Các nhà lập pháp cảnh báo hiệp định thương mại của TT Biden có thể củng cố sự độc quyền của Big Tech
Một liên minh gồm các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Quốc hội đang lên tiếng phản đối đề nghị của Tổng thống (TT) Joe Biden về một hiệp định thương mại mà họ cho rằng có thể củng cố hơn nữa quyền thao túng và độc chiếm thị trường của các Đại công ty Công nghệ (Big Tech).
Trong một bức thư (pdf) gửi cho các quan chức Hoa Kỳ có liên quan, Thượng nghị sĩ J.D. Vance (Cộng Hòa-Ohio) và Dân biểu Ken Buck (Cộng Hòa-Colorado), cùng với sự tham gia của Thượng nghị sĩ Josh Hawley (Cộng Hòa-Missouri), Dân biểu Matt Gaetz (Cộng Hòa-Florida), và Dân biểu Paul Gosar (Cộng Hòa-Arizona), đã lên án Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) của ông Biden là đang vượt quá thẩm quyền của tổng thống.
Đảng Dân Chủ cũng đã lên tiếng về vấn đề này, với việc Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Dân Chủ-Massachusetts) và những người khác cảnh báo trong một bức thư khác (pdf) rằng nếu Big Tech đạt được thỏa thuận này, thì họ có thể ngăn chặn hành động của các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ, hạn chế khả năng thực thi luật chống độc quyền của các cơ quan này.
IPEF được ông Biden đưa ra hồi tháng 05/2022. Có nhiều điểm tương đồng với Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện đã không còn tồn tại — một hiệp định thương mại gây tranh cãi được nhiều nhân vật khác nhau ủng hộ như cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và Thượng nghị sĩ Tim Scott (Cộng Hòa-South Carolina) — sáng kiến kinh tế IPEE đã được 14 quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ký kết.
Không giống như các thỏa thuận thương mại khác, IPEF không quan tâm đến việc thay đổi thuế suất đối với các quốc gia thành viên, nhưng được xem là một tiền đề cho mục tiêu đó. Chính phủ TT Biden cũng kỳ vọng sẽ thiết lập một bộ các chính sách cạnh tranh cho các quốc gia thành viên.
Ông Vance và ông Buck đã viết rằng mục tiêu này không chỉ xúc phạm đến thẩm quyền của Quốc hội mà còn có thể củng cố thêm cho các công ty Big Tech, những đại công ty đang nắm độc quyền đối với nhiều công cụ và nền tảng trực tuyến.
“Quốc hội, chứ không phải Tổng thống, có đặc quyền theo Hiến Pháp để xây dựng chính sách đối nội trong lĩnh vực chống độc quyền,” các nhà lập pháp viết, viện dẫn những nỗ lực lập pháp đang diễn ra để thực sự làm được điều đó.
Các nền tảng của Big Tech thường xem các giao dịch quốc tế như vậy như một phương tiện để thúc đẩy lợi ích của chính họ.
Ông Biden đã đề xướng các chính sách “toàn chính phủ” nhằm ủng hộ cạnh tranh. Đảng Dân Chủ nói rằng những nỗ lực của Big Tech nhằm tác động đến các chính sách trong IPEF có thể thách thức điều đó.
Hồi tháng 09/2022, Hạ viện đã có bước đột phá đầu tiên trong việc giải quyết các vấn đề độc quyền của Big Tech khi thông qua dự luật trao thêm quyền cho các tiểu bang trong các vụ kiện chống độc quyền và tăng tài trợ cho các cơ quan quản lý chống độc quyền của liên bang.
Trong thư của họ, các nhà lập pháp đã liên hệ nỗ lực này với những thành kiến của Big Tech.
Ông Vance và ông Buck cho biết: “Các công ty công nghệ lớn nhất đã nhiều lần khai thác vị thế thống trị của họ trên thị trường để kiểm duyệt những phát ngôn gây bất lợi và truyền bá các hệ tư tưởng xã hội có hại.” Đồng thời, hai nghị sĩ này lưu ý rằng những công ty này chiếm độc quyền trong lĩnh vực của họ.
“Và, bởi vì một nhóm đặc biệt gồm các công ty công nghệ thống trị kiểm soát thị trường truyền thông xã hội và tạo ra rào cản gia nhập đối với các đối thủ cạnh tranh, nên các nạn nhân của sự kiểm duyệt và truyền bá tư tưởng của Big Tech thường nhận thấy rằng có rất ít lựa chọn thay thế khả thi cho những công ty hiện có.”
Ông Vance cho biết, giờ đây Big Tech đang thất thế về vấn đề này tại Quốc hội, đồng thời ngành này “rõ ràng đã thuyết phục được chính phủ trong việc quốc tế hóa vấn đề này, như vậy vi phạm quyền lập pháp của Quốc hội trong việc định hình chính sách cạnh tranh trong nước.”
Dựa trên điều này, các nhà lập pháp bày tỏ sự phản đối của họ đối với bất kỳ nỗ lực có thể có nào nhằm thúc đẩy các quy định cạnh tranh thị trường thông qua IPEF.
Những nhà lập pháp này viết, “Chính phủ phải bảo đảm rằng họ không đề nghị hoặc thông qua văn bản trong IPEF vốn dĩ ràng buộc Hoa Kỳ với các chính sách cạnh tranh mà Quốc hội có thể sớm bác bỏ.”
Cụ thể, họ đã cảnh báo ông Biden không được cố gắng mở rộng bất kỳ mô hình nào dựa trên Điều 230 của Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông (Communications Decency Act) sang các quốc gia khác.
Điều 230 gây tranh cãi đó, đã được thông qua hồi năm 1996 vào thời kỳ đầu của Internet, mang lại cho các nền tảng truyền thông xã hội sự bảo vệ rộng rãi khỏi trách nhiệm pháp lý — các biện pháp bảo vệ mà Đảng Cộng Hòa cho rằng các nền tảng này quá được thiên vị khi có được: Điều 230 chỉ bảo vệ các nền tảng khỏi trách nhiệm pháp lý nếu họ không đóng vai trò là “những người giám tuyển”, lựa chọn một cách thận trọng nội dung xuất hiện trên trang web.
Tổng thống đương thời Donald Trump đã cố gắng giải quyết vấn đề này nhưng không thành công. Tuy nhiên, Điều 230 vẫn là một trọng tâm chính của Đảng Cộng Hòa với các vấn đề của Big Tech.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times