Các lỗ hổng an ninh và việc kiểm duyệt cho thấy Twitter cần ông Musk nhiều hơn ông Musk cần Twitter
Chiều hôm 13/09, các cổ đông của Twitter đã báo hiệu sẽ chấp thuận về giá mua lại trị giá 44 tỷ USD của ông Elon Musk, nhưng các nhà quan sát cho biết, tiến triển này diễn ra trong bối cảnh cuộc chiến pháp lý ngày càng gay gắt khi ông Musk tìm cách rút khỏi một thỏa thuận có vẻ ngày càng kém hấp dẫn hơn do sự quản lý yếu kém trong thời gian dài và việc kiểm duyệt các quan điểm trên nền tảng truyền thông xã hội này.
Thông báo về sự chấp thuận của các cổ đông được đưa ra trong bối cảnh có một lời khai nghiêm trọng của một người tố cáo cao cấp từ Twitter tại phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện, nơi mà giám đốc điều hành (CEO) Twitter Parag Agrawal đã từ chối xuất hiện, được biết là do lo ngại lời khai của nhân chứng này có thể ảnh hưởng đến vụ kiện đang diễn ra với ông Musk.
Trong phiên điều trần này, ông Peiter Zatko, một giám đốc điều hành an ninh mà Twitter đã sa thải hồi tháng Một, tuyên bố rằng an ninh tại nền tảng truyền thông xã hội này rất lỏng lẻo, và chỉ ra rằng ông và các nhân viên an ninh khác tại Twitter đã nhận được thông báo về việc có ít nhất một nhân viên của Twitter là đặc vụ của Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, cơ quan tình báo hàng đầu của chính quyền Trung Quốc.
Thêm vào những lo ngại này, các chuyên gia nói với The Epoch Times rằng, việc gần đây Twitter tạm thời chặn nội dung từ The Epoch Times, cùng với việc cấm cựu tổng thống Donald Trump hồi tháng 01/2021, cấm tác giả James Lindsay vào tháng trước (08/2022), việc chặn câu chuyện máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden do tờ New York Post đưa tin, và các biện pháp kiểm duyệt khác đã làm tổn hại danh tiếng của công ty này và làm suy yếu giá trị của doanh nghiệp đến mức Twitter cần ông Musk nhiều hơn là ông ấy cần Twitter.
Một thỏa thuận rắc rối
Ông Musk, vị CEO đa năng của các hãng Tesla và SpaceX, từ lâu đã trở thành chủ đề của những tin đồn về một lời chào mua cho vụ thâu tóm sắp diễn ra đối với nền tảng này, vốn được cho là có 396.5 triệu người dùng trên toàn cầu, chiếm một tỷ lệ khá lớn trong tổng dân số 7.75 tỷ người trên thế giới.
Hôm 14/04, ông Musk, khi đó là cổ đông lớn nhất của Twitter, đã chính thức đưa ra lời đề nghị mua lại nền tảng truyền thông xã hội này với giá 44 tỷ USD, với lý do mong muốn khôi phục quyền tự do ngôn luận trên nền tảng này. Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy thỏa thuận này đang gặp rắc rối nghiêm trọng đã xuất hiện hồi tháng Năm, khi ông Musk đưa ra một dòng tweet nói rằng thỏa thuận này đang tạm thời bị hoãn, do lo ngại về số lượng tài khoản giả và gửi tin tự động trên Twitter, và cổ phần của Twitter đã giảm giá trị hơn 10%.
Trước những tuyên bố từ Twitter rằng các tài khoản giả chỉ chiếm không quá 5% tổng số người dùng hoạt động hàng ngày có thể thu tiền, ông Musk đã yêu cầu Twitter công khai công bố thuật toán đằng sau các số liệu chính thức này. Trong một tweet tiếp theo, ông Musk đã nói rằng ông “vẫn cam kết mua lại”, nhưng thỏa thuận được đề nghị sẽ không bao giờ lại có nhiều động lực như từng có trước đây. Hồi tháng Bảy, có thông tin rằng ông Musk muốn rút khỏi thỏa thuận này, và Twitter đã nhanh chóng thực hiện hành động pháp lý, kiện ông Musk lên tòa án Delaware vì đã vi phạm thỏa thuận sáp nhập và cáo buộc ông hành động thiếu thiện chí.
Kể từ đó ông Musk đã phản bác lại, cáo buộc Twitter trình bày sai số lượng tài khoản giả và gửi tin tự động trên nền tảng này. Một thẩm phán ở Delaware đã phán quyết trong tuần lễ từ ngày 05-11/09 rằng ông Musk có thể đưa vào các tuyên bố của người tố cáo Zatko trong yêu cầu phản tố của ông chống lại Twitter. Vụ việc sẽ được đưa ra xét xử vào tháng Mười.
Vấn đề kiểm duyệt
Các chuyên gia cho rằng, bản chất gây tranh cãi trong các cuộc trao đổi giữa Twitter và ông Musk đã đầu độc môi trường cho một giao dịch sáp nhập, và mọi thứ đã trở nên tệ hơn nhiều do hậu quả của những thông tin tiết lộ tại phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện. Các chuyên gia cho rằng việc xem phiên điều trần được công bố rộng rãi này là nguyên nhân cho sự thận trọng của ông Musk có thể là điều thuận tiện, nhưng nếu thỏa thuận này bất thành, thì đó cũng là do hậu quả của việc Twitter cấm các diễn ngôn không phổ biến.
Ông Jeffrey McCall, giáo sư truyền thông tại Đại học DePauw ở Greencastle, Indiana, nói với The Epoch Times: “Không nghi ngờ gì khi các chính sách về tự do ngôn luận của Twitter, hay có lẽ chính xác hơn là các chính sách thiếu tự do ngôn luận, đã làm giảm giá trị của Twitter cả về mặt tài chính lẫn danh tiếng. Twitter chưa bao giờ minh bạch cao về các thủ tục đồng thời sự thiên vị và đàn áp của công ty này rõ ràng đã ảnh hưởng đến sự tín nhiệm đối với họ.”
Ông McCall và những người khác tin rằng mặc dù về lý thuyết, nền tảng này tồn tại như một diễn đàn hoặc “quảng trường thành phố” nơi mọi người có thể thảo luận và tranh luận về các vấn đề, nhưng Twitter lại thể hiện hành động tùy tiện và chuyên quyền khi cấm các nguồn tin và nội dung đi ngược lại quan điểm và hệ tư tưởng của các giám đốc điều hành công ty này.
Ông McCall tiếp tục cho hay, “Nói tóm lại, Twitter đã tạo ra một thứ được cho là diễn đàn công khai, rồi sau đó cố gắng thao túng diễn đàn đó để ủng hộ các mục đích mang tính ý thức hệ một cách rõ rệt.”
Các chính sách về tự do ngôn luận của trang web này không phải là lý do duy nhất khiến thỏa thuận của ông Musk gặp rắc rối, mà chỉ là một phần trong do chuỗi rủi ro leo thang có thể khiến ông Musk phải suy nghĩ lại khi ông nhận ra rằng mình đã đề nghị mua một công ty được quản lý kém.
Trong một đơn kiện dài 84 trang được gửi đến các cơ quan quản lý hồi tháng Bảy, ông Zatko nói rằng Twitter đã “nói dối ông Elon Musk về số tài khoản giả.” Đơn kiện này cho biết các giám đốc điều hành có rất ít động lực để thực hiện các phép đo chính xác về số lượng tài khoản giả và gửi tin tự động trên nền tảng, khi nói thêm rằng con số thực có lẽ “cao hơn một cách có ý nghĩa lớn” so với con số 5% do Twitter đưa ra.
Ông McCall nói: “Những cáo buộc gần đây của người tố cáo càng cho thấy một tổ chức khá lỏng lẻo trong việc quản lý các tài khoản giả và thông tin sai lệch có liên quan. Không có gì đáng ngạc nhiên khi ông Musk muốn chấm dứt hợp đồng mua lại của mình. Twitter chỉ đơn giản là không đáng giá như mọi người từng nghĩ rằng nó đáng, và giá cổ phiếu của Twitter giảm trong năm ngoái dường như phù hợp với quan điểm đó.”
Ông McCall tin rằng vấn đề ở đây không phải là các nỗ lực thúc đẩy những nguyên tắc hướng dẫn cộng đồng hợp lý và các tiêu chuẩn cho việc thảo luận và tranh luận nhất thiết phải là sai, mà là Twitter đã quá mâu thuẫn và thiên vị trong việc áp dụng các giao thức được nêu ra một cách mập mờ.
“Có một số ví dụ đáng chú ý về việc Twitter cố gắng thay đổi môi trường ngôn luận — với câu chuyện về ông Hunter Biden của tờ New York Post là một ví dụ quan trọng, bên cạnh các lệnh trừng phạt đối với ông Trump — trong khi đó lại cho phép một loạt các phần tử cực đoan quốc tế hoạt động trên Twitter,” ông McCall cho biết, ám chỉ đến quyết định của Twitter cho phép chế độ độc tài cộng sản Bắc Hàn tự do sử dụng một tài khoản.
Ông nói thêm: “Tất nhiên vẫn cần tham khảo thế giới truyền thông xã hội, nhưng Twitter và các hãng thông tấn khác đã tham gia vào việc thực thi mang tính chọn lọc mà ít có lời giải thích về cách thức mà các cơ chế thực thi của họ hoạt động.”
Ông McCall tin rằng, thay vì cố gắng phân loại các câu chuyện tin tức có thật, như bản tin của tờ New York Post về máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden, là vượt quá giới hạn, và thay vì cố gắng cấm các nhân vật chính trị đối lập như ông Donald Trump, Twitter sẽ làm tốt nếu tự giám sát một chút để hiểu rõ hơn lý do tại sao mình lại thất bại.
Ông nói thêm: “Twitter cần thực hiện một số hoạt động soi xét lại bản thân để tự đánh giá xem công ty này đã cho phép thương hiệu của mình giảm sút như thế nào. Là một công ty tư nhân, Twitter có thể thao túng cuộc đối thoại của công chúng theo bất kỳ cách nào mà công ty này muốn, nhưng công chúng không nhất thiết phải tôn trọng tổ chức này. Để gây dựng lại một số uy tín, Twitter cần phải công bố về việc những sai lầm trong quá khứ của công ty đã xảy ra như thế nào và giải thích cách họ sẽ điều tiết nền tảng một cách trung dung hơn.”
Quan điểm của ông McCall phản ánh một sự đồng thuận rộng rãi giữa những người quan sát môi trường truyền thông và mạng xã hội. Ông John Pavlik, một giáo sư nghiên cứu báo chí và truyền thông tại Rutgers, Đại học Tiểu bang New Jersey, nói với Epoch Times rằng những tranh cãi đang diễn ra gần đây đã đặt ra những câu hỏi trước mắt về cách thức hoạt động của Twitter, danh tiếng của công ty này, và tình trạng của quyền tự do ngôn luận trên nền tảng. Cuối cùng, những tranh cãi này có thể giúp thúc đẩy sự minh bạch hơn về Twitter, nhưng không phải theo cách mà các giám đốc điều hành của công ty có thể hy vọng.
Ông Pavlik nói: “Những tiết lộ về vấn đề này sẽ giúp bất kỳ nhà đầu tư tiềm năng nào đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Đó là một điều tốt. Ví dụ, hiểu thêm về các tài khoản giả hoặc mức độ của các tài khoản hoặc tweet đưa tin tự động là một thông tin có giá trị.”
Còn về vụ kiện của ông Musk và tình trạng của vụ sáp nhập trong tầm ngắm, ông cho rằng những rắc rối của Twitter còn lâu mới kết thúc.
Ông Pavlik nói: “Đưa ra các dự đoán hầu như luôn là một vấn đề khó khăn. Nhưng tôi mạo hiểm đề nghị rằng chúng ta có thể phải xem xét kỹ lưỡng hơn về Twitter và cách thức hoạt động của công ty này trong những tuần tới. Sự minh bạch được cải thiện sẽ giúp tất cả các nhà đầu tư, ông Elon Musk hay bất kỳ ai khác, đưa ra quyết định tốt hơn liên quan đến Twitter và giá trị của công ty này.”
Những nỗ lực thiện chí
Một quan điểm khác đến từ ông S. Shyam Sunder, một giáo sư nghiên cứu truyền thông kiêm Giám đốc Hiệp hội Trí tuệ Nhân tạo có Trách nhiệm với Xã hội (CSRAI) tại Đại học Pennsylvania State University. Ông Sundar tin rằng Twitter không hẳn đã hành động thiếu thiện chí khi cố gắng thực thi các hướng dẫn về diễn ngôn và thảo luận, nhưng ngay cả như vậy, thì những nỗ lực này không hẳn là phục vụ cho lợi ích của những nhà thâu tóm tiềm năng.
Ông Sundar nói: “Tôi không chắc liệu việc hạn chế tự do ngôn luận và kêu gọi minh bạch hoạt động có làm tổn hại đến uy tín của Twitter hay không, bởi vì những biện pháp này hướng tới việc bảo đảm một môi trường năng động và ít độc hại hơn. Về lâu dài, họ thực sự có thể cải thiện chất lượng diễn ngôn trên nền tảng này và làm cho nó được tôn trọng rộng rãi hơn.”
Ông nói thêm rằng, “Tuy nhiên, những hạn chế này khiến Twitter trở thành một mục tiêu mua lại ít hấp dẫn hơn đối với những người muốn chuyển nền tảng này thành một nơi quan trọng để thuyết giảng cho công chúng, và được tự do hoàn toàn với những phiên bản sự thật của riêng họ, mang đầy những lời lẽ phóng đại và thông tin sai lệch.”
Ông Sundar lập luận rằng vô số vấn đề xung quanh quyền tự do ngôn luận trên nền tảng này và các cơ chế quản lý xung đột của Âu Châu và các khu vực khác trên thế giới có thể đã khiến ông Musk phải suy nghĩ lại về việc hoàn tất thỏa thuận này.
Ông Sundar nói: “Có vẻ như ông Musk đã không hiểu toàn bộ phạm vi hoạt động của Twitter hoặc những thách thức khi ông ấy đưa ra lời đề nghị chào mua ban đầu. Khi tìm hiểu thêm, ông ấy nhận ra rằng Twitter không phải là miễn phí cho tất cả, mà có những quy tắc và chính sách cần phải tuân theo và những quy định hạn chế hơn sẽ xuất hiện trong tương lai, đặc biệt là từ Âu Châu. Nếu ông ấy không làm theo những gì mà các cơ quan quản lý ở những nơi khác trên thế giới muốn, thì thị phần của Twitter sẽ giảm nhanh chóng. Có lẽ ông ấy đã quyết định rằng công ty này không đáng để vượt qua chừng ấy rắc rối.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times