Các quốc gia nghèo nhất thế giới phải đối mặt với ‘Bẫy nợ COVID-19’
Thế giới đã ngăn chặn được một cuộc khủng hoảng nợ có tính hệ thống trong bối cảnh đại dịch. Tuy nhiên, các nước đang phát triển thuộc nhóm nghèo nhất tiếp tục phải đối diện với tình trạng nợ quốc gia tồi tệ, làm dấy lên lo ngại toàn cầu về bẫy nợ đang gia tăng theo cấp số nhân của các chủ nợ như Trung Quốc.
Giải quyết nguy cơ gia tăng cuộc khủng hoảng nợ có hệ thống ở các nước đang phát triển là một trong những chủ đề chính tại cuộc họp mùa xuân qua Internet của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới trong tuần lễ từ ngày 07-11/04/2021.
Các nhà kinh tế tin rằng giải quyết các lỗ hổng nợ ở các quốc gia nghèo giữ vai trò quan trọng để bảo đảm sự phục hồi tại các khu vực khác nhau trên khắp thế giới. Do đó, các quan chức IMF và Ngân hàng Thế giới đang kêu gọi gia hạn nợ cho các quốc gia dễ bị vỡ nợ nhất, nhằm giúp họ giải quyết những thách thức do đại dịch gây ra.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass cho biết trong cuộc họp báo ngày 07/04 rằng, “Các quốc gia nghèo không có lối thoát khỏi gánh nặng nợ nần chồng chất này.”
Ông cho biết các quốc gia này phải đối mặt với sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận thị trường tín dụng và thâm hụt tài khóa ngày càng tăng.
Ngoài ra, ông Malpass cũng đề cập đến các hoạt động cho vay đáng nghi ngờ của Trung Quốc nhưng không nêu đích danh, chỉ nói rằng các hợp đồng nợ không rõ ràng và mối tương quan không cân bằng giữa chủ nợ và con nợ làm phức tạp các nỗ lực xóa hoặc giảm nợ.
Nói tại hội thảo có tiêu đề “Ngăn chặn bẫy nợ COVID-19,” Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết nhiều quốc gia đã bước vào đại dịch với mức nợ cao. Trong thời kỳ đại dịch, các hoạt động kinh tế suy giảm đã khiến nợ công lên tới 100% nền kinh tế toàn cầu.
Theo bà Georgieva, “56% các quốc gia thu nhập thấp có nguy cơ lớn sẽ rơi vào tình trạng, hoặc đã trong tình trạng khủng hoảng nợ.”
Bà nói rằng nhiều quốc gia có mức nợ cao “rơi vào bẫy nợ” bởi vì “họ không thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đủ để giảm mức nợ, và những khoản nợ này đã kìm hãm họ phát triển”.
Và nếu lãi suất tăng cao trên toàn cầu, gánh nặng trả nợ đối với các quốc gia này “sẽ vô cùng khó khăn,” bà nói thêm.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, cả Ngân hàng Thế giới và IMF đã thúc giục 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20), bao gồm cả Trung Quốc, cho phép cho các nước nghèo nhất trên thế giới hoãn trả nợ để ngăn chặn khủng hoảng.
Đã có những lời kêu gọi đến các chủ nợ trong khu vực tư nhân cùng tham gia vào các nỗ lực xóa nợ này.
Hôm 07/4, Bộ trưởng Tài chính của các quốc gia G-20 đã đồng ý tăng dự trữ tại IMF thêm 650 tỷ USD và gia hạn việc hoãn trả nợ của các nước đang phát triển để các quốc gia này có thể chuyển nguồn tài chính đó cho đầu tư vaccine và thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế. Việc tạm ngừng trả nợ sẽ kéo dài đến cuối năm 2021.
Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất thế giới, chiếm gần 65% nợ song phương chính thức. Tuy nhiên, các hoạt động cho vay của Trung Quốc làm phức tạp thêm nỗ lực cứu trợ các quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính.
Chương trình cho vay bí mật của Bắc Kinh
Một nghiên cứu mới của AidData thuộc Đại học William và Mary của Hoa Kỳ cho thấy rằng các hợp đồng cho vay của Trung Quốc với các quốc gia mới nổi “có các điều khoản bảo mật bất thường, các yêu cầu về tài sản thế chấp và các điều khoản cấm đàm phán lại nợ.”
Các nhà nghiên cứu đã phân tích các điều khoản pháp lý của 100 hợp đồng cho vay của Trung Quốc cho 24 quốc gia đang phát triển, nhiều quốc gia trong số đó đã tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
AidData đã tiến hành đánh giá trong khoảng thời gian 36 tháng và nhận thấy rằng các hợp đồng cho vay của Trung Quốc có các điều khoản bảo mật bất thường, ngăn cản các quốc gia đã vay tiết lộ các nội dung trong hợp đồng và thậm chí là sự tồn tại của các khoản vay.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các hợp đồng có điều khoản chỉ định rõ các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc là chủ nợ chính và các khoản vay này phải được hoàn trả trên cơ sở ưu tiên về chủ nợ. Các thỏa thuận về tài sản thế chấp không chính thức đã nêu rõ các chủ nợ Trung Quốc được ưu tiên trả nợ cao nhất.
Ngoài ra, phía cho vay là Trung Quốc có quyền tự do hủy các khoản vay hoặc đẩy nhanh việc trả nợ nếu họ không đồng ý với các chính sách của nước đi vay.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thu hút nhiều quốc gia rơi vào bẫy nợ thông qua BRI, một trong những chương trình phát triển đáng ngờ và tham vọng nhất thế giới. Kể từ khi ra mắt vào năm 2013, BRI đã rót hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp Phi Châu, Mỹ Châu Latin, Đông Âu và Á Châu.
Hoa Thịnh Đốn đã nhiều lần chỉ trích Bắc Kinh khai thác đại dịch để mở rộng hơn nữa ảnh hưởng địa chính trị của mình thông qua các hoạt động cho vay “săn mồi”. Hầu hết các dự án BRI được tài trợ thông qua các tổ chức cho vay do nhà nước Trung Quốc kiểm soát với sự thiếu minh bạch, khiến các quốc gia đi vay gặp khó khăn bởi gánh nặng nợ lớn. Bắc Kinh cũng đã bị chỉ trích vì thực hiện “ngoại giao bẫy nợ” để giành quyền kiểm soát các tài sản chiến lược ở các nước mới nổi.
Trung Quốc là một bên ký kết sáng kiến cho ngừng trả nợ, đã được các quốc gia G-20 đồng ý vào năm 2020. Sáng kiến này cho phép đóng băng các khoản nợ của các quốc gia nghèo nhất theo yêu cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc tỏ ra kém hợp tác hơn so với các thành viên G-20 khác.
Các quan chức chính phủ cựu TT Trump đã chỉ trích Bắc Kinh làm chậm quá trình bằng cách đưa ra các điều kiện về xóa nợ và tái cấu trúc nợ.
Các nhà kinh tế tin rằng các lỗ hổng nợ ở các nước nghèo sẽ là lực cản đối với sự phục hồi toàn cầu.
Theo dự báo mới nhất của IMF, tăng trưởng toàn cầu sẽ là 6% trong năm nay và 4.4% vào năm 2022. Mức tăng trưởng nhanh hơn so với báo cáo triển vọng kinh tế tháng 01/2021 do hỗ trợ tài khóa bổ sung ở một số quốc gia phát triển và việc khai triển vaccine hỗ trợ nền kinh tế hồi phục.
Tuy nhiên, IMF cảnh báo rằng các nền kinh tế mới nổi sẽ tụt hậu so với các quốc gia phát triển, điều này có thể làm khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn. Theo IMF, khả năng tiếp cận vaccine không đồng đều cũng sẽ là lực cản đối với sự phục hồi của các quốc gia nghèo, điều này nhấn mạnh sự cấp bách của việc cung cấp các khoản giảm nợ cho các quốc gia này.
Do Emel Akan thực hiện
Minh Khanh biên dịch
Xem thêm: