Câu chuyện thành ngữ: Tự tương mâu thuẫn
Thành ngữ “Tự tương mâu thuẫn” có ý ví von một người có hành vi và lời nói trước sau bất nhất. Thành ngữ liên quan: “Điên tam đảo tứ” (rối bòng bong )
Trong một khu chợ ồn ào náo nhiệt, khắp nơi đều là những âm thanh la hét gào thét và tiếng cò kè mặc cả. Lúc này, một giọng nói lớn vang lên: “Mọi người, mọi người đã nhìn thấy chưa? Cây mâu ở trong tay của tôi là cây mâu sắc bén nhất trên thế giới. Nó có thể đâm xuyên bất cứ thứ gì”.
Đám đông vây lại xem náo nhiệt, một vài người bán tín bán nghi cầm cây mâu lên xem, sau đó lại thì thầm bàn luận với nhau.
Một lúc sau, người đàn ông lại lớn tiếng rao lên rằng: “Mọi người khoan hãy vội nhìn cây mâu, chiếc thuẫn ở trong tay của tôi đây càng hiếm thấy hơn nữa, bất kỳ vật sắc nhọn nào cũng không thể đâm xuyên qua nó được”.
Đám đông nghe thấy những lời của anh ta xong thì cảm thấy rất hiếu kỳ, họ lần lượt cầm mâu và thuẫn trước mặt lên cẩn thận so sánh, có người còn chuẩn bị móc tiền ra để mua hai bảo vật thế gian hiếm thấy này.
Lúc này, trong đám đông đột nhiên có một đứa bé tóc thắt bím ngây thơ hỏi: ” Chú ơi, cây mâu này của chú có phải là thứ sắc bén nhất trong thiên hạ này không?”. Người đàn ông gật đầu một cách đầy thần bí và đáp: “Đúng vậy!”
Đứa bé lại hỏi tiếp: “Vậy tấm thuẫn này của chú là thứ kiên cố nhất trong thiên hạ này đúng không?”. Người đàn ông vẫn đáp: “Đúng vậy!”
Đứa bé nghiêng đầu chớp mắt với bộ dạng khó hiểu rồi tiếp tục hỏi: “Vậy kết quả sẽ như thế nào nếu dùng vật sắc bén nhất trong thiên hạ đâm vào vật cứng nhất trong thiên hạ?”
Đám đông đột nhiên cười phá lên, người đàn ông ngay lúc đó bỗng cứng họng không nói được lời nào, hắn đỏ mặt tía tai rồi nhân lúc mọi người đang cười nghiêng ngả mà chuồn mất
Đây là câu chuyện được kể bởi Hàn Phi Tử thời Chiến Quốc, sau này chúng ta dùng “Tự tương mâu thuẫn” để hình dung một người có hành vi lời nói trước sau không đồng nhất.
Trích từ “Văn học vỡ lòng cho trẻ em” của nhà sách Hoa Nhất
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ EpochTimes Hoa ngữ