Các nhà ngoại giao ‘chiến lang’ của Trung Quốc tiến hành chiến tranh chính trị chống lại phương Tây
Phân tích tin tức
Từ Pháp đến Venezuela rồi đến Hoa Kỳ, các nhà ngoại giao của chế độ Trung Cộng trong năm vừa qua đã bận rộn lên giọng ầm ĩ, đe dọa, và bôi xấu các nước chủ nhà như một phần của nỗ lực dốc toàn lực thúc đẩy nghị trình của Bắc Kinh trên trường thế giới.
Phong cách hiếu chiến này, được mệnh danh là ngoại giao “chiến lang” (chiến binh sói), đã thể hiện đầy đủ trong cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức chính phủ ông Biden và các nhà ngoại giao Đảng Cộng Sản Trung Cộng (Trung Cộng) vào hồi tháng Ba (2021) ở Alaska. Trong một biến cố lớn được quảng bá rộng rãi, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã đáp trả việc Hoa Kỳ chỉ trích các hành động gây hấn của Trung Cộng ở trong nước và ngoại quốc bằng việc đưa ra một bài diễn văn chỉ trích kéo dài cáo buộc Hoa Kỳ có những vi phạm tương tự.
Ông Dương Khiết Trì, quan chức cao cấp nhất của Trung Cộng phụ trách các vấn đề đối ngoại, đã phá vỡ nghi thức ngoại giao khi dành hơn 15 phút cho diễn thuyết khai mạc (thời gian theo thỏa thuận là 2 phút), trong bài diễn văn đó ông Dương đã chỉ trích nặng nề Hoa Kỳ về những gì mà ông mô tả là nền dân chủ vật lộn, thành tích nhân quyền kém cỏi, và các chính sách ngoại giao và thương mại không công bằng.
Sau khi cả Ngoại trưởng Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan phản ứng để bảo vệ Hoa Kỳ, ông Dương đáp trả rằng: “Chà, đó là lỗi của tôi. Khi tôi bước vào căn phòng này, đáng lẽ tôi phải nhắc nhở phía Hoa Kỳ chú ý đến giọng điệu của mình trong diễn văn khai mạc tương ứng của chúng tôi, nhưng tôi đã không làm như vậy.”
Sau đó, ông Dương cáo buộc phía Hoa Kỳ đã nói năng một cách “trịch thượng,” và phá vỡ các nghi thức ngoại giao. “Vì vậy, tôi xin nói ở đây rằng, trước mặt phía Trung Quốc, Hoa Kỳ không có đủ tư cách để nói rằng họ muốn nói chuyện với Trung Quốc từ thế thượng phong,” ông Dương nói thêm.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đưa tin về cuộc đụng độ, xoay trở sự kiện này thành một chiến thắng cho các nhà ngoại giao Trung Quốc, những người đã thể hiện “ngôn ngữ cơ thể tự tin” trái ngược với những cử chỉ “khép kín” của các đối tác Hoa Kỳ của họ.
Tuy nhiên, màn thể hiện đó không chỉ nhắm vào người dân trong nước. Được khuyến khích bởi sự thành công có chủ đích của chế độ này trong việc khắc phục đại dịch so với các quốc gia khác, Trung Cộng gần đây đã đang đẩy mạnh kịch bản “phương Đông đang trỗi dậy trong khi phương Tây đang suy tàn”—và hành vi của các nhà ngoại giao của chế độ này đang thể hiện thông điệp đó trên trường quốc tế.
Trong một email gửi cho The Epoch Times, bà June Teufel Dreyer, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Miami, cho rằng “các chiến lang là hiện thân của mong muốn biểu thị CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] là một quốc gia hùng mạnh có thể đặt ra các quy tắc cho trật tự thế giới.”
Bà Dreyer mô tả cách tiếp cận hung hăng đó là sự tăng cường của một xu hướng mà đã có thể được nhận thấy ngay từ năm 2010, khi ông Dương có sự bùng nổ tương tự tại một cuộc họp an ninh khu vực ASEAN ở Hà Nội, Việt Nam. Nổi đóa trước 12 quốc gia vốn nêu ra những lo ngại của họ về sự khẳng định ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông đang tranh chấp, ông Dương phản bác lại rằng, “Trung Quốc là một nước lớn còn các nước khác là nước nhỏ và đó đúng là một thực tế,” trong khi nhìn chằm chằm vào bộ trưởng ngoại giao của đất nước Singapore nhỏ bé.
Sự trỗi dậy của ‘chiến lang’
Chính sách ngoại giao chiến lang của Trung Cộng được khai triển toàn lực trong trận đại dịch năm ngoái (2020), khi Bắc Kinh tích cực hành động để né tránh sự chỉ trích của quốc tế về việc đã che đậy sự bùng phát virus Trung Cộng. Kể từ đó, những lời chỉ trích của ngoại quốc về các hành động của Trung Cộng, từ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương cho đến hành động gây hấn quân sự ở Biển Đông thường xuyên nhận phải phản ứng gay gắt của các quan chức Trung Cộng trên Twitter và các diễn đàn khác.
Cụm từ này được đặt tên theo hai bộ phim Trung Quốc hiếu chiến đình đám của loạt phim “chiến lang,” được phát hành vào năm 2015 và 2017. Phim xoay quanh một người lính đặc nhiệm Trung Quốc chiến đấu với lính đánh thuê ngoại quốc ở biên giới phía Nam của Trung Quốc và châu Phi.
Có rất nhiều ví dụ về ngoại giao chiến lang của Trung Cộng.
Vào hồi tháng Ba vừa qua trong một dòng tweet gây sốc lúc bấy giờ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã cáo buộc Quân đội Hoa Kỳ mang virus đến Vũ Hán khi tham gia một sự kiện thể thao quân sự vào tháng 10/2019, gây ra làn sóng chỉ trích từ phía Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây. Lời cáo buộc vô căn cứ đó đã đánh dấu sự khởi đầu của chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch đang diễn ra của Bắc Kinh về nguồn gốc virus, nhằm làm chệch hướng chú ý khỏi việc họ giải quyết bùng phát một cách sai lầm, và né tránh cuộc điều tra về khả năng virus bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Cũng trong tháng Ba, Đại sứ quán Trung Quốc tại Caracas đã chỉ trích các quan chức không được nêu tên của Venezuela vì gọi loại virus này là virus “Trung Cộng” hoặc virus “Vũ Hán” bằng cách yêu cầu họ “đeo khẩu trang vào và ngậm miệng lại.”
Ông Triệu Lập Kiên lại công kích vào hồi tháng Mười Một, khiến Úc phẫn nộ vì đã đăng một bức ảnh bị chỉnh sửa về một người lính Úc cầm con dao dính máu chĩa vào cổ họng của một đứa trẻ. Hình ảnh này ám chỉ đến một báo cáo trong đó đã phát hiện một số binh sĩ đặc nhiệm Úc đã sát hại dân thường ở Afghanistan một cách phi pháp trong một nhiệm vụ ở đó. Dòng tweet được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước ngày càng dâng cao sau khi Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus. Bắc Kinh đáp trả bằng hành động ép buộc kinh tế-bằng cách áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảng đối với một loạt hàng hóa của Úc bao gồm thịt bò, than đá, lúa mạch, và rượu vang.
Ông Anders Corr, chủ sở hữu Tạp chí Rủi ro Chính trị (Journal of Political Risk) và là người sáng lập của công ty Corr Analytics, nói với The Epoch Times rằng phong cách gây hấn là một định hướng được lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình trực tiếp đưa ra.
“[Ông Tập] muốn có một chính sách ngoại giao gây hấn để gây áp lực và đe dọa Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, và các đồng minh của họ phải nhượng bộ về lãnh thổ và thương mại. Ông ta tin rằng ưu thế luôn thuộc về kẻ mạnh hơn, và do đó một Trung Quốc hùng mạnh cần được đáp ứng một cách thích đáng,” ông Corr nói trong một email.
Khi các quốc gia chống lại sự quyết đoán của Bắc Kinh, ông Tập đáp trả bằng cách “chỉ thị các nhà ngoại giao của mình tăng cường mức độ, cường độ, và thậm chí cả sự giận dữ trong hoạt động ngoại giao của họ,” ông Corr cho biết.
‘Bản tính của loài sói’ giống như ‘Đảng tính’
Không rõ từ khi nào thuật ngữ “chiến lang” lần đầu tiên được sử dụng để mô tả các nhà ngoại giao hay các chiến thuật ngoại giao của Trung Cộng, nhưng hai hãng thông tấn Đài Loan đã sử dụng thuật ngữ này vào khoảng tháng 10/2018 để mô tả các phản ứng ngoại giao của Trung Cộng sau khi du khách Trung Quốc bị cảnh sát địa phương đưa ra khỏi một khách sạn ở Thụy Điển và một chương trình tọa đàm châm biếm sau đó ở nước này đã chỉ trích du khách Trung Quốc nói chung.
Phản ứng lại những sự cố này, Đại sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển đã ra một thông báo khẳng định Thụy Điển không an toàn cho du khách Trung Quốc đến du lịch. Diba Central Army, một nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc phổ biến được biết đến là trung thành với Trung Cộng, cũng kêu gọi người dùng của họ “tấn công tới tấp các trang Facebook của Bộ Ngoại giao Thụy Điển” và người chủ trì chương trình tọa đàm nói trên, theo Thời báo Hoàn Cầu (Global Times)-một hãng thông tấn nhà nước diều hâu của Trung Cộng.
Sau sự cố năm 2018 đó, đài BBC tiếng Trung đã sử dụng thuật ngữ này để mô tả cuộc trao đổi sôi nổi trên Twitter vào tháng 07/2019 giữa phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên và cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Susan Rice, trong đó ông Triệu đưa ra những bình luận về nhóm người da màu và da trắng ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Thuật ngữ này sau đó đã được Thời báo Hoàn cầu chọn và được nhiều người biết đến trong đại dịch như một cách để mô tả những phản ứng thô thiển của Trung Cộng trước sự chỉ trích ngày càng tăng trên toàn cầu về một loạt các vấn đề.
Tuy nhiên, quan niệm đã làm nền tảng cho “chiến lang” bắt nguồn từ tư tưởng chủ nghĩa Mao, trở thành cốt lõi của hệ tư tưởng của Trung Cộng. Truyền thông Trung Quốc đưa tin, trong một tuyên bố phù hợp với học thuyết mở rộng của Đảng này về chiến tranh chính trị, lãnh đạo Trung Cộng đương thời Mao Trạch Đông đã nói với các nhà ngoại giao đầu tiên của Bắc Kinh rằng: “Công tác ngoại giao là một cuộc đấu tranh chính trị. Các đồng chí không dùng vũ khí để chiến đấu, các đồng chí chiến đấu bằng ngòi bút và miệng lưỡi của mình.” Chiến lược này cần phải sử dụng tất cả các chiến thuật mà không có mặt các cuộc tấn công quân sự tổng lực để đánh bại kẻ thù.
Đăng lại một bài báo năm 2020 từ một tờ báo địa phương, chính quyền thành phố Nam Thông-một thành phố ở tỉnh Giang Tô thuộc miền duyên hải Trung Quốc nêu rõ trên trang web của mình rằng có “bản tính của loài sói” là tương đương với có mang “Đảng tính,” là đặc tính của những người có lòng trung thành tuyệt đối với Trung Cộng.
Ngoài con người, khái niệm này còn được sử dụng để mô tả văn hóa của các tổ chức. Một bài báo khoa học xã hội năm 2006 đã phân tích cách mà “văn hóa lang sói” đã tồn tại ở gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei và nhà sản xuất máy tính Lenovo. Các cựu nhân viên tại Huawei trước đây nói với The Epoch Times rằng công ty này nhiệt tình quảng bá “văn hóa lang sói,” một triết lý được chủ trương bởi người sáng lập Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei)-người đã đúc kết ra điều này từ kinh nghiệm của ông ta với quân đội Trung Quốc.
Xác nhận chính thức
Các quan chức Trung Cộng đã công khai tán thành phong cách này. Tháng Năm năm ngoái (2020), ông Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming), đại sứ Trung Quốc tại Vương Quốc Anh lúc bấy giờ, đã nói với đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc nên hành động như “những chiến lang.”
“Một số người nói rằng có rất nhiều ‘chiến lang’ ở Trung Quốc. Tôi tin có những ‘chiến lang’ bởi vì có ‘những con sói’ trên thế giới này. Do đó, cần thiết có ‘các chiến lang’ để chống lại ‘những con sói’ này,” ông Lưu nói.
“Vì vậy, tôi khuyến khích các nhà ngoại giao ở tất cả các cấp của các đại sứ quán [Trung Quốc] chủ động chiến đấu” bất cứ khi nào họ nhìn thấy một “con sói”.
Nhiều tháng sau, trong một cuộc họp báo thường nhật vào tháng 12/2020, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết bà không “thấy có vấn đề gì khi sống với danh nghĩa ‘chiến lang’ đó cả.”
Bà Hoa cũng dẫn lời ông Mao-người nói rằng, “Chúng ta sẽ không tấn công trừ khi chúng ta bị tấn công. Nếu chúng ta bị tấn công, chúng ta chắc chắn sẽ phản công.”
Bắc Kinh cũng tuyên bố họ nhận được sự ủng hộ của người dân để tiến hành một phương thức ngoại giao như vậy. Vào tháng 12/2020, Thời báo Hoàn Cầu đưa tin rằng trong một cuộc khảo sát gần đây với 1,945 người ở 16 thành phố của Trung Quốc, thì 71.2% số người cho rằng Bắc Kinh nên áp dụng chính sách ngoại giao “chiến lang.”
Theo ông Corr, dù thế nào thì cuối cùng các phương pháp của Trung Cộng đã đang phản tác dụng.
“Các quốc gia khác nhanh chóng nhận ra nó vì bản chất của nó, bị đánh bại bởi sự thô bỉ của nó, và đối phó lại thông qua sự phối hợp chặt chẽ hơn về kinh tế và quân sự cũng như xây dựng liên minh,” ông Corr cho biết.
Về phần bà Dreyer thì cho rằng Hoa Kỳ và các quốc gia khác nên gửi một thông điệp rõ ràng rằng hành vi của chế độ này là không thể chấp nhận được.
“Các quốc gia phải chống lại sự gây hấn của Trung Quốc bằng cách từ chối chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của họ, cảnh giác trước các thủ đoạn của mật trận thống nhất, công khai chỉ trích các chiến thuật quyền lực mềm và quyền lực sắc bén của họ,” bà Deyer cho biết.
Do Frank Fang và Cathy He thực hiện
Yến Nhi biên dịch
Xem thêm: