Các trường đại học Hoa Kỳ không báo cáo 6.5 tỷ USD tiền tài trợ từ nước ngoài
Theo một cuộc điều tra của Bộ Giáo dục, các trường đại học Hoa Kỳ đã không báo cáo 6.5 tỷ USD quà tặng và hợp đồng nước ngoài.
Luật liên bang yêu cầu cứ hai lần một năm các trường đại học phải công bố những hợp đồng và các quà tặng nước ngoài có giá trị cho Bộ Giáo dục (DOE). Nhiều trường đã không thực hiện nghĩa vụ này trong nhiều năm, trong khi nhiều trường khác thì không báo cáo đầy đủ chính xác nguồn thu nhập. Cơn bão yêu cầu tiết lộ tài chính xảy ra khi Bộ mở cuộc điều tra 12 trường đại học ưu tú.
Theo dữ liệu lịch sử của DOE và những số liệu gần đây nhất được đăng trên cổng báo cáo trực tuyến mới của Bộ, các trường đại học cho biết đã nhận được tổng cộng hơn 19.6 tỷ USD quà tặng và hợp đồng nước ngoài từ năm 2014 đến năm 2020, bao gồm gần 1.5 tỷ USD từ Trung Quốc, gần 3.1 tỷ USD từ Qatar và hơn 1.1 tỷ USD từ Ả Rập Xê-Út.
Đại học Carnegie Mellon cho biết đã nhận được gần 1.61 tỷ USD quà tặng và hợp đồng nước ngoài, nhiều nhất so với bất kỳ trường đại học nào. Harvard đứng đầu danh sách về tổng số tiền nhận được từ Trung Quốc, báo cáo gần 116 triệu USD.
Tại một sự kiện hôm 20/10, cùng với các quan chức từ Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Giáo dục Betsy DeVos đã công bố những phát hiện của cuộc điều tra.
Bà DeVos nói: “Mối đe dọa là có thật, vì vậy chúng tôi đã hành động để bảo đảm công chúng có được sự minh bạch mà luật pháp yêu cầu. Chúng tôi nhận thấy tình trạng các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học không tuân thủ đã quá phổ biến, và nước ngoài có sự “dính mắc” đáng kể với các trường cao đẳng và đại học của Hoa Kỳ.”
Theo một báo cáo do DOE công bố hôm 20/10, phần lớn các quỹ nước ngoài đổ vào các trường đại học lớn nhất và uy tín nhất của Hoa Kỳ, những trường này đã nhận được hàng tỷ đô la thông qua một loạt các trung gian. Tất cả các trường đại học có liên quan cũng đồng thời nhận hàng chục tỷ đô la tiền trợ cấp của người đóng thuế Hoa Kỳ nhưng phần lớn hoạt động của họ lại “tách rời khỏi bất kỳ ý thức về nghĩa vụ nào đối với người nộp thuế hay quan tâm đến các lợi ích quốc gia, an ninh quốc gia, hoặc các giá trị quốc gia của chúng ta”, báo cáo của DOE nêu rõ.
Chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2020, các trường đại học Hoa Kỳ đã báo cáo về khoản 2 tỷ USD quà tặng và hợp đồng nước ngoài. Một trường học, không được nêu tên trong báo cáo, đã không báo cáo 760 triệu USD tài trợ nước ngoài. Các quan chức của trường đại học đó nói với DOE rằng họ “chết lặng” trước lỗi báo cáo. Một trường học giấu tên khác đã không báo cáo 1.2 tỷ USD quà tặng và hợp đồng nước ngoài.
Từ lâu, các trường đại học đã được cảnh báo rằng những đối tượng nước ngoài thù địch với Hoa Kỳ đã bơm một lượng tiền đáng kể để tìm cách “phát huy quyền lực mềm, đánh cắp nghiên cứu nhạy cảm và độc quyền, và tuyên truyền thông tin”, báo cáo viết rõ.
Mục 117 của Đạo luật Giáo dục Đại học yêu cầu các trường đại học phải báo cáo các quà tặng hoặc hợp đồng nước ngoài vượt quá 250,000 USD. Đạo luật này trao quyền cho DOE chuyển các trường hợp không tuân thủ đến Bộ Tư pháp, sau đó Bộ Tư pháp có thể thực hiện hành động cưỡng chế để thu thập hồ sơ và thu hồi chi phí tuân thủ.
“Các trường đại học xoay sở để theo dõi từng xu mà sinh viên của họ nợ và trả; không còn nghi ngờ gì nữa, họ có thể — và thực sự là như vậy — theo dõi các quỹ đến từ các nguồn nước ngoài, bao gồm cả những quốc gia đối kháng với lợi ích của Mỹ,” báo cáo nêu rõ. “Tuy nhiên, các cuộc điều tra của chúng tôi xác nhận phát hiện của một tiểu ban Thượng viện rằng việc báo cáo theo Mục 117 của các trường đại học về mặt hệ thống là không đầy đủ và không chính xác.”
Bộ gọi những thất bại trong việc báo cáo tài trợ nước ngoài là “cực kỳ đáng lo ngại”. Đại học Yale đã không báo cáo bất kỳ quà tặng và hợp đồng nước ngoài nào trong 4 năm, và Đại học Case Western Reserve là trong 12 năm, “hoàn toàn đúng như vậy khi cả hai trường này đang nhanh chóng mở rộng các hoạt động và các mối quan hệ ở nước ngoài của họ — bao gồm cả với Trung Quốc và Iran”. Theo báo cáo, đại học Yale đã không báo cáo nhận 375 triệu USD quà tặng và hợp đồng nước ngoài.
Ngoài việc báo cáo thiếu, một số trường đại học đã giấu tên các quà tặng từ các nguồn nước ngoài, bao gồm hơn 1.14 tỷ USD quà tặng không xác định từ Trung Quốc, Ả Rập Xê-Út, Qatar và Nga kể từ năm 2012.
“Giáo dục đại học của Hoa Kỳ là một nguồn lực chiến lược quan trọng về con người và công nghệ. Sự năng động trí tuệ được tạo ra bởi cam kết lịch sử của quốc gia chúng ta đối với tự do học thuật, tự do tìm hiểu và tự do ngôn luận trong khuôn viên trường đã đóng góp đáng kể vào nền kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ,” theo báo cáo.
“Theo đó, trong nhiều thập kỷ, các tổ chức nhà nước và phi nhà nước của nước ngoài đã tận lực gây ảnh hưởng hoặc kiểm soát việc giảng dạy và nghiên cứu, với mục tiêu đánh cắp tài sản trí tuệ hoặc thậm chí thực hiện hoạt động gián điệp, và sử dụng các trưởng sở của Mỹ làm trung tâm cho các hoạt động tuyên truyền và phản chiếu quyền lực mềm.”
Một nhóm các trường lớn nhất hoặc có sức ảnh hưởng nhất nhận được phần lớn các quà tặng và hợp đồng nước ngoài. Những trường này hoặc báo cáo thiếu sót nghiêm trọng hoặc hoàn toàn không tiết lộ số tiền. Dựa trên các cuộc điều tra của Quốc hội và nhánh hành pháp, các trường đại học đã chủ động báo cáo nhận số tiền 6.6 tỷ USD từ Qatar, Trung Quốc, Ả Rập Xê-Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nhưng DOE ước tính tổng số tiền thực sự còn lớn hơn nhiều. Một cuộc điều tra của Thượng viện năm 2019 cho thấy các nguồn tài trợ nước ngoài dành cho ngành này là một “hố đen”.
Phân biệt đối xử của đại học Yale
Báo cáo nhấn mạnh rằng những tiết lộ tài trợ nước ngoài là rất quan trọng vì các chính phủ thù địch đang tích cực nhắm mục tiêu vào lĩnh vực giáo dục đại học của Hoa Kỳ để ăn cắp tài sản trí tuệ và nghiên cứu, gây ảnh hưởng đến chương trình giảng dạy, và tuyển dụng nhân tài. Báo cáo đã trích dẫn một số cáo trạng gần đây để minh họa cho vấn đề này, bao gồm các cáo buộc chống lại chủ nhiệm khoa hóa học của Đại học Harvard và một nhà nghiên cứu của Đại học Stanford mà đã nói dối về thân thế thực sự của cô với các lực lượng quân sự của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Đại học Stanford đã báo cáo 64 triệu USD về các quà tặng có nguồn ẩn danh, không xác định và các hợp đồng với Trung Quốc kể từ tháng 5/2010. Đáng chú ý, trường đại học này đã ngừng báo cáo thông tin chi tiết về quà tặng và hợp đồng nước ngoài hai tháng trước khi mở Trung tâm Stanford tại Đại học Peking ở Trung Quốc. Thông báo về cuộc điều tra của Bộ cho thấy các mối quan hệ của trường đại học này với ĐCSTQ được minh họa bằng một biểu ngữ trên trang web của Trung tâm Stanford. Theo đó, các sinh viên Stanford đứng trước một tượng đài các đường ray xe lửa và giúp quân đội Trung Quốc tiến vào Bắc Triều Tiên tấn công lực lượng Liên Hợp Quốc đang bảo vệ Hàn Quốc.
“Như bạn đã biết, quân đội Trung Quốc Cộng sản đã tấn công các lực lượng Liên Hợp Quốc đang bảo vệ Hàn Quốc khỏi sự xâm lược vô cớ của Bắc Triều Tiên. Bắc Triều Tiên khi đó, và cho đến nay vẫn là một chế độ độc tài toàn trị cộng sản tàn bạo. Theo Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ, 54,246 quân nhân Hoa Kỳ đã hy sinh mạng sống của họ để bảo vệ Hàn Quốc [đúng như nguyên văn] khỏi Bắc Triều Tiên và Trung Quốc Cộng sản trong giai đoạn 1950-53,3; vì vậy, đây là một hình ảnh đặc biệt kỳ lạ (và cực kỳ khiếm nhã) để Stanford làm nổi bật,” theo bức thư do Phó Tổng cố vấn Reed Rubinstein ký.
Báo cáo của DOE được đưa ra vào thời điểm Chính phủ Tổng thống Donald Trump đang có lập trường mạnh mẽ chống lại sự ảnh hưởng của ĐCSTQ tại Hoa Kỳ. Sáng kiến Trung Quốc của Bộ Tư pháp đang tiến hành hàng nghìn cuộc điều tra ở khắp mọi tiểu bang. Một số trường hợp nổi bật của sáng kiến này gồm cả các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ ở các trường học của Hoa Kỳ. Bộ Tư pháp đã đưa ra 20 trường hợp liên quan đến “gián điệp kinh tế, trộm cắp bí mật thương mại, và kiểm soát nghiên cứu kể từ năm 2018”.
Tháng 11/2019, DOE thông báo với Quốc hội rằng các cuộc điều tra của họ xác định rằng 6 trường đại học đã không báo cáo 1.3 tỷ USD trong quỹ nước ngoài của họ, trong đó có một trường đại học “đã bị một chính phủ nước ngoài gây sức ép để che giấu các khoản đóng góp”, một trường khác “đã thỏa thuận với một chính phủ nước ngoài để quảng bá những tuyên truyền của họ”, và những trường khác “có các thỏa thuận trực tiếp với Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Một mũi nhọn trong chiến dịch gây ảnh hưởng của ĐCSTQ tại các trường đại học Hoa Kỳ là Viện Khổng Tử nhưng Viện này đã bị Tiểu ban Điều tra Thường trực của Thượng viện Hoa Kỳ gắn cờ là công cụ chính trị của ĐCSTQ. Ủy ban này nhận thấy rằng ĐCSTQ đã đầu tư 158 triệu USD vào các Viện Khổng Tử trong các trường đại học Hoa Kỳ. Ủy ban nhận thấy mặc dù có rất nhiều cảnh báo được nêu ra về Viện này, nhưng gần 70% các trường không báo cáo về các món quà và hợp đồng liên quan với ĐCSTQ.
Ủy ban nhận thấy rằng DOE trước đây đã không thực hiện giám sát thường xuyên việc các trường đại học tuân thủ gửi báo cáo quà tặng nước ngoài và đã không cập nhật yêu cầu gửi báo cáo đối với các trường đại học Hoa Kỳ. DOE đang thực hiện các cuộc điều tra và báo cáo dựa theo những phát hiện này của Ủy ban.
Bộ đã tạo ra một cổng thông tin báo cáo trực tuyến và bắt buộc các trường phải sử dụng từ ngày 31/7. Cổng thông tin này đã giúp “gia tăng đáng kể việc tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo,” theo DOE.
DOE vẫn đang xem xét lại các tài liệu từ Harvard, Yale, Đại học Texas và Case Western; do đó, trong báo cáo không bao gồm việc hạch toán đầy đủ các khoản tài trợ nước ngoài cho các trường này. Bộ vẫn chưa nhận được các tài liệu từ Stanford và Fordham.
Việc các trường đại học nhận quà tặng và hợp đồng nước ngoài không phải là bất hợp pháp, nhưng các trường này bắt buộc phải giải trình những giao dịch đó.
Đảng Cộng sản Trung Quốc
DOE đặc biệt chú ý đến nguồn tài trợ từ ĐCSTQ và các tập đoàn Trung Quốc, bao gồm cả gã khổng lồ viễn thông liên quan đến ĐCSTQ Huawei. Gần như mọi tổ chức bị điều tra đều nhận tiền từ Huawei, công ty này vốn đã bị nhà chức trách Hoa Kỳ gắn cờ là rủi ro an ninh quốc gia. Huawei đã nhận được 75 tỷ USD tài trợ của chính phủ, cho thấy rằng ĐCSTQ có thể sử dụng nó như một công cụ gây ảnh hưởng.
Theo báo cáo, các trường đại học Hoa Kỳ đã nhận được hơn 19.5 triệu USD quà tặng và hợp đồng từ Huawei và các tổ chức liên kết. Theo số liệu từ Báo cáo Hợp đồng và Quà tặng Nước ngoài, Đại học Cornell đã nhận hơn 6 triệu USD từ công ty Trung Quốc này. Cũng theo báo cáo, một trường học giấu tên đã giữ 11 triệu USD trong các hợp đồng và các thỏa thuận với Huawei kể từ năm 2013, bao gồm cả các khoản tài trợ cho các dự án nghiên cứu riêng. Các quà tặng và hợp đồng của Huawei nhắm mục tiêu chiến lược đến các chủ đề nhạy cảm và các ngành cạnh tranh, như khoa học hạt nhân, robot, chất bán dẫn và dịch vụ trực tuyến đám mây.
Một số trường đã nhận tiền trực tiếp từ ĐCSTQ. Một trường đã ký hợp đồng với Ủy ban Trung ương ĐCSTQ từ năm 2006. Một trường khác có một chương trình trao đổi học thuật đang diễn ra với Trường Đảng của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, vốn là nơi đào tạo các quan chức đang gia nhập hoặc đã đứng trong hàng ngũ của ĐCSTQ. Một trường thứ ba đã ký một thỏa thuận với Cục Quản lý Nhà nước về Tôn giáo của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – cơ quan quản lý chặt chẽ hành vi của tôn giáo.
Trong khi đó, tập đoàn HNA của Trung Quốc (Chinese conglomerate HNA Corporation) đã cung cấp 15 triệu USD học bổng “tài năng” cho một trường đại học giấu tên của Hoa Kỳ, có thể là Cornell. Mặc dù chương trình của HNA không giống với Kế hoạch Ngàn nhân tài của ĐCSTQ, nhưng nó được tạo ra với mục đích tương tự. HNA được thành lập bởi một quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 2018, Chủ tịch của tập đoàn này, ông Chen Feng, cho biết HNA sẽ “có ý thức bảo vệ cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản với Tổng Bí thư Tập Cận Bình là cốt lõi” và “kiên định đi theo đảng”. Tên của trường hợp tác với HNA bị bôi đen trong báo cáo, nhưng báo cáo về quà tặng và hợp đồng của DOE cho thấy Cornell đã nhận 2.5 triệu USD qua hai món quà từ “HNA Group” vào năm 2016 và 2017.
Báo cáo cũng phác thảo các hoạt động gây dựng quyền lực mềm thông qua việc tài trợ cho các trường đại học có nguồn gốc từ Nga, Ả Rập Xê-Út và Qatar.