Các nhà lãnh đạo EU bày tỏ lập trường cứng rắn với Trung Quốc, tiến tới phá vỡ sự phụ thuộc công nghệ
Trong cuộc họp tuần này, các nhà lãnh đạo Liên minh Âu Châu cùng bày tỏ lo ngại về sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng của Âu Châu vào Trung Quốc.
Cơ quan chính sách đối ngoại của EU cho biết trong một tuyên bố được soạn sẵn rằng sự lãnh đạo của chế độ Cộng sản Trung Quốc nên được xem là một đối thủ cạnh tranh đang muốn thúc đẩy “một tầm nhìn thay thế về trật tự thế giới mới”.
Lập trường cứng rắn của các nhà lãnh đạo Âu Châu chống lại Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đang dẫn dắt đất nước đi theo con đường độc tài hơn.
Trong một bài diễn văn hôm 16/10, ông Tập tuyên bố không bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, vùng lãnh thổ mà ông gọi là một phần của Trung Quốc, và kêu gọi các biện pháp an ninh lớn hơn trong bộ máy giám sát nhà nước vốn dĩ khổng lồ của Trung Quốc.
Trong tháng này, ông Tập được dự đoán sẽ tiếp tục nắm quyền trong nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ, khiến ông trở thành nhân vật đứng thứ hai về tầm quan trọng trong lịch sử lãnh đạo Đảng, chỉ sau Mao Trạch Đông.
Các nhà lãnh đạo EU tìm cách phá bỏ sự phụ thuộc vào Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo EU ngày càng cảnh giác với ĐCSTQ kể từ hồi tháng Hai, khi ông Tập tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin ngay trước khi ông Putin ra lệnh xâm lược Ukraine.
Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine buộc nhiều nhà lãnh đạo EU phải lưu tâm hơn đến sự phụ thuộc của quốc gia họ [vào Nga], vì phần lớn nguồn cung cấp khí đốt của Âu Châu đến từ Nga. Các nhà lãnh đạo EU hiện nay cho rằng cần phải thành lập một liên minh hợp nhất để tránh trường hợp tương tự nảy sinh với Trung Quốc.
“Trong trường hợp của Trung Quốc, đó là rủi ro khi [chúng ta] phụ thuộc [vào Trung Quốc] về công nghệ và nguyên liệu thô,” Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết.
Bà nói thêm rằng EU đã học được bài học từ trường hợp của Nga, và sẽ nỗ lực thúc đẩy năng lực sản xuất của các công nghệ quan trọng và chuyển chuỗi cung ứng sang các nhà cung cấp đáng tin cậy hơn
Nói chuyện bên ngoài một cuộc họp tại Brussels, Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cũng nhận định tương tự, cho rằng EU sẽ cần bảo đảm rằng ĐCSTQ không nắm đằng cán trong việc cung cấp các công nghệ quan trọng, như cách họ đã lệ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga.
Ông Martin nói: “Điều này không có nghĩa là chúng ta không được thiết lập các mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, mà có nghĩa là chúng ta không nên phụ thuộc về mặt chiến lược hoặc các vấn đề trọng yếu khác vào một quốc gia độc tài.”
“Tôi nghĩ công nghệ là phần tối quan trọng. Có thể bây giờ đó chưa phải vấn đề [lớn], nhưng chắc chắn trong tương lai sẽ như vậy.”
Ông Marin nói thêm rằng, thay vào đó, EU nên thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn với các nước dân chủ.
ĐCSTQ bành trướng làm dấy lên lo ngại về thương mại cảng
Cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo EU về các vấn đề chiến lược liên quan đến ĐCSTQ được đặt ra sau khi Chính phủ Đức thúc đẩy xem xét lại một số khía cạnh trong quan hệ thương mại giữa EU và Trung Quốc.
Chính phủ liên minh cầm quyền của Đức hiện đang xem xét có nên cho phép công ty quốc doanh Trung Quốc Cosco nắm quyền kiểm soát một phần bến cảng tại cảng Hamburg, gần bờ Biển Bắc hay không.
Chính phủ Đức đang có quan điểm trái chiều về vấn đề này, điều này được ví von như một chong chóng chỉ chiều gió xét xem liệu nước Đức sẵn sàng cứng rắn đến mức nào với đối tác thương mại lớn nhất của họ.
Trung Quốc đã mua rất nhiều cảng nước sâu tại các nước khác như một phần của nỗ lực nắm quyền kiểm soát các tuyến hàng hải toàn cầu và tăng phạm vi hoạt động của hải quân [nước này]. Một trong những cảng đó nằm ở Quần đảo Solomon. Một cảng khác nằm tại Hy Lạp.
Tuy nhiên, không như hai cảng trên, thỏa thuận [cho phép Trung Quốc quyền kiểm soát] cảng Hamburg sẽ không dẫn đến việc Trung Quốc sở hữu phần lớn cổ phần trong toàn bộ cảng.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thiên Thư biên dịc
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times