Các nhà lập pháp EU cam kết từ chối thỏa thuận đầu tư của Trung Quốc vì các lệnh trừng phạt và mối lo ngại về nhân quyền
Các thành viên của Nghị viện Châu Âu (MEP) đã tuyên bố từ chối thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc đang chờ thông qua, vì các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc và các lệnh trừng phạt của chế độ cầm quyền cộng sản.
Hôm 28/04, hơn 30 thành viên MEP đã lên án Trung Quốc vì nước này đã yêu cầu EU ngừng chỉ trích hồ sơ nhân quyền của chế độ này, nói rằng họ sẽ không phê chuẩn thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc trừ khi vấn đề nhân quyền được giải quyết trước. Một số thành viên đã nói thẳng rằng họ muốn gạt bỏ thỏa thuận này.
Những bình luận trên được đưa ra trong cuộc họp đầu tiên của Nghị viện Châu Âu liên quan đến các biện pháp trừng phạt trả đũa của nhà cầm quyền Trung Cộng đối với các đại diện và tổ chức của EU–các bên đã trừng phạt một số quan chức Trung Cộng vì những hành vi vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương vào cuối tháng 03/2021.
Các biện pháp trừng phạt đáp trả này đã gây nguy hiểm cho khả năng thỏa thuận đầu tư được thông qua.
“Nếu chúng ta muốn, một lần và mãi mãi, rằng EU không chỉ là một siêu thị mà còn có các nguyên tắc … chúng ta phải đưa ra một số hành động xác thực, và điều đó có nghĩa là chúng ta cần từ chối thỏa thuận đầu tư này,” thành viên MEP của Pháp – ông Emmanuel Maurel nói.
Bà Hannah Neumann, phó chủ tịch tiểu ban của Nghị viện EU về nhân quyền và là thành viên MEP của Đức cho biết: “Đây là một chế độ tùy tiện bắn bằng súng ngắn nhắm vào quyền tự do biểu đạt, tự do nghiên cứu cùng các quyền của chúng tôi trong tư cách là thành viên nghị viện.
Bà nói với Nghị viện rằng vấn đề nhân quyền cần phải được giải quyết trước khi tiến tới với thỏa thuận đầu tư, khi cho biết, “Tôi không bằng lòng để một quốc gia ngoại quốc ra lệnh cho tôi phải thực hiện công việc của mình như thế nào.”
Ông Reinhard Bütikofer–thành viên MEP của Đảng Xanh tại Đức, chủ tịch phái đoàn Trung Quốc của Nghị viện Châu Âu, người bị nhắm mục tiêu đưa vào danh sách trừng phạt của Bắc Kinh, nói rằng nếu các lệnh trừng phạt mà Bắc Kinh áp đặt lên nghị viện EU không được dỡ bỏ, thì “Thỏa thuận toàn diện giữa EU và Trung Quốc về đầu tư, hay còn gọi là ‘CAI’, đang ở tình trạng đóng băng sâu song song với sự lo ngại của Nghị viện Châu Âu.”
Ông cho biết các biện pháp trừng phạt này đã đánh dấu “một tầm cao mới trong việc Trung Quốc hung hăng tuyên bố về quyền lực.”
“Thay vào đó, chúng tôi sẽ gây áp lực nhằm sử dụng các công cụ mới để bảo vệ tốt hơn nền kinh tế của chúng tôi trước các hành vi không công bằng của Trung Quốc, có thể là tiếp cận thị trường thu mua, cuộc chiến chống trợ cấp bất hợp pháp, hoặc chống lại các sản phẩm sử dụng lao động cưỡng bức,” ông nói trong một tuyên bố.
Bà Maria Arena, một thành viên MEP đến từ Bỉ, nói thêm rằng, “Nếu quyền ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông hoặc Đài Loan không thể được thảo luận tại nghị viện này, thì không có gì có thể được thảo luận tại nghị viện này cả.”
Năm thành viên MEP đứng đầu của EU có số phiếu cần thiết để phê chuẩn thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc đều có tên trong các lệnh trừng phạt của Trung Cộng.
Bắc Kinh: Hãy tập trung vào thương mại, chứ không phải nhân quyền
Trong khi đó, các quan chức Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy việc phê chuẩn thỏa thuận, kêu gọi EU hãy tập trung vào vấn đề thương mại chứ không phải nhân quyền.
Hôm 16/04, lãnh đạo Trung Cộng Tập Cận Bình hối thúc EU phê chuẩn thỏa thuận đầu tư trong một cuộc họp qua video với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước thềm hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo thế giới về các vấn đề khí hậu.
Hôm 20/04, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp từ các nước EU lớn tại trung tâm Trung Quốc-EU ở Thành Đô để tìm kiếm sự hỗ trợ cho thỏa thuận đầu tư. Sau đó, Politico đưa tin hôm 28/04, trong một phiên họp trực tuyến của cuộc tham vấn chính phủ Đức-Trung Quốc lần thứ sáu, ông Lý nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng Đức nên tập trung vào thương mại chứ không phải “công việc nội bộ” của Trung Quốc, gồm cả các vấn đề về nhân quyền.
Thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc đã được bà Merkel bênh vực trong khối EU vì hứa hẹn của thỏa thuận này sẽ mở ra nhiều lĩnh vực hơn trong nền kinh tế Trung Quốc để EU đầu tư và mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất ô tô Châu Âu bên ngoài Trung Quốc. Ông Macron đã ủng hộ những nỗ lực của bà Merkel trước sự phản đối của một số nước EU.
Thỏa thuận đã được ký vào tháng 12/2020 sau bảy năm đàm phán, nhưng để có hiệu lực thì phải được Nghị viện EU phê chuẩn.
Bà Merkel sẽ từ chức vào tháng 09/2021, và Đảng Dân chủ Xã hội của bà đã tụt dốc trong các cuộc thăm dò bầu cử gần đây, trong khi đó đảng Xanh đối lập đang dẫn đầu.
Gần đây, đảng Xanh cho biết trong một tuyên bố rằng, “Thương mại là đòn bẩy mạnh mẽ để bảo vệ và củng cố nhân quyền cũng như các giá trị dân chủ cơ bản. Thật không may, thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc, được chính phủ Đức vội vàng ký kết hồi cuối năm ngoái, lại mâu thuẫn với chính mục tiêu này.”
Ông Macron cũng đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội chống lại thỏa thuận CAI ở trong nước, trước thềm cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào năm tới.
Hôm 24/04, EU cũng đã có hành động lên án sự gây hấn của chế độ Trung Cộng ở Biển Đông mà họ cho là đang gây nguy hiểm cho hòa bình khu vực.
Trong một “báo cáo tiến độ” về Trung Quốc, Chủ tịch EU – bà Ursula von der Leyen – cho biết hôm 21/04 rằng “sự khác biệt căn bản” giữa EU và Trung Quốc về “hệ thống kinh tế và quản lý toàn cầu hóa, về dân chủ và nhân quyền, hay về cách cư xử với các nước thứ ba” đang trở thành một thực tế “được thiết lập để duy trì trong tương lai gần và không thể nào lờ đi được.”
Do Alex Wu thực hiện
Hạo Văn biên dịch
Xem thêm: