Câu chuyện tìm đất mai táng và hai lão ông trọng nghĩa khinh lợi
Huyện Vọng Giang ở Thư Châu (nay là Vọng Giang, tỉnh An Huy) có một phú ông tên là Trần Quốc Thụy. Ông dựa vào việc khởi nghiệp tinh luyện quặng sắt, cuối cùng trở nên giàu có. Trần Quốc Thụy muốn tìm chọn một phần mộ địa cho mẫu thân của ông ấy. Sau khi nghe được tin tức này, một số đồ đệ của Thanh Điểu (Thanh Điểu là tên của một phương sĩ thời Lục triều) [1] đã tìm đến, nhưng đáng tiếc những địa điểm họ chọn lại không vừa ý Trần Quốc Thụy.
Vương Sinh ở Kiến Ninh (nay là Kiến Âu, Phúc Kiến) rất nổi tiếng trong việc chọn lựa mộ địa. Trần gia đã mời Vương Sinh đến quan sát. Phải mất hơn một năm, ông mới chọn được một mảnh đất tốt ở một ngôi làng gần đó. Chủ sở hữu mảnh đất đó là Trương Ông.
Cách thức quản lý gia đình của Trần Quốc Thụy rất độc đáo. Hầu hết mọi chuyện trong gia đình ông đều không hỏi han đến, mà tất cả đều giao cho con trai lo liệu. Công tử Trần gia bàn bạc với Vương Sinh cách giành được mảnh đất có phong thủy tốt ấy về tay mình. Vương Sinh nói: “Việc mai táng của Trần gia, mọi người xung quanh trong vòng mấy trăm dặm không ai là không biết. Nếu trực tiếp đến Trương gia nói ra điều này, Trương gia nhất định sẽ yêu cầu thêm tiền, không dễ gì có thể làm hài lòng ông ấy.” Vì vậy, họ bèn tìm một công nhân luyện sắt đang làm thuê và bảo người này đến Trương gia. Anh ta giả vờ nhìn xa xăm, ca ngợi vẻ đẹp của núi rừng, rồi nói với Trương gia rằng: “Chúng tôi luyện sắt nhưng lại thiếu than củi. Nếu chúng tôi xây dựng một lò than nơi đây, thì có thể có được than củi rồi. Không biết ông có đồng ý [bán mảnh đất này] không? Trương Ông không biết đó là lời nói dối, bèn đáp: “Không thành vấn đề.” Vài ngày sau, công tử Trần gia lại tới, mang theo ba vạn quan tiền, ký vào giấy tờ xác nhận. Trần Quốc Thụy lúc này mới đi đến nơi đây để xem, ông vừa nhìn đã vô cùng hài lòng. Tiếp đó, họ cho xây dựng tường vách, nhà cửa. Trải qua ba tháng, khi công việc chuẩn bị đã hoàn tất, thì mẫu thân của Trần Quốc Thụy được an táng tại đó.
Năm sau, vào dịp Tết Thanh Minh, Trần gia đến mộ địa để tảo mộ, công tử Trần gia và Vương Sinh đều đến. Trần Quốc Thụy đột nhiên hỏi con trai: “Ngọn núi này mua từ gia đình nào? Con mua bao nhiêu tiền?”. Con trai của ông đã thuật lại câu chuyện năm ấy. Trần Quốc Thụy lại hỏi Vương Sinh: “Giả sử nếu không dùng mưu kế để có được mảnh đất này, thì cần phải mua với giá bao nhiêu tiền?”. Vương Sinh đáp: “Dựa theo ước phỏng giá cả hiện tại, thì giá rẻ nhất cũng phải là 30 vạn.”
Trần Quốc Thụy nghe xong, thì không nói gì. Ông vội vàng quay trở về nhà, ra lệnh cho mọi người mua những đồ dùng cần thiết cho bữa tiệc, sau đó phi ngựa đến trước nhà Trương gia để gặp mặt Trương Ông. Ông lại còn mời Trương Ông đến ở nhà của mình. Thoáng chốc trôi qua vài tháng liền, họ cùng nhau uống rượu ngon và thưởng thức những món ăn mỹ vị, nhưng một câu cũng không nói. Trương Ông tính thử thời gian ở nơi đây đã lâu, bèn nói lời tạm biệt với Trần Quốc Thụy.
Trần Quốc Thụy mời Trương Ông đến sảnh chính tổ chức tiệc chia tay. Sau năm tuần rượu, ông dùng một chiếc xe nhỏ có ba trăm chuỗi tiền và đặt nó ở bên trái Trương Ông. Trần Quốc Thụy còn chất đầy lụa là vào trong giỏ tre, dùng “giả” (một loại bình đựng rượu vào thời cổ đại, làm bằng đồng, có ba chân, hai cột, miệng tròn và đáy phẳng) đổ đầy rượu, nói với Trương Ông rằng: “Tôi đã mai táng mẫu thân tôi, người ta nói số tiền đưa cho ông quá ít ỏi, xin hãy dùng số tiền này xem như là mừng thọ ông nhé.”
Trương Ông ngạc nhiên nói: “Sau này tất cả cây cối trên núi của tôi đều sẽ bị đốn hạ. Nếu tôi bán ra chợ, số tiền thu được cũng không quá một ngàn. Ba vạn nhà ông đưa trước đó là đủ rồi. Số tiền và vật phẩm này thật sự tôi không dám nhận!”
Trần Quốc Thụy đáp: “Không được, mảnh đất mà tôi mua để mai táng mẫu thân nên phân minh rạch ròi. [Con trai tôi] nói dối là để luyện sắt là quá sai trái rồi. Nó nhất thời tham muốn lợi lộc nên đã lừa dối ông. Người ta nói khu đất trên núi của ông đáng giá rất nhiều tiền, tôi chỉ là đưa ông đúng bấy nhiêu đó thôi. Ông làm như vậy chỉ khiến con trai tôi cảm thấy hổ thẹn thêm vì đã chăm chăm vào lợi ích bản thân và đánh mất đi chính nghĩa.”
Trương Ông vẫn khước từ không nhận. Ông nói: “Lúc đó tôi đã đồng ý rồi. Tiền mà con trai ông đưa cho tôi cũng rất nhiều. Ông muốn làm một người quân tử, lão phu tôi tuy chỉ là kẻ thấp kém, nhưng sao có thể nhận những tài vật bất chính như thế này chứ?” Trần Quốc Thụy rất muốn đưa tiền và vật phẩm cho Trương gia nhưng không thể làm gì khác. Còn phía Trương Ông kiên quyết không nhận, còn tức giận phẩy tay áo bỏ đi.
Sau khi Trương Ông rời đi, Trần Quốc Thụy nổi giận nói với con trai rằng: “Tất cả đều tại con, con hãy đem những món đồ này đưa đến Trương gia cho ta!” Công tử Trương gia không còn cách nào khác, chỉ đành lén lút tìm đến con trai của Trương Ông, đưa những món đồ đó cho anh ta, còn Trương Ông không hề hay biết chuyện gì.
Ôi! Người đời đều cho rằng lợi ích vật chất trước mắt là nguyên tắc trong giao tiếp. Họ thường sẽ vì một chút tiền tài mà tranh đấu cho đến lúc mất đi vẫn không hề hối hận. Nhưng đối với hành động của Trần Quốc Thụy và Trương Ông, liệu những người đó có cảm thấy hổ thẹn chút nào hay không?
Câu chuyện về ‘Sự ứng nghiệm thần kỳ của thuật phong thủy’
Tằng tổ phụ (ông cố) của Ngô Bỉnh là Ngô Ông ở huyện Toàn Tiêu (nay thuộc thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy) mời thầy phong thủy ở Phúc Kiến tên là Giản Nghiêu Pha chọn một mảnh đất mộ địa có phong thủy tốt cho phụ thân ông ấy. Thầy phong thủy họ Giản tìm kiếm ba năm nhưng vẫn không thể tìm thấy được nơi nào tốt. Ông chuẩn bị nói lời cáo từ và quay về nhà, thế nhưng Ngô Ông cố gắng hết sức để giữ thầy Giản ở lại.
Một ngày nọ, Ngô Ông và thầy phong thủy cùng nhau đi đến núi Mai Hoa. Họ gặp phải trận tuyết lớn trên núi, nên đã cùng nhau uống rượu ở tửu lầu Trần gia. Khi đó, Giản Nghiêu Pha đang tựa vào ngưỡng cửa nhìn về phương xa. Đột nhiên, ông dường như phát hiện ra điều gì đó. Ông ngừng uống rượu và bật người đứng dậy, nói với Ngô Ông rằng: “Tôi đã tìm kiếm mảnh đất ấy khắp nơi, trải qua gần ba năm rồi nhưng vẫn chưa tìm thấy, không ngờ lại ngẫu nhiên tìm thấy ở đây.” Thế là, hai người cùng nhau đi bộ hơn ba dặm để đến nơi đó. Thầy phong thủy họ Giản xem xét mảnh đất kỹ lưỡng một hồi lâu, rồi nói: “Chính là nơi này.”
Sau khi tuyết ngừng rơi, trời tạnh ráo, hai người lại đi xem kỹ lần nữa. Thầy phong thủy họ Giản nói với Ngô Ông: “Đây đúng là mảnh đất tốt lành mà trời ban tặng. Thế nhưng sau khi mai táng ở đây, ông và con trai của ông sẽ không thể phát tài, phải đợi đến đời cháu trai mới có thể gặp đại phát. Một khi phát tài, thì huynh đệ trong nhà sẽ đồng thời đỗ đạt thi cử. Bởi vì hai bên nơi này có những đỉnh núi tuyệt đẹp, nên chắc chắn sẽ có người thi đậu khoa cử. Nhưng vì núi hơi nghiêng lệch, nên không thể đỗ trạng nguyên, mà chỉ đỗ được hạng hai, hạng ba. Và không những kéo dài trong một đời, mà trong nhiều đời.”
Ngô Ông an táng phụ thân theo chỉ điểm của thầy phong thủy. Sau này, quả nhiên con cháu của ông được đại phát. Đầu tiên là Ngô Quốc Đỉnh thi đậu tiến sĩ vào năm Quý Mùi (năm 1643) thời Sùng Trinh Đế, sau đó là Ngô Quốc Tấn thi đậu tiến sĩ vào năm Kỷ Sửu (năm 1649) thời Thuận Trị Đế. Ngô Quốc Đối và Ngô Quốc Long là hai huynh đệ song sinh. Quốc Đối đỗ thám hoa và Quốc Long đậu tiến sĩ. Đến thời của Ngô Bỉnh, hai huynh đệ cũng lần lượt đậu tiến sĩ. Ngô Bỉnh thi đậu bảng nhãn. Thuật phong thủy của Giản Nghiêu Pha thực sự thần kỳ.
Chú thích [1]: Tương truyền Thanh Điểu rất giỏi thuật xem đất an táng. Ông trước tác cuốn “Tương trũng thư”, và được hậu thế trong giới xem phong thủy tôn làm tổ sư.