Các nhà phân tích: Trung Quốc đang cố gắng che giấu tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư ngoại quốc
Mặc dù các thị trường của Trung Quốc đã bắt đầu phục hồi và tăng giá, với việc các nhà chức trách đang cố gắng khôi phục niềm tin, thì các nhà đầu tư ngoại quốc vẫn nhận thấy không có sự đảo chiều nào trong các yếu tố căn bản của nền kinh tế và vẫn nhìn nhận là có những rủi ro đang tiếp diễn ở đất nước này.
Họ nói rằng đợt tăng giá cổ phiếu gần đây chỉ là sự xoa dịu tạm thời, đồng thời cho biết thêm rằng trong khi tâm lý chung vẫn là tiêu cực, thì tâm lý có thể cần một khoảng thời gian để chuyển biến tích cực trở lại.
Ông Tariq Dennison, nhà quản lý danh mục đầu tư tại GFM Asset Management LLC, một cố vấn đầu tư ghi danh tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times: “Nếu quý vị xem xét bất kỳ quãng thời gian nhiều năm nào, thì sự phục hồi của các chỉ số chuẩn như Chỉ số Hang Seng trong tháng qua trông giống như một đốm sáng, còn một chặng đường dài nữa trước khi chúng ta thực sự có thể nói rằng xu hướng đã đảo ngược.”
Ông xem “sự phục hồi này giống như một cuộc điều chỉnh đến trễ đối với xu hướng giảm đã khiến cổ phiếu niêm yết ở Hồng Kông trở thành một trong những cổ phiếu bị bán quá mức nhiều nhất trên thế giới.”
Giá cổ phiếu Hồng Kông, được biểu thị bằng Chỉ số Hang Seng CSI 300 (HSI), phản ánh chặt chẽ hiệu quả kinh tế của Trung Quốc. Giá đã phục hồi kể từ tháng Ba do sự quan tâm ngày càng tăng từ phía các nhà đầu tư. Hôm 13/05, chỉ số HSI đã đóng cửa ở mức cao hơn, tăng 27.8% so với mức thấp nhất trong năm đạt được vào hôm 22/01, đưa chỉ số này vào một đợt tăng giá kỹ thuật vững vàng.
Tương tự, Chỉ số Shanghai Composite CSI 300 đã tăng hơn 13% từ ngày 02/02 đến ngày 13/05, phản ánh sự phục hồi đáng kể trong giá cổ phiếu của Hoa lục.
Các nhà phân tích cho rằng điều này là do một số yếu tố, bao gồm sự trợ giúp của chính quyền, những cải tổ chính sách, và sự thay đổi tâm lý của các nhà đầu tư trong nước và một số nhà đầu tư toàn cầu.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã tỏ ra thận trọng, cho rằng động lực đằng sau đợt phục hồi này có thể không đạt được như mức độ mà các chỉ số đang cho thấy.
Trong một ghi chú dành cho khách hàng hôm 06/05 mà The Epoch Times xem xét, Union Bancaire Privé (UBP), một ngân hàng tư nhân và nhà quản lý tài sản có trụ sở tại Geneva, cho biết: “Một trong những yếu tố thúc đẩy xu hướng tăng là sự gia tăng trong giao dịch Hướng Nam. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua hơn 73 tỷ USD Hồng Kông (9.3 tỷ USD) cổ phiếu thông qua các liên kết giao dịch Hướng Nam trong tháng Tư.”
(Trong giao dịch Hướng Nam (Soundbound), các nhà đầu tư Hoa lục mua cổ phiếu Hồng Kông bằng HKD, và trong giao dịch Hướng Bắc (Northbound), các nhà đầu tư Hồng Kông và ngoại quốc mua cổ phiếu A của Hoa lục bằng RMB.)
Theo UBP, HSI được hưởng lợi rất nhiều từ một số biện pháp do Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) công bố hồi tháng Tư nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường giữa Hồng Kông và Hoa lục. Những biện pháp này về căn bản giúp các nhà đầu tư trong nước dễ dàng tiếp cận các tài sản bằng USD “an toàn hơn” ở Hồng Kông. Đồng HKD được neo tỷ giá cố định với đồng USD.
Ghi chú này nói thêm rằng không có gì ngạc nhiên khi các nhà đầu tư trong nước muốn đầu tư vào Hồng Kông, vì đồng dollar Hồng Kông (HKD) là một trong số ít đơn vị tiền tệ Á Châu không bị bán tháo mặc dù đồng USD tăng giá 4.5% trong năm 2024.
Không có sự đảo chiều căn bản
UBP cho biết: “Điều chúng tôi chưa quan sát thấy là sự đảo chiều của các yếu tố căn bản, thúc đẩy dòng vốn từ các nhà đầu tư tổ chức quốc tế.”
Họ nói thêm, “Hẳn là, có thể đã có một số hoạt động mua của các nhà đầu tư ngoại quốc để tận dụng đà tăng và mức định giá thấp hơn. Nhưng sự phục hồi hiện tại rõ ràng không bắt nguồn từ sự phục hồi về kỳ vọng thu nhập, vốn đã tiếp tục giảm tính theo trung bình, phù hợp với mô hình tương tự được quan sát thấy trong bốn năm qua.”
Hơn nữa, dựa trên các chỉ báo kỹ thuật, chỉ số HSI dường như đang trong trạng thái mua quá mức.
Trong một lưu ý ngày 07/05, ngân hàng đầu tư toàn cầu Morgan Stanley đã cảnh báo các nhà đầu tư không nên theo đuổi thêm nữa đối với các mức tăng giá mới đây ở cấp độ chỉ số, vì lo ngại rằng động lực đằng sau một trong những đợt tăng giá chứng khoán lớn nhất thế giới ở Trung Quốc có thể sẽ giảm đi.
Công ty nghiên cứu toàn cầu này cho biết họ đã xác định được các tín hiệu kỹ thuật về trạng thái mua quá mức trong thời gian ngắn, yếu tố có thể ngăn cản hoạt động mua thêm của các quỹ định lượng toàn cầu.
Thuật ngữ “mua quá mức” trong đầu tư chứng khoán đề cập đến quan điểm của nhà đầu tư khi giá thị trường của một cổ phiếu hoặc trái phiếu tăng quá nhanh so với các yếu tố tăng trưởng căn bản nội tại của tài sản đó. Các nhà đầu tư sử dụng nhiều chỉ số chính để xác định xem một lựa chọn đầu tư có đang trong trạng thái mua quá mức hay không và đưa ra quyết định đầu tư theo đó.
Ngoài ra, sự phục hồi từ mức thấp nhất trong nhiều năm của chứng khoán Trung Quốc đang làm dấy lên sự lạc quan rằng thị trường đã chạm đáy, khi các nhà phân tích tại Goldman Sachs Group Inc. nói rằng nỗi lo bỏ lỡ cơ hội đang gia tăng trong các nhà giao dịch.
UBP cho biết trong một ghi chú rằng đợt phục hồi giá cổ phiếu gần đây của Trung Quốc có thể là “một con gấu có sừng bò*”.
(*a bear in bull’s horns: Trong đầu tư, có hai hướng đầu tư là đầu tư với kỳ vọng giá sẽ lên (bull, con bò, vì khi tấn công bò dùng sừng húc lên trên), hoặc đầu tư với kỳ vọng giá sẽ xuống (bear, con gấu, vì khi tấn công gấu dùng móng vuốt vồ xuống dưới). Câu này có thể tạm hiểu là trạng thái đầu tư theo hướng giá lên trong khi tâm lý vẫn kỳ vọng giá sẽ xuống.)
Che dấu dữ liệu tiêu cực
Ông Michael Ashley Schulman, giám đốc đầu tư của Running Point Capital có trụ sở tại California, nói với The Epoch Times trong một thư điện tử: “Thay vì sử dụng một khẩu bazooka lớn ngay từ đầu, Bắc Kinh dường như đang làm mọi thứ có thể một cách từ từ cho đến khi họ tìm ra một tập hợp các giải pháp tích lũy có hiệu quả.”
Ví dụ, hôm 13/05, Trung Quốc được cho là đã ngừng hiển thị dữ liệu thời gian thực về hoạt động mua bán cổ phiếu địa phương thông qua kết nối giao dịch với Hồng Kông.
Theo cấu trúc mới, hệ thống Kết nối Giao dịch Hướng Bắc (Northbound Stock Connect) sẽ không còn cung cấp dữ liệu giao dịch trực tiếp cho các hoạt động đầu tư từ thị trường Hồng Kông sang các thị trường Thâm Quyến và Thượng Hải. Thông tin về khối lượng giao dịch sẽ được công bố sau khi kết thúc phiên giao dịch hàng ngày.
Năm 2014, Trung tâm Kết nối Chứng khoán Thượng Hải-Hồng Kông (Shanghai-Hong Kong Stock Connect) đã được ra mắt nhằm tạo lập một liên kết giao dịch hai chiều giữa Sở giao dịch Chứng khoán Thượng Hải (SSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông (SEHK), một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Sở Giao dịch và Thanh toán bù trừ Hồng Kông (HKEX).
Trung tâm Kết nối Chứng khoán cho phép các nhà giao dịch giao dịch giữa SSE và SEHK miễn là khối lượng giao dịch không vượt quá giới hạn hàng ngày. Nói cách khác, Trung tâm Kết nối Chứng khoán cho phép người mua đủ điều kiện từ Hoa lục mua và bán cổ phiếu Hồng Kông thích hợp trong giao dịch Hướng Nam (Soundbound) và giao dịch cổ phiếu “A” thích hợp của Trung Quốc trong giao dịch Hướng Bắc (Northbound).
Mặc dù các quan chức tuyên bố rằng điều này phù hợp với các trình tự thủ tục quốc tế, nhưng hành động này cũng phản ánh nỗ lực giảm thiểu tác động của những dữ liệu thể hiện việc các quỹ ngoại quốc đang bán ra lên tâm lý thị trường.
Theo ông Brendan Ahern, giám đốc đầu tư tại Krane Funds Advisors và quản lý đầu tư của một quỹ giao dịch trao đổi Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đang mua cổ phiếu của Hoa lục để ổn định thị trường chứng khoán trong nước, tác động đến các chỉ số thị trường chứng khoán, và “quảng bá cho thị trường chứng khoán.”
Hôm 19/04, CSRC đã công bố 5 biện pháp mới nhằm thúc đẩy “sự phát triển chất lượng cao của thị trường vốn, tăng cường quy định và ngăn ngừa rủi ro.”
Các cổ phiếu trong Chỉ số CSI 300 chuẩn được cho là đã nhận được hơn 75% khoản tiền bơm vào từ một “đội tuyển quốc gia” gồm các nhà đầu tư do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, trong khi các cổ phiếu phản ánh Chỉ số CSI 500 đã nhận được thêm 13%.
Ông Schulman nói với The Epoch Times: “Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư bên ngoài, việc kích thích lại nền kinh tế khác với việc khơi dậy lòng tin và niềm tin vào hệ thống.”
Những lo ngại địa chính trị
Các chuyên gia cũng kỳ vọng Hoa Thịnh Đốn sẽ thực hiện các bước tiếp theo để ngăn cản đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc, diễn biến có thể đẩy nhanh dòng tiền Hoa Kỳ chảy ra khỏi Trung Quốc.
Ông Dennison nói: “Nếu có một chủ đề mà hai đảng chính trị ở Hoa Kỳ (Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ) dường như có thể đồng ý thì đó là việc trở nên cứng rắn hơn với Trung Quốc theo bất kỳ cách nào có thể mang lại một lợi ích nào đó cho các khu vực bầu cử của Hoa Kỳ.”
Ông nói thêm: “Có thể có một số khác biệt nhỏ giữa các lĩnh vực hoặc công ty cụ thể mà chính phủ Tổng thống Biden có thể nhắm tới so với chính phủ thứ hai của ông Trump, nhưng tôi không cho rằng đầu tư của Hoa Kỳ sẽ là chất xúc tác khiến giá thay đổi đáng kể.”
Theo ông Schulman, cựu Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Joe Biden vẫn duy trì lập trường cứng rắn với Trung Quốc, và bất kể ai đắc cử trong tháng Mười Một, lập trường đó có thể sẽ được duy trì, ít nhất là trên lời nói.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times