Các nhà lập pháp quốc tế lên án phản đối Chính quyền Trung Quốc tiếp tục chiến dịch bức hại đức tin
Một liên minh các nhà lập pháp toàn cầu đã cùng nhau lên tiếng phản đối chính quyền ĐCSTQ tiếp tục bức hại môn tu luyện Pháp Luân Công, trong một tuyên bố được đưa ra vào đêm trước ngày tưởng niệm sự kiện 21 năm Pháp Luân Công bị đàn áp, ngày 20/7.
“Hôm nay, chúng ta làm sáng tỏ hơn nữa hoàn cảnh của Pháp Luân Công cùng với tất cả các nhóm tôn giáo thiểu số khác đang phải chịu sự đàn áp và bức hại của ĐCSTQ,” Liên minh Nghị viện về Trung Quốc (IPAC) đã đưa ra tuyên bố vào ngày 19/7.
Tổ chức này được thành lập để phối hợp các chính sách nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng ngày càng tăng của ĐCSTQ trên thế giới; họ bao gồm các chính trị gia cao cấp từ khắp nơi trên thế giới như Hoa Kỳ, Úc, Đức, Nhật Bản, Na Uy, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Nghị viện châu Âu.
“Chúng tôi … kêu gọi thế giới hãy cùng ủng hộ và lên tiếng yêu cầu chấm dứt cuộc bức hại này, chấm dứt ngay tội ác; hãy đứng về phía công lý, trách nhiệm, nhân quyền và phẩm giá cho tất cả người dân Trung Hoa,” tổ chức này kêu gọi.
Pháp Luân Công, hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cổ xưa, bao gồm nền tảng tu dưỡng đạo đức dựa trên Chân-Thiện-Nhẫn.
Với khoảng 100 triệu người ở Trung Quốc tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1999, nhà cầm quyền Trung Quốc -Giang Trạch Dân khi đó đã tự coi sự phổ biến rộng lớn của nhóm người này là mối đe dọa đối với những kẻ cai trị vô thần là Đảng Cộng sản (ĐCS).
Vào ngày 20/7/1999, ông Giang đã khởi động một chiến dịch toàn quốc tại Trung Quốc để bao vây các học viên Pháp Luân Công, cầm tù bất hợp pháp, cưỡng bức lao động, tẩy não và nhốt họ vào các trại tâm thần với tham vọng ép buộc họ từ bỏ đức tin của mình.
Theo ước tính của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, hàng triệu người đã bị giam giữ trong hơn hai thập kỷ vừa qua, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn.
Theo Minghui.org, một trang thông tin điện tử có trụ sở tại Hoa Kỳ đóng vai trò là nơi tiếp nhận thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công vốn vẫn đang tiếp diễn tại Trung Quốc, có hơn 4.500 học viên Pháp Luân Công đã thiệt mạng vì chịu đựng sự tra tấn và nhục hình trong khi họ bị giam giữ. Trên thực tế, số lượng người thiệt mạng thực sự cao hơn nhiều [so với con số báo cáo vì chính quyền ĐCSTQ đã ra sức cản trở và kiểm soát thông tin liên quan đến chủ đề nhạy cảm này.
IPAC đặc biệt nhấn mạnh về việc các học viên Pháp Luân Công tiếp tục là mục tiêu của vấn nạn mổ cướp nội tạng phục vụ ngành công nghiệp cấy ghép tạng thu lợi của chính quyền ĐCSTQ.
Năm 2006 chúng tôi đã vạch trần câu chuyện về cách thức mà ĐCSTQ sử dụng để sát hại các tù nhân lương tâm, chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công, để thu hoạch nội tạng phục vụ cho các ca phẫu thuật cấy ghép.
Từ đó, một số báo cáo do các nhà nghiên cứu độc lập thực hiện đã xác nhận các cáo buộc này.
Vào tháng 6/2019, sau một cuộc điều tra kéo dài một năm, một tòa án độc lập ở London đã kết luận rằng việc mổ cướp nội tạng từ tù nhân lương tâm đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm “trên một quy mô đáng kể.” Phán quyết của tòa án cũng tuyên bố rằng dường như các học viên Pháp Luân Công là mục tiêu chính bị mổ cướp nội tạng.
“Điều đặc biệt nhức nhối là các báo cáo … nói rằng vấn nạn này đã được thực hiện trên diện rộng, được nhà nước tài trợ và có tính hệ thống,” IPAC cho biết thêm.
Cuối tuần qua, các học viên Pháp Luân Công tại Washington D.C. đã kỷ niệm 21 năm phản đối cuộc bức hại của ĐCSTQ bằng một buổi thắp nến tưởng niệm, trong khi các học viên ở thành phố New York đã tổ chức hoạt động trực tuyến để khắc ghi sự kiện này mặc dù địa phương hạn chế các buổi tụ họp đông người do dịch bệnh virus ĐCSTQ.
Hơn 600 nhà lập pháp từ 30 quốc gia đã ký một tuyên bố yêu cầu chính quyền ĐCSTQ chấm dứt ngay cuộc bức hại Pháp Luân Công.