Canada kín tiếng về các chi tiết cụ thể khi cùng Hoa Kỳ lên án Trung Quốc về khinh khí cầu
Canada tuyên bố rằng họ đã triệu tập đại sứ Trung Quốc — nhưng mặt khác vẫn kín tiếng — khi Ottawa và Hoa Thịnh Đốn bày tỏ sự không tán thành về một khinh khí cầu do thám tầm cao được nhìn thấy trôi nổi trên bầu trời Hoa Kỳ.
Hôm thứ Năm (02/02), các quan chức tại Bộ Sự vụ Toàn cầu Canada (GAC) đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc Tùng Bồi Vũ (Cong Peiwu) để khiển trách sau khi Ngũ Giác Đài tiết lộ sự hiện diện của khinh khí cầu này bên trên các địa điểm quân sự nhạy cảm ở miền tây Hoa Kỳ.
“Các quan chức của Bộ Sự vụ Toàn cầu Canada đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Canada,” một phát ngôn viên của cơ quan này, bà Charlotte MacLeod, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu (03/02). “Chúng tôi sẽ tiếp tục thể hiện mạnh mẽ lập trường của mình với các quan chức Trung Quốc thông qua nhiều kênh.”
Các quan chức Hoa Kỳ cũng thông báo rằng Ngoại trưởng Antony Blinken đang hoãn chuyến công du đầy rủi ro tới Trung Quốc vào cuối tuần này (04-05/02), ngay cả khi chính phủ ông Biden đang cân nhắc một phản ứng toàn diện hơn đối với việc phát hiện ra khinh khí cầu này.
Phát hiện này đã được các quan chức Ngũ Giác Đài công bố hôm thứ Năm (02/02), họ cho biết một trong những nơi phát hiện ra khinh khí cầu này là tiểu bang Montana, nơi có một trong ba bãi chứa hỏa tiễn hạt nhân của Mỹ tại Căn cứ Không quân Malmstrom.
Hôm thứ Sáu (03/02), phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Patrick Ryder, đã mô tả vật thể này giống như một khinh khí cầu do thám có thể điều khiển được đang bay ở độ cao khoảng 60,000 feet, hay 18,288 mét, với một “trọng tải” hoặc khung thiết bị bên dưới.
Ông Ryder không cung cấp thêm chi tiết cụ thể, bao gồm kích thước của khinh khí cầu này, những gì quân đội Hoa Kỳ tin rằng khinh khí cầu này đang làm hoặc thậm chí là làm thế nào mà rốt cuộc nó lại lơ lửng trên bầu trời Montana. Tuy nhiên, ông đã hạ thấp bất kỳ mối đe dọa tiềm ẩn nào khi được hỏi tại sao khí cầu này không bị bắn hạ.
“Liên quan đến các cuộc thảo luận về việc có nên bắn hạ khinh khí cầu này hay không, đó là một lựa chọn,” ông nói. “Bởi vì chúng tôi đánh giá rằng hiện tại nó không gây rủi ro về mặt vật chất hoặc quân sự cho những người trên mặt đất, nên hiện tại chúng tôi đang tiếp tục theo dõi và cân nhắc các lựa chọn.”
Tại một cuộc họp báo ở Toronto, Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland cho biết các chuyển động của khinh khí cầu này đang được theo dõi tích cực.
Bà cho biết Bộ Tư lệnh Phòng thủ Không gian Bắc Mỹ (NORAD), Lực lượng Vũ trang Canada (CAF), Bộ Quốc phòng, và các đối tác khác đang “đánh giá tình hình này và phối hợp chặt chẽ,” đồng thời cho biết thêm rằng các cơ quan tình báo Canada đang làm việc với các đối tác Mỹ.
Bà Freeland nói: “Chúng tôi tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ Canada khỏi các mối đe dọa tình báo ngoại quốc.”
“Chúng tôi rất coi trọng vấn đề này.”
Hôm thứ Sáu (03/02), Bộ trưởng Ngoại giao Mélanie Joly cho biết trên Twitter rằng bà đã nói chuyện với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken về an ninh của không phận Canada.
“Chúng tôi đang hợp tác với các đối tác Mỹ và tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ thông tin nhạy cảm của Canada,” bà nói.
Cả bà Freeland và Bộ Quốc phòng đều không cho biết liệu khinh khí cầu do thám này có từng bay qua không phận Canada hay không. Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Anita Anand đã từ chối bình luận.
Thêm vào sự không rõ ràng này, Bộ Quốc phòng cho biết họ đang “theo dõi một sự cố thứ hai có thể xảy ra.”
Tuy nhiên, ông Ryder cho biết quân đội Hoa Kỳ chỉ theo dõi một khinh khí cầu đang dần hướng về phía đông.
Trung Quốc, vốn luôn kịch liệt lên án các nỗ lực giám sát của Hoa Kỳ và các nước khác đối với các khu vực mà họ coi là lãnh thổ của mình và trước đó đã từng bắn hạ một phi cơ do thám của Mỹ, đã không nói nhiều về tuyên bố của Ngũ Giác Đài.
Trong một tuyên bố tương đối hòa giải, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết khinh khí cầu này là một khí cầu dân sự được sử dụng chủ yếu cho nghiên cứu khí tượng. Bộ này cho biết khinh khí cầu đó có năng lực “tự điều hướng” hạn chế và những cơn gió đã khiến nó đi “xa khỏi lộ trình dự kiến.”
“Trung Quốc lấy làm tiếc về việc khinh khí cầu bay lạc sang Mỹ vì lý do bất khả kháng,” tuyên bố này cho biết, đồng thời trích dẫn một thuật ngữ pháp lý được sử dụng để chỉ các sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của một người (force majeure).
Hôm thứ Sáu (04/02), truyền thông xã hội đã dậy sóng với các đề nghị dựa trên dữ liệu theo dõi chuyến bay công khai cho rằng quân đội Canada đã khai triển phi cơ hồi đầu tuần để theo dõi khinh khí cầu này khi nó đi qua dãy núi Rockies ở British Columbia và xuống miền tây Hoa Kỳ.
Cố vấn nghiên cứu Steffan Watkins, người theo dõi thông tin chuyến bay như vậy và phát hiện ra sự hiện diện liên tục của các phi cơ quân sự Canada trên Công viên Quốc gia Valhalla và các địa điểm khác ngay từ hôm thứ Ba (31/01), cho biết việc thiếu thông tin từ chính phủ là điều đáng lo ngại.
“Tôi chắc chắn rằng Norad đã theo dõi nó suốt thời gian qua,” ông Watkins nói.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Daniel Le Bouthillier không xác nhận bất kỳ chi tiết nào.
Ông Guy Saint-Jacques, người từng là đại sứ Canada tại Trung Quốc từ năm 2012 đến 2016, đã tỏ ra hoài nghi về lời giải thích của chính quyền Trung Quốc. Ông nói, nếu đó là sự thật, thì Bắc Kinh lẽ ra đã báo trước cho Ottawa và Hoa Thịnh Đốn về những gì đang diễn ra.
Ông nói, sự xuất hiện của khinh khí cầu này là một khoảnh khắc khó xử đối với chính quyền Trung Quốc và chủ tịch Tập Cận Bình.
Ông Saint-Jacques cho biết lãnh đạo Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến việc giảm căng thẳng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hồi cuối năm ngoái (2022) trong bối cảnh các vấn đề kinh tế và thách thức trong nước ngày càng gia tăng.
Ông nói: “Họ đang trông đợi vào chuyến thăm của ông Blinken để khôi phục lại một số kiểu đối thoại.”
Sự xuất hiện của khinh khí cầu này cũng làm suy yếu sự phản đối lâu dài của chính quyền Cộng sản Trung Quốc đối với các cuộc xâm nhập vào những gì họ coi là lãnh thổ của mình, vốn bao gồm cả các khu vực tranh chấp như Biển Đông.
Ông Saint-Jacques cho biết: “Họ phản đối mỗi khi có một chiếc phi cơ Mỹ đến gần không phận Trung Quốc.”
“Vì vậy, người Mỹ sẽ nói: ‘Quý vị là ai mà lại phàn nàn? Quý vị đã gửi một khinh khí cầu bay qua lãnh thổ của chúng tôi.’ Vì vậy, tôi nghĩ rằng tất cả những điều này đang khiến người Trung Quốc trông thực sự vụng về.”
Giáo sư Andrea Charron của Đại học Manitoba, một trong những chuyên gia hàng đầu của Canada về Norad, cho biết sự xuất hiện của khinh khí cầu này cũng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết để hiện đại hóa hệ thống cảnh báo sớm đã cũ của Bắc Mỹ.
Các chỉ huy quân sự từ lâu đã cảnh báo rằng hệ thống này, bao gồm một loạt các trạm radar có từ thời những năm 1980 ở vùng Viễn Bắc của Canada, đã qua thời hạn sử dụng tốt nhất. Chính phủ đã công bố các kế hoạch thay thế nó trong những năm tới.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times