Cách người đàn ông sinh tồn 5 ngày trên đảo hoang ở New Zealand vào mùa đông mà không có đồ dùng, thức ăn, và lửa
Bạn nên thôi thúc bản thân làm những việc mà bạn chưa từng làm trước đây — chẳng hạn như nhịn ăn trong vài ngày.
Vì sao ư? Theo một chuyên gia sinh tồn người New Zealand thì điều này tốt cho trí não và rèn luyện kỹ năng sinh tồn của bạn.
“Cơn đói khiến tâm trí bạn nhạy bén hơn rất nhiều,” ông Clay Tall Stories, người chưa từng được đi học cho biết. Ông lớn lên ở Công viên Quốc gia Abel Tasman, nơi cha ông là một nhân viên kiểm lâm. “Ngày đó, tôi đã tự học cách bắt cá, đóng bè, dựng lều, chỉ bằng cách sử dụng những gì có xung quanh mình,” ông Clay 59 tuổi, nói với The Epoch Times về những kỹ năng mà ông rèn luyện được.
Theo ông Clay, cơn đói sẽ gây ra một phản ứng sinh học nhất định ở con người. “Một trong những điều sẽ xảy ra với con người chúng ta khi đói là chúng ta rơi vào trạng thái tự thực bào,” ông nói. “Khi bạn đói, bộ não sẽ phát triển các đường dẫn truyền thần kinh mới.”
Nhịn ăn giúp não bộ tỉnh táo và khiến chúng ta suy nghĩ khác biệt để giải quyết vấn đề, vì vậy khi ông Clay đối mặt với việc phải sinh tồn một mình trên hòn đảo nhỏ suốt năm ngày vào tháng 8 năm ngoái — ngay trong mùa đông ở New Zealand — thì thực phẩm không phải là vấn đề được ưu tiên nhất của ông. Ông chỉ mang theo bộ quần áo đang mặc trên người, vài thiết bị quay video, bàn chải đánh răng, và một cặp mắt kính.
Ông Clay là một giáo viên [sinh tồn] đầy nhiệt huyết và là người sáng tạo nội dung trên nền tảng YouTube. Những chuyến đi trải nghiệm của ông không chỉ là những thử thách cá nhân mà còn là những bài học về kỹ năng sinh tồn. Ông nói rằng, bạn sẽ không bao giờ biết khi nào thì bạn sẽ cần phải sử dụng tới sự khôn ngoan đó.
“Mọi người thường đi du lịch,” ông Clay nói. “[Và] người sống sót sau các vụ tai nạn phi cơ, khi tỉnh lại giữa đồng không mông quạnh sẽ phải tìm cách sinh tồn.”
Do đó, thực phẩm không phải là ưu tiên số một. Điều cần ưu tiên nhất là gì? Nước là số một, thứ hai là nơi trú ẩn, thứ ba là lửa, và thứ tư mới đến thức ăn, ông cho biết.
“Bạn chỉ có thể sống được ba ngày mà không có nước,” ông Clay nói, đồng thời cho biết thêm rằng ông có thể nhịn ăn từ ba đến bốn tuần nếu ở vào tình huống bắt buộc phải làm vậy. Bạn cũng sẽ không thể trụ được nếu không ngủ đủ giấc hoặc không được sưởi ấm.
Việc đáp ứng các nhu cầu thiết yếu trên đảo sẽ gây kiệt quệ về thể xác. Cuối cùng ông đã giảm tới 5,5 kg (khoảng 12 pound). Thành công của ông dựa trên dụng cụ sinh tồn quan trọng nhất. Ông nói, “Dụng cụ sinh tồn lớn nhất của bạn chính là bộ não.”
Địa điểm nhỏ với những bãi cát và bụi cây um tùm mà ông gọi là “Đảo Ngựa Điên” (Crazy Horse), nằm trong một con kênh dọc theo bờ biển Vịnh Tasman, phía bắc của đảo New Zealand South, chỉ cách Công viên Quốc gia Abel Tasman vài dặm về phía tây.
Vào mùa đông, nhiệt độ ban đêm ở đây sẽ giảm xuống dưới mức đóng băng, trong khi ban ngày có nhiệt độ khá dễ chịu là 20 độ C (68 F).
Sau khi lên bờ, ngày thứ nhất trong hành trình sinh tồn kéo dài 5 ngày của ông Stories bắt đầu bằng việc tìm kiếm nước ngọt. Ông dùng những viên đá sắc cạnh làm công cụ để đẽo một mảnh gỗ thành một chiếc bát, đây sẽ là đồ dùng để ông uống nước. Ông tìm loại rêu sphagnum có khả năng hút ẩm như bọt biển, và dựa vào mùa mưa, loài rêu này sẽ cung cấp cho ông đủ nước ngọt, bởi vì nước biển không uống được.
“Tôi vắt rêu để lấy nước,” ông nói. “Làm việc này bao giờ cũng nguy hiểm, vào mùa hè thì còn nguy hiểm hơn nhiều.”
Tại sao lại nguy hiểm? Ông Clay cho biết, vi khuẩn trôi nổi trong rêu có thể gây bệnh, mặc dù vào mùa đông thì số lượng vi khuẩn ít hơn nhiều. [Nếu] vào mùa hè, ông sẽ đun sôi nước trước khi uống.
Ông dành sáu tiếng tiếp theo để dựng một nơi trú ẩn từ những thân cây đổ để tránh thời tiết xấu. Ông lấy vỏ cây che phủ mái nhà và dùng rêu lấp đầy những khoảng trống giữa các khúc gỗ. Rêu có tác dụng hút nước để tránh cho lều bị dột.
Hai ưu tiên chính là nước và nơi trú ẩn đã xong, ông Clay tập trung vào ưu tiên thứ ba: đó là lửa. Nhóm lửa là việc rất khó khăn. Đầu tiên, ông cần củi khô — nếu bạn bẻ và nó gãy, có nghĩa là củi đã khô. Bạn cần phân loại theo kích cỡ nguyên liệu, từ loại dễ cháy nhất, tiếp đến là cỏ dại, những cành củi khô, khúc gỗ, và quả thông lớn hơn.
Nhóm lửa mà không có những công cụ hiện đại thì cần phải có kỹ năng; may mắn thay, vì đã bước sang tuổi 60 nên ông Clay phải đeo kính. Ông đã sử dụng mắt kính như một thấu kính để tập trung ánh sáng mặt trời vào những vật liệu dễ bắt lửa nhất, đó là cỏ lanh khô — những sợi lanh riêng lẻ mỏng như sợi chỉ được bóc từng sợi một và tạo thành những búi lông tơ nhỏ. Ông tạo nhiều búi sợi như một biện pháp dự phòng. “Nếu bạn muốn nhóm lửa thành công, bạn cần sử dụng số lượng lớn,” ông nói.
Chẳng mấy chốc, búi sợi lanh bên trong bắt đầu bén lửa cháy sém, khiến nắm cỏ dại và những cành cây khô bắt đầu bốc cháy theo. Ông nhấn mạnh rằng việc sử dụng các phương tiện thô sơ luôn khó hơn ta tưởng.
Một quả thông lớn đầy nhựa được đặt trên cùng để duy trì ngọn lửa được lâu hơn, vì nhựa thông, nhựa cây là một chất cháy chậm. Ông may mắn tìm thấy một chiếc vỏ bào ngư mà ông dùng để mang những quả thông đang cháy âm ỉ về trại, nó cũng sẽ là vật chứa đa năng dùng cho việc đun sôi, uống nước, và nấu ăn.
Chiếc áo khoác len Thụy Điển dày có khả năng chống cháy đã bảo vệ bàn tay ông [khi nấu nướng]. Chiếc áo này cũng có thể làm thành chiếc túi ngủ, quấn quanh cơ thể ông để giữ ấm vào ban đêm khi ông ngả lưng trên tấm nệm bện bằng cỏ khô.
Trong ngày đầu tiên, ông Clay đã tìm được chút thức ăn quý giá. Ông nấu ăn từ vài cây nấm rừng slippery jack. “Bạn phải chọn rất cẩn thận những loại nấm mà bạn hái vì một số loại có độc tố chết người,” ông nói thêm rằng, [Kể cả] những chiếc que dùng để xiên nấm khi nướng cũng có thể chứa độc tố không kém: “Một vài loại gỗ cũng có thể giết bạn.”
Ngày thứ hai của ông bắt đầu sau một giấc ngủ chập chờn với đôi bàn chân lạnh cóng. Cuộc tìm kiếm thức ăn vẫn tiếp tục; tuy nấm nấu chín có hương vị rất ngon, nhưng ông Clay biết rằng còn có nhiều loại hải sản khác giúp no bụng hơn. Rất nhanh sau đó, ông tìm thấy chùm vỏ trai vỡ kẹt vào tảng đá ở vùng nước nông, và có một vài con còn nguyên vẹn, ông cậy những chiếc vỏ trai ra và ăn ngấu nghiến tại chỗ.
Ở đây có loài cá dẹt còn được gọi là cá bơn. Tối qua ông đã nhìn thấy ba con. Loài cá này chủ yếu kiếm ăn về đêm, tối nay, ông sẽ dùng cây nhọn để săn bắt chúng khi cơn đói ùa tới. Ông dùng dụng cụ bằng đá chuốt nhọn một cây gỗ cứng thành ngọn giáo đôi chắc chắn và dùng nó để săn cá.
Làm thế nào người ta có thể phát hiện ra cá bơn sống trong đêm tối? Hãy dùng một ngọn đuốc! Ông Clay thu nhặt nhựa khô từ vỏ của những cây thông lớn trên đảo và nghiền nát chúng. Dùng vỏ sò làm vật chứa, ông nấu một hỗn hợp nóng chảy gồm nhựa cây thông và than củi — một loại chất kết dính — để tạo ra loại nhiên liệu nhão dính, cháy chậm.
Chất này được phết lên tám hoặc chín quả thông lớn để làm đầu đuốc. Sử dụng bốn chiếc que được buộc lại với nhau bằng sợi lanh, ông Clay tạo ra một chiếc giá đỡ. Ông nói, “mỗi ngọn đuốc như vậy “sẽ cho tôi ánh sáng từ 8 đến 12 phút.”
Sau khi màn đêm buông xuống, ông Clay bắt đầu thực hiện kế hoạch của mình — những ngọn đuốc bằng quả thông cháy rất hoàn hảo — ngoại trừ một điều, ông phóng lao không trúng một con cá bơn nào vào tối hôm đó. Việc lội qua làn nước biển đóng băng vào mùa đông cũng không hề dễ dàng gì. Nhưng thật kỳ lạ, ông nhận ra điều đó khiến phần còn lại của cơ thể ông cảm thấy ấm áp.
Ôm cơn đói và giá lạnh, ông Clay đi ngủ vào cuối ngày thứ 2.
Sang ngày thứ 3, ông Clay có một người bạn mới ở khu cắm trại — một chú gà rừng, và mặc dù thức dậy trong cơn đói nhưng ông quyết định không ăn chú gà đó. “Tôi kết bạn với một chú chim hoang dã — weka — một loài gà rừng,” ông nói. “Nó quanh quẩn ở khu cắm trại của tôi.” Weka là loài chim đặc hữu được bảo vệ, và ông Clay tôn trọng điều đó.
Ông Clay đặt tên cho chú chim weka này là Wilson — theo bộ phim “Castaway” (Một mình trên hoang đảo) — và ông nói rằng, chú gà này đã trở thành ngôi sao chính trong video của mình.
Hôm nay, ông sẽ lại đi săn. Sau khi tiêu tốn rất nhiều sức lực để làm những việc như dựng lều và làm đuốc, cơn đói cồn cào bắt đầu khiến ông suy nghĩ rõ ràng hơn.
Bất chấp làn nước đóng băng, nhờ ánh đuốc, ông đã thành công phát hiện và đâm trúng một con cá bơn cỡ vừa. Không chậm trễ, ông dùng răng cắn vào đầu con cá, nhẹ nhàng giúp con cá bị đâm thoát khỏi cảnh đau đớn.
Mang chiến lợi phẩm trở về lều, ông đợi đến bình minh để nấu cá, tuy đi ngủ với chiếc bụng rỗng nhưng ông lại vô cùng hài lòng với thành quả thu được ngày hôm nay.
Ông không hề biết rằng, Ngày thứ 4 sẽ còn phong phú hơn nữa.
“Sáng hôm sau, tôi nấu món cá bơn, và có bữa ăn ngon đầu tiên,” ông Clay kể. Trong bữa ăn thịnh soạn này, ông đã làm món cá xông khói bằng cách đặt những lát cá phía trên than đang cháy, và xếp hai tảng đá lên đỉnh để giữ khói [tản xuống dưới]. Chú chim Wilson thì được trông thấy đang nhặt nhạnh những mảnh thức ăn vụn gần đó.
Một lần nữa, ông Clay lại chuyển mục tiêu của mình sang săn cá khi ông phát hiện được một con cá đuối khổng lồ bơi dọc bờ biển, ước đoán trọng lượng của nó tầm 35 đến 40 kg (77 đến 88 pound).
Ông kể mình đã nhìn thấy một con như vậy vào ngày đầu tiên và quả quyết rằng cần phải đẽo một ngọn giáo đủ lớn mới có thể săn được nó. Chỉ những ai có kinh nghiệm mới có tầm nhìn xa như vậy.
Ngọn giáo của ông Clay sẽ làm tốt việc này dù loài cá đuối có những chiếc ngạnh nguy hiểm có thể gây ra thương tích nghiêm trọng hoặc tử vong. Ông Clay lưu ý rằng một chiếc ngạnh cá đuối như vậy từng khiến thợ săn cá sấu huyền thoại Steve Irwin thiệt mạng. Ông cho biết thêm, việc chăm sóc vết thương ở nơi hoang dã thế này cũng mất rất nhiều công sức.
Vào ban ngày, ông Clay phát hiện con cá đuối đang bơi, ông chộp lấy ngọn giáo và chiếc máy quay GoPro rồi lao vội xuống nước. Sau khi đâm trúng con cá và kéo nó vào bờ, thử thách sinh tồn kéo dài 5 ngày của ông dường như gần chạm đích.
“Tôi có thể sống ở đó thêm hai tuần nữa nhờ thức ăn đã kiếm được mà không cần làm bất cứ việc gì nữa,” ông Clay nói, và cho biết thêm rằng thịt cá đuối hun khói có vị “như thịt cua — rất ngon.”
Bữa tiệc này thịnh soạn đến mức ông phải gọi chiếc thuyền đang chờ ông ở đó để mang thịt về làng mình, cách đó chừng 10 dặm.
“Nếu chúng ta định giết thịt một con vật để sinh tồn, thì đừng nên lãng phí nó,” ông nói với chúng tôi. “Hãy trân trọng điều này bằng cách chia sẻ nó với mọi người.” Đừng bao giờ lãng phí thức ăn — đó là triết lý của ông Clay. Thức ăn rất quý giá.
Ông lột da cá đuối để tận dụng mọi bộ phận. Lớp da cá được căng trên một chiếc khung tròn làm bằng cây, trông giống như một chiếc trống. Ông đặt một tảng đá lên trên để da cá giãn ra tạo thành một vết lõm, sau khi khô lại nó sẽ tạo thành một chiếc bát có thể hứng nước mưa.
Đến Ngày thứ 5, ông Clay đã có trong tay những thứ cơ bản thiết yếu để sinh tồn. Với sự thảnh thơi nhàn hạ, giờ đây ông chuyển hướng năng lượng sang một nhu cầu khác. “Bạn phải tự mua vui cho mình,” ông nói.
Ngoài việc tự học cách làm dây câu, lưỡi câu, hay giỏ đựng, ông còn học cách làm diều từ cây bụi khi còn nhỏ.
Và ông cũng mang theo một chiếc kèn harmonica để giữ cho tinh thần luôn phấn chấn. Ông thường chơi một giai điệu do ông viết cho chúng tôi nghe có tên là “Ole Dog, Ole Dog.” Ông Clay cũng từng là một nhạc công ở châu Âu trong nhiều năm.
Ông nói, âm nhạc “tốt cho tâm hồn” và “tốt cho trái tim.”
Thông điệp của ông Clay rất đơn giản. Hãy thôi thúc bản thân đối diện với những tình huống không dễ chịu và bạn sẽ gặt hái được những trái ngọt. “Niềm vui luôn đến sau nỗi đau,” ông nói. “Bạn nên thử thách bản thân làm những việc bạn chưa từng làm trước đây.”
“Bạn sẽ thấy mình mạnh mẽ hơn, dũng cảm hơn, cứng rắn hơn, và tháo vát hơn rất nhiều so với những gì bạn nghĩ,” ông Clay chia sẻ.
Lê Đào biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times