CBO cảnh báo: Đạo luật Giảm Lạm Phát có thể làm giảm đổi mới y tế của Hoa Kỳ
Những người chỉ trích Đạo luật Giảm Lạm Phát của Đảng Dân Chủ, cũng như Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), đang cảnh báo rằng các điều khoản chăm sóc sức khỏe của dự luật này có thể khiến sự đổi mới y tế ở Hoa Kỳ, vốn là nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực này, giảm mạnh.
Được xem như một thỏa thuận thỏa hiệp giữa Thượng nghị sĩ ôn hòa Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) và Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York), dự luật này nhằm đáp ứng một loạt nguyện vọng của Đảng Dân Chủ: tăng doanh thu liên bang bằng cách đóng thứ gọi là các lỗ hổng thuế, ban hành các chính sách biến đổi khí hậu, mở rộng Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (ACA), và giảm giá thuốc theo toa.
Những người ủng hộ dự luật này nói rằng luật cũng sẽ giúp làm chậm tốc độ tăng nợ quốc gia của Hoa Kỳ bằng cách làm giảm thâm hụt.
Mặc dù dự luật này cho phép khoảng 433 tỷ USD chi tiêu mới, các ước tính nội bộ của Đảng Dân Chủ cho thấy dự luật sẽ mang lại khoảng 725 tỷ USD doanh thu mới cho chính phủ liên bang, do đó làm giảm thâm hụt liên bang và làm chậm tốc độ tăng nợ quốc gia. Cụ thể, các thành viên Đảng Dân Chủ ước tính rằng dự luật này sẽ làm giảm thâm hụt khoảng 292 tỷ USD hàng năm.
Mặc dù so với Đạo luật Xây dựng lại Tốt hơn trị giá 1.75 ngàn tỷ USD trước đó, Đạo luật Giảm Lạm Phát có tác động ít hơn trong những thay đổi về chính sách thuế, chính sách khí hậu, và chính sách chăm sóc sức khỏe, nhưng đạo luật này vẫn sẽ dẫn đến một trong những thay đổi lớn nhất đối với chính sách y tế liên bang trong nhiều năm.
Các thành viên Đảng Dân Chủ tỏ ra lạc quan về các tác động lâu dài của những chính sách mới này đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ; tuy nhiên, những người khác cho rằng dự luật này sẽ mang lại một loạt các hậu quả không lường trước được.
Các thay đổi trên phạm vi rộng đối với các chính sách y tế của Hoa Kỳ
Ngay cả sau khi cố vấn pháp lý của Thượng viện đã rút một số điều khoản trong dự thảo ban đầu của dự luật, một số nhà phân tích chính sách đã gọi Đạo luật Giảm Lạm Phát là sự thay đổi đáng kể nhất trong chính sách chăm sóc sức khỏe của Hoa Kỳ kể từ khi Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng được thông qua.
Trọng tâm đối với các tham vọng lập pháp của Đảng Dân Chủ là các điều khoản cho phép lần đầu tiên Medicare Phần D thương lượng giá thuốc với các nhà sản xuất.
Khoảng hai thập niên trước, các thành viên Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội đã thông qua thành công luật cấm Medicare thương lượng giá. Đạo luật Giảm Lạm Phát sẽ đảo ngược quy định đó, và sẽ tiến thêm một bước nữa bằng cách buộc các nhà sản xuất thuốc phải tuân thủ các cuộc đàm phán, dưới sự đe dọa của hành động pháp lý.
Nhìn chung, bắt đầu từ năm 2026, biện pháp này sẽ cho phép Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) công bố danh sách các loại thuốc giá cao được chọn. Sau đó, vị bộ trưởng này sẽ tham gia đàm phán với các nhà sản xuất các loại thuốc đó để cố gắng “thương lượng và, nếu có thể, thương lượng lại giá hợp lý tối đa cho các loại thuốc đã được chọn đó.”
Trong năm đầu tiên biện pháp này có hiệu lực, tức năm 2026, danh sách này sẽ bao gồm 10 loại thuốc chi phí cao được lựa chọn; vào năm 2027 và 2028, danh sách này sẽ được kéo dài thêm thành 15; còn năm 2029 và hơn thế nữa sẽ là 20 loại thuốc.
Sau khi xác định danh sách các loại thuốc được chọn của HHS, các mặt hàng sẽ được xếp hạng theo thứ tự mức giá đối với chính phủ liên bang, với các loại thuốc có giá cao nhất sẽ được ưu tiên cao nhất trong các cuộc đàm phán.
Các lựa chọn này sẽ phải tuân theo một loạt các loại trừ, bao gồm loại trừ các loại thuốc mà việc sử dụng được chấp thuận chỉ liên quan đến việc điều trị các loại bệnh hoặc các tình trạng không phổ biến, các loại thuốc mà chính phủ liên bang phải chi trả dưới 200,000,000 USD trong khoảng thời gian từ ngày 01/06/2022 đến 31/05/2023, và các sản phẩm có nguồn gốc từ huyết tương.
Dự luật này sẽ cấm bộ trưởng HHS đưa ra bất kỳ ưu tiên nào trong việc xây dựng danh sách thuốc được chọn nhằm bảo toàn sinh mạng cho những người “trẻ hơn, không bị tàn tật, hoặc không bị bệnh nan y” so với những người lớn tuổi, tàn tật, hoặc bị bệnh nan y.
Sau khi công bố danh sách thuốc được chọn của HHS, các nhà sản xuất sẽ phải tham gia đàm phán với HHS để “thương lượng nhằm xác định mức giá hợp lý tối đa” cho các loại thuốc được chọn, sau khi nhận được một đề nghị ban đầu từ bộ trưởng HHS.
Bộ trưởng HHS được dự luật yêu cầu phát triển một “phương pháp và quy trình nhất quán … cho các cuộc đàm phán … nhằm đạt được mức giá hợp lý thấp nhất cho mỗi loại thuốc đã chọn.”
Là một phần của việc xây dựng danh sách thuốc đề nghị ban đầu, các nhà sản xuất thuốc được yêu cầu cung cấp thông tin về chi phí nghiên cứu và phát triển thuốc, chi phí trên mỗi đơn vị sản xuất và phân phối thuốc, bất kỳ khoản tài trợ liên bang nào mà trước đây họ đã nhận được để giúp nghiên cứu và phát triển thuốc, và dữ liệu về các bằng sáng chế đang chờ được chấp thuận và đã được chấp thuận của công ty.
Sau khi nhận được một đề nghị danh sách thuốc đã chọn, các nhà sản xuất được chọn sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia đàm phán. Dự luật quy định rằng trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị từ bộ trưởng HHS, các nhà sản xuất phải chấp nhận hoặc viết thư phúc đáp với một chào hàng phản hồi, theo cùng một phương pháp do Bộ trưởng HHS phát triển cho việc xác định chào hàng ban đầu.
Đến lượt mình, bộ trưởng sẽ trả lời chào hàng phản hồi này, và các cuộc đàm phán như vậy sẽ tiếp tục cho đến trước tháng 11 của năm mà danh sách thuốc được lựa chọn được công bố.
Sau khi kết thúc các cuộc đàm phán, bộ trưởng HHS sẽ chịu trách nhiệm “[giám sát] sự tuân thủ của nhà sản xuất” và “[thiết lập] một cơ chế mà thông qua đó những vi phạm [đối với các điều khoản của thỏa thuận] sẽ được báo cáo.”
Những công ty vi phạm sẽ phải chịu một khoản tiền phạt phức tạp tương đương với khoảng 10 lần số tiền mà các nhà sản xuất tính giá vượt quá giới hạn được thiết lập theo thỏa thuận với HHS nhân với số lượng đơn vị riêng lẻ được bán với giá cao hơn.
Ví dụ, nếu một nhà sản xuất bán được 1,000,000 viên thuốc với giá 11 USD sau khi đồng ý bán chúng với giá 10 USD, họ sẽ phải chịu một khoản tiền phạt tổng cộng là 10,000,000 USD.
Tóm lại, các công ty dược phẩm sẽ bị phạt 10 USD cho mỗi 1 USD vi phạm giới hạn giá đã thương lượng với bộ trưởng HHS.
Các nhà bảo trợ của Đảng Dân Chủ cho dự luật này hy vọng ngăn chặn bất kỳ sự kiểm tra nào của nhánh tư pháp đối với dự luật bằng cách tuyên bố các điều khoản chăm sóc sức khỏe của dự luật là miễn trừ xem xét tư pháp về nội dung văn bản; tuy nhiên, các tòa án vẫn có thể ra phán quyết rằng họ có thẩm quyền hủy bỏ các phần của dự luật nếu vi hiến.
Ngoài những thay đổi về thương lượng giá Medicare, Đạo luật Giảm Lạm Phát cũng sẽ giới hạn chi phí phải tự trả cho những người thụ hưởng Medicare Phần D ở mức 2,000 USD mỗi năm, hoặc khoảng 150 USD mỗi tháng. Đảng Dân Chủ cho biết dự luật này sẽ giúp một số gia đình có thể gánh chịu chi phí do lạm phát tăng dần trong năm qua.
Kế hoạch thuốc dựa trên ‘một loạt lời hứa giả dối’
Một số nhà quan sát đã hoan nghênh những thay đổi của dự luật đối với chính sách y tế như là những thay đổi được đợi chờ từ lâu, nhưng những người khác lại ít lạc quan hơn. Những người chỉ trích các chính sách mới đã cảnh báo rằng chúng sẽ kìm hãm sự đổi mới trong lĩnh vực y tế bằng cách giảm doanh thu dược phẩm.
Bà Stacie Dusetzina, một giáo sư về chính sách y tế tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, trong một lần xuất hiện trên PBS, đã gọi giới hạn chi phí tự trả này là một “cải tiến lớn, rất lớn của phúc lợi [Phần D] ngày nay.”
Trong một bài đăng ca ngợi tương tự trên Twitter, bà Trica Neuman, phó chủ tịch cao cấp của tổ chức Kaiser Family Foundation, đã viết: “Thật khó để nhấn mạnh đủ về tầm quan trọng của các quy định về thuốc đang được chuyển tới Hạ viện.”
“Đây là cải tiến Medicare lớn đầu tiên trong hơn một thập niên,” bà cho biết thêm. “Cải tiến này giải quyết vấn đề giá thuốc bất chấp sự phản đối gay gắt của ngành này.”
Tuy nhiên, các nhà phê bình bày tỏ những lo ngại rằng dự luật này sẽ kìm hãm sự đổi mới trong y tế, một lĩnh vực mà Hoa Kỳ dẫn đầu thế giới.
Giám đốc điều hành Stephen Ubl của Nghiên cứu và Sản xuất Dược phẩm Hoa Kỳ gọi các điều khoản chăm sóc sức khỏe này là “một tổn thất bi thảm cho các bệnh nhân.”
“Kế hoạch định giá thuốc này dựa trên nhiều lời hứa giả dối,” ông nói. “Họ nói rằng họ đang chống lại lạm phát, nhưng dữ liệu riêng của chính phủ ông Biden cho thấy các loại thuốc kê theo đơn không thúc đẩy lạm phát. Họ nói rằng đây là ‘thương lượng’, nhưng dự luật này lại trao cho chính phủ quyền lực định giá thuốc không giới hạn. Và họ nói rằng dự luật sẽ không làm tổn hại đến sự đổi mới, nhưng nhiều chuyên gia, nhà đầu tư công nghệ sinh học, và những người ủng hộ bệnh nhân đồng tình rằng dự luật này sẽ dẫn đến ít liệu pháp chữa trị và phương pháp điều trị mới hơn cho những bệnh nhân đang chiến đấu với ung thư, Alzheimer, và các bệnh khác.”
Nhóm phi đảng phái Người Mỹ Ủng Hộ Cải Cách Thuế (ATR) đã chia sẻ những lời chỉ trích của Ubl về dự luật này trong một bài đăng trên blog, chỉ ra một phần trong văn bản luật mà sẽ cho phép đánh thuế tiêu thụ đặc biệt 95% đối với các công ty dược phẩm từ chối hợp tác với các nỗ lực của chính phủ để giới hạn giá.
“Trên thực tế, tất cả các nhà sản xuất thuốc sẽ chấp nhận việc kiểm soát giá cả hoặc ngừng bán thuốc tại thị trường Hoa Kỳ thay vì trả thuế 95%,” ATR viết. “Điều khoản này sẽ hạn chế sự đổi mới y tế của Hoa Kỳ và hạn chế nguồn cung cấp các loại thuốc mới.”
CBO, trong một lá thư năm 2019 gửi Đảng Dân Chủ cảnh báo chống lại những thay đổi về chăm sóc sức khỏe được đề nghị — vốn đã được đưa vào Đạo luật Giảm Lạm Phát — nói rằng những thay đổi này có thể làm giảm doanh thu dược phẩm tới 1 ngàn tỷ USD trong khoảng thời gian 10 năm, do đó “[làm giảm] chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển và… [làm giảm] việc giới thiệu các loại thuốc mới” (pdf).
CBO giải thích trong bức thư: “Về dài hạn, CBO ước tính rằng việc giảm doanh thu của các nhà sản xuất thuốc theo đề mục I sẽ dẫn đến giảm chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển và do đó giảm việc giới thiệu các loại thuốc mới. Theo phân tích không hoàn chỉnh của CBO về dự luật; ước tính sơ bộ là việc giảm doanh thu từ 0.5 ngàn tỷ USD xuống 1 ngàn tỷ USD sẽ dẫn đến việc giảm khoảng 8 đến 15 loại thuốc mới được đưa ra thị trường trong 10 năm tới.”
“Mức giá thấp hơn theo dự luật sẽ ngay lập tức hạ thấp doanh thu hiện tại và doanh thu dự kiến trong tương lai của các nhà sản xuất thuốc, thay đổi các ưu đãi dành cho các nhà sản xuất, và có ảnh hưởng rộng rãi đến thị trường thuốc,” bức thư nêu rõ, cảnh báo về nguy cơ các hãng dược phẩm rút toàn bộ khỏi Hoa Kỳ. “Một nhà sản xuất không hài lòng với một cuộc đàm phán có thể rút một loại thuốc ra khỏi thị trường Hoa Kỳ hoàn toàn, mặc dù CBO hy vọng điều đó sẽ khó xảy ra đối với các loại thuốc đã được bán ở Hoa Kỳ.”
CBO cũng đã gợi ý trong phân tích của mình về dự luật này rằng sẽ có khoảng ít hơn 50% các loại thuốc mới có thể được đưa ra thị trường như một hệ quả ngoài mong muốn của các điều khoản chăm sóc sức khỏe trong dự luật (pdf).
Theo cùng một phân tích của CBO, mặc dù mức thuế tiêu thụ đặc biệt 95% được đề nghị này có thể tạo ra sự tuân thủ các quy định mới giữa các nhà sản xuất thuốc, nhưng sẽ không tăng doanh thu mới.
Đồng thời, mục tiêu đã tuyên bố của sự thay đổi chính sách này — và của toàn bộ dự luật này — sẽ chỉ được hành thành một cách ít ỏi thông qua những thay đổi của Medicare.
CBO đã ước tính trong lá thư năm 2019 rằng những thay đổi được đề nghị “sẽ giảm 345 tỷ USD chi tiêu trực tiếp của liên bang cho Medicare trong giai đoạn 2023–2029.” Ước tính này đưa ra mức giảm chi tiêu hàng năm chỉ khoảng 57.5 tỷ USD.
Bất chấp những lời chỉ trích này và những lời chỉ trích khác, Đạo luật Giảm Lạm Phát dường như đang theo đúng lộ trình để được Quốc hội thông qua nhanh chóng và đến bàn làm việc của Tổng thống Joe Biden.
Sau một phiên họp ròng rã để bỏ phiếu về các sửa đổi, Thượng viện đã thông qua dự luật này — sử dụng quy trình điều chỉnh ngân sách và do đó miễn áp dụng tranh luận không giới hạn — trong một cuộc bỏ phiếu theo đường lối đảng phái kết quả 51–50 hôm 07/08, và gửi dự luật tới Hạ viện do Đảng Dân Chủ lãnh đạo để có sự xác nhận cuối cùng.
Ghi chú:
Bài viết được phát hành trước thời điểm Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Giảm Lạm Phát vào ngày 12/08/2022.
Anh Joseph Lord là một phóng viên của Quốc hội cho The Epoch Times.