Các nhà lãnh đạo G-7 cạnh tranh với chính sách ngoại giao bẫy nợ của Bắc Kinh
Hôm 13/06, các nhà lãnh đạo của bảy quốc gia giàu nhất thế giới đã đồng thuận chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở các nước đang phát triển thông qua chương trình phát triển gây tranh cãi, Sáng kiến “Vành đai và Con đường,” khiến nhiều quốc gia nghèo phải gánh nặng nợ.
Các nền kinh tế tân tiến cam kết cung cấp một “giải pháp thay thế mang tính dân chủ” cho chương trình đầy tham vọng của Trung Cộng nhằm giải quyết khoảng cách cơ sở hạ tầng ở các nước nghèo, vốn đang ngày càng trầm trọng hơn bởi đại dịch.
Sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài ba ngày tại Cornwall, Anh Quốc, các nhà lãnh đạo Nhóm Bảy nước (G-7) đã ban hành một thông cáo chung công nhận “nhu cầu lớn về cơ sở hạ tầng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.”
Thông cáo nêu rõ, “Phản ánh các giá trị chung và tầm nhìn chung của chúng tôi, chúng tôi sẽ hướng tới một bước thay đổi trong cách tiếp cận tài chính cơ sở hạ tầng, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng và đầu tư có chất lượng, nhằm tăng cường quan hệ đối tác với các nước đang phát triển và giúp đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng của họ.”
Sáng kiến mới có tên gọi “Xây dựng thế giới trở lại tốt đẹp hơn” hoặc “B3W” sẽ giúp tài trợ cho cầu, cảng, đường sá và các dự án cơ sở hạ tầng khác ở các nước đang phát triển. Sáng kiến này sẽ áp dụng các tiêu chuẩn “minh bạch, công khai, hiệu quả kinh tế, công bằng và cạnh tranh đối với việc cho vay và mua sắm.” Sáng kiến cũng sẽ huy động vốn và chuyên môn của khu vực tư nhân.
Theo Tổng thống (TT) Joe Biden, mục tiêu là giúp đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng trị giá hơn 40 ngàn tỷ USD ở các nước đang phát triển.
Tại một cuộc họp báo hôm 13/06 sau kết luận của hội nghị thượng đỉnh, TT Biden cho biết, “Vấn đề nằm ở chỗ những gì đang xảy ra là Trung Quốc có Sáng kiến Vành đai và Con đường này, và chúng tôi nghĩ rằng có một cách công bằng hơn nhiều để cung cấp cho nhu cầu của các quốc gia trên thế giới.”
Kể từ khi ra mắt vào năm 2013, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã rót hàng tỷ USD vào các quốc gia mới nổi để giúp xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ. Tuy nhiên, sáng kiến này bị coi là “bẫy nợ,” làm tăng nguy cơ căng thẳng kinh tế ở các nước đi vay thông qua mức cho vay không bền vững và các hợp đồng không rõ ràng.
Ông Biden nói, Sáng kiến G-7 “sẽ tốt cho toàn thế giới và đại diện cho các giá trị mà các nền dân chủ của chúng ta đại diện, chứ không phải là chuyên quyền và thiếu các giá trị.”
Ông Biden cho biết thêm, các nhà lãnh đạo G-7 đã đồng ý thành lập một ủy ban sẽ làm việc về các chi tiết của sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu này.
Kế hoạch này nhằm tài trợ cho các dự án phát triển trong bốn lĩnh vực chính—khí hậu, sức khỏe, công nghệ kỹ thuật số và bình đẳng giới.
Các nước G-7 cũng nhắc lại lời kêu gọi hỗ trợ các quốc gia nghèo nhất khi các quốc gia này tiếp tục đối mặt với các cuộc khủng hoảng nợ đáng kể. Các quốc gia này phải đối mặt với sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận thị trường tín dụng và thâm hụt tài khóa ngày càng tăng.
Kể từ khi xuất hiện đại dịch [COVID-19], cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thúc giục 20 nền kinh tế giàu có nhất thế giới (G-20), bao gồm cả Trung Quốc, chấp thuận tạm thời ngừng các khoản thanh toán nghĩa vụ nợ cho các nước nghèo nhất thế giới để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ.
Theo thông cáo của hội nghị thượng đỉnh trích dẫn ước tính của IMF, các nước có thu nhập thấp sẽ cần khoảng 200 tỷ USD để chống lại đại dịch và 250 tỷ USD chi tiêu cho đầu tư trong vòng 4 năm tới.
Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất thế giới, chiếm gần 65% tổng nợ song phương chính thức. Trong khi Trung Quốc và các quốc gia khác đồng ý miễn trừ nợ cho các quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính, thì các hoạt động cho vay không rõ ràng của Bắc Kinh đã làm phức tạp thêm các nỗ lực miễn trừ nợ này.
Thông cáo nêu rõ, “Chúng tôi ủng hộ các phương thức cho vay công bằng và cởi mở, đồng thời kêu gọi tất cả các chủ nợ tuân thủ những điều này.”
Hầu hết các dự án BRI được tài trợ chủ yếu thông qua nhiều chính quyền địa phương của Trung Quốc và các tổ chức do nhà nước kiểm soát.
Một nghiên cứu của AidData, một phòng thí nghiệm nghiên cứu của Hoa Kỳ tại Đại học William và Mary, cho thấy các hợp đồng cho vay của Trung Quốc với các nước mới nổi có các điều khoản bí mật không phổ biến, thỏa thuận tài sản thế chấp và các hạn chế đàm phán lại nợ.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích các điều khoản pháp lý của 100 hợp đồng cho vay của Trung Quốc với 24 nước đang phát triển, nhiều nước trong số đó đã tham gia BRI. Họ đã tiến hành đánh giá sâu trong thời gian 36 tháng và phát hiện rằng các hợp đồng cho vay của Trung Quốc có những điều khoản bảo mật bất thường khiến các nước đi vay không thể tiết lộ các điều khoản hoặc đôi khi thậm chí là [không thể tiết lộ] sự tồn tại của các hợp đồng vay này.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các hợp đồng có các điều khoản đặt những bên cho vay thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc là chủ nợ cao cấp mà các khoản vay phải được hoàn trả trên cơ sở ưu tiên. Các thỏa thuận tài sản thế chấp không chính thức đặt các chủ nợ Trung Quốc lên hàng đầu của thứ tự được trả nợ.
Ngoài ra, các bên cho vay Trung Quốc có quyền tự do chấm dứt các khoản vay hoặc đẩy nhanh việc trả nợ nếu họ không đồng ý với các chính sách của quốc gia đi vay.
Chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc cũng cho phép Bắc Kinh mở rộng các hoạt động vi phạm nhân quyền. Tình trạng quấy rối những người bất đồng chính kiến Trung Quốc ở ngoại quốc đang gia tăng. Trung Quốc cũng đã và đang sử dụng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của mình ở các nước đang phát triển để bịt miệng những người chỉ trích.
BRI bao gồm 139 quốc gia, gồm cả Trung Quốc. Theo Hội đồng Quan hệ Ngoại giao, các quốc gia này chiếm 40% nền kinh tế toàn cầu và 63% dân số thế giới.
Do Emel Akan thực hiện
Chánh Tín biên dịch
Tham khảo bài gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: