Câu chuyện Phật gia: Đại Ca Diếp xuất gia làm tăng
Trong số những đệ tử của Đức Phật, tôn giả Đại Ca Diếp được công nhận là bậc Tăng khổ hạnh. Ngài thuở nhỏ đã đơn độc một mình, thông minh hiểu chuyện hơn người. Tuy xuất thân trong gia đình giàu có, nhưng lại không hề quen với cuộc sống xa hoa.
Ngày tháng thoi đưa, Đại Ca Diếp là một chàng thanh niên anh tuấn, ngài tài mạo xuất chúng, do vậy mà được rất nhiều các cô gái ngưỡng mộ, phụ mẫu cũng rất yêu thương ngài, rất muốn ngài cưới một cô gái vừa xinh đẹp lại vừa môn đăng hộ đối làm vợ, Đại Ca Diếp sau khi biết điều này thì thoái thác hết lần này đến lần khác.
Bởi trong lòng ngài chỉ muốn tu hành, lấy vợ sẽ ngăn trở việc ngài thực hiện nguyện vọng của mình. Nhưng phụ mẫu không đồng ý, và liên tục thúc giục, thậm chí đến mức họ đã chuẩn bị chiêu thân cho ngài bất chấp ngài có đồng ý hay không.
Trong tình huống không còn cách nào từ chối, Đại Ca Diếp đã nghĩ ra một cách, ngài vẽ một bức tranh, người trong bức tranh giống hệt với cô gái xuất hiện trong cảnh tượng mà ngài đã nhìn thấy trong lúc đả tọa, vừa xinh đẹp lại vừa từ bi trang nghiêm.
Ngài đưa bức tranh cho phụ mẫu rồi nói: “Nếu nhất định muốn con phải thành thân thì trừ khi tìm được cô gái giống hệt trong bức tranh, nếu không thì con nguyện độc thân suốt đời”.
Phụ mẫu nghe xong thì rất đau đầu, liền tìm đến bạn bè để thương lượng, kết quả là họ đi nói với tất cả bạn bè người thân rằng, phàm là quen biết, nghe nói hoặc biết được nhà nào có thiếu nữ xinh đẹp thì đều có thể xem bức tranh này, chỉ cần có thiếu nữ nào xinh đẹp tựa như trong bức tranh vẽ thì sẽ cưới về làm vợ Đại Ca Diếp.
Trùng hợp thay, ở thành Tỳ Xá Li có một gia đình phú hào nọ, có một cô con gái xinh đẹp tựa tiên nữ, tên gọi là Diệu Hiền, khi gia đình phú hào này nhìn thấy người trên bức tranh giống hệt với con gái của mình thì liền nhờ người chuyển lời đến phụ mẫu của Đại Ca Diếp, rằng con gái mình chính là người trong bức tranh.
Do vậy, hai nhà ngay lập tức hứa hôn, ngày cưới vừa định xong thì tân nương đã được rước về nhà. Tuy nhiên, vào đêm tân hôn, người đẹp thân mặc áo gấm, người đeo chuỗi ngọc nhưng khuôn mặt đầy vẻ âu sầu, Đại Ca Diếp trong lòng cũng tâm sự trùng trùng không nói lời nào.
Cuối cùng, lúc bình minh dần dần ló dạng, Đại Ca Diếp đã phá vỡ sự trầm mặc bằng cách lên tiếng hỏi: “Nàng có tâm sự gì chăng?”
Diệu Hiền đáp rằng: “Hạnh phúc của tôi đã bị chàng hủy hoại rồi”
Đại Ca Diếp ngạc nhiên hỏi: “Lẽ nào trong lòng nàng đã có người khác?”
“Không, điều chàng hủy hoại chính là nguyện vọng của tôi”, Diệu Hiền rơi nước mắt.
“Ta rốt cuộc đã làm sai điều gì, xin nàng giải thích rõ được không?” Đại Ca Diếp lại hỏi.
“Tôi một lòng chỉ muốn thanh tịnh tu hành, từ bỏ ngũ dục, thoát li nguồn gốc của mọi sự đau khổ, nhưng phụ mẫu tôi để ý đến của cải nhà chàng, nên không quan tâm đến nguyện vọng của tôi, do vậy mà hủy hoại tôi”, Diệu Hiền nói một cách đau khổ.
Đại Ca Diếp nghe xong thì hết sức vui mừng, ngài cũng không muốn thành thân, bất đắc dĩ bị phụ mẫu ép buộc mà thôi, ngài cũng cảm nhận sâu sắc nỗi khổ của thế gian đều bởi do sự ràng buộc của dục vọng, chán ghét ngũ dục, nguyện thanh tịnh tu hành.
Do đó, họ quyết định theo chí nguyện của bản thân, trên danh nghĩa tuy là phu thê, nhưng thực tế lại là đồng tu.
Hai chiếc giường đặt trong phòng rất mau chóng đã bị phụ mẫu phát hiện, sau đó họ sai người dở bỏ đi một cái.
Đại Ca Diếp nói với Diệu Hiền rằng: “Chúng ta lần lượt thay nhau ngủ và đả tọa. Điều này không phải càng tốt cho việc tu hành sao? Phụ mẫu thật ra chính là đang đốc thúc chúng ta tinh tấn tu trì!”
Diệu Hiền nghe xong cũng cảm thấy rất vui thích, hai người họ liền làm theo lời kiến nghị của Đại Ca Diếp.
Một đêm nọ, Diệu Hiền đang lúc nằm ngủ trên giường, Đại Ca Diếp vừa mới đả tọa xong thì trông thấy trước giường có một con rắn độc, đúng lúc tay của Diệu Hiền đang đặt bên ngoài giường, ở vị trí rất gần con rắn, Đại Ca Diếp rất lo lắng, nhanh chóng dùng y phục quấn lấy tay mình, rồi nhẹ nhàng đặt tay của Diệu Hiền trở lại giường. Hành động này đã đánh thức Diệu Hiền lúc này đang trong giấc mộng, nàng có đôi chút tức giận hỏi: “Xảy ra chuyện gì vậy?”, sau khi nghe Đại Ca Diếp giải thích, nàng mới yên tâm, đồng thời cũng cảm thấy có lỗi vì sự hiểu lầm lúc nãy của mình với Đại Ca Diếp.
Hai người họ cứ như vậy trải qua suốt 12 năm, tận đến khi phụ mẫu qua đời.
Đại Ca Diếp nói với Diệu Hiền rằng: “Nay ta quyết định xuất gia, nàng ở nơi này đợi ta, đợi đến lúc ta tìm được một vị thầy chân chính hiền minh, lúc đó sẽ đón nàng cùng xuất gia” .
Sau khi Đại Ca Diếp ra đi, ngài tầm sư vất vả, cho đến khi gặp được Đức Phật, bị cảm hóa bởi uy đức của Đức Phật, ngài tiếp nhận lời chỉ dạy và quy y với Đức Phật.
Tuy nhiên, trong giáo đoàn của Đức Phật thời kì đầu không có người nữ, vì vậy Đại Ca Diếp không cách nào đón Diệu Hiền đến cùng xuất gia được.
Lại nói về Diệu Hiền ở nhà đợi tin tức của chồng, 1-2 năm mà Đại Ca Diếp vẫn bặt vô âm tín, nàng quyết định đem của cải tài sản phân phát cho mọi người, rồi tự mình đi đến bờ sông Hằng, bái ngoại đạo ở đó làm thầy.
Về sau, Đức Phật cho phép người nữ xuất gia, thành lập giáo đoàn Tỳ kheo ni, Đại Ca Diếp thông qua sự đồng ý của Đức Phật, ngài đón Diệu Hiền gia nhập vào giáo đoàn Tỳ kheo ni.
Nhưng bởi vì dung mạo xinh đẹp hơn người của nàng, do đó thường trở thành đối tượng bị người khác đố kị và nói xấu. Diệu Hiền cảm thán về khuyết điểm sinh ra làm thân nữ, trong lúc khất thực thường tách khỏi đại chúng, không lộ diện nơi đám đông. Như vậy cũng không tránh được việc bị người bịa đặt đàm tiếu, nàng do đó cảm thấy vô cùng xấu hổ, nên không tiếp tục đi khất thực nữa.
Đại Ca Diếp thương xót nàng, bèn cầu xin sự đồng ý của Đức Phật, mỗi ngày phân cho nàng một nửa phần thức ăn mà mình xin được.
Việc này lại dẫn đến những lời nghị luận khác, “nghe nói bọn họ ở nhà đã thành thân được 12 năm, chưa từng ngủ cùng giường, nhưng hiện nay xuất gia tu hành thì lại tư tình ở nơi này…”
Tôn giả Đại Ca Diếp sau khi nghe những lời này, trong tâm vẫn không hề có sự giao động, nhưng vì để khích lệ sự nỗ lực tu hành của Diệu Hiền, ngài ngưng việc phân thức ăn cho nàng, và không tiếp tục gặp mặt nữa.
Diệu Hiền trải qua bước ngoặt lần này, thì vô cùng siêng năng tu hành, ngày đêm không ngủ, chánh ý tu hành, ngày càng siêng năng tinh tấn, cuối cùng đạt đến khai ngộ.
Về sau, Đức Phật khen ngợi nàng rằng: “Trong các Tỳ kheo ni, thì túc mệnh thông của Diệu Hiền là cao nhất”.
Con người cho rằng hạnh phúc trên thế gian này chính là đạt được sự thỏa mãn dục vọng, thật ra, trong mắt của người có trí huệ thì người khổ nhất chính là những người cho rằng có thể thỏa mãn được dục vọng ấy, đó là căn nguyên của mọi đau khổ.
Do Quả Chính thực hiện
Oanh Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bảo gốc từ EpochTimes Hoa Ngữ