Các thượng nghị sĩ đẩy mạnh việc vạch trần các mối quan hệ với ngoại quốc trong các vụ kiện ở Hoa Kỳ
Ngoại quốc đang tài trợ cho các vụ kiện dân sự chống lại các công ty và ngành nghề, gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia
Các thượng nghị sĩ thuộc mọi quan điểm chính trị đang kêu gọi sự minh bạch trong việc bên thứ ba tài trợ cho các vụ kiện tại các tòa án Hoa Kỳ. Họ nêu lên lý do rằng một lượng lớn tiền “có nguồn gốc từ ngoại quốc” đã được đổ vào các vụ kiện dân sự của Hoa Kỳ nhắm vào các công ty và ngành nghề, từ đó gây ra mối đe dọa đáng kể đến an ninh quốc gia và an ninh kinh tế.
Tuần trước (30/10-05/11), trong một lá thư gửi các chánh án của ba địa hạt liên bang của Florida — với tổng cộng 15 tòa án địa hạt — hai thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida) và Rick Scott (Cộng Hòa-Florida) đã tìm cách thực thi các quy tắc công bố thông tin đối với việc tài trợ kiện tụng của bên thứ ba (third-party litigation funding — TPLF) từ ngoại quốc.
“Tài trợ Kiện tụng của Bên thứ Ba từ ngoại quốc gây ra một mối đe dọa cho hệ thống tư pháp của chúng ta vì hoạt động này cho phép các tác nhân ngoại quốc, trong đó có các đối thủ [của Hoa Kỳ], đại diện cho lợi ích của họ tại tòa án Hoa Kỳ,” hai thượng nghị sĩ này cho biết, và nói thêm rằng: “Điều này đặc biệt rắc rối vì họ không phải là bên tham gia vụ kiện.”
Họ cho biết, các nhà lập pháp có trách nhiệm phải bảo vệ sự độc lập của tòa án và ngăn chặn những lợi thế chiến lược của Hoa Kỳ rơi vào tay các tổ chức thù địch ngoại quốc. Họ nói thêm rằng, trách nhiệm này bao gồm nghĩa vụ bảo vệ hệ thống pháp luật khỏi bị các tác nhân ngoại quốc sử dụng như một công cụ.
Hai thượng nghị sĩ nói trên đã thúc đẩy việc này sau khi Đạo luật Bảo vệ Tòa án của Chúng ta khỏi Sự thao túng của Ngoại quốc năm 2023 (gọi tắt là “Đạo luật”) được hai thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân chủ-West Virginia) và John Kennedy (Cộng Hòa-Florida) đưa ra hồi tháng Chín. Nếu được thông qua thì Đạo luật sẽ ngăn chặn các tổ chức và các chính phủ ngoại quốc tài trợ cho các vụ kiện tại Hoa Kỳ.
“Các tác nhân ngoại quốc như Trung Quốc và Nga sử dụng việc tài trợ kiện tụng của bên thứ ba để trợ giúp các vụ kiện có chủ đích ở Hoa Kỳ, làm suy yếu an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của chúng ta,” ông Manchin cho biết. “Dự luật này sẽ cung cấp một chiến lược hợp lý để bảo vệ hệ thống luật pháp của chúng ta bằng cách yêu cầu sự minh bạch và trách nhiệm giải trình cao hơn từ các tổ chức bên thứ ba và ngăn chặn các chính phủ ngoại quốc cũng như các quỹ đầu tư quốc gia khỏi việc tài trợ cho các vụ kiện. Tôi kêu gọi các Thượng nghị sĩ ở cả hai đảng hãy ủng hộ dự luật lưỡng đảng này để bảo đảm rằng các tòa án liên bang của chúng ta được bảo vệ khỏi ảnh hưởng của ngoại quốc.”
Ông Kennedy nói thêm: “Việc cứ để cho tòa án của chúng ta không được bảo vệ khỏi ảnh hưởng của ngoại quốc — chẳng hạn như từ Trung Quốc — gây ra một rủi ro lớn đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Đạo luật Bảo vệ Tòa án của Chúng ta khỏi Sự thao túng của Ngoại quốc sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết để bảo đảm rằng các quốc gia ngoại quốc, các quỹ đầu tư tư nhân, và các quỹ đầu tư quốc gia có liên quan đến các chính phủ thù địch sẽ không tác động đến phán quyết của tòa án liên bang.”
Một số mục tiêu liên quan của Đạo luật bao gồm theo dõi và báo cáo kỹ hơn về hoạt động gây quỹ ngoại quốc, một lệnh cấm tài trợ từ các chính phủ ngoại quốc và các quỹ đầu tư quốc gia, và các mục tiêu khác.
Vốn đầu tư hàng tỷ dollar
Tài trợ kiện tụng của bên thứ ba (third-party litigation funding — TPLF) là một hoạt động mà trong đó các nhóm lợi ích không trực tiếp tham gia vào vụ kiện nhưng họ cung cấp tài trợ cho bên khởi kiện để đổi lấy lợi tức tiền bạc tiềm năng thu được từ vụ kiện đó.
Tài trợ kiện tụng của bên thứ ba cũng là một ngành trị giá hàng tỷ USD trên toàn cầu, cho phép các quỹ phòng hộ và các nhà tài trợ ngoại quốc khác đầu tư vào một vụ kiện. Theo ước tính của Bloomberg Law, ngành này trị giá 13.5 tỷ USD với các khoản đầu tư mới hồi năm ngoái lên đến 3.2 tỷ USD.
“TPLF từ ngoại quốc có thể đến từ nhiều nguồn, chẳng hạn như quốc gia ngoại quốc trực tiếp thông qua các quỹ đầu tư quốc gia, cũng như các cơ quan không chính thức của quốc gia đó,” hai ông Rubio và Scott viết. “Những quỹ đó thường không được tiết lộ, và bên tài trợ có thể gây ảnh hưởng lớn đến tính chất và đường hướng của vụ kiện thông qua khoản đóng góp tài chính của họ. Tác động tiềm tàng của việc để cho TPLF từ ngoại quốc không bị kiểm soát và không bị tiết lộ trong hệ thống tư pháp có thể rất nghiêm trọng, trừ phi được giải quyết đúng mức.”
Theo Viện Cải cách Pháp luật (ILR) của Phòng Thương vụ Hoa Kỳ, trong những năm gần đây, việc sử dụng TPLF đã tăng lên ở hầu hết mọi khía cạnh của các vụ kiện dân sự tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bất chấp sự nở rộ như vậy, nhiều tòa án vẫn không hay biết về hiện tượng này, chủ yếu là do các thỏa thuận TPLF yêu cầu không được tiết lộ và hiếm khi được tiết lộ cho tòa án.
Chủ tịch ILR Harold Kim cho biết trên trang web của viện, hệ quả là, ngành tài trợ cho kiện tụng vẫn âm thầm hoạt động.
Ông Matt Webb, phó chủ tịch cao cấp về chính sách cải cách pháp luật của ILR, nói với The Epoch Times: “Việc cho phép các tác nhân ngoại quốc đại diện cho lợi ích của họ tại các tòa án Hoa Kỳ gây ra mối đe dọa đến hệ thống tư pháp Hoa Kỳ. Điều này đặc biệt đáng báo động khi họ không phải là các bên tham gia trực tiếp trong vụ kiện.”
Ví dụ, chính phủ liên bang đã thực hiện các bước để hạn chế quyền truy cập của ngoại quốc vào một số loại công nghệ của Hoa Kỳ, nhưng hệ thống pháp luật không có điều khoản nào để ngăn chặn các đối thủ ngoại quốc truy cập vào thông tin nhạy cảm về công nghệ Hoa Kỳ thông qua quá trình khám phá trong các vụ kiện.
Mối đe dọa từ Trung Quốc
Mặc dù TPLF là một hiện tượng diễn ra trên toàn cầu nhưng TPLF đã đặc biệt phổ biến ở Hoa Kỳ. Theo công ty tái bảo hiểm Swiss Re, hơn một nửa trong số 17 tỷ USD đầu tư vào các khoản tài trợ kiện tụng trên toàn cầu hồi năm 2020 đã được đổ vào Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, mặc dù các tòa án ở Hoa Kỳ đã chứng kiến Vương quốc Anh và Úc đầu tư vào TPLF trong nhiều năm, nhưng tiết lộ gần đây về một khoản tiền lợi tức mà Trung Quốc được trả trong một vụ kiện ở Hoa Kỳ đã khiến các thượng nghị sĩ và chuyên gia pháp lý gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Theo một bản tin trên RPX Insight, hồi tháng Bảy năm nay, Staton Techiya LLC đã đệ hai đơn kiện tại Delaware chống lại Harman International Industries, Harman-Kardon (công ty con của Samsung), về việc cung cấp hệ thống âm thanh cho xe hơi và tai nghe earbuds, trong đó có những sản phẩm do Harman’s JBL và AKG Acoustics cung cấp.
Theo bản tin, Staton Techiya đã đệ trình một tuyên bố xác định công ty PurpleVine IP Operating (Shenzen) là “Nhà tài trợ Bên Thứ ba mà công ty này đã thu xếp để nhận tài trợ cho chi phí luật sư và nhiều khoản chi khác của mình để tiến hành vụ kiện trên cơ sở không truy đòi để đổi lấy lợi ích tài chính dựa trên kết quả của vụ kiện và không mang tính chất của một khoản vay cá nhân, khoản vay ngân hàng, hoặc bảo hiểm.”
Công ty Staton Techiya đã tiết lộ rằng “các quyết định tranh tụng hoặc hòa giải trong vụ kiện này có thể được thực hiện mà không cần phải thông qua PurpleVine IP,” và PurpleVine IP “không có thẩm quyền đưa ra các quyết định tranh tụng hoặc hòa giải.” Theo tuyên bố của công ty Staton Techiya, PurpleVine IP “là một công ty được thành lập theo pháp luật của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Một lưu ý gần đây của ILR cũng cảnh báo rằng Quỹ Đầu tư Quốc gia của Trung Quốc, Tập đoàn Đầu tư Trung Quốc, có thể tài trợ cho một vụ kiện chống lại một công ty Hoa Kỳ trong một ngành nhạy cảm, chẳng hạn như công nghệ quân sự, và qua quá trình đó, họ [có thể] thu thập tài liệu tuyệt mật có chứa thông tin độc quyền về các công nghệ nhạy cảm.
Chi phí cao
Tuy nhiên, ông Webb cho biết “TPLF cũng có tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Hoa Kỳ.”
Một nghiên cứu của ILR được công bố hồi tháng 11/2022 cho thấy chi phí và tiền bồi thường trong hệ thống pháp lý của Hoa Kỳ đã lên tới 443 tỷ USD vào năm 2020. Đây là “mức chi phí tố tụng cao nhất, ít ra là kể từ năm 2016” và bằng với 2.1% GDP của Hoa Kỳ, tương đương 3.621 USD cho mỗi gia đình Mỹ.
Một nghiên cứu của Viện Swiss Re Institute cũng tiết lộ rằng TPLF góp phần khiến cho các khoản bồi thường cao hơn, các vụ kiện kéo dài hơn, và chi phí pháp lý cao hơn. Trung bình, các vụ kiện kéo dài hơn sẽ làm tăng mức yêu cầu bồi thường do chi phí pháp lý cao hơn, tuy nhiên TPLF khiến cho phần lớn các khoản tiền bồi thường này được chuyển đến bên cung cấp tài trợ thay vì cho nguyên đơn.
Lợi tức nhận lại cũng hấp dẫn. Các khoản đầu tư TPLF đã đạt được tỷ lệ lợi tức nội bộ từ 25% trở lên trong những năm gần đây, cao hơn cả các nhóm tài sản rủi ro như đầu tư mạo hiểm.
“Chúng tôi xem TPLF là một nguyên nhân góp phần gây ra lạm phát trong xã hội Hoa Kỳ, bằng cách khuyến khích các nguyên đơn khởi kiện và kéo dài các vụ kiện,” nghiên cứu này cho biết. “Mức chi phí bồi thường cao hơn sẽ làm tăng phí bảo hiểm, có thể làm giảm sự khả dụng của bảo hiểm trách nhiệm, và dẫn tới rủi ro chi phí pháp lý không được bảo hiểm cao hơn đối với các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Những chi phí này cuối cùng sẽ do người tiêu dùng chi trả.”
Những chướng ngại
Tuy nhiên, bất chấp sự ủng hộ ngày càng tăng của các nhà lập pháp, Đạo luật vẫn phải vượt qua một số trở ngại trước khi được thông qua.
Ông Webb nói: “Thứ nhất, dự luật đang ở giai đoạn đầu của tiến trình lập pháp” và có thể bị thay đổi trong tiến trình lập pháp, bị trì hoãn, hoặc thậm chí bị ngăn cản trở thành luật.
Ngoài ra, các nhà lập pháp không đồng tình với các điều khoản của dự luật hoặc bị các lợi ích bên ngoài tác động có thể sẽ phản đối dự luật này.
Nếu được Thượng viện thông qua, dự luật sẽ được trình lên Hạ viện để xem xét, và nếu được Hạ viện thông qua thì dự luật sẽ được chuyển đến Tổng thống ký để trở thành luật.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times