Cha mẹ có thật sự biết cách lắng nghe con mình?
Con trai tôi đã thay đổi. Điểm số của con đang từ A bỗng hạ xuống D. Khi ở nhà, con thường đóng cửa ngồi lỳ trong phòng riêng. Điều tồi tệ nhất là nếu tôi cố gắng nói chuyện với con thì con luôn tức giận, đòi đi ngủ, và nói rằng con không muốn nói chuyện với tôi. Tôi nên làm gì?
Nếu bạn đang trải nghiệm điều tương tự, chào mừng bạn đến với thời kỳ dậy thì của thanh thiếu niên Hoa Kỳ. Đây là một trong những tình huống phổ biến mà các nhà trị triệu làm việc với trẻ vị thành niên thường hay gặp phải, và bạn có thể thực hiện một bước khởi đầu vô cùng kỳ diệu để giải quyết tình trạng này.
Một trường hợp điển hình là: Phụ huynh đưa đứa trẻ đến trị liệu, đôi khi có sự trợ giúp của luật pháp, nhưng tuyệt vọng về viễn cảnh tôi có thể nói chuyện với đứa trẻ và giúp cậu bé sửa chữa hành vi. Đứa trẻ rên rỉ, than vãn và cố gắng tìm một thứ gì đó trong phòng để tránh ánh nhìn của tôi hay phụ huynh. Đứa trẻ biết rằng toàn bộ điều này chỉ tốn thời gian.
Phụ huynh bắt đầu giải thích tất cả những vấn đề đứa trẻ mắc phải, bảo đảm rằng tôi hiểu đứa trẻ đã có những hành vi tồi tệ ra sao. Sau khi tôi “nạp” hết những điều này, đứa trẻ mất kết nối với chúng tôi sâu sắc hơn, nó lấy tay ôm mặt hoặc cố gắng khiến cha mẹ dừng lại.
Phụ huynh cuối cùng sẽ kể lể họ thất vọng như thế nào khi đứa con không chịu chia sẻ hay nghe lời họ. Sau đó tôi sẽ trịnh trọng nói với phụ huynh: “Lý do tại sao Johnny (một khách hàng cực kỳ tiêu biểu của tôi) không nghe lời cha mẹ bởi vì cha mẹ chưa thực sự lắng nghe con.”
Phụ huynh thường tỏ ra đôi chút ngạc nhiên, nhưng Johnny thì thấy rất thích thú! Phụ huynh sau đó sẽ tiếp tục đề cập đến tất cả những nỗ lực trò chuyện và giao tiếp của họ, sau đó, tôi khẳng định lại với phụ huynh: “Nếu Johnny nghĩ rằng cha mẹ đang thật sự lắng nghe, cậu bé chắc chắn sẽ nói chuyện với cha mẹ.”
Vậy biết cách lắng nghe là gì? Điều này rất khác biệt với việc bạn nghe ai đó trình bày rồi suy nghĩ xem sẽ phản biện họ thế nào. Để thật sự lắng nghe, bạn cần chú tâm vào lời họ nói, và quan trọng hơn là lắng nghe với đôi mắt, tâm trí, trái tim và tâm hồn rộng mở.
Trong tình huống này, bạn cần gạt những lời đánh giá sang một bên cũng như những hậu quả từ hành động của con bạn. (Sẽ có thời gian cho vấn đề này sau). Hãy nhìn vào con bạn với đôi mắt trong trẻo. Hãy nhớ rằng bạn quan tâm đến con nhiều bao nhiêu. Hãy quyết tâm chiến thắng ý định phản đối hay đổ lỗi đang thôi thúc bạn. Tiếp thu tất cả những gì con trẻ nói với bạn. Chúng có nhiều ý nghĩa hơn chỉ là lời nói. Con muốn tình yêu thương của bạn. Con muốn sự chấp nhận của bạn. Con muốn bạn hiểu con!
Nếu bạn đạt được trạng thái này, bạn có thể cảm nhận sức mạnh của nó. Con của bạn đột nhiên trông khác hẳn. Bạn sẽ nghe, thấy và cảm nhận nỗi sợ, sự buồn bực, sức mạnh, niềm tự hào và sự xấu hổ của con. Thông thường, bạn chưa đạt được mục tiêu chỉ đến khi rơi nước mắt và nhận thức được khoảng cách to lớn như cái vịnh đã âm thầm phát triển trong mối quan hệ của bạn với con mình.
Để đạt được điều này, bạn sẽ gặp những chướng ngại. Con của bạn có thể kể một điều gì đó gây chấn động, công kích bạn hoặc thử xem phản ứng của bạn. Con trẻ có thể cố gắng tạo lại khoảng cách ban đầu bởi vì với chúng, che giấu cảm xúc thì dễ dàng hơn là gần gũi với bạn.
Bạn có thể phải chọn đúng thời điểm và hoạt động để trò chuyện với con mình. Bạn không cần phải trao đổi trực tiếp. Đôi khi đi dạo hay lái xe ô tô là một sự lựa chọn tốt hơn các bữa ăn. Bạn có thể chia sẻ một điều gì đó làm tổn thương bạn để mở đầu. Nếu bạn chỉ lắng nghe, con bạn sẽ rất khó nói chuyện với bạn.
Con người có một nhu cầu mạnh mẽ đến mức khó tin, đó là được thấu hiểu. Nếu bạn thật sự lắng nghe đủ nhiều, bạn sẽ thấy nhiều người thích chia sẻ bí mật với bạn, đến mức bạn muốn dừng họ lại.
Trẻ con khao khát được nói chuyện với người mà chúng tin cậy và chia sẻ những điều thầm kín mà bạn chỉ ước chúng không phải là sự thật. Thế giới hiện đại là một nơi không an toàn, đầy những cám dỗ và hiểm nguy cho trẻ. Trẻ thật sự cần bạn giúp đỡ để vượt qua sự bất trắc đó. Và bạn sẽ thực hiện nghĩa vụ này tốt hơn nếu mối quan hệ giữa bạn và con thân thiết hơn, bạn giao tiếp cởi mở và con bạn có niềm tin mạnh mẽ ở bạn.
Phương pháp kỳ diệu này chỉ là bước đầu tiên để đối phó với những hành vi ngỗ ngược của con bạn. Tôi rất mong nghe bạn chia sẻ đã áp dụng kỹ năng này thế nào và gia đình bạn còn phải gặp những vấn đề nào khác không. Hãy viết và gửi cho tôi qua hòm thư [email protected]
Michael Courter là một nhân viên y tế xã hội, nhà trị liệu cho gia đình và là doanh nhân ở Bắc California.
Michael Courter
Ngọc Thuần biên dịch
Xem thêm: