Các nhà kinh tế cảnh báo về chiến tranh Trung Đông ‘trở nên lớn hơn’, nhưng Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ hạ thấp tác động kinh tế của cuộc chiến
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã bác bỏ những lo ngại rằng cuộc chiến ở Trung Đông sẽ có tác động ‘rất đáng kể’.
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen nói với các đại diện tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới ở Maroc rằng cuộc chiến giữa Hamas và Israel khó có thể có tác động lan tỏa đối với nền kinh tế toàn cầu.
Bất chấp những biến động ban đầu trên thị trường tài chính toàn cầu hôm 09/10, các nhà đầu tư phần lớn đã bác bỏ lo ngại rằng cuộc xung đột mới nhất ở Trung Đông sẽ tác động đến nền kinh tế quốc tế, đồng thời định giá theo nhiều trường hợp khác nhau.
Bà Yellen không cho rằng các sự kiện này sẽ dẫn đến điều gì “rất đáng kể” đối với triển vọng kinh tế toàn cầu.
“Mặc dù chúng ta đang theo dõi các tác động kinh tế tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng [ở Israel], nhưng tôi thực sự không xem đó là một tác động lớn đối với triển vọng kinh tế toàn cầu,” bà nói. “Cho đến nay, tôi không nghĩ chúng ta đã chứng kiến điều gì cho thấy tác động đó sẽ rất đáng kể.”
Trong bài diễn văn đã được chuẩn bị sẵn trước hội nghị bàn tròn của IMF, bà Yellen đã ủng hộ cam kết của Hoa Kỳ trong việc tăng cường IMF và vận động nhiều tài trợ hơn cho tổ chức này vì những sự kiện quan trọng có tác động tiêu cực đến nền kinh tế “thường ảnh hưởng nặng nề nhất đến các quốc gia có thu nhập thấp.”
Bà nói: “Việc IMF có duy trì được mức độ liên quan liên tục hay không phụ thuộc vào khả năng điều chỉnh thích hợp hoạt động cố vấn chính sách của tổ chức này và việc cung cấp các khoản cho vay trợ giúp cho nỗ lực của các quốc gia trong việc khôi phục sự ổn định kinh tế vĩ mô.”
Bà Gita Gopinath, phó giám đốc điều hành thứ nhất của IMF, nói với Bloomberg TV hôm 11/10 rằng vẫn còn quá sớm để xác định xem liệu cuộc chiến giữa Israel và Hamas có khiến áp lực lạm phát trở nên nghiêm trọng hơn và cản trở tăng trưởng toàn cầu hay không.
Bà Gopinath cho biết trong một cuộc phỏng vấn với mạng lưới tin tức kinh doanh này: “Nếu cuộc chiến giữa Israel và Hamas trở thành một cuộc xung đột rộng hơn và khiến giá dầu tăng cao, thì điều đó sẽ có ảnh hưởng đến nền kinh tế.”
“Đó thường là một trong những kênh mà qua đó chúng tôi nhận thấy chiến tranh sẽ ảnh hưởng đến các con số toàn cầu.”
Cũng xuất hiện tại Maroc trong tuần này (09-15/10), nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF lưu ý rằng nền kinh tế toàn cầu đang “bước đi theo kiểu cà nhắc, chứ không phải là vụt chạy.”
IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay và 2.9% vào năm 2024.
Lo ngại về độ dài của chiến tranh
Các nhà kinh tế khác cảnh báo rằng chiến tranh càng kéo dài thì sẽ có lo ngại rằng cuộc chiến đó sẽ đe dọa đến triển vọng kinh tế toàn cầu.
“Mọi con mắt rõ ràng vẫn đang đều đổ dồn vào những cảnh tượng bi thảm ở Israel, và có mối lo ngại sâu sắc về những gì sắp diễn ra. Có thể câu chuyện này sẽ tạm lắng một thời gian, nhưng rõ ràng là còn lâu mới kết thúc. Trên thực tế, có nhiều khả năng hơn rằng đó mới chỉ là sự khởi đầu, với những tuyên bố được đưa ra từ phía Israel,” các chiến lược gia của ING viết trong một ghi chú nghiên cứu.
“Ngay cả khi cuộc chiến này vẫn giới hạn trong phạm vi địa phương, vẫn sẽ có lo ngại rằng cuộc chiến này sẽ trở nên còn lớn hơn và nguy hiểm hơn nhiều.”
Nhà kinh tế Peter St Onge đến từ Quỹ Di Sản (Heritage Foundation) cho biết, rốt cuộc, điều đó sẽ phụ thuộc vào việc xung đột tăng cường và kéo dài được đến mức nào.
Ông St. Onge giải thích trong bài bình luận hàng ngày đăng trên X. “Đối với nền kinh tế thực, mọi thứ phụ thuộc vào mức độ lan rộng của xung đột. Nếu xung đột được kiềm chế, chúng ta sẽ có kịch tính và các thị trường này khác nhưng sẽ thấy rất ít ảnh hưởng đến nền kinh tế thực.”
Ông viết, “Ngược lại, nếu các cường quốc trong khu vực và Hoa Kỳ bị cuốn vào một cuộc chiến sâu hơn, thì chúng ta có thể chứng kiến dầu mỏ gây ra một đòn thảm khốc đối với lạm phát, điều sẽ khiến Fed phải gỡ bỏ hết thảy trói buộc và tăng lãi suất lên đến độ gây tàn phá cho nền kinh tế ở mức mà chúng ta chưa từng thấy kể từ thời [cựu Chủ tịch Fed] Paul Volcker.”
Về mặt thị trường, các chỉ số chuẩn hàng đầu của Hoa Kỳ đã tăng khoảng 2% trong tuần trước. Giao dịch gây ra bởi tâm lý sợ hãi đã nhanh chóng tan biến sau khi các nhà giao dịch nắm giữ các tài sản an toàn như đồng bạc xanh (đồng USD) và công khố phiếu Hoa Kỳ.
Chỉ số USD (DXY), một thước đo đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ, đã giảm xuống dưới mức 106.00. Lợi suất công khố phiếu cũng giảm xuống mức thấp nhất trong khoảng hai tuần. Vàng, một tài sản trú ẩn thông thường trong thời kỳ biến động, đã giữ ổn định trong những phiên giao dịch gần đây, nhích dần trở lại mốc 1,900 USD.
Iran và dầu mỏ
Chính phủ Hoa Kỳ không liên kết Tehran với các sự kiện trong tuần qua. Tuy nhiên, bà Yellen cảnh báo rằng không gì là “không thể” nếu Iran bị phát hiện có trợ giúp cho cuộc tấn công vào Israel.
Tuy nhiên, Hoa Thịnh Đốn vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran.
Bà nói: “Tôi sẽ không để cho bất cứ điều gì là không thể đối với các hành động có thể xảy ra trong tương lai, nhưng tôi chắc chắn không muốn nói trước về tiến trình của chúng tôi vấn đề đó.”
Tháng trước (09/2023, Tòa Bạch Ốc đã dỡ bỏ phong tỏa đối với 6 tỷ USD tài sản dầu thô bị đóng băng của Iran, chuyển tiền từ Nam Hàn sang một tài khoản ở Qatar như một phần trong các nỗ lực rộng lớn hơn nhằm giảm bớt căng thẳng với Iran.
Thượng nghị sĩ Tim Scott (Cộng Hòa-South Carolina) đã kêu gọi một cuộc điều trần của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện với bà Yellen và một cuộc điều tra liên bang về việc dỡ bỏ phong tỏa 6 tỷ USD.
Ông Scott nói trong một tuyên bố: “Đối diện với cái ác, chúng ta phải sử dụng mọi công cụ, vũ khí, và các biện pháp trừng phạt kinh tế sẵn có để bảo đảm an ninh cho quốc gia của chúng ta và an ninh của Israel.”
“Chúng ta nên thể hiện sức mạnh — chứ không phải sự khoan dung — trong vấn đề Iran. Đó là lý do tại sao bây giờ là lúc tôi thông qua Đạo luật Củng cố Trừng phạt Iran và gửi thông điệp rằng Iran không nên mong đợi các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ sẽ kết thúc.” (Kể từ đó, Hoa Kỳ và Qatar, nơi số tiền này được giữ lại, đã phong tỏa lại tài sản).
Các thị trường năng lượng hầu như không quan tâm đến xung đột địa chính trị sau khi tăng 4% hồi đầu tuần giao dịch, bất chấp những hậu quả tiềm tàng đối với giá dầu nếu Iran bị phát hiện có bất cứ vai trò nào trong các cuộc tấn công của Hamas vào Israel.
Giá dầu thô kỳ hạn West Texas Intermediate (WTI) đã giảm khoảng 2% hôm 11/10, xuống còn khoảng 84 USD/thùng.
Dầu Brent, chuẩn quốc tế về giá dầu, cũng giảm giá khoảng 2% xuống 86 USD/thùng trên sàn giao dịch tương lai ICE Futures ở London.
Tại trạm xăng
Giá xăng ở Hoa Kỳ cũng chưa cảm nhận được ảnh hưởng của cuộc chiến cách đó 5,600 dặm (khoảng hơn 9000 km). Theo Hiệp hội Xe hơi Hoa Kỳ (AAA), giá trung bình toàn quốc cho một gallon xăng là 3.66 USD, giảm 3% so với một tuần trước.
Vấn đề là các nhà đầu tư phần lớn đang bỏ qua rủi ro về nguồn cung ứng, ông Phil Flynn, nhà phân tích thị trường cao cấp tại The PRICE Futures Group, cho biết.
“Rõ ràng là tác động đối với dầu và rủi ro đối với nguồn cung ứng vẫn rất cao,” ông viết trong một ghi chú. “Thị trường sẽ phải thích ứng với việc là rủi ro về nguồn cung ứng trước mắt sẽ không biến mất trong một thị trường dầu mỏ toàn cầu vốn đã thắt chặt.”
Theo các nhà phân tích của S&P Global Commodity Insights, năm nay, xuất cảng và sản xuất dầu thô của Iran đã trở lại mức cao nhất kể từ năm 2018. Tuy nhiên, có tới 500,000 thùng dầu thô Iran có thể bị loại khỏi nền kinh tế mỗi ngày.
Họ nói thêm rằng trong khi Tòa Bạch Ốc muốn có nhiều dầu hơn được vận chuyển qua thị trường năng lượng toàn cầu thì tình hình ở Trung Đông có thể đã “vượt qua” mong muốn này.
Các nhà phân tích viết: “Trước chiến tranh, căng thẳng Hoa Kỳ-Iran đã giảm bớt, điều này tạo điều kiện cho xuất cảng dầu của Iran tăng cao hơn. Sản lượng dầu thô của Iran đã tăng 500,000 thùng/ngày từ tháng Ba đến tháng Chín năm 2023 — lên 3.1 triệu thùng/ngày từ 2.6 triệu thùng/ngày.”
Họ nói thêm, “[Tổng thống] Biden sẽ chịu áp lực phải thực thi các lệnh trừng phạt và cắt giảm doanh thu xuất cảng của Iran. Đây là một tình huống đầy thách thức đối với chính phủ ông Biden, vốn muốn có nhiều dầu hơn trên thị trường chứ không phải ít hơn. Các cuộc tấn công vào Israel có thể ảnh hưởng đến vấn đề dầu mỏ.”
Tại Hoa Kỳ, các nhà quan sát thị trường đang rất chú ý đến kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR).
Khi một loạt các chuyên gia ở Wall Street gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc giá dầu lại vượt trên mức 100 USD/thùng do bất ổn địa chính trị, một số người đang tự hỏi liệu chính phủ đương nhiệm có thể rút từ kho dự trữ khẩn cấp quốc gia hay không.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times