Các hạn chế thương mại và thuế quan của Hoa Kỳ đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc
Các biện pháp thuế quan và trừng phạt của cựu Tổng thống Donald Trump đã khiến nền kinh tế Trung Quốc rơi vào tình trạng khó khăn. Chính phủ mới đang thực thi các mức thuế và hạn chế này.
Trong 10 tháng đầu cầm quyền, chính phủ của Tổng thống Biden đã cấm nhập cảng một số nguyên liệu từ Tân Cương và trừng phạt Bắc Kinh vì vi phạm nhân quyền trong khu vực, hỗ trợ NATO chuyển trọng tâm sang Trung Quốc, tuyên bố chế độ Trung Quốc là mối đe dọa an ninh toàn cầu, mở rộng các lệnh cấm thời ông Trump đối với hoạt động đầu tư vào các công ty Trung Quốc, chặn 59 công ty Trung Quốc bị cáo buộc có quan hệ với lĩnh vực quốc phòng của Trung Quốc, chống lại các công ty viễn thông Trung Quốc vì lo ngại an ninh quốc gia, và có vẻ như nhiều hành động khác đang được tiến hành.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết thuế quan dưới thời Tổng thống Trump vẫn duy trì cho đến nay; trong khi đó, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai có thể sẽ khởi động một cuộc điều tra theo Mục 301 đối với Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến nhiều mức thuế hơn.
Khi Chính phủ của ông Trump ban đầu áp đặt thuế quan, các quy định này nhằm mục đích đẩy các nhà sản xuất Hoa Kỳ và ngoại quốc ra khỏi Trung Quốc, điều này sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Trung Quốc. Người ta hy vọng rằng điều này sẽ đưa Bắc Kinh vào bàn đàm phán để bà Tai và các quan chức khác có thể đàm phán các điều khoản thương mại công bằng hơn với Trung Quốc, hoặc sự di cư của các công ty Hoa Kỳ và ngoại quốc sẽ chấm dứt thời kỳ thống trị của Trung Quốc với tư cách là công xưởng của thế giới.
Thuế quan đã trở thành một chủ đề phân cực chính trị ở Hoa Kỳ. Nhiều chính trị gia và phương tiện truyền thông nổi tiếng đã cố gắng lên án thuế quan, nói rằng chúng không có tác dụng. Tuy nhiên, bằng chứng là bất chấp chi phí tiêu dùng ở Hoa Kỳ tăng cao, thuế quan đang có tác động tiêu cực như mong muốn đối với nền kinh tế Trung Quốc.
Một bài báo của Washington Post cho thấy các mức thuế quan mới của Hoa Kỳ trong năm 2018 và 2019 đã khiến hơn 1,800 công ty con do Hoa Kỳ tài trợ phải đóng cửa các hoạt động tại Trung Quốc, tăng 46% so với năm trước. Và con số này chỉ bao gồm các công ty Hoa Kỳ. Các công ty ngoại quốc khác cũng đang chuyển hoạt động sản xuất tại Hoa Kỳ của họ ra khỏi Trung Quốc, bao gồm Samsung Electronics và LG Electronics của Hàn Quốc, cũng như các nhà sản xuất giày của Đức Puma và Adidas, đó mới chỉ là một vài cái tên.
Thuế quan của Mỹ đã tạo ra một lỗ hổng to lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Khi Trung Quốc vật lộn với nền kinh tế đại dịch, các vấn đề vận chuyển, khủng hoảng tín dụng, thiếu điện, vỡ nợ bất động sản và việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đàn áp mọi thứ, thì thuế quan cản trở việc Trung Quốc dựa vào xuất cảng để kéo mình ra khỏi vũng lầy kinh tế.
Thuế quan là một trong nhiều công cụ trong kho vũ khí của Hoa Kỳ để bảo vệ thương mại Hoa Kỳ, nền kinh tế Hoa Kỳ, và cuối cùng là người lao động Mỹ. Nhiều Tổng thống Hoa Kỳ đã phớt lờ những lời khiển trách từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hoặc các tổ chức quốc tế về việc áp thuế thương mại, coi việc bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ là chuyện nội bộ [của riêng Hoa Kỳ]. Các Chính phủ trước đây tin rằng Hoa Kỳ có quyền tự vệ, và có vẻ như bà Yellen và bà Tai đều có niềm tin tương tự.
Khi WTO ra phán quyết rằng Hoa Kỳ không có quyền áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc do bị buộc phải chuyển giao công nghệ, Trung Cộng đã vui mừng. WTO đã đưa ra quyết định này, bất chấp thực tế là luật đầu tư của ngoại quốc của Trung Quốc quy định rõ rằng các thực thể ngoại quốc phải chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc của họ. Đại diện Thương mại Hoa Kỳ lúc bấy giờ là ông Robert Lighthizer phản đối và cho rằng Hoa Kỳ có quyền bảo vệ lợi ích thương mại của mình. Trong khi đó, Trung Cộng đã nhiều lần tuyên bố rằng Hoa Kỳ nên đưa những bất bình của mình lên WTO, thay vì tự mình giải quyết vấn đề.
Kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO vào năm 2001, Hoa Kỳ đã chứng kiến 60,000 nhà máy đóng cửa, lấy đi 4 triệu việc làm. Năm 2001, Hoa Kỳ nhập cảng hàng hóa trị giá 102 tỷ USD từ Trung Quốc. Đến năm 2020, con số này đã tăng lên gần 435 tỷ USD.
Ngoài việc mất việc làm, còn có những tác động đến an ninh quốc gia khi phụ thuộc vào các nhà sản xuất ngoại quốc. Đại dịch đã chứng tỏ tầm quan trọng của việc xây dựng lại cơ sở công nghiệp của Hoa Kỳ, thay vì dựa vào những quốc gia khác. Thuế quan làm tăng giá hàng hóa nhập cảng của Trung Quốc, khuyến khích người Mỹ mua hàng nội địa. Người Mỹ càng mua nhiều sản phẩm của Mỹ, thì càng có nhiều nhà máy và việc làm được tạo ra, làm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các nhà cung cấp ở ngoại quốc.
Thuế quan đã bảo vệ lợi ích của người Mỹ trong các Chính phủ trước đây. Cựu Tổng thống Barack Obama đã đưa ra WTO số vụ kiện Trung Quốc nhiều gấp đôi so với Chính phủ trước đó. Cùng với chính sách Sản xuất -tại- Mỹ, ông áp đặt thuế quan đối với Trung Quốc, điều này làm tăng sản lượng của Mỹ và xuất cảng của Mỹ. Các mức thuế nhôm dưới thời Tổng thống Trump đã cứu ngành công nghiệp nhôm của Mỹ, hồi sinh ngành sản xuất, tạo việc làm và thu hút đầu tư. Thuế quan cũng có thể gửi một tín hiệu đến các đối tác thương mại của Hoa Kỳ. Thuế quan của Hoa Kỳ đối với thép Hàn Quốc khiến Hàn Quốc tự nguyện giảm xuất cảng sang Hoa Kỳ.
Thương mại với Trung Quốc không phải là miễn phí. Ngay cả trước chiến tranh thương mại, mức thuế trung bình của Trung Quốc đối với hàng hóa nhập cảng từ Hoa Kỳ là 8%, cao hơn gấp đôi so với mức 3.1% mà Hoa Kỳ áp dụng đối với hàng hóa nhập cảng của Trung Quốc.
Thương mại với Trung Quốc cũng không công bằng. Các công ty Hoa Kỳ buộc phải cạnh tranh trong thị trường trợ cấp của nhà nước và thuế quan cao đối với hàng nhập cảng của Mỹ, trung bình khoảng 20%. Các công ty Hoa Kỳ tại Trung Quốc cũng gặp khó khăn bởi các hạn chế tiếp cận thị trường và sự bắt buộc chuyển giao công nghệ .
Thuế quan và các hạn chế khác đối với Trung Quốc sẽ khiến Trung Cộng không có số tiền cần thiết để hiện đại hóa quân đội, đồng thời bảo vệ công ăn việc làm của Hoa Kỳ và đảm bảo quốc phòng của Hoa Kỳ bằng cách giảm sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào các chuỗi cung ứng ngoại quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Á Châu. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh của Đại học Giao thông Thượng Hải của Trung Quốc. Ông Antonio là giáo sư kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc, người đã viết bài cho nhiều kênh truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông bao gồm “Vượt Ra Ngoài Vành Đai và Con Đường: Sự Mở Rộng Kinh Tế Toàn Cầu của Trung Quốc” và “Một Khóa Học Ngắn Hạn về Kinh Tế Trung Quốc.”
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: