta càng gào khóc to hơn.
Nghe anh ta nói như vậy, Đậu Yên Sơn biết người này chính là người mất của, sau khi kiểm chứng, ông mời anh ta về nhà, không chỉ trả lại số bạc bị mất, còn tiếp đãi chu đáo, đồng thời tặng thêm cho anh ta một ít của cải. Người kia vô cùng xúc động, nói lời cảm tạ rồi ra đi.
Đậu Yên Sơn đã làm rất nhiều chuyện tốt. Bạn bè thân thích có tang sự mà không có tiền mua quan tài, ông đều bỏ tiền ra mai táng chôn cất chu đáo. Có nhà nghèo không có tiền gả chồng cho con gái, ông đều đứng ra giúp đỡ. Có người nghèo khó không biết làm sao để sống, ông cho vay tiền làm vốn để bán buôn.
Đậu Yên Sơn vì làm việc thiện giúp người, cho nên cuộc sống của mình cũng rất đơn giản tiết kiệm. Ông còn xây thư viện 40 gian mua mấy nghìn quyển sách. Những học trò nghèo có chí mà không có tiền theo học, thì dù có quen biết hay không, chỉ cần đến thư viện đọc sách, ông đều giúp đỡ tiền học phí và sinh hoạt. Cứ như vậy, sau khi ông xây thư viện đã đào tạo được rất nhiều nhân tài hiếu học.
Đậu Yên Sơn cố gắng tu thân tích đức, sau quả nhiên vợ ông lần lượt sinh hạ được 5 người con trai. Bởi biết được tầm quan trọng của tích đức hành thiện, cho nên Đậu Yên Sơn đối với các con bằng gia giáo nghiêm khắc đã bồi dưỡng được những người con kiệt xuất có phẩm đức. Đậu Vũ Quân sinh được 5 người con trai là Nghi, Nghiễm, Khản, Xưng, Hy, lần lượt thi đỗ bảng vàng. Năm người con trai Đậu gia đều đỗ tiến sĩ, được xưng là “Ngũ tử đăng khoa”.
“Tư Mã Ôn Công gia huấn” thời Bắc Tống cũng có viết: “Tích tiền bạc để lại cho con cháu, con cháu chưa chắc đã biết giữ. Để sách lại cho con cháu, chưa chắc chúng đã đọc. Chi bằng âm thầm lặng lẽ tích âm đức, đó mới là kế sách lâu dài cho cháu con”.
Đậu Yên Sơn tự lấy mình làm gương, tích âm đức, con cái noi gương học tập nên hiển đạt thành tựu, tiếng thơm lưu truyền tới muôn đời.
Mong muốn con cái thành đạt là kỳ vọng của cha mẹ, muốn vậy cha mẹ phải lấy mình làm gương, bồi đắp đạo đức phẩm hạnh, hình thành nên cái gốc để làm người, thì gia phong mới vững bền mà con cháu đời sau cũng hưng thịnh hiển đạt..