Các nhà phân tích: Hơn 1 triệu cử tri chuyển sang Đảng Cộng Hòa, cảnh báo cho Đảng Dân Chủ
Theo một bản phân tích được hãng thông tấn AP công bố hôm 27/06, chỉ trong một năm qua, ít nhất 1 triệu cử tri khắp 43 tiểu bang đã chuyển sang Đảng Cộng Hòa.
Hãng thông tấn AP cho biết họ đã tổng hợp các ý định bỏ phiếu để đưa ra phát hiện này, đồng thời chỉ ra rằng thay đổi này đang diễn ra nhiều hơn ở các vùng ngoại ô. Trong năm qua, nhiều người đang chuyển sang Đảng Cộng Hòa trên khắp các địa hạt ngoại ô từ Denver đến Atlanta cũng như Pittsburgh và Cleveland.
Đảng Cộng Hòa còn giành được vị thế ở các địa hạt xung quanh các thành phố có quy mô trung bình như Harrisburg, Pennsylvania; Raleigh, North Carolina; Augusta, Georgia; và Des Moines, Iowa.
Dữ liệu này do công ty nghiên cứu chính trị L2 cung cấp. Công ty này đã từng cung cấp thông tin về 1.7 triệu cử tri có khả năng chuyển đổi đảng phái của họ trên 42 tiểu bang. L2 cho biết họ đã sử dụng các hồ sơ cử tri tiểu bang và mô hình thống kê để tìm ra sự gia nhập đảng phái.
Trong 12 tháng qua, khoảng 2/3 trong số 1.7 triệu cử tri đã thay đổi đảng phái của họ chuyển sang Đảng Cộng Hòa. Cùng thời kỳ này, khoảng 630,000 người chuyển sang Đảng Dân Chủ, theo hãng thông tấn AP.
Có vẻ như cũng xác nhận dữ liệu này, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa Ronna McDaniel nói với hãng thông tấn AP rằng, “Ông Biden và các thành viên Đảng Dân Chủ không tiếp xúc với người dân Mỹ và đó là lý do tại sao cử tri đang đổ xô sang Đảng Cộng Hòa ngày càng đông.”
Bà nói rằng, “Các vùng ngoại ô của Hoa Kỳ sẽ có xu hướng đỏ trong các chu kỳ tới” do “việc tăng giá xăng của ông Biden, cuộc khủng hoảng biên giới mở, tình trạng thiếu hụt sữa công thức trẻ em, và tình trạng tội phạm gia tăng.” The Epoch Times đã liên hệ với Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng Hòa và Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ để yêu cầu đưa ra bình luận.
Trong bối cảnh giá xăng tăng cao và lạm phát cao trong nhiều thập niên, Đảng Cộng Hòa đã thường xuyên nhắm mục tiêu vào tổng thống Biden và các chính sách của ông. Họ cho rằng các sắc lệnh do tổng thống ký trong năm 2021, trong đó có việc đóng đường ống dẫn dầu Keystone XL và ngừng cho thuê khoan dầu mới đối với các vùng đất liên bang, đã góp phần gây ra tình trạng hỗn loạn kinh tế.
Cô Jessica Kroells, ở Quận Larimer, tiểu bang Colorado, cho biết cô không thể bỏ phiếu cho Đảng Dân Chủ nữa mặc dù cô đã bỏ phiếu cho đảng này đến năm 2016.
“Bản thân đảng này không còn là Đảng Dân Chủ nữa, mà là chủ nghĩa xã hội cấp tiến,” cô nói, đặc biệt chỉ trích các kế hoạch xóa hàng tỷ dollar nợ sinh viên của Tổng thống Biden và Đảng Dân Chủ.
Trong khi đó, một số nhà thăm dò ý kiến lâu năm của Đảng Dân Chủ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cuộc bầu cử giữa giữa kỳ năm 2022.
“Những đòn kinh tế này chỉ là một yếu tố trong một loạt các vấn đề xảy ra cùng một lúc. Đây là sự kết hợp của những nỗi lo ngại về hạt nhân trong những năm 1950 và 60, mối đe dọa lạm phát trong những năm 70, làn sóng tội phạm trong những năm 80 và 90, và những căng thẳng về nhập cư bất hợp pháp trong những năm 2000 và hơn thế nữa,” ông Mark Penn, người từng thực hiện các cuộc thăm dò dư luận cho cựu Tổng thống Bill Clinton, đã viết cho The New York Times hồi cuối tháng Tư.
“Toàn bộ cử tri này không rơi vào tình trạng ‘phiền muộn’, như Tổng thống Jimmy Carter từng được cho là đã tuyên bố [ngay cả khi ông không hề dùng đến từ này], nhưng thay vào đó đã hình thành một sự bất đồng sâu sắc trên toàn quốc sẵn sàng bùng phát như một mạch nước phun trào trong cuộc bầu cử tiếp theo nếu giới lãnh đạo không hành động để giảm bớt áp lực.”
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.