Các nhà chỉ trích: Đạo luật cứu trợ nợ sinh viên SAVE của TT Biden là một cách khác để xóa nợ
Sau phán quyết mới đây của Tối cao Pháp viện chặn đề xướng xóa nợ sinh viên của chính phủ đương nhiệm, Tổng thống (TT) Joe Biden tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ theo đuổi các con đường khác để cứu trợ hàng triệu người vay.
“Tôi sẽ không ngừng nỗ lực để cung cấp cho những người đi vay những gì họ cần, đặc biệt là những người ở điểm cuối cùng trong nấc thang kinh tế,” TT Biden nói trong một bài diễn văn tại Tòa Bạch Ốc hôm 30/06. “Vì vậy, chúng tôi cần một biện pháp mới. Và chúng tôi đang tiến hành nhanh nhất có thể.”
Theo Tòa Bạch Ốc, Bộ Giáo dục đã bắt đầu một tiến trình xây dựng quy định pháp lý để mở đường cho việc xóa nợ và hoàn thiện “kế hoạch trả nợ trong khả năng tốt nhất từng được tạo ra” bằng cách sử dụng thẩm quyền được quy định trong Đạo luật Giáo dục Đại học.
Là một phần của luật này, Quốc hội đã tập hợp nhiều chương trình liên bang khác nhau để trợ giúp những người đi vay gặp khó khăn trong việc theo kịp các khoản vay sinh viên của họ. Do đó, các quan chức đã hoàn thiện kế hoạch Tiết kiệm trong một Nền giáo dục Đáng giá (SAVE), một chương trình trả nợ dựa trên thu nhập (IDR) giới hạn các khoản thanh toán hàng tháng của người vay theo tỷ lệ phần trăm thu nhập của họ.
Theo chương trình SAVE của tổng thống, những người có các khoản vay đại học sẽ chỉ thanh toán bằng 5% thu nhập tùy ý của họ thay vì 10%, mà chính phủ ước tính việc này sẽ tiết kiệm cho người vay khoảng 1,000 USD mỗi năm. Ngoài ra, việc xóa nợ sinh viên sẽ được áp dụng cho những người đi vay có số dư từ 12,000 USD trở xuống sau mười năm thanh toán thay vì 20 năm như ban đầu.
Chương trình được cho là sẽ không có hiệu lực cho đến tháng 07/2024 vì Tòa Bạch Ốc dự định thiết lập chương trình này theo từng giai đoạn, trong khi việc ghi danh có thể bắt đầu sớm nhất là vào mùa hè này.
Ông Caleb Kruckenberg, một luật sư tại Pacific Legal Foundation, cho biết đây chỉ là một hình thức xóa nợ khác.
Ông Kruckenberg nói với The Epoch Times: “Những gì họ đang nói là, chúng tôi sẽ không chuyển bất kỳ khoản nợ nào, chúng tôi sẽ chỉ thay đổi các điều khoản hoàn trả về số tiền mà quý vị phải trả cho mọi thứ.”
“Nhưng đồng thời, nếu quý vị nhìn vào chính sách đó, cho là, từ một số lượng lớn người vay, khoản thanh toán hàng tháng của quý vị sẽ là 0 USD. Và sau một số lần thanh toán nhất định, chúng tôi sẽ xóa các khoản vay của quý vị. Ý tôi là, đây là một cách phức tạp hơn để nói rằng chúng tôi đang xóa nợ.”
Bộ Giáo dục ước tính chi phí sẽ là 138 tỷ USD trong một thập niên. Tuy nhiên, Mô hình Ngân sách Penn Wharton gợi ý rằng chi phí có thể nằm trong khoảng từ 333 tỷ đến 361 tỷ USD trong khoảng thời gian dài một thập niên. Chi phí đó thậm chí có thể cao hơn bởi vì “những ước tính này chưa bao gồm tác động của việc sinh viên tăng cường vay nợ, mà điều này phụ thuộc vào nghiên cứu trong tương lai.”
Các ước tính khác đã thay đổi. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) thận trọng hơn một chút trong các dự báo của mình, phỏng đoán rằng tổng chi phí sẽ vào khoảng 230 tỷ USD. Còn Tổ chức Trách nhiệm giải trình của Chính phủ (FGA) đưa ra con số cuối cùng là 471 tỷ USD.
Nỗi lo lạm phát học phí
Nhưng trong khi chính phủ TT Biden đang tiếp thị những nỗ lực xóa nợ này như một cách để giúp đỡ những người đi vay thuộc giai tầng trung lưu và người đi làm [ăn lương], thì những người chỉ trích khẳng định rằng những chương trình này sẽ có “tác động tiêu cực đối với mọi người.”
Một số chuyên gia tin rằng đây là một chiến dịch khác sẽ dẫn đến khoản chi tiêu liên bang bổ sung lên tới 1 ngàn tỷ USD trong thập niên tới.
“Chúng ta có một hệ thống cho vay sinh viên giả định rằng mọi người sẽ trả lại nợ của họ, và thay vào đó, chính chính sách chi tiêu đồ sộ này của chính phủ có tác động tiêu cực đến mọi người,” ông Kruckenberg nói, và cho biết thêm rằng đây là một quan niệm nhắm đến các cử tri Đảng Dân Chủ tiềm năng có học thức.
Đầu tiên, những người đóng thuế sẽ phải gánh chịu “khoản tài trợ đồ sộ của chính phủ” này vào thời điểm lạm phát cao. Thứ hai, ông Kruckenberg lưu ý rằng bởi vì gửi đi thông điệp sai lầm rằng các trường đại học có thể tiếp tục tăng chi phí giáo dục đại học và tận dụng các chương trình liên bang này, nên chương trình này làm trầm trọng thêm lạm phát học phí.
Ông nói: “Bởi vì mọi trường đại học đều biết rằng nếu có nhiều tài trợ hơn, nhiều tiền miễn phí hơn, thì cách tốt nhất để lợi dụng điều đó là tăng học phí cho mọi người.”
Bảo lãnh nợ sinh viên
Vào năm 1965, Chính phủ Hoa Kỳ bắt đầu bảo lãnh các khoản vay sinh viên do những ngân hàng và tổ chức cho vay bất vụ lợi cung cấp như một phần của sáng kiến liên bang hiện được xác định là chương trình Cho vay Giáo dục Gia đình Liên bang (FFEL).
Ngày nay, chi phí học phí trung bình hàng năm tại một trường đại học công lập hệ bốn năm cao hơn khoảng 37 lần so với năm 1963. Số liệu của Cục Thống kê Lao động (BLS) cho thấy lạm phát học phí đã tăng đều đặn trong 45 năm qua. Trong khi đó, theo dữ liệu của Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia (NCES), học phí trung bình, và lệ phí trong niên khóa 2020-2021 cao hơn khoảng 10% so với niên khóa 2010-2011, tổng cộng là 9,400 USD. Tại các cơ sở giáo dục tư thục sau trung học hệ bốn năm bất vụ lợi, thì học phí và lệ phí trung bình là $37,600 trong niên khóa 2020-2021, tăng 19% trong niên khóa 2010-2011.
Hồi năm ngoái, khi chính phủ lần đầu tiên đề xướng sự thay đổi này, một số nhà kinh tế đã lo ngại rằng IDR sẽ trợ cấp cho các chương trình có chất lượng thấp và giá trị thấp cùng các hoạt động giải trình trách nhiệm “quyết tâm” hiện nay.
“IDR có thể hoạt động nếu được thiết lập tốt, nhưng IDR này áp dụng cho hệ thống giáo dục đại học hiện tại của Hoa Kỳ có nghĩa là các chương trình và tổ chức có kết quả tồi tệ nhất và các khoản nợ cao nhất sẽ tích lũy các khoản trợ cấp lớn nhất,” ông Adam Looney, một thành viên cao cấp không thường trú của Viện Brookings viết.
Ông Looney cũng cho rằng chính sách này mang tính chất thụt lùi, có nghĩa là chính sách này chủ yếu mang lại lợi ích cho sinh viên từ các gia đình thượng lưu và “duy trì khoảng cách giữa các nhóm có nhiều lợi thế hơn và kém lợi thế hơn thay vì thu hẹp.”
Nhưng nếu kế hoạch xóa nợ sinh viên ban đầu của tổng thống bị thách thức pháp lý, thì SAVE có thể nào chịu chung số phận không?
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times