Cách vượt qua hội chứng lệch múi giờ
Tôi đã có một chuyến bay qua đêm tới London tưởng chừng đơn giản. Trên chuyến bay tám tiếng đó, tôi đã xem phim, đọc sách, và trò chuyện với bạn của mình. Thực tế là tôi ngủ không đủ giấc, và một múi giờ khác chênh lệch tới bảy giờ đồng hồ đã khiến tôi thực sự chao đảo khi đến nơi.
Khi tôi và bạn tôi đi vào sảnh khách sạn lúc 10 giờ sáng theo giờ London, nên người tôi rã rời vì thiếu ngủ. Rốt cuộc thì lúc này đang là nửa đêm ở quê nhà.
Khi được thông báo là vẫn chưa có phòng, chúng tôi ra ngoài đi dạo, dọc đường ngang qua Công viên Hyde. Có lẽ bạn có thể đoán được điều gì xảy ra tiếp theo. Chúng tôi ngồi xuống bãi cỏ ở Công viên Hyde để “nghỉ ngơi vài phút” — và thế là, chúng tôi thức dậy sau vài giờ ngủ thiếp đi trên bãi cỏ này.
Đó là những gì mà hội chứng lệch múi giờ (jet lag) có thể ảnh hưởng đến bạn. Mặc dù điều đó có thể không khiến bạn phải ngủ ở công viên ngoại quốc, nhưng nó có thể khiến bạn khó tận hưởng những ngày đầu tiên của chuyến đi, và có thể làm đảo lộn lịch trình ngủ nghỉ của bạn trong vài ngày. May thay, giờ đây hội chứng lệch múi giờ sẽ không còn có thể ảnh hưởng đến kỳ nghỉ của bạn nữa. Sau đây là vài cách đơn giản giúp bạn giải quyết vấn đề lệch múi giờ trong khi đi du lịch.
Jet lag là gì?
Theo trung tâm y khoa Mayo Clinic, jet lag là một hội chứng rối loạn giấc ngủ tạm thời, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai di chuyển quá nhanh qua nhiều múi giờ khác nhau. Các triệu chứng này bao gồm cơ thể cảm giác rất mệt mỏi, các vấn đề về giấc ngủ, trong đó có mất ngủ, các vấn đề về dạ dày và thậm chí là thay đổi tâm trạng. Đối với tôi, hội chứng jet lag khiến tôi chóng mặt, buồn nôn, và tàn tạ.
Việc di chuyển qua các múi giờ khác nhau khiến cho đồng hồ sinh học của bạn không bắt kịp theo chu kỳ thực tế, như là điều chỉnh chu kỳ ngủ-thức của cơ thể và thậm chí là cảm giác đói bụng và nhu cầu đại tiện. Ánh sáng mặt trời có ảnh hưởng lớn nhất đến nhịp sinh học của bạn, vì ánh sáng tự nhiên tác động đến việc điều chỉnh melatonin, một loại hormone điều chỉnh hoạt động thức-ngủ. Đó là lý do tại sao một số khách du lịch thấy rằng việc bổ sung melatonin bằng cách tiếp xúc với ánh nắng có thể giúp tái điều chỉnh nhịp sinh học khi đi du lịch.
Điều chỉnh mức độ tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cũng có thể giúp bạn thích nghi theo múi giờ mới. Nếu bạn đến nơi vào buổi sáng hoặc buổi chiều, hãy ra ngoài và đi bộ một lúc dưới ánh nắng mặt trời. Hoạt động này sẽ giúp bạn cảm thấy tỉnh táo hơn và giúp điều chỉnh lại nhịp sinh học của bạn.
Trước khi cất cánh
Bạn hãy nhớ ngủ một giấc thật ngon trước khi chuyến đi bắt đầu. Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi trước khi đi du lịch, thì ảnh hưởng của hội chứng lệch múi giờ sẽ chỉ càng nặng hơn mà thôi.
Ngay khi bạn lên phi cơ, bạn cần vặn lại đồng hồ của mình theo múi giờ tại điểm đến. Điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị trước về mặt tinh thần để chuyển sang múi giờ mới.
Trong chuyến bay
Những gì bạn làm trong suốt chuyến bay là yếu tố quyết định. Cơ thể mất nước cũng góp phần gây ra hiệu ứng jet lag, vì vậy bạn đừng quên uống nhiều nước trên suốt chặng bay nhé. Hãy tránh chất caffein và cồn vì những chất kích thích này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn và gây ra tình trạng mất nước. Hãy mặc những bộ y phục rộng rãi và chọn những đôi giày thoải mái êm ái, đồng thời nhớ kéo giãn để thư giãn các cơ trong chuyến bay nhé.
Mặc dù thật khó cưỡng lại việc xem tất cả những bộ phim hay trên phi cơ, nhưng nếu chuyến bay đó bay vào khung giờ đêm theo múi giờ tại điểm đến của bạn, thì hãy cố gắng chợp mắt một chút. Hoạt động của phi hành đoàn thường sẽ khớp với múi giờ tại điểm đến của bạn. Nếu điểm đến của bạn đã về đêm, họ sẽ phục vụ bữa ăn và đồ uống, sau đó tắt đèn trong cabin đến tận khi phi cơ chuẩn bị hạ cánh.
Về phần tôi, tôi sẽ xem một bộ phim trong khi dùng bữa ăn, sau đó đeo miếng bịt mắt khi ngủ và bịt tai để tránh tiếng ồn và ánh sáng. Tôi có hai chiếc gối du lịch nhỏ mà tôi có thể xếp chồng lên cửa sổ để làm điểm tựa. Thỉnh thoảng tôi sẽ uống thuốc kháng histamine như Benadryl để tạo cảm giác buồn ngủ hoặc nghe nhạc êm dịu để dễ ngủ.
Những sản phẩm hữu dụng
Nhiều năm trước, một đồng nghiệp đã giới thiệu cho tôi một sản phẩm có tên là “No Jet Lag” (Không còn mệt mỏi vì lệch múi giờ). Phương thuốc vi lượng đồng căn này có thể được mua tại các cửa hàng bán lẻ hoặc trực tuyến. Các thành phần tự nhiên của loại thuốc này bao gồm Chamomilla, Arnica, và Bellis Perennis, vốn được chiết xuất từ hoa cúc. Sản phẩm này không chứa bất kỳ chất caffein hay thuốc ngủ nào, nhưng có hiệu quả trong việc giảm ảnh hưởng của hội chứng lệch múi giờ.
Tôi thừa nhận là ban đầu tôi có hoài nghi về công dụng của sản phẩm này. Nhưng kể từ khi bắt đầu sử dụng “No Jet Lag” khi đi du lịch, việc thích nghi theo các múi giờ khác nhau đã trở nên dễ dàng hơn. bạn chỉ cần uống một viên khi cất cánh, [uống thêm] một viên sau mỗi hai giờ trong suốt chuyến bay, và sau đó uống thêm một viên nữa khi hạ cánh. Vì sử dụng liệu pháp vi lượng đồng căn nên “No Jet Lag” có thể được dùng chung với các loại thuốc khác hoặc có thể dùng cho hành khách ở mọi lứa tuổi.
Có lẽ yếu tố quan trọng nhất để vượt qua hội chứng lệch múi giờ chính là tâm trí của bạn. Cô Angela Berardino, một giám đốc PR đến từ thành phố] Denver, cho biết mục tiêu của cô khi đi du lịch là sống trong múi giờ mà cô đang ở.
“Tôi đi công tác hàng tuần,” cô nói. “Đôi khi, đó là sự thay đổi múi giờ lớn; có lúc là sự thay đổi nhỏ. Nhưng ngay khi vừa chạm đất, tôi liền sống theo nhịp thời gian trên điện thoại của mình. Tôi không nhẩm tính xem bây giờ ở nhà đang là mấy giờ. Tôi đánh lừa tâm trí của mình rằng mình đang sống ở đây.”
Đó cũng là mục tiêu của tôi. Thời gian của tôi ở điểm đến rất quý giá nên tôi không muốn lãng phí chút nào với cơn mệt mỏi vì lệch múi giờ. Tôi thấy rằng sẽ thuận tiện nhất khi tôi đến nơi vào cuối buổi sáng, thay vì sáng sớm tinh mơ. Sau đó, tôi khởi động liền khi tôi đến nơi. Tôi cố gắng ra ngoài nhiều nhất có thể và ăn uống đúng giờ, ngay cả khi tôi không đói. Tôi không chợp mắt vào buổi trưa nhưng tôi thừa nhận là mình có uống vài tách cà phê trong ngày.
Trường An biên dịch
bạn tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.