Căng thẳng Hoa Kỳ-Nga gia tăng ở Syria trong bối cảnh ‘tăng tốc’ với các cuộc chạm trán trên không
Mới đây, khi được hỏi về các cuộc chạm trán ngày càng thường xuyên trong không phận Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga hy vọng tránh leo thang quân sự với Hoa Kỳ ở Syria nhưng vẫn “sẵn sàng cho mọi tình huống.”
“Nga đã sẵn sàng cho mọi tình huống nhưng không mong muốn một cuộc đụng độ quân sự trực tiếp,” ông Putin nói với các phóng viên hôm 29/07.
“Không ai mong muốn điều này.”
Trong những tháng gần đây, Moscow và Hoa Thịnh Đốn thường xuyên đổ lỗi cho nhau trong bối cảnh diễn ra một loạt các biến cố trên không phận Syria.
Một ngày sau khi ông Putin đưa ra nhận định được đề cập ở trên, Moscow cáo buộc rằng một phi cơ không người lái MQ-9 Reaper của Hoa Kỳ đã bay áp sát “một cách nguy hiểm” với một chiến đấu cơ Su-34 của Nga gần thành phố Raqqa của Syria.
Một vụ va chạm trên không chỉ được ngăn chặn nhờ “sự chuyên nghiệp của các phi công Nga, những người đã thực hiện các biện pháp ứng phó thích hợp,” ông Oleg Gurinov, một quan chức Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm 30/07.
Các quan chức Nga cáo buộc thêm rằng phi cơ không người lái của Hoa Kỳ, cùng với chiến đấu cơ F-16 và F-35, thường xuyên xâm phạm không phận Syria và vi phạm các quy trình an toàn bay.
Hoa Thịnh Đốn bác bỏ các khẳng định này.
Cuộc chiến đổ lỗi
Sau những vụ việc như vậy, Hoa Kỳ thường cáo buộc Nga có “hành vi liều lĩnh” và sách nhiễu phi cơ của họ trên bầu trời Syria.
Tuần trước (24-30/07), Ngũ Giác Đài cho biết một chiến đấu cơ phản lực của Nga hoạt động ở Syria đã bắn pháo sáng vào một phi cơ không người lái Reaper của Hoa Kỳ, làm hư hỏng “nghiêm trọng” cánh quạt của chiếc phi cơ này.
“May mắn là phi hành đoàn MQ-9 đã có thể duy trì chuyến bay và đưa phi cơ về căn cứ an toàn,” Bộ Tư lệnh Trung tâm Hoa Kỳ (CENTCOM) cho biết hôm 25/07.
Quân đội Hoa Kỳ cho biết thêm rằng “Sự coi thường trắng trợn” của Nga đối với các giao thức an toàn bay “làm suy yếu sứ mệnh của chúng tôi là bảo đảm đánh bại ISIS về lâu dài.”
CENTCOM cũng kêu gọi các lực lượng Nga ở Syria “ngay lập tức chấm dứt hành vi liều lĩnh, vô cớ, và thiếu chuyên nghiệp này.”
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã đưa ra lời kêu gọi tương tự.
“Chúng tôi kêu gọi giới lãnh đạo Nga bảo đảm rằng họ đưa ra hướng dẫn cho quân đội của mình tuân thủ luật bay trên bầu trời,” ông Austin nói hôm 29/07.
Moscow quy trách nhiệm cho Hoa Kỳ về vụ việc xảy ra hồi tuần trước, nói rằng phi cơ không người lái của nước này đã cố ý quấy rối phi cơ của Nga.
Vào thời điểm đó ông Gurinov cho biết: “Điều đáng lo ngại là vụ va chạm gần trên không giữa phi cơ MQ-9 của liên quân với chiến đấu cơ của Nga xảy ra gần [thành phố] Al-Bab của Syria.”
Cả hai phía cùng đổ lỗi qua lại sau một vụ việc tương tự vào đầu tháng Bảy liên quan đến ba chiến đấu cơ của Nga và nhiều phi cơ không người lái Reaper của Hoa Kỳ.
Đầu tháng này, Tướng Mark Milley của Lục quân Hoa Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã thừa nhận rằng những biến cố như vậy đã “gia tăng” trong thời gian gần đây.
“Tôi đã không phóng đại việc này quá mức,” ông nói với các phóng viên. “Các lực lượng của chúng tôi nắm đầy đủ các quy tắc tham gia và các cơ quan chức năng được cung cấp để tự vệ.”
Những vụ việc như thế này cũng không bị giới hạn trong không phận Syria.
Hồi giữa tháng Ba, một chiếc Su-24 của Nga được cho là đã va vào cánh quạt của một phi cơ không người lái Reaper gần Crimea do Nga kiểm soát, khiến chiếc phi cơ này lao xuống Hắc Hải.
Các tuyến liên lạc bí mật
Cả hai bên đều thừa nhận sự tồn tại của các tuyến liên lạc bí mật nhằm tìm cách giải quyết mọi sự hiểu lầm.
Trong nhận xét gần đây của mình, ông Putin đã đề cập đến một “quy định đặc biệt, được thiết lập theo sáng kiến của Hoa Kỳ, nhằm ngăn chặn những cuộc xung đột như vậy.”
Ông nói thêm rằng “những người đứng đầu một số cơ quan [của chính phủ Nga] đã liên lạc trực tiếp với những người đồng cấp Hoa Kỳ để “tham khảo ý kiến về bất kỳ tình huống khủng hoảng nào.”
“Điều này cho thấy không ai muốn có những cuộc đụng độ,” Tổng thống Nga nói.
Ông Austin cho biết Ngũ Giác Đài đang hợp tác với Nga trên chiến trường Syria “sử dụng các tuyến liên lạc đã được thiết lập để truyền đạt mối quan tâm của chúng tôi, và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với lãnh đạo cao cấp [Nga] khi thích hợp.”
Tuy nhiên, ông nói thêm, “Chúng tôi sẽ tiếp tục hoạt động như chúng tôi vẫn luôn hoạt động … và sẽ bảo vệ lợi ích và tài nguyên của chúng tôi.”
Hoa Kỳ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự ở Syria với mục đích như thể là ngăn chặn sự hồi sinh của nhóm khủng bố ISIS.
Được cho là một nhánh của al-Qaeda, ISIS đã tràn qua những vùng đất rộng lớn của Syria và Iraq vào năm 2014. Phần lớn nhóm này đã bị tiêu diệt vào năm 2019, khiến Tổng thống đương thời Donald Trump phải rút hầu hết quân đội Hoa Kỳ khỏi Syria.
Tuy nhiên, vẫn còn vài trăm binh sĩ Hoa Kỳ ở lại Syria, tập trung chủ yếu ở phía đông bắc Syria.
Chính phủ Damascus coi sự hiện diện quân sự liên tục của Hoa Kỳ là một “sự chiếm đóng” bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền quốc gia của họ. Iran và Nga cũng có chung quan điểm. Cả hai quốc gia này đều đã duy trì lực lượng ở Syria — theo lời mời của Nga — kể từ năm 2015.
Hồi tháng Ba, Tướng Milley đã đến thăm quân đội Hoa Kỳ ở tây bắc Syria, nơi họ tiếp tục làm việc với các đồng minh người Kurd địa phương phản đối chính phủ Damascus.
Anh Adam Morrow đưa tin về cuộc chiến Nga-Ukraine cho The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times