Các học viên Pháp Luân Công tôn vinh đức tin trên toàn thế giới, đứng lên chống lại cuộc đàn áp của Trung Cộng
Trước đại dịch, từng đoàn từng đoàn người mặc trang phục màu vàng và xanh sẽ tụ tập ở New York và các nơi khác vào thời điểm này trong năm để tham gia một dịp lễ kỷ niệm.
Tại các công viên công cộng và trên đường phố, họ sẽ biểu diễn các bài tập thiền định chậm rãi trong khi mặc áo phông có in chữ “chân, thiện và nhẫn” – ba nguyên lý cốt lõi trong đức tin của họ, Pháp Luân Công (còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp).
Ngày 13/05 là Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, đánh dấu ngày môn tu luyện tinh thần này lần đầu tiên được phổ truyền ở Trung Quốc vào năm 1992.
Các cuộc tụ tập vào ngày này không chỉ nhằm [mục đích] tôn vinh mà còn để gửi một thông điệp thách thức đến chế độ cộng sản Trung Quốc, vốn đã quyết tâm tìm cách xóa sổ nhóm này trong hơn hai thập kỷ, theo các học viên.
Là một trong những cộng đồng tâm linh lớn nhất ở Trung Quốc, Pháp Luân Công đã thu hút được khoảng 70 đến 100 triệu người theo học vào năm 1999. Nhưng chế độ vô thần của Trung Cộng coi sự phổ biến này là không thể chấp nhận được, và sau đó đã bắt đầu một cuộc đàn áp tàn bạo kéo dài cho đến ngày nay.
Kể từ đó, hàng triệu người đã bị đưa đến các trung tâm giam giữ, nhà tù hoặc trại lao động, nơi họ bị tra tấn dã man, [bị bắt phải] lao động nô lệ và mổ cướp nội tạng.
Nhưng bên ngoài Trung Quốc, Pháp Luân Công đã âm thầm phát triển mạnh, lan truyền đến hơn 90 quốc gia trên thế giới, với cuốn sách chính chứa đựng các bài giảng đạo đức của môn tu luyện này là “Chuyển Pháp Luân” đã được dịch sang 40 thứ tiếng.
Sau một năm hoạt động trực tuyến, giờ đây các học viên đã trở lại với các cuộc diễn hành và biểu diễn để kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới năm nay. Ngày này cũng trùng với ngày sinh của nhà sáng lập pháp môn tu luyện, Ngài Lý Hồng Chí, người mà theo các học viên, [có] những lời dạy đã giúp hướng họ tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Từ ‘hổ’ biến thành ‘kẹo dẻo’
Anh Andres Cordova, một kỹ sư phần mềm cao cấp 33 tuổi sống tại Hoa Kỳ, sẽ là một trong những người tham gia cuộc diễn hành ở New York diễn ra vào thứ Năm này (13/05).
Anh Cordova bắt đầu tu luyện từ năm 14 tuổi khi anh vẫn còn ở quê nhà Venezuela. Biết anh say mê võ thuật và thiền định, bạn của anh đã gửi cho anh một đường link dẫn tới [trang web của] môn tu luyện này. Anh ấy cảm thấy một “sự kết nối tức thì” sau khi xem video về Pháp Luân Công trên trang web đó, anh nói trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times.
Anh Cordova đã thử các bài tập thiền của Pháp Luân Công và nhanh chóng bắt đầu đọc sách. Vào năm 2002, môn tu luyện này vẫn còn ít được biết đến trong nước. Một cuộc tìm kiếm nhanh trên mạng sẽ hướng bất kỳ ai đến tuyên truyền của đại sứ quán Trung Quốc hoặc các hãng thông tấn nhà nước [của chế độ này]. Gia đình anh, những người ít biết về Pháp Luân Công, ban đầu đã không tán thành việc anh Cordova theo đuổi môn tu luyện này. Vì vậy, anh đã cố gắng che giấu đức tin của mình bằng cách chỉ đọc các phiên bản bỏ túi của các cuốn sách Pháp Luân Công khi đang dắt chó đi dạo bên ngoài.
“Mọi người đều sợ những điều mới,” anh nói.
Nhưng dần dần, những thay đổi tích cực ở anh Cordova đã chinh phục được gia đình anh.
Từng là một chàng trai trẻ hiếu thắng, giờ đây anh Cordova cười khúc khích khi nhớ lại biệt danh “con hổ” mà mẹ anh đặt cho vì tính khí nóng nảy của mình. Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, anh ấy “luôn gây gổ với mọi người,” kể cả những người bạn của anh trai anh vốn lớn hơn anh ấy, anh Cordova nói.
“Bởi vì tôi từng tập võ, tôi đã nghĩ rằng tôi là bất khả chiến bại, và tôi có thể đánh nhau với tất cả mọi người,” anh nói. Nhưng việc học Pháp Luân Công khiến anh ấy “ôn hòa và khoan dung hơn nhiều, đến mức… người anh trai của [anh] đã lợi dụng” anh.
“Mẹ tôi sẽ thấy điều đó và bà hỏi, ‘tại sao con không bao giờ tranh giành những thứ của mình?’ và bà ấy sẽ cố gắng bảo vệ tôi,” anh nhớ lại. Biệt danh mới của bà dành cho anh là “kẹo dẻo.”
Những giá trị mà anh học được từ môn tu luyện này cũng đã giúp anh có những lựa chọn đúng đắn trong cuộc sống, anh nói, chẳng hạn như không nghiện rượu và chơi game.
Lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn [sống cùng mẹ], những người xung quanh liên tục cho anh ý tưởng rằng hôn nhân là tồi tệ, rằng nó tương đương với việc “tự gieo mình xuống nước và tự trói buộc bản thân mình,” điều mà anh vui mừng vì đã chống lại. Anh Cordova, hiện là cha của một cô con gái ba tháng tuổi, nói.
Chưa từng có hình bóng người cha trong đời, anh đã băn khoăn về việc làm thế nào để bản thân có thể trở thành một người cha tốt, và một lần nữa anh lại hướng đến đức tin để tiếp thêm sức mạnh. Anh hy vọng trở thành một “người có uy quyền” với tư cách là một người cha và người chồng-không phải là để “chúa tể mọi người,” mà là để trở thành “người hy sinh nhiều nhất trong gia đình và là người giúp đỡ gánh nặng cho vợ con nhiều nhất có thể,” anh nói.
Anh Cordova không phải là người duy nhất tìm thấy niềm an ủi thông qua pháp môn tu luyện này.
‘Bình an trong tâm hồn’
Bà Cristina Diaz, một trợ lý ngôn ngữ đã về hưu của Liên Hợp Quốc, đã tìm hiểu về Pháp Luân Công thông qua một bác sĩ xoa bóp ở Geneva.
Vào thời điểm đó, bà Diaz bị đau dữ dội ở đầu. Các cơn đau sẽ bắt đầu khi bà thức dậy và cho đến giữa trưa thì nó sẽ tồi tệ đến nỗi bà “không thể làm gì khác.”
Bà đã nghe theo lời khuyên của vị bác sĩ xoa bóp để nghe những bài giảng của Pháp Luân Công, và thật kỳ diệu, tất cả những căn bệnh đó đã biến mất, bà nói. Thị lực đang suy giảm của bà cũng được cải thiện, vì vậy bà đã tháo cặp kính mắt đã đồng hành cùng mình trong suốt 40 năm cuộc đời.
Nhưng đối với bà Diaz, hiện đã 70 tuổi, một thay đổi đáng kể hơn là cảm giác “bình an trong tâm hồn” mà bà có được sau khi có thể nhìn mọi thứ xung quanh mình theo một cách khác, kể cả những sự kiện đã trôi qua từ lâu.
Cha của bà Diaz, một người Peru gốc Hoa, qua đời vì bệnh ung thư khi bà mới 8 tuổi. Dù khi đó còn nhỏ, bà Diaz chưa bao giờ quên việc cha đã bỏ rơi bà. Đối với ông, bà là một rào cản ngăn ông rời bỏ cuộc hôn nhân của mình và đến với một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Bà Diaz vẫn còn nhớ rất rõ khoảng thời gian khi bà đang vui chơi cùng mẹ và cười đùa, thì đột nhiên cha bà xuất hiện và quở trách bà vì sự vui vẻ của họ. Bế bà trên tay, cha đã gửi bà về nhà ông bà nội, nơi bà sống trong vài năm sau đó. Lúc đó bà không quá bốn tuổi.
Bà Diaz khóc thút thít khi bị đưa đi. “Tôi không thể phát ra bất kỳ âm thanh nào trong khi khóc vì ông ấy không cho phép tôi,” bà nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Khi ở nhà ông bà nội, cha bà chưa một lần muốn bà quay trở lại. Sau này khi nhập viện, ông cũng không hỏi thăm bà.
Bà Diaz mang [trong mình] nỗi đau bị cha chối bỏ trong một thời gian dài. Nhưng khái niệm về ‘thiện’ [lòng từ bi] có được thông qua tu luyện đã giúp làm tan biến bất kỳ sự oán giận nào mà bà từng có.
“Tôi muốn hòa giải với ông ấy,” bà nói, một ngày sau khi ngồi giữa những bông sen rực rỡ với các học viên địa phương ở Thụy Sĩ để kỷ niệm Ngày Pháp Luân Đại Pháp.
Trên khắp thế giới, các học viên đã nghĩ ra những cách làm sáng tạo để tổ chức dịp này.
Tại Toronto, Canada, 120 chiếc xe hơi, mỗi chiếc có cờ xanh và vàng ở hai bên, đã tập hợp vào ngày 08/05 và được lái qua khu vực trung tâm thành phố và các thành phố lân cận.
Một số thành phố khác trên khắp Canada cũng kỷ niệm ngày này bằng cách giương cờ tại các danh thắng địa phương, bao gồm cả tại Thác Niagara.
Tại Quảng trường Tự do mang tính biểu tượng ở Đài Bắc, Đài Loan, hàng nghìn học viên đã tụ tập hôm 01/05 để tham gia vào một truyền thống kéo dài hàng thập kỷ bằng cách mặc những bộ trang phục một màu và ngồi ở các khu vực được chỉ định để tạo thành một bức tranh khổng lồ [nhìn từ trên cao], bao gồm “đào trường thọ” và phi thiên, những hình ảnh thường gắn liền với văn hóa truyền thống Trung Hoa.
“Khi tôi ngồi ở đó và nghe nhạc, tôi tìm thấy một khoảnh khắc thanh thản,” anh Debbie Tung, 28 tuổi, nói với The Epoch Times.
Do Eva Fu thực hiện
Minh Ngọc biên dịch
Xem thêm: