Các nhà phân tích: Bạo lực ở Nam Phi xuất hiện bất chấp các dấu hiệu cho thấy khả năng phục hồi
Kẻ cướp phá mặc quần bò đen, đi giày sneaker trơn trượt bởi nước soda và một chiếc áo phông trắng dính mồ hôi và bụi bẩn. Anh ta không cần phải nói ra bất cứ điều gì, bởi tất cả đã ánh lên trong mắt anh ta. Nhưng khi rời khỏi trung tâm mua sắm đang bốc cháy ở Johannesburg, anh ta phá ra cười.
“Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy tự do,” anh ta nói với The Epoch Times.
Anh ta nói mình 20 tuổi, vì vậy chưa bao giờ biết đến chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid. Đây là một trong những người được gọi là Những Người Sinh Ra Trong Tự Do (thế hệ Born Frees)—thế hệ ra đời sau khi Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của ông Nelson Mandela lên nắm quyền với đa số áp đảo trong các cuộc bỏ phiếu đa chủng tộc đầu tiên của Nam Phi năm 1994.
“Chúng ta là quốc gia cầu vồng của Chúa,” Tổng Giám mục Desmond Tutu sau đó đã tuyên bố, kỷ niệm ‘sự thất bại’ quang vinh của Nam Phi trong việc rơi vào một cuộc xung đột chủng tộc mà nhiều người trên thế giới đã dự đoán cho nước này sau sự diệt vong của chế độ Apartheid.
Nhưng những cảnh tượng hỗn loạn – về cướp bóc, phong tỏa đường cao tốc, đốt cháy các nhà kho và nhà máy, nổ súng vào đám đông đang tiến gần, và về bạo lực vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người – đã tái hiện những câu hỏi tương tự cùng những kỳ vọng về Nam Phi như sau khi ông Mandela ra tù vào năm 1990. Theo họ, đây là sự khởi đầu cho sự kết thúc của nước này, chặng cuối trong hành trình trở thành một quốc gia Phi Châu thất bại khác.
Tình trạng hỗn loạn diễn ra sau khi cựu Tổng thống Jacob Zuma bị bỏ tù vì coi thường tòa án. Ông đã từ chối làm chứng trong cuộc điều tra về tham nhũng xảy ra khi ông còn là lãnh đạo Nam Phi từ năm 2009 đến 2018.
Tổng thống Cyril Ramaphosa đã đổ lỗi vụ bùng phát bạo lực lớn nhất ở Nam Phi dân chủ – một “nỗ lực nổi dậy,” như ông gọi nó – lên “những kẻ xúi giục” trung thành với ông Zuma.
Nhưng những vấn đề lớn hơn nhiều so với sự chia rẽ trong nội bộ ANC là mảnh đất màu mỡ cho tình trạng bất ổn dân sự trong tương lai. Một trong số đó, theo các nhà phân tích, được họ mô tả là “quả bom hẹn giờ” thực sự của nước này: Trong số 60 triệu dân, hơn 10 triệu thanh niên đáng ra phải đi làm lại không có việc làm.
Một số họ dẫn đầu trong cuộc hỗn loạn gần đây.
Ông Frans Cronje thuộc Trung tâm Phân tích Rủi ro ở Johannesburg nói với The Epoch Times rằng đây là một trong số các cuộc khủng hoảng – trong đó có gia tăng bất bình đẳng, thất nghiệp hàng loạt, hệ thống giáo dục và y tế công cộng sụp đổ – mà có thể gây ra “những vụ nổ” bạo lực công cộng trong tương lai gần của Nam Phi.
“Những người trẻ tuổi này thức dậy vào mỗi sáng và không chắc ngày hôm nay sẽ diễn ra như thế nào. Họ không có cảm giác cao quý của việc lao động, của việc đạt được một điều gì đó, rồi trở về với gia đình và nói: ‘Chúng tôi đã làm việc vì tổ ấm này.’ Đó là một lực lượng xã hội mạnh mẽ,” ông Cronje nói.
Ông Cronje cho biết đó là một lực lượng dễ huy động vì họ nghèo nàn, tức giận, liều lĩnh, hiếu động, vô vọng và mạnh mẽ, và không có gì để mất – điều này khiến họ trở nên “rất, rất nguy hiểm.”
Nhưng cả ông Cronje, một người rất truyền thống và bà Melanie Verwoerd, một nhà phân tích Nam Phi sắc sảo thiên tả, đều nói rằng còn quá sớm để coi nước này là vô phương cứu chữa.
“Tôi nghĩ rằng tình hình bất ổn gần đây ở Nam Phi mang lại một số bài học rất quan trọng cho nhiều quốc gia khác đang phải vật lộn với các vấn đề tương tự, như phân biệt chủng tộc,” bà Verwoerd, cựu thành viên quốc hội ANC nói với The Epoch Times.
“Người dân của đất nước này đã đến với nhau từ khắp các chủng tộc; điều này cuối cùng đã không biến thành một cuộc chiến lớn về chủng tộc, đó là điều mà những kẻ xúi bẩy muốn. Người dân thuộc mọi chủng tộc đã cùng nhau lập các chốt chặn để ngăn chặn những kẻ cướp phá. Và hiện giờ chính người dân thuộc mọi chủng tộc lại đang dọn sạch đất nước.”
Bà mô tả bạo lực như một “lời cảnh tỉnh” đối với quốc gia này để giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội nhất định trước khi quá muộn.
“Theo một cách kỳ lạ, Nam Phi có thể tự hào về cách chúng tôi đã vượt qua điều này, bởi vì nếu có thời điểm nào mà đất nước này có thể hoàn toàn nổ tung, thì đó chính là hiện tại,” bà nói.
“Các thể chế, một số yếu kém như chúng vốn dĩ như vậy, đã giữ vững. Lực lượng an ninh đã không nổi dậy. Quan trọng nhất là người dân, đa phần còn nghèo như họ bây giờ, đã không tham gia vào tình trạng hỗn loạn. Đó là những gì mọi người dự kiến sẽ xảy ra vào năm 1994. Đó là những gì họ đang dự kiến một lần nữa hiện nay.”
Theo ông Cronje, Nam Phi đang trên đỉnh điểm của việc làm cho thế giới ngạc nhiên một lần nữa – khi quốc gia này bỏ phiếu cho ANC mất quyền trong vòng một thập kỷ tới. Đảng của Tổng thống Mandela đã giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử với đa số giảm dần kể từ khi người đàn ông vĩ đại này chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm Thabo Mbeki vào năm 1999.
Theo quan điểm của ông Cronje, sự thất bại của ANC báo trước sự xuất hiện của một nền chính trị mới, mà sẽ chứng kiến “chủ nghĩa thực dụng kinh tế và thận trọng tài khóa” – điều từng thúc đẩy tăng trưởng và việc làm dưới thời ông Mandela và ông Mbeki – một lần nữa định hình nước này trở thành một trong những thị trường mới nổi “hấp dẫn nhất thế giới.”
“Màn cuối của cuộc chơi ở đây có thể nói là đơn giản: Sẽ có những đợt bùng phát [bạo lực] định kỳ như chúng ta vừa thấy cho đến khi ANC đơn giản là thua một cuộc bầu cử, một cách hoàn toàn hòa bình và dân chủ. Và đó sẽ là một bước ngoặt hướng tới cải cách trong tương lai,” ông nói.
Bà Verwoerd cho biết, dù điều gì xảy ra, Nam Phi vẫn sẽ là một nơi mà thế giới chú ý đến, bởi vì quốc gia này phải vật lộn với nhiều vấn nạn toàn cầu hiện đại.
Bà nói, “Chúng tôi đối phó với các vấn đề bất bình đẳng, chúng tôi đối phó với những thách thức về chủng tộc và sự đa dạng; chúng tôi giải quyết các vấn đề của một quá khứ bị chia cắt và nhiều rắc rối. Sau đó, chúng tôi giải quyết tất cả các vấn đề khác như biến đổi khí hậu, đại dịch. Và tất cả những điều này đều được khuếch đại bởi vì chúng tôi không có đủ tiềm lực kinh tế để ngăn chặn hệ quả của những vấn đề này. Vì vậy, điều quan trọng là phải xem Nam Phi phản ứng như thế nào, và vâng, tôi tin rằng đất nước này vẫn là một biểu tượng cho phần còn lại của thế giới.”
“Chúng tôi không thể để thế giới thất vọng. Chúng tôi sẽ không.”
Do Darren Taylor thực hiện
Thiện Lan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: