Các công ty Hoa Kỳ không nên hỗ trợ Trung Cộng trong đàn áp tôn giáo
Ủy viên Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ Gary Bauer nói với The Epoch Times rằng các công ty Hoa Kỳ cần biết những giá trị nào họ nên ủng hộ, đồng thời ngừng cung cấp công nghệ cho nhà cầm quyền Trung Cộng độc tài vốn đang ngày càng gia tăng việc giám sát nhằm đàn áp các tôn giáo.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông Bauer nói: “Các công ty công nghệ nên nhớ rằng họ là những công ty công nghệ Hoa Kỳ. Do đó, họ nên nhận thức rõ là mình đại diện cho những giá trị nào. Khi nhìn thấy một số công ty sẵn sàng hợp tác với Trung Cộng, thì đây là điều không thể chấp nhận được”.
Ngày 22/7, trong một phiên điều trần trực tuyến do Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ tổ chức, các chuyên gia đã mô tả về một Trung Quốc bị giám sát dưới sự cai trị của Trung Cộng. Tại đây, các chính quyền đã khai triển việc lắp các máy quay công nghệ cao, thiết bị nhận dạng khuôn mặt, ứng dụng điện thoại, theo dõi GPS và thu thập DNA để giám sát và đàn áp các cộng đồng tôn giáo.
Ở Bắc Kinh, một nhà thờ nổi tiếng đã bị buộc ngừng hoạt động vì từ chối lắp đặt camera an ninh bên trong nhà thờ. Ở Tây Tạng, người dân bị bắt giữ vì chia sẻ hình ảnh của nhà lãnh đạo tinh thần Phật giáo Tây Tạng Đạt-lai Lạt-ma trên mạng xã hội. Gần đây nhất, Trung Cộng đã áp đặt luật an ninh quốc gia lên Hong Kong, cho phép giới chức kiểm duyệt nội dung trực tuyến và chặn thông tin liên lạc. Điều này khiến các nhóm tín ngưỡng ở Hồng Kông lo ngại rằng họ sẽ bị đàn áp giống như cách Bắc Kinh đã và đang áp dụng tại đại lục.
Tại phiên điều trần, ông Chris Meserole, đến từ Viện Brookings tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết: “Chưa một nhà nước độc tài nào có thể tận dụng triệt để các công nghệ kỹ thuật số thành công như Trung Cộng hiện nay, và các nhóm tôn giáo lọt vào tầm ngắm của Trung Cộng đã phải lãnh hậu quả tàn khốc và bi thảm”.
Một số công ty Hoa Kỳ đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp giám sát của Trung Cộng hoặc tuân thủ theo sự kiểm duyệt của chính quyền này.
Ông Lobsang Sither, một người Tây Tạng lưu vong đứng đầu chương trình an ninh kỹ thuật số tại Viện Hành động Tây Tạng – một nhóm vận động nhân quyền ở Mỹ – nêu một ví dụ là hãng Apple. Theo lệnh của Trung Cộng, công ty công nghệ này đã gỡ bỏ hàng nghìn ứng dụng trên phiên bản App Store ở Trung Quốc, mặc dù gần đây họ khẳng định sẽ “tạo ra một thế giới công bằng cho tất cả mọi người”.
Tháng 11/2019, Ủy ban Chấp hành của Nghị viện Hoa Kỳ về Trung Quốc báo cáo, các hãng công nghệ lớn như Intel và Nvidia đã bán chip trí tuệ nhân tạo cho nhà sản xuất thiết bị giám sát Hikvision – một trong gần 50 công ty Trung Quốc nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ vì liên quan đến vi phạm nhân quyền tại khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Giới chức Trung Cộng đã bắt giữ khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác, giam cầm họ trong các trại tập trung, lấy lý do ứng phó với “chủ nghĩa cực đoan tôn giáo”.
Tính đến ngày 30/6/2018, Hệ thống Hưu trí của Giáo viên bang California, quỹ hưu trí lớn thứ hai tại Hoa Kỳ, đã sở hữu khoảng 24.4 triệu USD trị giá cổ phiếu tại Hikvision.
Tháng 5/2020, chính phủ Hoa Kỳ đã ngăn chặn các quỹ hưu trí liên bang Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư vào cổ phiếu của các công ty, doanh nghiệp Trung Quốc, do quan ngại đến với lý do “tình hình an ninh quốc gia nhạy cảm hiện nay, cũng như các lo ngại về vấn đề nhân quyền”.
Ngày 16/7, trong một bài phát biểu nhấn mạnh về mối đe dọa từ Trung Cộng, Tổng chưởng lý Tư pháp William Barr đã nêu tên các công ty, doanh nghiệp Hoa Kỳ “khấu đầu” trước Bắc Kinh, khẳng định các tập đoàn công nghệ Hoa Kỳ và Hollywood đã quá mong ngóng được tiếp cận thị trường rộng lớn Trung Quốc; do đó “đã tự biến mình thành những quân cờ bị Trung Cộng chi phối”.
“Chỉ vì lợi nhuận trước mắt, các tập đoàn Hoa Kỳ đã chịu khuất phục trước sự ảnh hưởng của Trung Cộng, cho dù phải trả giá bằng sự tự do và cởi mở ở Hoa Kỳ”, ông Barr nói.
Ông Bauer nói rằng với các công ty đa quốc gia đang phải đối mặt với sự giám sát, đã đến lúc nên lùi lại và tái thẩm định quá trình đầu tư của họ tại Trung Quốc.
Ông nói: “Nếu họ quan tâm đến thương hiệu của mình, họ cần phải hiểu rằng, rõ ràng nếu họ hợp tác với Trung Cộng để đàn áp nhân quyền, phân biệt đối xử với mọi người, thì điều đó sẽ làm tổn hại đến thương hiệu và lợi nhuận của họ nhiều hơn là việc họ chọc giận chế độ đó”.
Giáo sư Sheena Greitens, một giáo sư giảng dạy chính sách cộng cộng tại Đại học Texas ở Austin, cho biết, sự phát triển công nghệ giám sát xâm nhập ở Trung Quốc đã được sử dụng tại hơn 80 quốc gia trên toàn thế giới. Công nghệ giám sát này đã trở nên thu hút đối với các quốc gia, trong bối cảnh đang diễn ra đại dịch virus Trung Cộng. Đây là một cơ hội tốt để Bắc Kinh xuất khẩu phần mềm “giám sát sức khỏe” trá hình dưới vỏ bọc theo dõi các bệnh nhân nhiễm virus.
Giáo sư Greitens nói, có rất ít quy định quốc tế về việc sử dụng và xuất khẩu các thiết bị giám sát do Trung Quốc sản xuất; nếu có, thì chủ yếu là các công ty Trung Quốc tự đưa ra các quy tắc đó. Nếu việc xuất khẩu này không được kiểm soát, có thể sẽ dẫn đến một sự phụ thuộc toàn cầu vào công nghệ của Trung Quốc và dẫn đến việc bình thường hóa hoạt động giám sát bằng công nghệ cao trên diện rộng, đặc biệt là ở các quốc gia mà tự do của người dân có nguy cơ bị xâm phạm.
Ngày 21/7, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ ban hành một báo cáo phê phán chiến dịch của Bắc Kinh nhằm xuất khẩu “chủ nghĩa độc đoán thông qua kỹ thuật số” của họ, mà theo nhà nghiên cứu Xiao Qiang của trường Đại học California tại Berkeley thì điều này đã “tạo ra sự cạnh tranh có hệ thống với Hoa Kỳ và các nền dân chủ khác”.
Trong một diễn đàn trực tuyến công bố báo cáo trên, nhà nghiên cứu Xiao Qiang cho biết: “Về bản chất, cuộc cạnh tranh này đã bỏ qua các giá trị tự do và phẩm giá cơ bản của con người”.
Tác giả: Eva Fu