Cáo buộc của Bành Soái hé lộ nội tình của chính quyền Trung Quốc
Cáo buộc chưa từng có về tấn công tình dục chống lại một trong những cựu lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng Sản có thể gây ra những ảnh hưởng sâu rộng ngoài làn sóng phẫn nộ của quốc tế về cách Bắc Kinh đối xử với ngôi sao quần vợt.
Đã nhiều tuần trôi qua kể từ khi nhà vô địch quần vợt nữ Trung Quốc Bành Soái (Peng Shuai) cáo buộc ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) – cựu phó thủ tướng nước này – ép cô quan hệ tình dục trong khi họ duy trì một mối tình thất thường, nhưng vụ bê bối này vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Theo cô Bành, 35 tuổi, người đã đăng cáo buộc của mình hôm 02/11 lên mạng xã hội giống Twitter của Trung Quốc là Weibo, cô và ông Trương 75 tuổi đã bắt đầu vãng lai và đồng ý tư thông hơn một thập niên về trước. Nhưng khi họ tái hợp sau khi ông này về hưu vào năm 2018, ông ta đã lợi dụng cô Bành.
“Nếu ông chưa bao giờ có ý định chịu trách nhiệm, tại sao ông lại quay lại với tôi [và] đưa tôi về nhà ông…” cô Bành viết, nói thêm rằng vợ của ông Trương là bà Khang Khiết (Kang Jie) đã giúp “trông chừng” cho ông ta bên ngoài phòng ngủ.
“Chiều hôm đó, tôi không đồng ý và cứ khóc mãi,” bài đăng trên Weibo của cô Bành cho biết.
Mặc dù tiếp tục cuộc tình vì “còn tình cảm” với ông Trương — trước đó, cô Bành đã tỏ ra không hài lòng với mối quan hệ mà cô không có địa vị gì trong đó và thường xuyên bị vợ ông Trương là bà Khang quát mắng. Bị bộ máy kiểm duyệt xóa khoảng 10 phút sau khi đăng tải, bài đăng của cô Bành cho thấy cô đã quyết định công khai câu chuyện của mình sau khi tranh cãi với ông Trương hồi cuối tháng 10/2021.
Sau đó, cô Bành đã không xuất hiện trước công chúng trong gần ba tuần, và mới xuất hiện trở lại gần đây thông qua một cuộc gọi video.
Ông Trương từng là phó thủ tướng cao cấp của Trung Quốc từ năm 2013 đến năm 2018, đồng thời trong thời gian đó cũng đảm nhiệm một chức vụ trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gồm bảy người – cơ quan ra quyết định quyền lực nhất của Đảng. Nhiều nhà quan sát đã lưu ý rằng cáo buộc công khai của cô Bành là một hành động chưa từng có của một cư dân Trung Quốc đại lục đối với một nhà lãnh đạo hàng đầu của Đảng đã về hưu.
“Ngay cả khi việc này như lấy trứng chọi đá, và rước lấy việc tự hủy hoại mình như một con thiêu thân lao vào ngọn lửa, tôi sẽ nói sự thật về ông,” cô viết.
Việc giao tiếp bị kiểm soát
Các chính phủ và tổ chức thể thao ngoại quốc đã nghi ngờ về sự bảo đảm của Bắc Kinh rằng cô Bành vẫn an toàn sau khi ngôi sao này biến mất trước ánh nhìn của công chúng.
Hôm 27/11, một phát ngôn viên của Hiệp hội Quần vợt Nữ (WTA) tuyên bố rằng “WTA vẫn lo ngại về khả năng giao tiếp tự do, cởi mở, và trực tiếp của cô ấy” vì “rõ ràng là những hồi âm của cô [dành cho hai email] đã bị người khác chi phối.”
Tính xác thực của các bức ảnh và video do Bắc Kinh và truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố để cho thấy vận động viên ba lần tham dự Olympic này vẫn hoạt động và tự do cũng đã bị đưa vào vòng nghi vấn.
Một phát ngôn viên của WTA cho biết trong một email, “Thật vui khi thấy cô Bành Soái trong các video gần đây, nhưng chúng không làm giảm bớt hoặc giải quyết mối lo ngại của WTA về tình trạng sức khỏe và khả năng giao tiếp của cô ấy mà không bị kiểm duyệt hay uy hiếp.”
Ông Steve Simon, chủ tịch của WTA, đã xem xét kỹ lưỡng một cuộc gọi kéo dài nửa giờ hôm 21/11, trong đó cô Bành nói với Ủy ban Olympic Quốc tế rằng cô vẫn an toàn và đang ở nhà tại Bắc Kinh. Quyết định của IOC về việc tổ chức cuộc gọi mặc dù không thể xác nhận liệu cô Bành có được tự do nói chuyện hay không đã vấp phải chỉ trích.
Trước đó, hôm 17/11, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) do nhà nước điều hành đã đưa tin về một email được cho là của cô Bành gửi cho ông Simon, rút lại cáo buộc tấn công tình dục của cô đối với ông Trương.
Chính quyền Trung Quốc đang chuẩn bị để đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2022, sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng Hai tới. Tuy nhiên, sự kiện sắp tới đã gây ra nhiều tranh cãi ngay cả trước trước khi cô Bành đăng cáo buộc hồi hồi đầu tháng 11, với sự tức giận ngày càng tăng của [cộng đồng] quốc tế đối với các hành vi vi phạm nhân quyền, các mối đe dọa quân sự, chính sách ngoại giao khoa trương, và việc che đậy sự bùng phát COVID-19 đã góp phần khiến đại dịch lây lan của ĐCSTQ.
Hôm 18/11, Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên rằng ông đang cân nhắc việc tẩy chay ngoại giao Thế vận hội. Hành động này sẽ cho phép các vận động viên Hoa Kỳ tham gia tranh tài tại Thế vận hội, nhưng cấm các quan chức tham dự.
Ngôi sao NBA Enes Kanter, người gần đây đã yêu cầu ĐCSTQ “ngừng sát nhân để lấy nội tạng”, đã kêu gọi IOC dời Thế vận hội khỏi Bắc Kinh để biểu tình cho cô Bành. Anh viết trên tờ Wall Street Journal hôm 21/11 rằng “tất cả các huy chương vàng trên thế giới không đáng để bán các giá trị và nguyên tắc đạo đức của quý vị cho Đảng Cộng Sản Trung Quốc.”
Những hậu quả chính trị
Ở Trung Quốc, cáo buộc nhắm vào ông Trương Cao Lệ thể hiện một sự quở trách công khai hiếm hoi đối với một quan chức đứng đầu Đảng Cộng Sản, dù đã về hưu hay vẫn đang tại vị. Tuy nhiên, danh tiếng của cô Bành và Thế vận hội sắp diễn ra đã khiến Bắc Kinh rơi vào tình thế khó khăn.
Theo ông Jonathan Sullivan, Giám đốc Học viện Chính sách Trung Quốc tại Đại học Nottingham, Trung Cộng sẽ không “muốn thảm họa PR quốc tế này xảy ra ngay trước thềm một kỳ Thế vận hội mà có vẻ như kiểu gì cũng sẽ phức tạp.”
Trả lời phỏng vấn của Financial Times, ông Sullivan cũng chỉ ra rằng có thể có “‘các yếu tố chính trị’ đang chi phối” mà sẽ làm giảm tầm quan trọng của “khía cạnh quan hệ công chúng” so với môi trường chính trị nội bộ bên trong nhà cầm quyền này.
Ông Trương đã được ghi nhận về công lao cải cách nền kinh tế Trung Quốc khi ông làm việc ở các tỉnh quan trọng, bao gồm Quảng Đông ở phía nam và Sơn Đông ở phía đông, trước khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo Đảng của siêu đô thị Thiên Tân năm 2007 và sau đó được đề bạt vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng xác định ông Trương là một cộng sự của cựu lãnh đạo Đảng Giang Trạch Dân, người mà học giả Lý Thành (Cheng Li) của Viện Brookings Trung Quốc mô tả là một “điểm thống nhất” quan trọng cho sự phản đối bên trong nội bộ đối với lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm Tập Cận Bình, theo một bản tin của Financial Times hôm 26/11.
Ông Thành lưu ý thêm về các mối quan hệ kinh doanh của ông Trương và gọi ông là người bảo trợ chính cho ông Tăng Khánh Hồng (Zeng Qinghong), cựu phó chủ tịch Trung Quốc, người được nhiều người coi là đứng thứ hai sau ông Giang trong một phe phái xung quanh hai nhà lãnh đạo đã về hưu này.
Cercius Group, một công ty tư vấn có trụ sở tại Montreal, đã gọi ông Trương là “Giang phái thuần tuý” – thuật ngữ tiếng Trung phổ thông cho “phe cánh của ông Giang”.
Bản tin của Financial Times dẫn lời Cercius cho biết, “ông Trương chưa bao giờ được cho là đồng minh của ông Tập trong lĩnh vực học thuật về văn học tinh hoa Trung Quốc, cũng như trong văn học tinh hoa Trung Quốc của Đài Loan, hay thậm chí trong giới phân tích ở Hồng Kông.”
Việc Bắc Kinh đối xử với cô Bành có thể là một vấn đề của các quy tắc chế độ: “Tất nhiên, quý vị phải giải phóng bộ máy kiểm duyệt để chứng tỏ rằng chúng tôi đang bảo hộ người của mình,” Cercius cho biết. “Nhưng trên thực tế, giờ đây ông Tập đã có vị thế để trừng phạt ông Trương nếu ông ta muốn.”
Một cuộc điều tra hoặc xét xử ông Trương tiềm năng sẽ thể hiện một bước leo thang mới trong chiến dịch chống tham nhũng kéo dài chín năm của ông Tập. Mặc dù hàng ngàn quan chức cao cấp đã bị hạ bệ kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, nhưng cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị duy nhất bị thanh trừng cho đến nay là ông Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang), người từng kiểm soát tổ chức ĐCSTQ giám sát tất cả các lực lượng tư pháp và an ninh Trung Quốc. Ông Chu hiện đang thụ án chung thân trong tù.
Ông Leon Wright là một cộng tác viên tự do cho The Epoch Times. Ông chuyên đưa tin về chính trị, văn hóa, và các vấn đề thời sự của Trung Quốc.
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: