Cầu thủ NBA kêu gọi thế giới phản đối việc Bắc Kinh dùng Olympic để biện minh cho tội diệt chủng
Thế giới không thể thờ ơ và đứng nhìn đảng cộng sản cầm quyền của Trung Quốc biện minh cho hành vi tàn bạo đối với nhân quyền kéo dài hàng thập niên của mình bằng Thế vận hội Mùa Đông Bắc Kinh sắp tới, các nhà hoạt động nhân quyền cho biết, khi kỳ thế vận hội này dự kiến sẽ khai mạc vào tuần sau.
“Thế giới cần thức tỉnh và nhận ra rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải là bằng hữu của chúng ta,” cầu thủ NBA Enes Kanter Freedom nói trong một cuộc họp báo do Thượng nghị sĩ Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) tổ chức.
“Chính quyền Trung Quốc không đại diện cho các giá trị cốt lõi của Olympic về sự ưu tú, về lòng tôn trọng, về tình hữu nghị,” anh nói, đề cập đến sự đàn áp rộng rãi của chế độ này tại Tân Cương, Hồng Kông, Tây Tạng, sự đe dọa đối với Đài Loan và bên trong chính Trung Quốc. “Họ là một chế độ độc tài tàn bạo.”
Hoa Kỳ đã dẫn đầu một cuộc tẩy chay ngoại giao đối với những gì được mô tả là một chiến dịch diệt chủng ở Tân Cương, bao gồm việc giam giữ hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ, lao động nô lệ, và các hình thức ngược đãi khác. Nhưng anh vận động viên, và những người từng trải qua sự đàn áp của chế độ này, cho rằng chỉ hành động như vậy thôi thì chưa đủ để buộc chế độ chịu trách nhiệm.
“Chúng ta sẽ không để bất cứ ai quên về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc cộng sản,” ông Scott nói khi bắt đầu cuộc họp báo. Ông nói rằng, “Mỗi ngày, chúng ta phải chứng tỏ rằng Hoa Kỳ là một đất nước ủng hộ nhân quyền kiên cường và không nhân nhượng, cũng như không ngại nói ra sự thật và làm mất lòng Tổng Bí thư Tập cùng những kẻ côn đồ trong đảng cộng sản của ông ta,” ông nói, đề cập đến lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Ông Chu Mục Dân (Samuel Chu), người thành lập The Campaign for Hong Kong tại Hoa Kỳ để vận động quyền cho những người dân tại thành phố quê hương mình, cho biết “họ lẽ ra không nên được trao quyền đăng cai thế vận hội này” ngay từ đầu.
Hơn một thập niên trước, chế độ này đã hứa sẽ cải thiện tình hình nhân quyền của mình để đổi lấy việc đăng cai Thế vận hội Mùa Hè 2008. Nhưng những cam kết đó – dù là việc thực hiện tốt hơn quyền tự do báo chí, khoan dung đối với những người bất đồng chính kiến, hay quyền truy cập internet mà không bị kiểm soát – chưa bao giờ trở thành hiện thực, ông Chu lưu ý.
So với Nga, quốc gia đã bị áp đặt lệnh cấm thi đấu bốn năm tại Thế vận hội và các sự kiện thể thao toàn cầu khác từ năm 2019 (sau đó rút ngắn xuống còn 2 năm) do che đậy việc sử dụng doping, những hậu quả này đối với chế độ cộng sản là rất ít, ông Chu nói.
Ông Chu cảnh báo rằng việc Bắc Kinh có thể phá vỡ những cam kết của mình mà không phải chịu hậu quả gì đã dạy cho chế độ này rằng họ có thể tiếp tục lạm dụng mà không bị trừng phạt.
Ông nói thêm: “Việc đăng cai Thế vận hội đã trở thành giải pháp tốt nhất, đã được kiểm chứng cho các chế độ độc tài như Đảng Cộng sản Trung Quốc để biện minh cho tội ác của họ.”
“Nga vì tội sử dụng doping mà bị cấm tham gia Thế vận hội do một chế độ phạm tội diệt chủng tổ chức. Hãy nghĩ mà xem. Nếu lệnh cấm là một hình phạt chính đáng đối với việc sử dụng doping, thì điều gì sẽ là chính đáng đối với tội diệt chủng và đàn áp đối với 13 triệu người dân tộc thiểu số ở quê nhà của người Duy Ngô Nhĩ và 7.5 triệu người Hồng Kông?”
Khi COVID-19 lần đầu tiên bùng phát ở Trung Quốc, chế độ này đã bắt giữ những người chỉ trích cách ứng phó đại dịch của họ và các ký giả công dân đang cố gắng tiết lộ tình hình bùng phát tại thực địa.
Ngôi sao quần vợt Bành Soái (Peng Shuai) đã biến mất khỏi ánh đèn sân khấu trong nhiều tuần sau khi cô tuyên bố bị một lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản tấn công tình dục. Cách Thế vận hội vài tuần, một tòa án Bắc Kinh đã kết án 11 học viên của môn tu luyện tinh thần bị bức hại, Pháp Luân Công, lên đến 8 năm tù vì thực hành đức tin của họ và cung cấp cho The Epoch Times các bản tin về cuộc sống ở Trung Quốc trong những ngày đầu của đại dịch.
Bà Thiệu Lam (Joey Siu), cố vấn chính sách cho tổ chức Hong Kong Watch có trụ sở tại Anh Quốc, cho biết, với các chính sách đàn áp của chế độ tiếp tục không suy giảm, việc tham gia Thế vận hội Bắc Kinh dưới bất cứ hình thức nào đều đồng nghĩa với việc tán đồng với chính sách đàn áp đó.
Bà nói: “Các chính sách xoa dịu dưới bất kỳ hình thức nào sẽ không khác gì việc cho phép Trung Quốc tiếp tục áp bức người dân của chúng tôi, và chiêu mời họ vào sân sau của chúng ta.”
Anh Kanter Freedom, người hay lên tiếng chỉ trích chế độ Trung Quốc, gần đây cũng đã nhận lời mời đến thăm Trung Quốc từ Diêu Minh (Yao Ming), một cựu cầu thủ bóng rổ NBA, hiện là chủ tịch Hiệp hội Bóng rổ Trung Quốc trực thuộc nhà nước, để có “hiểu biết toàn diện hơn” về Bắc Kinh.
Trong một video mà anh chia sẻ trên Twitter, chàng trai 29 tuổi này trả lời rằng anh sẽ thực hiện chuyến đi này vào mùa hè nhưng chỉ khi anh có thể chứng kiến “bộ mặt thật của Trung Quốc”, bao gồm “các trại lao động nô lệ” và “cách chế độ này phá hủy các thi thể sau khi thu hoạch nội tạng của họ.”
Tại cuộc họp báo hôm thứ Hai (24/01), anh khuyến khích các vận động viên sử dụng nền tảng của mình để đấu tranh cho sự nghiệp bảo vệ nhân quyền.
“Tất cả các huy chương vàng trên thế giới mà bạn có thể đạt được [đều] không quan trọng bằng các giá trị của bạn,” anh nói.
Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ – Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền. Quý vị có thể liên lạc với cô tại [email protected].
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: