Cảm ngộ Tây Du Ký (P.19): Vì sao Ngộ Không khóc thảm thiết?
Trong “Tây Du Ký”, Bọ Cạp Tinh dùng thói trăng hoa đùa giỡn với Đường Tăng, bằng mọi cách đẩy đưa quyến rũ, nhưng Đường Tam Tạng vẫn một lòng giữ Đạo tu trì, một tấc cũng không lùi. Bất kể nữ quái lời ngon tiếng ngọt dỗ dành: “Thà rằng chết ở bên hoa, làm quỷ cũng là phong lưu?” Đường Tăng vẫn hoàn toàn không động sắc niệm. Các vị Thần thấy Đường Tăng vẫn một lòng kiên thủ mạnh mẽ như đinh sắt, trong sáng như bạch ngọc, nên đã trợ giúp tiêu diệt Bọ Cạp Tinh dâm dục, xung phá được một đại quan, quả thực thật đáng mừng.
Thế nhưng sau đó, từ Hồi 56 đến Hồi 58 lại xuất hiện Hành Giả thật giả, lưỡng tâm bộc lộ làm đại loạn càn khôn. Ngày xưa, Ngộ Không đại chiến mười vạn Thiên binh Thiên tướng chưa bao giờ rơi một giọt nước mắt, lần này Ngộ không bị trục xuất, bay tới núi Lạc Già nghẹn ngào khóc rống trước mặt Bồ Tát.
Lại nói chuyện Đường Tam Tạng sau khi vượt qua thử thách, thà chết giữ cho tấm thân không bị tổn hại, sau đó nhờ có đồ đệ Hành Giả đánh chết con rết thành tinh, cứu thoát khỏi động Tỳ Bà. Thầy trò Đường Tăng lúc này ung dung thẳng hướng đường cái sang phương Tây, thấm thoắt đã sang tiết Chu Minh (*), tác giả miêu tả cảnh sắc rằng:
“Huân phong thì tống dã lan hương, trạc vũ tài tình tân trúc lương.
Ngải diệp mãn sơn vô khách thải, bồ hoa doanh giản tự tranh phương.
Hải lưu kiều diễm du phong hỉ, khê liễu âm nùng hoàng tước cuồng.
Trường lộ na năng bao giác thử, long chu ứng điếu mịch la giang.”
Dịch thơ:
“Gió nồm thoang thoảng hương lan,
Mưa rào vừa tạnh, trúc ngàn lại xanh.
Dây non lá ngải hương thanh,
Hoa lau trắng xóa bên ghềnh đua hương.
Ong bay cành lựu bên đường,
Sẻ vàng ríu rít khóm dương hoa hồng
Đường xa ai gói bánh sừng
Thuyền rồng đến viếng nơi dòng Mịch La”
(Bản dịch của Nhóm dịch giả Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học)
Trong những vần thơ trên, chúng ta hãy để ý đến ba cụm từ “tự tranh phương, du phong hỉ, hoàng tước cuồng”, miêu tả tâm trạng lúc bấy giờ của đoàn thỉnh Kinh. Những câu thơ này, phải chăng ngụ ý rằng Đường Tăng vừa vượt qua được một đại quan đã sinh tâm hoan hỉ, không ước chế bản thân dẫn đến chưa trừ tận gốc Lục tặc?
Trong phần mở đầu của Hồi 56 có câu: “Trừ lục tặc, ngộ Tam thừa, vạn duyên đô bãi tự phân minh” (Trừ lục tặc, ngộ Tam thừa, đoạn tuyệt vạn duyên thì bản thân sẽ phân minh). Lục tặc này theo thứ tự là: Mắt thấy sinh vui, tai nghe sinh giận, mũi ngửi sinh yêu thích, lưỡi nếm sinh tưởng nhớ, từ đó dẫn đến ham muốn và lo nghĩ cho bản thân. Tác giả đã chỉ ra rằng, chỉ có trừ tận gốc lục tặc, mới có thể ngộ Đạo, hết thảy duyên phận cũng sẽ tùy theo đó chấm dứt, tự bản thân mình minh tỏ.
Cảnh tượng dưới ánh nắng của mùa hè khiến tâm tư của Đường trưởng lão phiêu phiêu bồng bềnh, nghĩ tới bánh sừng (bánh ú), nhớ tới Khuất Nguyên, nghĩ tới thuyền rồng, nhưng lại không thấy những thứ trước mắt có tính hàn như: Lan rừng, trúc ngàn, cành lựu, rặng liễu, con suối… đang nhắc nhở Đường Tam Tạng mau ức chế tâm hoan hỉ và tâm nóng giận. Tuy nhiên, Đường Tăng không phát hiện ra nội tâm của mình, bởi vậy Hỏa Diệm sơn ở phía sau trở thành một đại quan diệt trừ tâm nóng giận của ông.
Lại nói vào tiết Chu Minh, Ngộ Không đã giết mấy tên cướp, ngăn đường cướp bóc của lũ cường đạo. Điều này làm cho Đường trưởng lão vốn lương thiện cảm thấy sự nhẫn nại đối với Ngộ Không đã đến cực hạn, bởi vậy thản nhiên niệm Kim Cô Chú. Đại Thánh bị Kim Cô Chú siết tai, làm cho đầu như bị thắt lại, mắt lồi ra, choáng váng, đau đớn lăn lộn trên mặt đất, nhào lên lộn xuống kêu la. Đường Tăng mắng Ngộ Không “quá hung ác, không phải là người đi lấy Kinh, càng không có một chút nào thiện niệm”, và đuổi Ngộ Không đi.
Lúc trước, Ngộ Không bị đè dưới Ngũ Hành Sơn, Bồ Tát đang tìm người đi thỉnh Kinh, khi đi đến Ngũ Hành Sơn, Ngộ Không cầu khẩn Bồ Tát giải cứu, hắn nói: “Con đã biết hối hận, mong Bồ Tát đại từ đại bi chỉ cho một con đường, con tình nguyện tu hành.”
Bồ Tát nghe vậy rất vui mừng, bèn nói “Thánh Kinh nói: “Nói lời thiện, tức thì ngoài ngàn dặm đáp lời; nói lời bất thiện, ngoài ngàn dặm không đáp lời”; “ Tâm của các Đại giác giả rộng lớn phi thường, bất kể mọi lỗi lầm trong quá khứ, chỉ cần người ấy muốn tu hành, Ngài sẽ gia trì và trợ giúp người đó vô điều kiện.”
Trong mắt của Thần Phật, khi một người động chân niệm muốn tu luyện, muốn phản bổn quy chân, một niệm này xuất ra thì trân quý hơn bất kể thứ gì khác. Khi Ngộ Không bị đè dưới Ngũ Hành Sơn, 500 năm chịu đủ loại gian khổ, 500 năm Đông qua Hạ đến, nóng lạnh giá buốt, trong hoàn cảnh khổ như vậy mà vẫn không mất đi chân tính và biết soi lại lỗi lầm của mình, nhận ra mình đã phạm tội nên đã bị Đức Phật giam dưới núi này. Hắn biết trước kia đại náo Thiên cung là sai rồi, hôm nay hối cải, cam nguyện tiến vào Phật môn tu luyện. Bao nhiêu chư Thần biết được tin tức Ngộ Không quy y Phật môn, đều rất mừng cho hắn.
Trong mắt Thần Phật, Ngộ Không muốn tu luyện, đó là thiện tâm lớn nhất. Ngộ Không một đường hàng yêu trừ ma, bỏ bao tâm huyết bảo vệ Đường Tăng đi lấy chân Kinh. Tại Hồi 33, một trong những cửa ải khó khăn tại núi Bình Đỉnh, Ngộ Không bị yêu quái dùng phép ép ba hòn núi lớn đè chặt, lúc đó Ngộ Không đã nói một lời rằng: “Được Bồ Tát ban cho Pháp chỉ, thầy trò cùng tu hành, cùng chung số phận, cùng gặp cùng biết”. Có thể lý giải là: sống chết cùng nhau, cùng Đường Tăng đi Tây Thiên lấy Kinh, nghĩa là hai người là một, là đồng tu, cùng tu một môn, cùng duyên phận. Trên con đường thỉnh Kinh, gặp phải tất cả ân oán, Ngộ Không đều cùng Đường Tăng đối mặt, cùng nhau đảm đương, tức là cùng một chỉnh thể, cuối cùng, cùng nhau bộ hành đến Linh Sơn, cùng nhau tu đến cùng, thấy được Chân thân Như Lai, cùng ngộ, trên con đường thỉnh Kinh cùng luận bàn lĩnh hội đối với Phật Pháp.
Để bảo vệ Đường Tăng, Ngộ Không từng “làm vỡ sáu lá gan phổi, dùng hết ba cọng lông và bảy lỗ tim”. Đại Thánh vốn chỉ bái lạy ba người, đó là Phật Tổ, Quan Âm Bồ Tát và Đường Tăng, nhưng vì để lấy được bảo bối cứu Đường Tăng, Ngộ Không đã từng nhẫn chịu khuất nhục, tại Áp Long động dập đầu quỳ lạy lão yêu quái.
Ngộ Không tuy ngang ngược nhưng tâm tu luyện rất thành tâm thành ý, làm việc nghĩa không chùn bước, không oán thán hay hối hận, Đường Tăng không nhìn thấy thiện niệm lớn như vậy lại đuổi Ngộ Không đi. Tác giả cuốn tiểu thuyết thở dài rằng: “Tâm hữu hung cuồng đan bất thục, thần vô định vị đạo nan thành.” Tâm ở trong câu thơ là chỉ Đường Tăng, Thần là chỉ Ngộ Không, đuổi Ngộ không đi, Thần không có địa vị thì làm sao lấy được chân Kinh, chính quả làm sao thành tựu?
Ngộ Không hiếm khi rơi nước mắt, nhưng khi ở trước mặt Bồ Tát thì ngăn không được lệ như suối trào, khóc nức nở. Lấy Kinh không thành, chính quả không thành, bách tính con dân Đại Đường chờ đợi Chân kinh, Quốc Vương Đại Đường chuẩn bị cứu độ vô lượng chúng sinh và sự giao phó của Thần Phật cũng như ký thác vô hạn hy vọng của họ đều tan thành mây khói, Ngộ không làm sao không thương tâm? Vậy nên hai hàng nước mắt chứa chan.
Phật môn là từ bi, cấm chỉ sát sinh và làm tổn hại chúng sinh. Nếu như nhìn thấy giết người phóng hỏa, vào nhà cướp của mà vẫn thờ ơ, thì đối với người tu luyện là tâm tính có vấn đề. Đường Tăng tá túc qua đêm tại nhà lão Dương, lão Dương nói con trai ông ta không làm việc đàng hoàng, trong đầu toàn những suy nghĩ xấu xa, cướp của giết người phóng hỏa. Cuối cùng, hắn dẫn đầu một đám đạo tặc, cầm đao đuổi giết thầy trò Đường Tăng. Ngộ Không vì bảo vệ Sư phụ đã giết chết bọn đạo tặc, Đường Tăng bởi vậy kết luận Ngộ Không bất thiện, không xứng đáng là người đi lấy Kinh.
Ngộ Không khóc lóc kể lể với Bồ Tát. Bồ Tát an ủi hắn: “Bọn giặc cỏ ấy tuy là phường bất lương, nhưng rút cục chúng vẫn là con người, không nên đánh chết. So với loài thú dữ chim hung, yêu ma quỷ quái là có chỗ khác biệt. Lũ yêu ma kia, nếu đánh chết chúng thì nhà ngươi có công, nhưng đánh chết con người thì nhà ngươi bất nhân đấy.”
Bồ Tát giữ Ngộ Không ở lại núi Lạc Già bốn ngày, không để Ngộ Không trở về. Chính xác Ngộ Không làm gì trong bốn ngày này thì không có đề cập trong tiểu thuyết. Có người suy đoán rằng, có lẽ trong bốn ngày này Bồ Tát hữu ý muốn dạy Ngộ Không về lòng từ bi và thiện tâm.
Viết đến đây, tác giả chợt nghĩ đến một câu chuyện về Milarepa, khá giống với tình huống của Ngộ Không lúc này. Tại Tây Tạng cổ xưa, người bác và cô của Milarepa đã dùng thủ đoạn bất chính chiếm đoạt tài sản của gia đình Milarepa, hơn nữa còn đuổi ông cùng mẹ và em gái ra khỏi nhà. Để báo thù, Milarepa đã học tà thuật bùa phép và giết chết rất nhiều người, vì vậy đã tạo nghiệp rất lớn. Về sau, Milarepa hối hận và sợ hãi về những tội ác mà mình đã phạm, vì vậy thành tâm mong muốn tu luyện chính Pháp, tâm nguyện này ngày càng mạnh mẽ đến mức quên ăn quên ngủ.
Dưới sự giới thiệu của Sư mẫu là Dameima (phối ngẫu của Marpa), Milarepa đến gặp Marpa để cầu chính Pháp. Đầu tiên, Marpa bảo ông đến Đa Nhã Ba để ném đá vào một nhóm người xấu đang ngăn cản mọi người đến cung phụng ông. Milarepa sửng sốt, vốn mục đích là cầu chính Pháp nay thay vào đó là tạo ác nghiệp, nhưng mà không có lựa chọn nào khác, đành phải đi. Trên đường trở về, Milarepa nhặt rất nhiều xác chim và thú, ông đặt trước mặt Marpa và đau đớn nói: “Tôi là đến để cầu chính Pháp, ai ngờ lại gây ác nghiệp. Mời Thượng sư từ bi hãy nhìn tôi đây, một đại tội nhân.” Nói xong liền khóc nức nở.
Marpa ôn hòa nói: “Ta có câu thần chú trong tích tắc có thể cứu hàng trăm con chim và thú. Ta có thể. Tất cả chúng sinh bị ném đá chết lần này, tương lai khi ngươi thành Phật, họ sẽ vãng sinh trong cõi tịnh độ để nghe Phật Pháp và là chúng sinh của ngươi khi ngươi thành Phật.”
Với sức mạnh siêu thường của Marpa, những con chim và thú này đã không bị đọa vào cõi ác thú.
Quả nhiên, Marpa ngồi thiền trong giây lát, những con chim và thú này đột nhiên đều thức tỉnh và sống lại. Về sau, Milarepa nhẫn khổ tu hành, tu thành chính quả. Trước kia, ông thực hành bùa chú hại người, tạo ra ác nghiệp cực lớn. Giờ đây, với thành tựu trong việc thực hành khổ tu, cuối cùng kết được thiện duyên.
Sau khi đọc câu chuyện về Milarepa, hãy trở lại với chuyện Tây Du Ký. Ngộ Không vì bảo vệ Đường Tăng, đã giết nhóm đạo tặc vốn không phải yêu tinh yêu quái mà là bọn giặc cỏ chuyên giết người cướp của. Ngay lúc đó Ngộ Không thực sự bất nhân, phạm vào sai lầm lớn, cho nên Bồ Tát nói “theo ta thấy, vẫn là ngươi bất thiện.” Trên con đường thỉnh Kinh này, Ngộ Không không ngừng tu hành, dung lượng của thiện càng ngày càng lớn, cuối cùng tu thành Đấu Chiến Thắng Phật. Những tội nghiệp đã tạo trong quá khứ, cũng theo Ngộ Không tu luyện thành tựu, kết thành thiện quả.
(*): Tiết Chu Minh: Theo “Thi Tử”, quyển thượng: “Xuân là Thanh Dương, hạ là Chu Minh, thu là Bạch Tàng, đông là Huyền Anh.”
Vương Du Duyệt biên tập
Tâm Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ