Các nhà khoa học tìm thấy cơ chế tái tạo tứ chi và các cơ quan
Vào lúc sơ sinh, mô tim và đầu ngón tay của cơ thể bạn có khả năng tái tạo, nhưng nếu các mô và cơ quan này bị tổn thương ở tuổi trưởng thành, chúng sẽ không thể tái tạo lại được. Nhưng một số loài động vật thì khác, như tắc kè có thể tái tạo đuôi; còn Kỳ nhông Mexico (còn gọi là khủng long sáu sừng) có thể tái tạo hầu hết các cơ quan và mô trong cơ thể.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí “Developmental Dynamics” vào ngày 1/4 đã tìm ra một cơ chế tín hiệu quan trọng trong điều này. Các nhà nghiên cứu nói rằng, cơ thể con người thực sự có “tiềm năng tái tạo chưa được khai thác”.
Kỳ nhông Mexico trong tự nhiên gần như đã sắp bị tuyệt chủng. Sinh vật này là một mô hình quan trọng để các nhà khoa học nghiên cứu khả năng tái tạo, chúng có thể tái tạo gần như bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, như não, tim, hàm, tứ chi, phổi, buồng trứng, cột sống, da, đuôi, vân vân.
Nghiên cứu này so sánh tế bào miễn dịch ở kỳ nhông Mexico với các tế bào ở chuột, để tìm ra chỗ đặc biệt có thể giúp thúc đẩy quá trình tái sinh của chúng.
Kết quả họ phát hiện, một loại tế bào miễn dịch được gọi là đại thực bào (macrophage) chính là chìa khóa cho khả năng tái sinh, một khi chúng cạn kiệt, kỳ nhông Mexico sẽ không thể tái sinh nữa, sẽ giống như đa số các loài động vật có vú, tại miệng vết thương sẽ hình thành sẹo.
Nghiên cứu còn phát hiện rằng, trong trường hợp gặp phải vi khuẩn, nấm và virus, cơ chế tín hiệu của đại thực bào ở kỳ nhông Mexico và ở chuột là tương tự nhau; nhưng trong trường hợp chấn thương thân thể thì khác: đại thực bào ở kỳ nhông Mexico thúc đẩy quá trình tái tạo mô, trong khi đại thực bào ở chuột thúc đẩy quá trình hình thành sẹo. Một khi hình thành sẹo, bất kỳ sinh vật nào cũng không thể tái tạo nữa.
Các nhà nghiên cứu cho biết, họ đã tìm ra cơ chế tín hiệu kiểm soát quá trình tái tạo, đặt nền tảng quan trọng cho việc phát triển các loại thuốc thúc đẩy quá trình tái tạo mô của con người. Điều này có thể vẫn còn khá xa với việc tái tạo tứ chi, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng, ít nhất có hy vọng phát triển một số loại thuốc để ngăn ngừa hình thành sẹo ở các cơ quan và mô bị tổn thương, đồng thời kích thích khả năng tái tạo của chúng, chẳng hạn như những cơ quan tim, thận, gan và phổi.
James Godwin, Người phụ trách hạng mục nghiên cứu này ở Phòng thí nghiệm sinh học MDI tại Hoa Kỳ cho biết: “Chúng tôi đã hiểu rõ hơn về lý do tại sao kỳ nhông Mexico lại có khả năng tái sinh mạnh mẽ như vậy, và chúng tôi đã tiến thêm một bước trên con đường nghiên cứu để phát triển tiềm năng tái tạo của con người. Mục tiêu của tôi là, một ngày nào đó sẽ có thể có một loại thuốc Hydrogel bôi lên vị trí vết thương, để hướng dẫn các đại thực bào của con người hoạt động giống như ở kỳ nhông Mexico.”
Do Lí Thiểu Duy, Chu Hàm Nho thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Tham khảo bản gốc trên Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: