Các nhà khai thác điện trình bày với EPA: Các quy định mới về khí hậu có thể làm mất ổn định lưới điện
Tuần trước, một vài nhà khai thác điện năng độc lập đã cùng trình bày với EPA rằng các quy tắc phát thải mới do cơ quan này đề xướng có thể khiến lưới điện của Mỹ quốc mất đi độ ổn định.
Trong một tuyên bố hôm 08/08, một nhóm các Nhà khai thác Hệ thống Độc lập và các Tổ chức Truyền tải Khu vực (“Nhóm các ISO/RTO”) đã viết rằng những quy định về phát thải do EPA đề xướng “có khả năng làm ảnh hưởng nghiêm trọng và bất lợi đến độ ổn định của lưới điện.”
Những nhà khai thác này đã viết, một loạt các quy định mới về phát thải CO2—cộng với nhiều thập niên nỗ lực phối hợp nhằm giảm nhiên liệu hóa thạch của các nhóm như Liên minh Ngân hàng Net Zero (NZBA) và sáng kiến Nhà quản lý Tài sản Net Zero (NZAM)—đã dẫn đến việc loại bỏ những nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt và than đá với tốc độ nhanh hơn khả năng mà các nhà máy phong năng và quang năng có thể thay thế chúng.
Ngoài ra, họ cho biết, vì phong năng và quang năng phụ thuộc vào thời tiết nên việc mất đi các nguồn dự phòng đáng tin cậy đang làm dấy lên những lo ngại về tình trạng thiếu điện trong tương lai.
Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) báo cáo rằng 15.6 gigawatt sản lượng điện sẽ bị rút bớt vào năm 2023, trong đó 98% là nhiệt điện từ đốt than hoặc khí đốt, 2% còn lại là nhiệt điện từ đốt dầu mỏ.
Đây là một phần của điều mà Tổng thống Joe Biden gọi là “sự chuyển đổi đáng kinh ngạc” từ nhiên liệu hóa thạch sang phong năng và quang năng trên khắp Hoa Kỳ.
EIA tuyên bố rằng “23 phần trăm trong số 200,568 megawatt công suất điện đốt than hiện đang vận hành tại Hoa Kỳ đã được dự tính rút bớt vào cuối năm 2029.”
Tình hình này xảy ra sau giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2021, mà trong đó mỗi năm trung bình 9,450 megawatt công suất điện đốt than của Hoa Kỳ đã được rút bớt.
Nhóm các ISO/RTO đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng các biên độ dự trữ theo kế hoạch (PRM) của họ, hay chênh lệch giữa công suất và nhu cầu cao nhất, đang dần cạn kiệt. Hiện tại, PRM là 20.1%, cao hơn mức tối thiểu theo quy định là 15%.
Báo cáo của các nhà khai thác cho biết: “Tác động kết hợp của việc giảm công suất nguồn và tăng nhu cầu theo các dự báo hiện tại sẽ dẫn đến sự sụt giảm đáng kể PRM trong 5 năm tới.”
“Nếu dự báo vẫn đúng, thì PRM sẽ giảm xuống dưới mức yêu cầu vào năm 2027, và sẽ tiếp tục giảm xuống 9.7% vào năm 2028.”
Biên độ dự trữ được thiết kế để bảo đảm nguồn cung cấp điện không bị gián đoạn, ngay cả khi nhu cầu tăng đột biến, ví dụ như do thời tiết nóng hoặc lạnh bất thường, hoặc nếu như có sự thiếu hụt nguồn cung do sự cố phát điện hoặc truyền tải.
Điện không chỉ cần thiết cho chiếu sáng, sưởi ấm, làm mát, làm lạnh, thiết bị máy móc, và máy điện toán, mà còn cần thiết cho hoạt động của bệnh viện, hệ thống nước và nước thải, và giao thông vận tải.
Theo số liệu chính thức, mùa đông năm 2021, khi Texas xảy ra mất điện, có 246 người đã thiệt mạng.
Năm 2022, các công ty điện của Hoa Kỳ đã sản xuất được khoảng 4,243 tỷ kilowatt giờ (kWh) điện năng.
Trong số này, khoảng 60% được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch (than đá, khí đốt tự nhiên, và dầu mỏ), khoảng 18% là từ năng lượng hạt nhân, và khoảng 22% là từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Ngoài các quy định của chính phủ, thì phong trào môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng đang nỗ lực để giảm lượng điện sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.
Tháng 04/2022, BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới và là bên ủng hộ lâu năm cho “đầu tư bền vững,” đã được Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang (FERC) cấp quyền miễn trừ để tăng tỷ lệ sở hữu các công ty tiện ích lên hơn 20%.
Vanguard, công ty quản lý tài sản lớn thứ hai thế giới, cũng đã yêu cầu quyền miễn trừ khỏi giới hạn 20%.
Năm 2020, BlackRock tuyên bố rằng họ sẽ ngừng đầu tư vào sản xuất than, giới thiệu các quỹ cấm dự trữ nhiên liệu hóa thạch và bỏ phiếu phản đối những lãnh đạo công ty nào mà không tích cực chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, tháng 10/2022, BlackRock đã đảo ngược chính sách của mình và nói với ủy ban quốc hội Anh quốc rằng họ sẽ tiếp tục đầu tư vào than đá, dầu mỏ và khí đốt, và vai trò của họ không phải là “tạo ra một kết quả khử cacbon cụ thể trong nền kinh tế thực.”
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Một với The Epoch Times, ông John Moura, giám đốc đánh giá độ tin cậy của Tập đoàn Ổn định Điện lưới Bắc Mỹ (NERC), cho biết các nhà máy nhiên liệu hóa thạch đang bị ngừng hoạt động với tốc độ vượt quá khả năng lấp đầy khoảng trống của cơ sở phong năng và quang năng mới.
Ông nói: “Ví dụ tương đồng mà tôi sẽ đưa ra là chạy trong khi đang buộc dây giày.”
Năm 2022, NERC báo cáo rằng nhiều phần của lưới điện Bắc Mỹ có nguy cơ trở nên không ổn định. Các khu vực được coi là “nguy cơ cao” được thể hiện bằng màu đỏ trên bản đồ bên dưới; các khu vực “nguy cơ đang tăng lên” có màu vàng.
Tuy nhiên, bầu không khí đối nghịch nói chung đối với nhiên liệu hóa thạch ở khắp các cơ quan chính phủ, ngân hàng và nhà quản lý tài sản, đã làm nguội lạnh bất kỳ sự nhiệt tình nào đối với việc đầu tư vào các nhà máy khí đốt và than đá mới. Ít nhất là ở Hoa Kỳ.
Trong khi đó, trong năm 2022, Trung Quốc ráo riết xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới, với số lượng giấy phép mới đạt mức cao nhất kể từ năm 2015. Trung Quốc hiện đang bắt đầu xây dựng các nhà máy nhiệt điện than với số lượng lớn gấp sáu lần so với tất cả các nước còn lại trên thế giới cộng lại.
Ngoài việc ngừng hoạt động các nhà máy than và khí đốt, các nhà khai thác lưới điện của Hoa Kỳ cho biết họ “lo ngại không kém rằng quy định [và tác động cộng dồn của tất cả các hành động và quy định của EPA liên quan đến ngành điện gần đây] có thể làm nhụt chí trong ngắn hạn đối với sự đầu tư cần thiết để duy trì các tổ máy phát điện có khả năng điều tiết theo nhu cầu cho đến khi các công nghệ mới này phát triển.”
Khả năng điều tiết ở đây có nghĩa là các nhà máy phát điện có thể được bật hoặc tắt theo ý muốn, trái với quang năng và phong năng phụ thuộc vào thời tiết.
Những nhà khai thác này lo ngại rằng do nỗ lực kết hợp của chính phủ và ngành công nghiệp chống lại các nhà máy nhiệt điện than và khí đốt, nên chủ sở hữu của những nhà máy này sẽ hạn chế đầu tư vào bảo trì và nâng cấp, do đó khiến những nhà máy này dễ bị hỏng hóc ngay cả trước ngày ngừng hoạt động.
Nhóm các ISO/RTO cáo buộc rằng EPA đã đang ép buộc họ phải dựa vào những gì mà họ cho là những công nghệ chưa được chứng minh để đáp ứng các giới hạn phát thải của EPA. Công nghệ này bao gồm các công nghệ sản xuất năng lượng hydro và thu thập carbon.
“Nếu không có bằng chứng chắc chắn về khả năng vận hành và thương mại của các công nghệ này, thì việc tiếp tục thực hiện các yêu cầu này có thể khiến độ ổn định của lưới điện gặp nguy hiểm,” các tác giả của tuyên bố này viết. “Niềm hy vọng không phải là một chiến lược có thể chấp nhận được.”
Các vấn đề được đưa ra bởi Nhóm các ISO/RTO chủ yếu nói về những thiếu sót có thể xảy ra trong việc cung cấp điện.
Tuy nhiên, các quy định khác của EPA, chẳng hạn như thắt chặt các tiêu chuẩn phát thải đối với xe hơi để buộc các nhà sản xuất xe hơi chuyển khoảng 2/3 sản lượng của họ sang xe điện, sẽ làm tăng đáng kể nhu cầu về điện, cùng với các quy định cắt giảm bếp gas, và hệ thống sưởi trong nhà bằng gas, tất cả đều để ủng hộ các sản phẩm chạy bằng điện.
Một phát ngôn viên của EPA đã phúc đáp yêu cầu bình luận, nói rằng “quy định được đề xướng sẽ yêu cầu các nhà máy lắp đặt công nghệ đã được chứng minh để giảm lượng khí thải nhà kính.”
“Đề xướng này cung cấp cho chủ sở hữu và nhà khai thác của các nhà máy điện nhiều thời gian để thực hiện và tính linh hoạt đáng kể trong việc tuân thủ, cho phép các công ty điện năng và nhà khai thác lưới điện đưa ra các quyết định đầu tư và lập kế hoạch dài hạn hợp lý, và trợ giúp khả năng của ngành điện trong việc tiếp tục cung cấp điện đáng tin cậy và giá cả phải chăng,” EPA nói.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times