Các học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Bay Area tưởng niệm các nạn nhân của cuộc đàn áp kéo dài 23 năm
SAN FRANCISCO — Hôm 16/07, hơn 300 người đã diễn hành từ Tòa nhà Ferry của San Francisco đến Quảng trường Portsmouth ở Khu Phố Tàu để đánh dấu năm thứ 23 cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Bà Sandy Vương đã tu luyện Pháp Luân Công (một môn tu luyện của Trung Quốc còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp) từ năm 1994. Bà nằm trong số hàng trăm ngàn học viên Pháp Luân Công đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt giữ bất hợp pháp và bị tra tấn vì tín ngưỡng của họ.
“Tại đồn cảnh sát, họ buộc tôi phải ký vào [một bản cam kết từ bỏ tín ngưỡng của mình],” bà Vương nói với đài truyền hình NTD Television. “Họ đã ép tôi mở bàn tay ra, nhưng tôi đã nắm lại vì tôi sẽ không ký. Họ bẻ cong ngón tay cái của tôi cho đến khi nó bị trật khớp và không thể ký được nữa.”
Bà Vương cho biết ở Trung Quốc bà đã công khai bước ra nói với mọi người rằng Pháp Luân Công đang bị đàn áp vô cớ, nhưng bà đã bị bắt và bị tống vào tù. Từ đó, bà đã bị cầm tù hết lần này đến lần khác.
“Trong thời gian đó, tôi bị buộc phải làm công việc lao động chân tay. Tôi phải thức dậy lúc 2 hoặc 3 giờ sáng và làm việc đến 11 hoặc 12 giờ đêm. Làm thêm giờ [đã] là chuyện bình thường. Nếu chúng tôi [không] làm thêm giờ, chúng tôi [có thể] ngủ trước 11 giờ tối,” bà cho biết.
Ngoài tra tấn về thể xác, bà nói rằng bà còn bị tra tấn về tinh thần, hay bị tẩy não, để bà không thể có bất kỳ suy nghĩ nào của riêng mình. Bà Vương cho biết họ liên tục phát tuyên truyền qua một chiếc loa.
Bà cho biết cuộc đàn áp cũng ảnh hưởng đến những người thân của bà. Một lần bà bị bắt vào dịp Năm Mới, thời điểm khi các thành viên trong gia đình tụ họp để tổ chức một bữa tiệc lớn.
“Cả gia đình tôi — các anh chị em của tôi đang ăn Tết tại nhà tôi — phát hiện ra tôi đột ngột biến mất. Vì vậy, đó không phải là một ngày lễ vui vẻ. Tất cả họ đều đi tìm kiếm tôi,” bà nói.
Pháp Luân Công gồm có năm bài tập tĩnh tại cùng các bài giảng về đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Môn tu luyện này lần đầu tiên được giảng dạy cho công chúng vào năm 1992 và trong vòng một vài năm đã có khoảng hàng chục triệu người trên khắp Trung Quốc tham gia luyện tập.
Bà Vương cho biết bà chọn tiếp tục tu luyện môn này vì nó đã mang lại cho bà nhiều lợi ích. Trước khi bắt đầu tu luyện, bà đã ly hôn và có một đứa con nhỏ, cuộc sống của bà đã mất đi ý nghĩa. Nhưng sau khi theo học Pháp Luân Công, bà đã tìm thấy mục đích và cuộc sống không còn cảm thấy mệt mỏi nữa.
“Trong cuộc sống thường nhật, tôi nghĩ đến người khác trước tiên,” bà Vương nói. “Công việc hàng ngày ở nhà vẫn vậy, nhưng tôi không còn cảm thấy mệt mỏi hay khổ sở nữa.”
Bà Vương, một kỹ sư, nhớ lại một lần khi bà đến ngân hàng rút 80,000 nhân dân tệ (khoảng 12,000 USD) nhưng ngân hàng đã nhầm lẫn và đưa cho bà thêm 80,000 nhân dân tệ nữa, vậy là bà có tổng cộng 160,000 nhân dân tệ.
“Lúc đó, tôi thậm chí còn không kiểm tra và chỉ rời đi. Cuối cùng khi tôi kiểm tra, tôi ngay lập tức trả lại số tiền. Ngân hàng đó đã rất biết ơn,” bà nói.
Nhưng vào năm 1999, ĐCSTQ đã cấm Pháp Luân Công một cách bất hợp pháp ở Trung Quốc. Những người không chọn từ bỏ tín ngưỡng của họ thường bị đánh đập, tẩy não, bỏ tù, hoặc bị sát hại. Bằng chứng có tính thuyết phục mạnh mẽ đã chỉ ra rằng một số người bị sát hại thông qua hoạt động thu hoạch nội tạng, một quá trình mà trong đó các cơ quan nội tạng quan trọng của họ bị lấy đi khi họ vẫn còn sống.
“Chúng tôi chưa từng chứng kiến điều gì như thế này trước đây trong lịch sử thế giới,” ông Alejandro Centurion, một thành viên của Tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức, nói với NTD Television. “Đây là điều gì đó quá kinh khủng. Họ đang lấy nội tạng để kiếm lời; đây là một phần của một cuộc diệt chủng y tế.”
Trong những năm gần đây, các tổ chức y tế ở các nước như Canada và Anh đã khuyến khích chính phủ của họ thông qua dự luật lên án nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ. Anh đã thông qua một bản sửa đổi hồi tháng Năm cấm du lịch ghép tạng thương mại bên ngoài Vương quốc Anh.
Các nhà lập pháp ở Hoa Kỳ đang cố gắng thông qua các luật tương tự. Một Dự luật của Thượng viện Hoa Kỳ lên án nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức khi bệnh nhân còn sống, có tiêu đề là Đạo luật Chấm dứt Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức năm 2021, đã được đưa ra Quốc hội hồi năm ngoái (2021). Ông Centurion giải thích rằng nếu dự luật đó được thông qua, thì các bác sĩ liên quan đến tội ác này sẽ bị cấm đi lại tự do đến Hoa Kỳ.
Nhiều khách bộ hành đã dừng chân để xem cuộc diễn hành. Một số người bày tỏ mong muốn rằng vấn đề này của cuộc đàn áp sẽ được đưa tin nhiều hơn và được nhiều người biết đến hơn.
“Tôi không cho rằng các hãng thông tấn lớn sẽ đưa tin về một việc gì đó mà, đối với tôi, là một cuộc khủng hoảng. Chẳng hạn như thu hoạch nội tạng,” ông Bob Spurlock, một cảnh sát đã về hưu, nói với NTD Television. “Các hãng thông tấn, kênh truyền thông lớn, mạng xã hội của chúng ta, không muốn chấm dứt ĐCSTQ. Đó là điểm mấu chốt, và tất cả là vì tiền.”
“Quý vị sẽ thấy mọi người phớt lờ những người phát tờ rơi và mọi người thực sự không chú ý,” cô Anita Whites, một cư dân San Francisco, nói với NTD Television. “Tôi hy vọng thế hệ sau không tin theo những thông tin sai lệch và thực sự nghiên cứu cũng như hiểu được những gì đang diễn ra trên thế giới.”
Một số người không biết về những hành động tàn ác đang diễn ra ở Trung Quốc nhưng đồng ý rằng đây là một vấn đề nhân quyền toàn cầu.
“Điều đó khiến tôi bàng hoàng,” anh Gabriel Tapia, một du khách đến từ Mexico, nói với NTD Television. “Tôi nghĩ những kiểu hoạt động này phải được thực hiện thường xuyên hơn để chúng ta giúp [mọi người] biết rõ về vấn nạn đó.”
Anh Jorge Triana, một du khách đến từ Columbia, cho biết anh mong muốn tình hình ở Trung Quốc sẽ trở nên tốt hơn. Anh nói anh không biết có những người đến từ Trung Quốc ở đây trên đất nước này đang chiến đấu chống lại chủ nghĩa cộng sản.
“Mọi người vẫn tin rằng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản là con đường tốt để đi, bởi vì họ được giáo dục miễn phí và họ có những thứ miễn phí, những điều không hề tồn tại,” anh Triana nói với NTD Television. “Không có bất cứ thứ gì miễn phí cả. Người ta cần phải trả tiền.”
Ngày hôm sau, các học viên Pháp Luân Công đã tổ chức một buổi cầu nguyện bằng nến trước Lãnh sự quán Trung Quốc để tưởng nhớ những người đã mất đi tính mạng vì cuộc đàn áp của ĐCSTQ.
Cô Ilene là một phóng viên tại Vùng Vịnh San Francisco, chuyên đưa tin về miền Bắc California.
Cô Cynthia là một phóng viên tại Vùng Vịnh San Francisco, chuyên đưa tin về miền Bắc California.