Các tổ chức phi chính phủ lo ngại về việc Nam Hàn ‘đồng lõa’ với hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc
Một báo cáo mới tiết lộ “các quốc gia trong thế giới tự do đã đồng lõa với hoạt động thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc” như thế nào
Nhóm các tổ chức phi chính phủ kêu gọi Liên Hiệp Quốc thúc giục chính phủ Nam Hàn chấm dứt sự đồng lõa với hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc.
“Nam Hàn, vốn được biết đến là một khách hàng lớn của ngành du lịch cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, đã không thực hiện đầy đủ các bước để giám sát và ngăn chặn hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức cho dù họ cũng ý thức được các tình huống xảy ra xung quanh hoạt động này – sự tước đoạt sinh mệnh con người một cách tùy tiện và tàn ác,” hai tổ chức phi chính phủ viết trong một báo cáo hôm 13/09.
Hai tổ chức nói trên gồm Hiệp hội Đạo đức Cấy ghép Nội tạng Nam Hàn (KAEOT) và Tổ chức Các Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH) đã nêu lên lo ngại về việc chính phủ Nam Hàn có liên quan đến hành vi lạm dụng cấy ghép tạng trong một báo cáo gửi đến Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Một phiên họp của cơ quan quốc tế này dự kiến sẽ diễn ra tại Geneva vào tháng tới.
Ông Kim Hwangho, giám đốc tổ chức KAEOT cho biết, báo cáo này không chỉ tác động đến chính phủ Nam Hàn mà còn giúp chấm dứt hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc, khi ngành kinh doanh trị giá hàng tỷ dollar này đang được thúc đẩy bởi khách du lịch ghép tạng trên khắp thế giới.
Việc các tổ chức phi chính phủ hợp tác với nhau nhằm thu hút Ủy ban Nhân quyền tham gia giám sát các quốc gia đồng lõa với hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc có thể giúp chấm dứt hoạt động tàn ác này, vốn phụ thuộc vào nhu cầu từ các quốc gia khác,” ông Kim cho biết trong một văn bản báo cáo gửi đến The Epoch Times.
Tội ác chống lại nhân loại
Ngành công nghiệp ghép tạng ở Trung Quốc đã có sự tăng trưởng vượt bậc kể từ đầu những năm 2000, mặc dù trên thực tế việc tình nguyện hiến tạng ở quốc gia này là rất hiếm hoi. Các bệnh viện Trung Quốc được ghi nhận là tìm được nội tạng phù hợp chỉ trong vài ngày, đây là điều chưa từng thấy ở các quốc gia có hệ thống hiến tạng tự nguyện.
Báo cáo của tổ chức trên đã nhắc đến một chương trình phát sóng trên mạng truyền hình cáp TV Chosun của Nam Hàn hồi năm 2017, trong đó họ đã khám phá được hiện tượng bệnh nhân Nam Hàn đổ xô sang Trung Quốc để thực hiện ghép tạng.
Các phóng viên của chương trình đã đóng giả làm người nhà bệnh nhân mắc bệnh thận để hỏi về phẫu thuật cấy ghép tại một bệnh viện ở Thiên Tân, một thành phố ven biển của Trung Quốc. Họ đã quay phim những cuộc trò chuyện với nhân viên bệnh viện bằng máy quay ngụy trang, và được cho biết rằng thời gian chờ nội tạng tương thích dao động trong vòng từ bảy đến 50 ngày. Tuy nhiên, một y tá cho biết bệnh nhân có thể nhận được thận trong vòng hai ngày nếu như họ sẵn sàng trả thêm 10,000 USD.
Khi được hỏi về số lượng ca phẫu thuật ghép tạng trung bình được thực hiện ở bệnh viện mỗi ngày, người y tá trả lời rằng họ đã thực hiện ba ca ghép thận và bốn ca ghép gan vào ngày trước đó.
Những phóng viên này cũng phỏng vấn những bệnh nhân người Nam Hàn đã trải qua phẫu thuật tại bệnh viện đó. Một người phụ nữ cho biết bà đã chờ đợi nội tạng tương thích trong tám tuần. Con trai của bà kể với các phóng viên rằng nội tạng được chuyển đến bệnh viện trong khoảng hai giờ đồng hồ sau khi thu mua.
Trong những thập niên gần đây, thời gian chờ tạng ngắn tại Trung Quốc đã thu hút hàng ngàn bệnh nhân ngoại quốc. Một nghiên cứu năm 2016 được công bố trên Tạp chí Cấy ghép Hoa Kỳ cho thấy Trung Quốc là điểm đến cấy ghép phổ biến nhất tại hải ngoại, trong khi đó Nam Hàn là quốc gia đứng thứ hai về nhu cầu cấy ghép.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét các tài liệu được xuất bản từ năm 2000 đến năm 2015 và xác định được 6,002 bệnh nhân đã ra ngoại quốc để mua nội tạng trong khoảng thời gian từ năm 1971 đến năm 2013. Trong đó gần 45% (tức 2,700 bệnh nhân) đã đến Trung Quốc để tìm kiếm cuộc phẫu thuật cứu sinh.
Điều đáng chú ý là tại Trung Quốc, không có hệ thống hiến tạng và phân phối tạng chính thức nào cho đến năm 2015. Nhìn chung, người Trung Quốc đều không muốn hiến tặng nội tạng của họ vì theo tín ngưỡng truyền thống thì cơ thể là món quà mà cha mẹ ban cho và thi thể cần phải được giữ nguyên vẹn sau khi qua đời.
Theo truyền thông Trung Quốc, đến cuối năm 2003, số lượng hiến tạng của đất nước này vẫn là con số không. Năm 2005, lần đầu tiên các quan chức cấp cao Trung Quốc thừa nhận hầu hết nội tạng được sử dụng để cấy ghép đến từ tử tù.
Tuy nhiên, con số tử tù bị hành quyết cũng không thể giải thích được số lượng các ca cấy ghép cao ngất ngưởng được thực hiện tại quốc gia này.
Năm 2019, một tòa luận tội độc lập đã kết luận chính quyền Trung Quốc đã sát hại nhiều tù nhân lương tâm “trên một quy mô lớn” để cung cấp cho thị trường cấy ghép nội tạng của quốc gia này. Tòa cho biết, những nạn nhân chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ.
Pháp Luân Công—một môn tu luyện tinh thần và thực hành thiền định đi kèm với các bài giảng đạo đức dựa trên nguyên lý chân, thiện, và nhẫn — đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại tàn bạo từ năm 1999. Các học viên Pháp Luân Công đã bị bắt vào tù, trại lao động, và các trung tâm tẩy não, nơi họ bị tra tấn nhằm buộc họ từ bỏ đức tin.
Tòa án Luận tội Trung Quốc kết luận chính quyền này đã phạm phải tội ác chống lại nhân loại và kêu gọi chính phủ các nước cũng như các tổ chức quốc tế “thực hiện nghĩa vụ” bằng cách đáp lại phán quyết.
“Sự đồng lõa thụ động”
Năm nay, các quan chức Trung Quốc lại kêu gọi tăng cường “hợp tác hiến tạng và ghép tạng” thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường nhưng đã vấp phải sự chỉ trích của các tổ chức nhân quyền tại Đài Loan, Nhật Bản, và Nam Hàn.
Theo báo cáo của tổ chức KAEOT-DAFOH, chính quyền địa phương tại Busan, thành phố lớn thứ hai của Nam Hàn, đã tham gia vào việc quảng bá kế hoạch gây tranh cãi này. Năm 2022, các nhà chức trách Busan đã đồng tổ chức Hội nghị Chuyên đề Quốc tế về Hiến tạng ở châu Á, trong đó những người tham gia thảo luận về việc vận chuyển nội tạng hoặc bệnh nhân thông qua mạng lưới chia sẻ này.
Báo cáo cho biết: “Những hành động này vô tình mang lại nguy cơ thúc đẩy hoạt động Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức ở Trung Quốc và đẩy những công dân Nam Hàn vào nguy cơ tham gia vào tội ác tàn độc một cách không tự biết.”
Tiến sĩ Torsten Trey, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành DAFOH, cho biết rằng báo cáo này cho thấy cách mà “các quốc gia ở thế giới tự do đang đồng lõa với tội ác Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức của Trung Quốc”
“Không phải là hữu ý ủng hộ, nhưng vô hình trung khiến cho tội ác này xảy ra,” ông nói với The Epoch Times.
Tiến sĩ Trey cho biết nếu các quốc gia có thể cam kết tuân thủ theo luật pháp hiện hành, thì họ có thể thoát khỏi “sự đồng lõa thụ động.”
“Việc này không phải là không thể tránh khỏi; mà đó là sự lựa chọn. Bây giờ không phải là quá muộn để cắt đứt sự dính líu với tội ác chống lại nhân loại của ĐCSTQ,” ông nói.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times