Cảnh báo của Tocqueville: Khi nền dân chủ tha hóa thành chuyên chế
Ở phần cuối tác phẩm nổi tiếng “Nền dân trị Hoa Kỳ” (Democracy in America), xuất bản năm 1835, tác giả người Pháp, Alexis de Tocqueville, đã đưa ra “lời tiên tri” kinh ngạc về việc thể chế dân chủ có thể dễ dàng trở thành chế độ chuyên chế, điều này chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Sau gần hai thế kỷ, “lời tiên tri” của ông tuy chưa xảy ra nhưng càng ngày càng đến gần hơn với sự ứng nghiệm.
“Lời tiên tri” được tác giả mở đầu với lời khẳng định chắc chắn:
“Tôi đã lưu ý tại tiểu bang của mình ở Hoa Kỳ rằng, một nhà nước xã hội dân chủ như mô hình của Hoa Kỳ có thể tự thiết lập chế độ chuyên quyền một cách dễ dàng khác thường… Nếu chế độ chuyên quyền được thiết lập trong các nền dân chủ ngày nay, nó có thể sẽ mang một đặc điểm khác, phổ biến hơn và tốt đẹp hơn. Nó sẽ hạ thấp phẩm giá của con người mà không làm họ đau đớn”.
Tự do là một khái niệm thông thường trong tư tưởng và trong lối nói khoa trương của người Hoa Kỳ, đến nỗi ý tưởng Hoa Kỳ có thể trở nên độc tài “một cách dễ dàng đến bất thường” khiến chúng ta không khỏi nghi ngờ. Làm thế nào nó xảy ra được? Tocqueville giải thích như thế nào?
Ông mô tả một xã hội chìm đắm trong sự phồn vinh và xa hoa chưa từng thấy kể từ khởi nguyên của thế giới. Nhưng đồng thời, một lượng lớn công dân “không ngừng tìm kiếm trở lại những thú vui tầm thường, thô tục lấp đầy tâm hồn họ”. Con người gần như được phân tán thành những phần nhỏ và hoàn toàn tách biệt so với phần còn lại. “Con người chỉ tồn tại trong chính mình và cho chính mình”, Tocqueville dự đoán.
Phân chia xã hội thành từng phần nhỏ: đã xảy ra.
Bao trùm sự tán nhỏ này là “một sức mạnh to lớn, bảo vệ, và chỉ có mình chính phủ chịu trách nhiệm chăm lo cho những thú vui và kiểm soát số phận của người dân.” Tocqueville mô tả quyền lực này (chính phủ) là một kiểu chế độ phụ hệ ngược. Xét cho cùng, những người cha đã tìm cách “chuẩn bị cho con trai trở thành người đàn ông.” Nhưng chính phủ này “chỉ tìm cách giữ họ [các công dân] mãi mãi sống trong thời thơ ấu”.
Thiếu sự chín chắn và gia tăng tính trẻ con: đã xảy ra.
Bạn thấy đấy, đây là xã hội của các trò tiêu khiển. Tinh thần cốt lõi của nó đã biến mất. Tocqueville tuyên bố: “Chính phủ muốn công dân của mình tận hưởng cuộc sống và chỉ nghĩ tới niềm vui. Nhưng có một điều kiện: Chính phủ sẵn sàng vận hành vì hạnh phúc của công dân, nhưng mong muốn trở thành nhà cung cấp và đưa ra quyết định duy nhất”. Chính phủ cung cấp và thậm chí dự đoán nhu cầu của công dân, bảo đảm sự hài lòng và định hướng ngành công nghiệp cho họ. Bằng ngôn từ thú vị đến đặc biệt, Tocqueville cho rằng mục đích cuối cùng của chính phủ là “loại bỏ hoàn toàn những phiền muộn trong suy nghĩ và những rắc rối trong cuộc sống của người dân”.
Trí tuệ giảm sút và trở nên hời hợt hơn: đã xảy ra.
Kết quả cuối cùng là quyền tự do lựa chọn thường nhật ngày càng bị hạn chế, ngày này qua ngày khác, khi nhà nước “dần dần loại bỏ quyền tự chủ đối với mỗi công dân”.
Tocqueville cũng thấy trước một xã hội tràn ngập các luật lệ, quy tắc và quy định quản lý mọi vấn đề chi tiết trong cuộc sống ngay cả khi cuộc đấu tranh đầy tham vọng và mạo hiểm để phá vỡ nó diễn ra. Tấm chắn quy định này “không phá vỡ ý chí của đàn ông nhưng nó làm mềm, uốn cong và kiểm soát họ… Chính phủ không chuyên chế nhưng ức chế, đàn áp, rút cạn, bóp nghẹt, tiêu hao nhiều công sức đến nỗi cuối cùng mỗi quốc gia chỉ còn lại bầy cừu nhút nhát và chăm chỉ với chính phủ, còn chính phủ như những người chăn cừu”.
Các quy định kinh tế ngặt nghèo: đã xảy ra.
Một hệ thống như vậy dường như đối lập với chế độ dân chủ. Nhưng trớ trêu thay, chính nguyên tắc dân chủ lại dẫn đến điều đó. Tocqueville quan sát những công dân tương lai này, “họ tìm được sự an ủi từ việc bị giám sát, bởi suy nghĩ rằng họ đã chọn ra được người giám sát mình”. Nói cách khác, có vẻ như họ đã lựa chọn chính phủ thông qua lá phiếu bầu của mình, nên họ không sợ chính phủ xâm phạm quyền tự do. Rốt cuộc, chính phủ là một sinh vật do chính họ tạo ra.
Nhưng Tocqueville cảm thấy sự việc diễn ra theo điều ngược lại. Một chính phủ như vậy, dần dần sẽ biến người dân thành sinh vật của chính phủ, thay vì là một sinh vật của người dân. Những quy định của chính phủ đối với mọi khía cạnh của cuộc sống “dần dần xóa mờ tâm trí của người dân và làm suy yếu tinh thần của họ”. Kết quả, người dân ngày càng ủy quyền nhiều hơn cho chính phủ trong việc lựa chọn cách sống cho mình. Thậm chí, người dân bắt đầu dựa vào phán quyết và sự cung cấp của chính phủ nhiều hơn dựa vào chính họ.
Vâng, người dân vẫn được duy trì quyền bầu cử. Nhưng, với câu nói được cho là sâu sắc nhất trong toàn bộ sự nghiệp của mình, Tocqueville đã nhận xét:
“Quả là khó tưởng tượng, làm thế nào những người đàn ông hoàn toàn từ bỏ thói quen tự trị, có thể lựa chọn thành công những người làm điều đó cho họ, và sẽ không ai tin rằng, một chính phủ tự do, đầy sinh lực và thận trọng có thể xuất hiện từ cuộc bầu cử của một quốc gia toàn những bầy tôi trung thành”.
Nói cách khác, một quốc gia gồm những cá nhân không thể tự quản lý mình, thì cũng sẽ không thể chọn ra người cai quản mình một cách khôn ngoan. Họ không còn biết thế nào là tự do, đạo đức và không biết đưa ra quyết định sáng suốt. Do đó, việc duy trì những tấm phiếu bầu không mang lại nhiều lợi ích cho họ, vì chắc chắn rằng, chính phủ mà họ nhào nặn ra đang bắt đầu nhào nặn lại chính họ.
Sự phụ thuộc chưa từng có vào chính phủ trong cuộc sống hàng ngày: đã xảy ra.
Thật kỳ lạ, Tocqueville dự đoán sự gia tăng của những kẻ mị dân, những người này cho rằng “họ nhận ra sự khiếm khuyết liên quan đến Hiến pháp của đất nước nhiều hơn là với… cử tri”. Đây không phải chính xác những gì chúng ta đã thấy trong thời đại của chúng ta? Người dân không ngừng được tâng bốc, và Hiến pháp liên tục bị ném vào thùng rác.
Điểm cuối được Tocqueville mô tả là làm giảm nhuệ khí:
“Sự đồi bại của những kẻ cầm quyền, và sự kém cỏi của những kẻ bị cai trị, sẽ sớm khiến đất nước bị hủy hoại; và những người dân, mệt mỏi với những người đại diện của mình và mệt mỏi với chính hệ thống này, sẽ tạo ra các tổ chức tự do hoặc sẽ sớm hoàn nguyên về một thể chế chuyên chế”.
Đây là cái kết khó tránh khỏi cho kẻ không còn đạo đức, cho việc người dân cảnh giác theo dõi các thể chế và chấp nhận quan niệm sai lầm rằng họ kiểm soát một chính phủ mà chính họ lại bị phụ thuộc vào. Đến bước này, chỉ còn hai lựa chọn: trở lại tự do, hoặc củng cố quyền lực hơn nữa vào số ít người hay thậm chí là vào một người.
Tôi cầu nguyện cho chúng ta vẫn chưa đến bước đó. Nhưng tôi e sợ rằng chúng ta đang ở gần hơn rất nhiều so với điều chúng ta từng nghĩ đến.
Joshua Charles là nhà sử học, diễn giả và là tác giả của một số cuốn sách bán chạy số 1 trên Thời báo New York Times. Tác phẩm của ông đã được giới thiệu, xuất bản trên các báo: Fox News, The Federalist, The Jerusalem Post, The Blaze và nhiều hãng khác. Các cuốn sách với các chủ đề khác nhau, từ các Tổ phụ Lập quốc, Israel, đến tác động của Kinh Thánh đối với lịch sử nhân loại. Ông là biên tập viên cao cấp và nhà phát triển khái niệm của “Kinh thánh tác động toàn cầu”, xuất bản bởi Bảo tàng Kinh Thánh có trụ sở tại DC năm 2017 và là học giả của Trung tâm Khám phá Niềm tin và Tự do ở Philadelphia. Ông cũng là một thành viên của Tikvah và Philos Fellow, tham gia nói chuyện trên khắp quốc gia về các chủ đề như lịch sử, chính trị, đức tin và thế giới quan. Ông còn là một nghệ sĩ dương cầm. Theo dõi ông trên Twitter @JoshuaTCharles hoặc xem JoshuaTCharles.com
Joshua Charles
Minh Vi biên dịch
Xem thêm: