Các ký giả của Epoch Times được ca ngợi vì đưa tin về nạn diệt chủng ở Nigeria
Hãy hỏi người Mỹ họ nghĩ gì về Nigeria, và hầu hết trong số họ sẽ không biết rằng đất nước Nigeria đang bị tàn phá bởi một cuộc diệt chủng nội bộ đã sát hại hàng trăm ngàn dân làng theo Cơ Đốc Giáo. Thậm chí sẽ càng ít người hơn nữa biết được nguyên nhân gốc rễ gây ra các vụ sát hại này là gì.
Đó là lý do tại sao bà Lara Logan, người dẫn chương trình “Lara Logan Has No Agenda” của Fox Nation đã ra mắt một bộ phim tài liệu dài 38 phút về thảm họa ở Nigeria có nhan đề “Tiết lộ về Khủng bố Thế kỷ 21”.
Mặc dù tác nghiệp từ khoảng cách 5,000 dặm, bà Logan đã lan tỏa tiếng nói của các ký giả công dân ở Nigeria, những người đã liều mạng để có được video và những lời khai từ những dân làng đã thoát khỏi thảm họa diệt chủng này. Anh Lawrence Zongo, một giáo viên lịch sử cấp trung học, đã hợp tác với anh Masara Kim, một phóng viên đưa tin về xung đột được kính trọng ở Jos, ông Luka Binniyat ở Kaduna, và ông Tom Garba ở Adamawa, cũng như nhiều người khác, để cùng cộng tác trong một nhóm mà anh Zongo lập ra mang tên là “Rural Watch” (Người canh giữ Thôn quê).
Trong bộ phim này, bà Logan hỏi anh Lawrence Zongo, “Anh có lo lắng rằng mình sẽ bị sát hại không?”
Anh Zongo đáp, “Tôi biết mình sẽ bị sát hại. Tôi đã sẵn sàng để hy sinh [cho việc này]”.
Sau khi xem bộ phim tài liệu, bà Nina Shea, học giả cao cấp của Viện Hudson và là giám đốc Trung tâm Tự do Tôn giáo của viện này tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nói với The Epoch Times:
“Cuộc phỏng vấn của ký giả Lawrence Zongo của Rural Watch là một trong những khoảnh khắc sâu sắc của bộ phim tài liệu cảm động này. Rõ ràng là anh ấy đang đặt mạng sống của mình vào hiểm nguy để kể lại câu chuyện về những nạn nhân Cơ Đốc Giáo của nhóm Fulani. Ngay cả các ký giả thành thị phương Tây và Nigeria đều không dám đi vào ‘những cánh đồng chết chóc’ của vùng nông thôn phía bắc để lấy được câu chuyện này. Anh ấy sẵn sàng sống giữa các nạn nhân, dẫu biết rằng chính anh có thể là người tiếp theo bị sát hại. Việc làm nhân chứng không chút sợ hãi của anh đối với những gì dường như là dấu hiệu cảnh báo của nạn diệt chủng tôn giáo dân tộc thiểu số này xứng đáng với giải thưởng cao nhất của báo chí và đáng để chúng ta phải kính nể”.
Các phóng viên của Rural Watch đã tiếp cận khán giả ở Hoa Kỳ thông qua sự cố vấn của một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và là phóng viên của The Epoch Times, ông Douglas Burton. Ông đã làm việc với ông Stephen Gregory, nhà xuất bản của các ấn bản The Epoch Times ở Hoa Kỳ, để giúp anh Zongo và anh Kim đưa tên của họ lên báo.
Ông Gregory nói, “Thế giới cần chú ý đến những gì đang xảy ra ở Nigeria, và chúng tôi rất tự hào khi xuất bản những bài báo nguyên bản, có tác động lớn này về nạn diệt chủng đang diễn ra. Sứ mệnh cốt lõi của Epoch Times là đưa tin về các vụ vi phạm nhân quyền”.
Bà Logan đã công nhận The Epoch Times về những đóng góp thiết yếu của hãng thông tấn cho dự án của bà:
“Chúng tôi đã không thể làm được gì có ý nghĩa nếu không có ông Doug Burton và các ký giả Nigeria phi thường đang cộng tác với The Epoch Times, những người sống trong những cánh đồng chết chóc bị cô lập ở nông thôn và hiểm nguy đến mức chúng tôi không thể đến đó. Nếu không có họ, chúng ta sẽ chẳng bao giờ được chứng kiến bất kể việc gì hay biết được sự thật. Tôi rất kính trọng họ và ông Doug. Họ đại diện cho tinh thần thuần khiết, cho ý nghĩa chân chính tốt đẹp nhất mà báo chí có được. Tôi rất biết ơn họ. Họ nhắc nhở tôi lý do tại sao việc chiến đấu cho truyền thông của chúng ta như cách mà The Epoch Times đã chiến đấu ngay từ buổi đầu lại quan trọng đến như vậy”.
Từng là một phóng viên chiến trường đoạt giải thưởng của CBS News, bà Logan đưa khán giả đến với bà khi bà tiết lộ những cảnh kinh hoàng của các khu vực xung đột ở Nigeria, sau đó để những người chứng kiến tận mắt nói lên lý do tại sao cuộc tàn sát này lại xảy ra.
Bộ phim đi sâu vào những hành động tàn bạo mà ngay cả nhiều người Nigeria vẫn chưa biết đến. Vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày 11/09, bà Logan kể lại rằng vào đúng ngày hôm đó, các bộ lạc Hồi giáo Fulani đã xóa sổ cộng đồng Cơ Đốc Giáo của Rankum ở Bang Plateau, sát hại 200 người theo đạo Cơ Đốc. Bà Logan kể lại, “Không một Cơ Đốc nhân nào được phép sống ở đó. Những người xâm chiếm đã đặt cho thị trấn trên đồi có vị trí chiến lược cái tên “Mahanga”, có nghĩa là “tháp canh”. Đó là ngày 11/09 của Nigeria.
“Việc giành quyền kiểm soát một cách khủng bố này đã không bị chính quyền liên bang hay địa phương phản đối. Trong sự phủ nhận của chính quyền, những kẻ khủng bố đã sát hại ít nhất 70,000 Cơ Đốc nhân này là những băng cướp. Các ký giả như ông [Masara] Kim: là một mối đe dọa”, bà Logan nói với khán giả Fox Nation.
Học giả Shea của Viện Hudson cho biết bộ phim của bà Logan mô tả một quốc gia đang đối mặt với thảm họa và có những tác động đáng ngại đối với Hoa Kỳ:
“Hơn nữa, việc này không chỉ đơn giản là một cuộc khủng hoảng nhân quyền và nhân đạo với quy mô diệt chủng, đó còn là một mối lo ngại an ninh đối với Mỹ. Hôm nay Mahanga là một căn cứ của quân khủng bố; ngày mai, một nửa Nigeria, quốc gia đông dân và thịnh vượng nhất Phi Châu, có thể là một căn cứ như vậy. Chính phủ Hoa Kỳ phải nhận ra những thành quả mà các phần tử Hồi giáo cực đoan đạt được ở khu vực này dưới con mắt tán thành của tổng thống [Nigeria] của họ – một tổng thống vốn biện hộ cho nhóm này, vẫn tiếp tục hào phóng hỗ trợ các nỗ lực của chúng. Nigeria đang nhanh chóng trở thành một thảm họa toàn cầu”.
Nhóm khủng bố Hồi giáo Boko Haram, trong một thời gian, đã là một nhân tố chính ở Nigeria cho đến khi thủ lĩnh của nhóm này, ông Abubakar Shekau, đã đánh bom tự sát hồi tháng 05/2021. Nhóm này nhắm mục tiêu vào trẻ em đi học, bắt cóc các bé gái để biến họ thành nô lệ tình dục và chuyển đổi họ sang Hồi giáo bằng vũ lực. Các cô gái cũng đã được sử dụng như những kẻ đánh bom tự sát, sát hại hàng ngàn thường dân trong quá trình này. Sau vụ bắt cóc hàng loạt các nữ sinh trường Chibok của nhóm Boko Haram vào năm 2014, Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama đã phổ biến câu hát “Hãy mang những cô gái của chúng ta trở lại!” Tuy nhiên, như bà Logan cho thấy, những ngôn từ đó không hơn gì một chiêu trò PR kết thúc bằng sự phản bội.
Bà nói, “Tình báo Hoa Kỳ vào thời điểm đó đã nhanh chóng theo dõi các cô gái đến một nhà kho và vị tổng thống Da màu đầu tiên của Hoa Kỳ, người có thể cứu họ trong vòng vài ngày, đã không làm gì cả”.
Theo bà Logan, Tổng thống Obama không phải là bằng hữu của những người theo đạo Cơ Đốc Giáo ở Nigeria. Cùng với Ngoại trưởng John Kerry và người phụ trách chiến dịch của Đảng Dân Chủ David Axelrod, ông Obama đã loại bỏ sự ủng hộ dành cho tổng thống Cơ Đốc Giáo của Nigeria, ông Goodluck Jonathan, sau khi ông Jonathan thông qua luật cấm hôn nhân đồng tính. Thay vào đó, ông Obama đã làm việc để bầu ra người Hồi giáo Fulani Muhammadu Buhari. Mặc dù vậy, Tổng thống mới đắc cử Buhari đã khẳng định lệnh cấm hôn nhân đồng tính của ông Jonathan.
Khi Ngoại trưởng Kerry đến thăm Nigeria, đầu tiên ông đã đến thành phố Sokoto ở phía bắc, trung tâm của đế chế Hồi giáo cũ của bộ tộc Fulani. Nơi đây vẫn là ngôi nhà tinh thần của những người Hồi giáo Fulani, những người quyết tâm khôi phục lại nhà nước Hồi giáo của họ.
Bộ phim của Fox Nation, đã được trích đăng trên các kênh You Tube như ICON PSJ Media, sẽ được hoan nghênh bởi những người đã chỉ trích Bộ Ngoại giao, những người cho rằng Hoa Kỳ trong nhiều năm đã nâng đỡ một chính phủ đồng lõa trong việc sát hại chính công dân của mình.
Như bà Shea đã nói, “Chính sách tồi tệ của Hoa Kỳ chịu một mức độ trách nhiệm đáng kể đối với những điều khủng khiếp xảy ra dưới sự lãnh đạo của ông Buhari đối với những thường dân vô tội ở miền Bắc, đặc biệt là những người theo Cơ Đốc Giáo. Ở nhiều mức độ – ngay cả đối với những người trong chúng ta vốn đã được thông báo về tội ác của nhóm Fulani và Boko Haram – bộ phim này hẳn là một tác phẩm mở mang tầm mắt”.
Hạo Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: