Các nhà thiên văn học có khám phá hiếm hoi về hằng tinh bị xé nát bởi lỗ đen siêu lớn
Các nhà thiên văn học Hoa Kỳ đã quan sát thấy một hằng tinh đang bị một lỗ đen siêu lớn xé nát. Đây là hiện tượng thiên văn gần nhất được quan sát thấy bằng ánh sáng khả kiến.
Hôm 05/3, trong một thông cáo báo chí, Đại học Hawaii (University of Hawai’i) cho biết, các nhà thiên văn học đến từ Viện Nghiên cứu Thiên văn (Institute for Astronomy) của trường đã quan sát thấy việc hằng tinh bị xé nát bởi một lỗ đen siêu lớn ở cự ly gần nhất tính đến hiện nay.
Ông Willem Hoogendam, nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Thiên văn và là đồng chủ trì nghiên cứu này, cho biết: “Mặc dù sự kiện lỗ đen phá hủy các hằng tinh đã được quan sát trước đây, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi quan sát được nó ở khoảng cách gần như vậy bằng ánh sáng khả kiến.”
Ông nói: “Điều này có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách các lỗ đen siêu lớn phát triển và thu thập vật chất xung quanh chúng.”
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng hệ thống kính viễn vọng khảo sát tự động tất cả ‘siêu tân tinh’ trên bầu trời. Vào ngày 22/02/2023, nhóm nghiên cứu lần đầu tiên phát hiện thiên hà có tên NGC 3799 đột nhiên sáng lên sau khi mờ đi nhanh chóng. Thiên hà này cách Trái Đất khoảng 160 triệu năm ánh sáng.
Trong những quan trắc tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã phân tích dữ liệu thu được từ nhiều kính thiên văn trên mặt đất và không gian như Đài thiên văn W. M. Keck. Họ kết luận rằng độ sáng của thiên hà tăng đột ngột là do sự kiện gián đoạn thủy triều.
Việc gián đoạn thủy triều xảy ra khi một hằng tinh đến quá gần một lỗ đen siêu lớn. Nó sẽ bị xé nát và nuốt chửng bởi lực hấp dẫn mạnh mẽ của lỗ đen.
Ông Huggendam cho biết: “Khám phá này cho thấy những sự kiện lỗ đen xé toạc các hằng tinh gần đó có thể phổ biến hơn những gì chúng ta nghĩ trước đây, chỉ là chúng ta không thấy nó xảy ra thường xuyên.”
Ánh sáng cực mạnh được tạo ra khi lỗ đen nuốt chửng khối lượng của một hằng tinh tạo ra ngọn lửa sáng. Ngọn lửa này có thể được quan sát bởi các hệ thống như ‘Khảo sát siêu tân tinh tự động trên toàn bầu trời.’ Mặc dù các cuộc khảo sát bầu trời này đã phát hiện những sự kiện như vậy trước đây, nhưng việc tìm thấy chúng ở khoảng cách gần như vậy là rất hiếm có. Điều này khiến phát hiện trên trở thành một đề tài tuyệt vời để nghiên cứu sâu hơn.