Cambodia được Trung Quốc tài trợ 44 triệu USD để xây dựng đường sắt
Hai nước cam kết xây dựng khuôn khổ ‘hợp tác kim cương’ với các thỏa thuận mới
Trung Quốc đã đề nghị một gói tài trợ trị giá 300 triệu nhân dân tệ (44 triệu USD) để trợ giúp cho công trình đường sắt của Cambodia khi hai quốc gia cộng sản cùng chí hướng này tìm cách xây dựng “khuôn khổ hợp tác kim cương” trong sáu lĩnh vực ưu tiên.
Đài Truyền hình Quốc gia Cambodia đưa tin, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố gói tài trợ này sau cuộc gặp ngày 11/02 với người đồng cấp Cambodia, ông Hun Sen, người đang có chuyến thăm chính thức ba ngày tới Trung Quốc.
Ông Hun Sen cho biết trong một bài đăng trên Facebook rằng hai nhà lãnh đạo đã đồng ý mở rộng hợp tác về chính trị, năng lực sản xuất, nông nghiệp, năng lượng, an ninh, trao đổi văn hóa và giao lưu giữa nhân dân hai nước.
Hai quốc gia này đã đưa ra một bản tuyên bố chung, trong đó Bắc Kinh cam kết trợ giúp Cambodia trong công việc sơ bộ gồm quy hoạch, thiết kế, và thực hiện các nghiên cứu khả thi về xây dựng đường sắt để xúc tiến công trình đường sắt ở Phnom Penh.
Tuyên bố này viết: “Cả hai bên đều mong muốn sớm khai triển kết nối tuyến đường sắt của Cambodia vào với tuyến đường sắt Trung Quốc–Lào–Thái Lan,” nhưng không nêu chi tiết về các dự án đường sắt và thời gian xây dựng.
Tuy nhiên, tháng trước, Cambodia đã thông báo rằng họ có kế hoạch nâng cấp tuyến đường sắt dài 382 km (237 dặm) hiện có nối liền thủ đô Phnom Penh với thành phố Poipet, nằm trên đường biên giới Cambodia-Thái Lan, để trở thành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của đất nước. Dự án này dự kiến trị giá khoảng 4 tỷ USD.
Ông Hun Sen đã chứng kiến lễ ký kết 12 thỏa thuận với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong chuyến công du tới nước này, trong đó có dự án phát triển Đại học Kratie và khoản tài trợ 4.4 triệu USD cho dự án giảm thiểu bom mìn chưa phát nổ ở Cambodia.
Ông Tập cam kết kêu gọi nhiều doanh nghiệp Trung Quốc hơn nữa đầu tư vào Cambodia và giúp đỡ họ trong việc xây dựng Đặc khu kinh tế Sihanoukville, một dự án tối quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Chính sách ‘Một Trung Quốc’
Trong tuyên bố chung, ông Hun Sen tái khẳng định Cambodia “kiên quyết tuân thủ” chính sách “Một Trung Quốc” và nói rằng ông phản đối “bất kỳ nỗ lực nào can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc hoặc lợi dụng vấn đề Đài Loan để ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc.”
Ông tuyên bố rằng “Cambodia tuyệt đối sẽ không phát triển bất kỳ hình thức quan hệ chính thức nào với Đài Loan,” một hòn đảo tự trị mà ĐCSTQ xem là một tỉnh nổi loạn phải được thống nhất với Hoa lục bằng mọi giá.
Tuyên bố viết, “Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc; vấn đề Đài Loan là công việc nội bộ của Trung Quốc, không thế lực bên ngoài nào có quyền can thiệp.”
Hai nhà lãnh đạo cũng kêu gọi nỗ lực chung của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc duy trì ổn định ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh bị cáo buộc khẳng định các yêu sách lãnh thổ một cách hung hăng do các hoạt động hàng hải phi pháp của nước này.
Hai nhà lãnh đạo cho biết: “Bất kỳ nỗ lực nào sử dụng vấn đề Biển Đông để phá hoại hòa bình, ổn định, và sự tin tưởng lẫn nhau trong khu vực đều sẽ phản tác dụng và cần phải tránh.”
Một số thành viên ASEAN đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, và Việt Nam.
Ảnh hưởng của ĐCSTQ tại Cambodia
Mặc dù hơn 40% trong số 10 tỷ USD nợ ngoại quốc của Cambodia là đến từ Trung Quốc, nhưng Cambodia đã không đề nghị Bắc Kinh tái cấu trúc gánh nặng đó, không giống như các quốc gia khác như Sri Lanka, Zambia, và Ethiopia, những nước đã vay khoản tiền lớn của Trung Quốc.
Cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về mối bang giao của Trung Quốc với Cambodia, một trong những nước đầu tiên ủng hộ dự án BRI.
Ra mắt vào năm 2013, BRI là dự án chính yếu của Trung Quốc nhằm xây dựng ảnh hưởng địa chính trị thông qua các khoản đầu tư trên khắp Đông Nam Á, châu Phi, châu Âu, và châu Mỹ Latinh.
Trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự do vào năm 2019, ông Carlyle Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales, đã vạch ra gánh nặng tài chính của Cambodia: Nước này phải trả các khoản vay của Trung Quốc bên cạnh việc chi trả chi phí bảo trì cho các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc tài trợ.
Ông Thayer nói điều này có thể “dẫn đến việc Cambodia rơi vào cái gọi là bẫy nợ. Những công ty Trung Quốc nào tham gia vào việc cung cấp cơ sở hạ tầng sẽ sở hữu cơ sở hạ tầng đó. Điều này theo giả thuyết có thể đồng nghĩa với việc Trung Quốc là chủ sở hữu của các cảng và thậm chí cả các phi trường của Cambodia.”
Bắc Kinh đã đầu tư vào nhiều dự án cơ sở hạ tầng BRI ở Cambodia, chẳng hạn như xa lộ nối thủ đô Phnom Penh của Cambodia với Sihanoukville, một phi trường quốc tế mới tại thị trấn nghỉ dưỡng Siem Reap, và một nhà máy thủy điện ở tỉnh Stung Treng.
Sihanoukville nằm bên bờ Vịnh Thái Lan và giáp với Biển Đông. Trung Quốc đã rót rất nhiều tiền vào tỉnh này để xây dựng các khu nghỉ dưỡng, sòng bạc, và tòa cao ốc chọc trời.
Vào ngày 19/04/2019, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Phnom Penh đã đăng trên trang Facebook chính thức của mình một thông điệp về liên kết kinh tế của Cambodia với Trung Quốc.
Đại sứ quán này viết, “Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Cambodia, nhưng mối quan hệ này nghiêng hẳn về phía có lợi cho Trung Quốc.”
Bài đăng này bao gồm một biểu đồ cho thấy Cambodia đã nhập cảng hàng hóa trị giá 5.286 tỷ USD từ Trung Quốc vào năm 2017 trong khi xuất cảng 753 triệu USD sang Trung Quốc trong cùng năm và rằng Cambodia có thặng dư thương mại khoảng 2.67 tỷ USD với Hoa Kỳ trong cùng năm đó.
Đại sứ quán Cambodia cho biết trong bài đăng rằng sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc “không trợ giúp cho việc làm hoặc ngành công nghiệp giống như cách mà mối quan hệ thương mại của Cambodia với Hoa Kỳ hoặc Liên minh Âu Châu đã làm.”
“Đây chỉ là một cách nữa để Cambodia chuyển từ biện pháp tiếp cận kinh tế đa dạng và cân bằng hơn sang biện pháp tiếp cận phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.”
Trong một nghiên cứu chiến lược xuất bản năm 2017, tổ chức tư vấn Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn cũng cảnh báo về những rủi ro liên quan đến Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Bán đảo Đông Dương (CICPEC), một tuyến đường thương mại theo kế hoạch BRI mà Cambodia là một phần trong đó.
Theo Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc, hành lang này nhằm tăng cường hợp tác của Trung Quốc với các quốc gia ASEAN, kết nối Nam Ninh, thủ phủ của vùng Quảng Tây phía tây nam Trung Quốc, với Việt Nam, Lào, Cambodia, Thái Lan, Miến Điện (còn gọi là Myanmar), và Malaysia.
Bản tin có sự đóng góp của Frank Fang và Associated Press
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times