Các nhà nhân khẩu học cảnh báo về sự sụt giảm dân số sắp xảy ra
Dữ liệu mức sinh sản ngược với dự đoán của Liên Hiệp Quốc về nạn nhân mãn và sự tàn phá môi trường
Trong bối cảnh vô số những dự đoán thảm khốc rằng dân số sẽ tăng theo cấp số nhân, làm cạn kiệt tài nguyên của trái đất và khiến hành tinh nóng lên, hai nghiên cứu nhân khẩu học gần đây dự đoán điều ngược lại — rằng dân số sẽ đạt đỉnh điểm trong vòng vài thập niên tới và sau đó bắt đầu một giai đoạn ổn định, sụt giảm không thể đảo ngược.
Ở một số khu vực như Nhật Bản, Nga, Nam Hàn và hầu hết các quốc gia ở Âu Châu, sự sụt giảm dân số đã bắt đầu. Trung Quốc cũng đang theo sát.
Liên Hiệp Quốc đã dự đoán rằng nhân loại sẽ tiếp tục mở rộng nhanh chóng trong thế kỷ tới, đạt dân số hơn 11 tỷ người vào năm 2100, tăng từ mức chỉ dưới 8 tỷ người hiện nay. Một cách giải thích thường lặp lại của dữ liệu này là người ta sinh con quá nhiều và nhiều mô hình về biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường dựa trên những dự báo như vậy. Hồi tháng 08/2021, Liên Hiệp Quốc đã công bố một “mã đỏ cho nhân loại” về biến đổi khí hậu và nạn nhân mãn, và các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Morgan Stanley tuyên bố rằng “xu hướng không sinh con đang gia tăng do lo ngại về biến đổi khí hậu.”
Tuy nhiên, một nghiên cứu nhân khẩu học do Quỹ Gates tài trợ và được xuất bản trên Lancet, một tạp chí y khoa, đã vẽ nên một bức tranh rất khác. Nghiên cứu này được các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington thực hiện, dự đoán rằng dân số toàn cầu sẽ đạt đỉnh 9.7 tỷ người trong vòng vài thập niên tới, và sau đó bắt đầu giảm.
“Một khi sự suy giảm dân số toàn cầu bắt đầu,” các tác giả viết, “xu thế đó có thể sẽ tiếp diễn mà không thể đảo ngược.”
Nghiên cứu của Lancet dự đoán rằng vào cuối thế kỷ này, Trung Quốc sẽ giảm 668 triệu người, mất gần một nửa dân số hiện tại và Ấn Độ sẽ mất 290 triệu người. Bất chấp mọi nỗ lực nhằm đảo ngược xu hướng này ở Trung Quốc, bao gồm việc xóa bỏ chính sách một con và cung cấp các biện pháp khuyến khích cho việc nuôi dạy con, các cặp vợ chồng vẫn không ủng hộ chính sách này; Trung Quốc đã có tỷ lệ sinh thấp kỷ lục lần thứ năm liên tiếp vào năm 2021.
Những phát hiện như thế này là cơ sở cho tuyên bố của Giám đốc điều hành Tesla/SpaceX Elon Musk vào tháng Năm rằng “nền văn minh sẽ sụp đổ” sau sự mất mát của quá nhiều người. Trước đây tại một sự kiện vào năm 2019, ông Musk đã tuyên bố rằng “vấn đề lớn nhất mà thế giới sẽ phải đối mặt trong 20 năm nữa là sự suy giảm dân số.” Ông Jack Ma, người đồng sáng lập Tập đoàn Alibaba, người cũng có mặt tại sự kiện này, đồng tình với nhận định trên.
Ông Manoj Pradhan, nhà kinh tế học và đồng tác giả của “Đại Đảo ngược Nhân khẩu học”, dự đoán rằng việc giảm dân số sẽ dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế, chính trị và xã hội.
Ông nói: “Tương lai sẽ trông rất, rất khác so với quá khứ. Một số điều chúng ta đang trải qua ngày nay, chẳng hạn như lạm phát cao, thiếu hụt lao động và sự hy sinh phúc lợi kinh tế để bảo vệ người già và những người dễ bị tổn thương, cho chúng ta một “cái nhìn về tương lai.”
Các quốc gia đông dân nhất trên thế giới hiện nay là Trung Quốc và Ấn Độ, cả hai nước này đều có khoảng 1.4 tỷ người, chiếm 1/3 dân số thế giới. Hoa Kỳ đứng thứ ba với khoảng cách rất xa – 330 triệu người. Indonesia, Pakistan, Brazil, Nigeria, Bangladesh, Nga, và Nhật Bản lọt vào top 10.
Theo tờ Lancet và các nghiên cứu khác, dân số sẽ sớm bắt đầu giảm dần trên khắp Á Châu và Nam Mỹ, bắt kịp với sự suy giảm như vẫn đã và đang xảy ra ở Âu Châu. Đồng thời, Phi Châu sẽ là một trong số ít các khu vực tiếp tục gia tăng dân số, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng đang suy giảm ngay cả ở Phi Châu. Nigeria dự kiến sẽ có 585 triệu người vào cuối thế kỷ này và trở thành quốc gia đông dân thứ hai thế giới sau Ấn Độ, cùng với Trung Quốc sẽ tụt xuống thứ ba và Hoa Kỳ xuống thứ tư. Nhật Bản, Nga, và Brazil sẽ sớm rời hoàn toàn khỏi top 10.
Sự khác biệt chính giữa những người dự đoán mở rộng [dân số] nhanh chóng và những người dự đoán suy giảm [dân số] là tập trung vào tỷ lệ sinh. Tiến sĩ Darrell Bricker và ông John Ibbitson, đồng tác giả của “Hành tinh Trống rỗng: Cú sốc của Sự suy giảm Dân số Toàn cầu,” đã tìm hiểu kỹ lưỡng dữ liệu về tỷ lệ sinh sản toàn cầu và đi khắp sáu lục địa để nói chuyện với mọi người trên khắp vùng Á Châu, Phi Châu, Nam Mỹ, và phương Tây. Những gì họ phát hiện ra đều phù hợp với nghiên cứu của tờ Lancet; cả về mặt thống kê và bằng chứng giai thoại, tỷ lệ sinh sản trên khắp thế giới thấp hơn đáng kể so với những gì Liên Hiệp Quốc đã dự đoán.
Ông Bricker và ông Ibbitson gọi điều khiến dân số suy giảm là “bẫy sinh sản.” Để một quốc gia duy trì dân số của mình, thì phụ nữ phải có tỷ lệ sinh trung bình là 2.1 trẻ em. Một khi tỷ lệ sinh của một quốc gia giảm xuống dưới mức 2.1, thì nó sẽ không bao giờ quay trở lại tỷ lệ này được nữa.
Năm 2020, tỷ lệ sinh của Hoa Kỳ là 1.6, là tỷ lệ thấp nhất trong lịch sử của nước Mỹ và giảm mạnh so với mức 3.7 của năm 1960. Tỷ lệ sinh trung bình của Âu Châu là 1.5. Trong số 10 quốc gia hàng đầu khác, nghiên cứu của tờ Lancet đưa tin rằng tỷ lệ sinh của Nhật Bản hiện là 1.3. Tỷ lệ sinh của Trung Quốc dao động từ 1.3 đến 1.5, tùy thuộc vào nguồn tin, nhưng một số ước tính đã đưa ra mức thấp nhất là 1.15.
Tỷ lệ sinh của Nga là 1.6. Số ca tử vong ngày nay đang nhiều hơn đáng kể so với số ca sinh ở Nga, và nước này dự kiến sẽ mất tới một phần ba dân số vào năm 2050. Một báo cáo của Chính sách Ngoại giao hồi tháng Một cho biết, sự mất mát về dân số của Nga có nghĩa là nước này sẽ sớm gặp khó khăn trong việc khai triển đủ quân lính cho một cuộc xung đột quân sự lớn, có thể là một yếu tố đằng sau những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân gần đây.
Năm 1960, trung bình một phụ nữ trên toàn thế giới có 5.2 con. Ngày nay, con số đó đã giảm xuống còn 2.4 và dự kiến sẽ giảm xuống mức 2.2 vào năm 2050, hầu như không quay lại mức cũ trên toàn thế giới. Vào năm 2100, tờ Lancet dự đoán rằng tỷ lệ sinh toàn cầu sẽ là 1.66, tính đến các xu hướng hiện tại của đô thị hóa, giáo dục của phụ nữ, sự tham gia của lực lượng lao động, và khả năng tiếp cận quyền kiểm soát sinh sản.
Ông Charles I. Jones, nhà kinh tế học tại Đại học Stanford, viết rằng: Đi từ tỷ lệ sinh 5 con đến tỷ lệ sinh dưới 2 con là sự khác biệt giữa “sự tăng trưởng theo cấp số nhân về cả dân số và mức sống với một hành tinh trống rỗng, mà trong đó [sẽ xảy ra] thu nhập đình trệ và dân số bị triệt tiêu.” Báo cáo tháng 03/2022 của ông Jones, có tựa đề “Hậu quả của Sự suy giảm Dân số,” mô tả điều mà ông gọi là “kết quả của hành tinh trống rỗng,” không chỉ bao gồm sự suy giảm thịnh vượng của con người, mà còn bao gồm sự nghèo nàn về văn hóa, ý tưởng, và sự đổi mới.
“Tăng trưởng kinh tế đình trệ khi kho tri thức và mức sống duy trì ở các giá trị không đổi,” ông Jones viết. “Trong khi đó, bản thân dân số đang giảm với tốc độ không đổi, và dần dần sẽ làm trống rỗng hành tinh của con người.”
Đối với các quốc gia dưới mức tỷ lệ tái sinh này, thì nhập cư có thể giúp duy trì dân số của họ trong một thời gian, nhưng có rất ít quốc gia cho phép nhiều người nhập cư và thậm chí số quốc gia quản lý nhập cư hiệu quả còn ít hơn nữa. Tuy nhiên, sự suy giảm mức sinh trên toàn cầu này có nghĩa là ngay cả các quốc gia như Hoa Kỳ và Canada, những quốc gia đã tăng dân số nhờ nhập cư, cũng có thể sớm đạt đến mức đỉnh điểm của họ.
Mặc dù một tương lai với ít người hơn có thể sẽ có những lợi ích về môi trường, nhưng có một vấn đề về nhân khẩu học là, khi nhân loại thu hẹp lại, thì thành phần xã hội sẽ thay đổi đáng kể. Tuổi thọ là yếu tố then chốt làm chậm quá trình suy giảm dân số — tuổi thọ trung bình của con người đã tăng từ 51 tuổi năm 1960 lên 73 tuổi ngày nay. Tờ Lancet dự đoán rằng vào cuối thế kỷ này sẽ có 2.4 tỷ người trên 65 tuổi, so với chỉ 1.7 tỷ người dưới 20 tuổi. Độ tuổi trung bình trên toàn thế giới ngày nay đã tăng lên 30 tuổi kể từ mức 22 tuổi của năm 1960, và dự kiến sẽ tăng lên 41 tuổi vào năm 2100.
Một phần lớn dân số trên trái đất sẽ già đi, ngoài độ tuổi sinh sản, và phụ thuộc nhiều hơn vào lực lượng ngày càng thu hẹp của những người trẻ làm việc hiệu quả để chăm sóc họ khi về hưu. Hình kim tự tháp ngược thể hiện nhóm ít những người phải hỗ trợ nhóm đông dân số rất có thể sẽ không bền vững. Một cụm từ thường được sử dụng bởi các nhà nghiên cứu liên quan đến các nước như Trung Quốc là họ “sẽ già đi trước khi đủ giàu để hưởng tuổi già.”
Đô thị hóa
Các nhà nhân khẩu học cho biết có một số nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh giảm, nhưng họ chỉ ra một yếu tố dường như thúc đẩy phần còn lại: đô thị hóa. Khi mọi người chuyển từ nông thôn lên thành phố, kinh tế học của việc có con thay đổi.
Về mặt tiền tệ thuần túy, trẻ em không còn là nguồn lao động cho các trang trại, v.v., mà là một khoản chi phí. Tại Hoa Kỳ, chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa trẻ đến tuổi trưởng thành, không bao gồm chi phí học đại học, là 267,000 USD. Một hệ quả khác của đô thị hóa là phụ nữ được giáo dục, có việc làm, độc lập, và có khả năng tiếp cận tốt hơn với các biện pháp tránh thai. Bất kể họ ở quốc gia nào, phụ nữ cũng phản ứng như vậy bằng cách sinh ít con hơn và sinh con muộn hơn.
Theo các tác giả của quyển sách “Hành tinh trống rỗng,” chưa đến một phần ba dân số thế giới sống ở các thành phố vào năm 1960. Ngày nay, hơn một nửa dân số thế giới là cư dân thành thị; đến năm 2050, con số đó dự kiến sẽ tăng lên hơn 2/3.
Dân số đô thị hóa của Phi Châu dự kiến sẽ tăng từ 44% ngày nay lên 59% vào năm 2050, Á Châu từ 52% lên 66%. Phần còn lại của dân số thế giới đã đô thị hóa hơn 80%. Nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc dự đoán rằng Trung Quốc sẽ đi từ 16% thành thị vào năm 1960 lên 80% thành thị vào năm 2050. Và các vấn đề nhân khẩu học của Trung Quốc càng trở nên trầm trọng hơn do chính sách một con của nước này, mặc dù đã chính thức kết thúc vào năm 2016 nhưng ngày nay vẫn thiếu phụ nữ. Hiện tại, Trung Quốc có nam giới nhiều hơn nữ giới 34 triệu người, dẫn đến một phần lớn dân số nam giới hiện nay đến tuổi trưởng thành mà không có triển vọng lập gia đình.
Nhật Bản có phải là tương lai của chúng ta?
Một số người nói rằng nếu quý vị muốn nhìn thấy tương lai của mình, hãy nhìn vào Nhật Bản ngay hôm nay. Nhật Bản đã đô thị hóa 92% và dân số giảm khoảng nửa triệu người mỗi năm. Đây là một xã hội khá thuần nhất, có ít người nhập cư, tỷ lệ kết hôn và sinh con đã giảm dần, khiến nước này trở thành một quốc gia “siêu già” với 20% dân số hiện trên 65 tuổi. Khi Nhật Bản già đi và trống rỗng, nền kinh tế của nước này đã trì trệ và giá trị tài sản giảm xuống.
Nhà kinh tế Martin Schultz giải thích, chỉ số thị trường chứng khoán Nikkei của Nhật Bản đã giảm từ mức cao 39,000 xuống 20,000 trong những năm 1990, đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình điều chỉnh lâu dài từ một nền kinh tế trẻ, đang phát triển nhanh sang một nền kinh tế bình thường mới già cỗi và chậm phát triển. Chứng khoán Nhật Bản chưa bao giờ hồi phục hoàn toàn; ba thập niên sau đó, chỉ số Nikkei hiện ở mức 27,000.
Sau khi tăng đáng kể trong nhiều thập niên, GDP bình quân đầu người của Nhật Bản chững lại vào năm 1995 và từ đó đã không tăng nhiều. Với dân số già và ngày càng giảm, doanh số bán bỉm người lớn ở Nhật Bản hiện đã vượt quá bỉm trẻ em, và một số nơi vắng vẻ hơn ở Nhật Bản thậm chí còn bắt đầu đặt những con búp bê kích thước như người thật ở những nơi công cộng để khiến những nơi này bớt hiu quạnh hơn.
Khi được hỏi liệu Nhật Bản có phải là tương lai của chúng ta hay không, ông Pradhan nói: “Thật không may, không, bởi vì điều đó sẽ khá an ủi đấy. Nhân khẩu học của Nhật Bản đang chuyển thành âm (dân số già, tỷ lệ tử vong cao hơn tỷ lệ sinh) trong khi phần còn lại của thế giới lại đang lao động.”
Các công ty Nhật Bản đã có thể thành công trong tình trạng suy giảm dân số bằng cách chuyển lao động đến những nơi có dân số dồi dào, trong khi người lao động ở quê nhà phát triển tự động hóa để tăng năng suất của họ. Do đó, cho đến nay, Nhật Bản đã tránh được lạm phát và mức nợ do dân số ngày càng thu hẹp và già hóa.
Khi các quốc gia sản xuất ít hơn và ngày càng dành nhiều nguồn lực hơn cho việc chăm sóc người cao tuổi, ông Pradhan nói: “Chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ nợ trên GDP đến mức mà không ai từng nghĩ tới.” Điều này sẽ dẫn đến tăng trưởng thấp hơn và lạm phát triền miên. Lạm phát có thể trở thành một đặc tính vĩnh viễn.
Về mặt tích cực, tình trạng thiếu lao động có khả năng dẫn đến mức lương cao hơn và sự bình đẳng hơn giữa những người trong độ tuổi lao động. Và sẽ có nhu cầu lớn về công nghệ để thay thế các công việc thô sơ hơn và giải phóng sức lao động của con người.
Ông Pradhan nêu ví dụ về việc chính phủ Nhật Bản trợ cấp cho các viện dưỡng lão để mua robot nhằm thực hiện các khía cạnh đơn giản hơn của việc chăm sóc người già.
“Năng suất của Nhật Bản là một nguồn hy vọng cho tất cả chúng ta.” Cũng có thể là những đột phá về y tế có khả năng cải thiện sức khỏe của người cao tuổi và kéo dài những năm lao động của con người, do đó có thể cho phép việc nghỉ hưu muộn hơn trong đời.
Ông Pradhan cho biết thêm, một điều khác sẽ được yêu cầu rất nhiều là sự đồng cảm trong việc chăm sóc người khác, điều mà các gia đình thường làm theo cách truyền thống đối với ông bà và cha mẹ.
“Tôi nghĩ đây là thứ mà chúng ta đã đánh mất trong một xã hội cơ giới hóa.”
Ông Kevin Stocklin là một nhà văn, nhà sản xuất phim, và là cựu giám đốc ngân hàng đầu tư. Ông đã viết và sản xuất tác phẩm “We All Fall Down: The American Mortgage Crisis” (“Chúng Ta Đều Sụp Đổ: Cuộc Khủng Hoảng Thế Chấp Của Mỹ”), một bộ phim tài liệu năm 2008 về sự sụp đổ của hệ thống tài chính thế chấp của Hoa Kỳ.