Các chuyên gia: Trung Quốc, Iran, và Nga ‘đang hợp tác chặt chẽ’ để làm suy yếu Hoa Kỳ
Theo một số chuyên gia, các chế độ độc tài Trung Quốc, Iran, và Nga đang ngày càng phối hợp với nhau như một khối quyền lực hợp nhất.
Theo bà Andrea Kendall-Taylor, một thành viên cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS), cả ba cường quốc này đều đang tìm cách làm suy yếu Hoa Kỳ và định hình lại trật tự quốc tế theo hình ảnh của chính họ.
Để đạt được mục đích đó, sự hợp tác của ba quốc gia này sẽ khuếch đại các tác động của những hành động ác ý của họ theo quy mô lớn hơn rất nhiều, bà cho hay.
Trong một cuộc nói chuyện hôm 06/06 về “Trục độc tài” mới tại CNAS, bà Kendall-Taylor cho hay: “Sự hợp tác giữa Nga, Trung Quốc, và Iran đang khuếch đại các mối đe dọa mà họ đặt ra cho Hoa Kỳ.”
“Bằng cách làm việc cùng nhau, những thách thức mà họ cùng nhau đặt ra sẽ nhiều hơn tổng số các phần của họ trong bất kỳ thách thức riêng lẻ nào nếu họ làm việc một mình.”
Cuộc xâm lược Ukraine là chất xúc tác cho Trục độc tài
Bà Kendall-Taylor cho biết cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine hồi năm ngoái là một “chất xúc tác” cho sự hợp tác ngày càng tăng của ba chế độ này trong việc chống lại trật tự quốc tế.
Bà nói thêm, sự hợp tác như vậy đã cho phép các cường quốc phe Trục này “hành động hung hăng và hiếu chiến hơn” chống lại Hoa Kỳ cũng như các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ, đồng thời hành động dựa trên “sự thù địch” chung đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Giờ đây, ba cường quốc này đang hợp tác với nhau trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, và quân sự, cũng như trong từng khu vực tương ứng của họ.
Nga và Trung Quốc đã ký kết cái gọi là mối quan hệ đối tác “không giới hạn” mà trong đó có bao gồm hợp tác quân sự chiến lược. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn cai trị Trung Quốc trong tư cách là một quốc gia độc đảng, đã cố gắng hết sức để giữ cho nền kinh tế Nga tiếp tục phát triển mà không bị quốc tế trừng phạt.
Trong khi đó, Nga và Iran tiếp tục ký kết các thỏa thuận quốc phòng mới. Iran đang cung cấp cho Nga hàng trăm phi cơ không người lái tự sát để sử dụng ở Ukraine. Đến lượt mình, Nga đang bán cho chế độ Hồi giáo này các chiến đấu cơ thế hệ thứ năm và các năng lực tân tiến khác.
Các thỏa thuận Trung Quốc-Iran cũng đã bắt đầu gia tăng, với việc Bắc Kinh được cho là đi xa tới mức âm mưu cung cấp các bộ phận chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt cho Tehran.
Liên kết để phá hoại trật tự quốc tế
Ông Jonathan Lord, một thành viên cao cấp tại CNAS chuyên về các vấn đề Trung Đông, nói rằng Trung Quốc, Iran, và Nga cũng đang nỗ lực phá hoại sức ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở hải ngoại.
Ông cho biết, bằng cách khuyến khích các đối tác an ninh của Hoa Kỳ như Saudi Arabia đứng ngoài cuộc cạnh tranh toàn cầu, các cường quốc này đang làm suy giảm vị thế của Hoa Kỳ. Ông nói, đặc biệt, ĐCSTQ đã tìm cách tấn công sức ảnh hưởng của Hoa Kỳ thông qua “các biện pháp không cân xứng” ở Trung Đông để chứng tỏ “thế giới không còn là của Hoa Kỳ nữa.”
Ông nói thêm rằng nỗ lực đó đã có “những tác động ngay lập tức” và “lớn” đối với khả năng khai triển sức mạnh và gây ảnh hưởng ở hải ngoại của Hoa Kỳ.
Điều đó có thể tạo ra một mối đe dọa độc nhất đối với sự thống lĩnh của Hoa Kỳ, khi ĐCSTQ có những hành động nhằm phổ biến tầm ảnh hưởng của mình trên khắp Trung Đông.
Ông Lord nói: “Iran và Bắc Kinh rõ ràng đang hợp tác chặt chẽ với nhau để củng cố phạm vi ảnh hưởng của cả hai ở Trung Đông nhằm gây bất lợi cho các chủ thể quyền lực khác.”
“Trung Quốc luôn hiện diện ở UAE và các nơi khác ở Vịnh [Ba Tư] trong các dự án kinh tế và chắc chắn, dù bí mật hay không, cũng có mặt trong các dự án quân sự.”
Ông Lord cho biết, bằng cách hợp tác với nhau, các chế độ này hy vọng sẽ gián tiếp đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Trung Đông, mở đường cho một ngày Hoa Kỳ không thể hoạt động hiệu quả trong khu vực này.
Ông Lord nói: “Chúng tôi nhìn thấy điều đó về mặt chiến lược. Chúng tôi nhìn thấy điều đó về mặt chiến thuật. Nhưng rõ ràng là sự hợp tác mà chúng ta đang chứng kiến giữa Moscow, Tehran, và Bắc Kinh trong lĩnh vực quân sự-an ninh sẽ khiến cả ba mạnh mẽ hơn.”
Trung Quốc đang tìm cách thống trị các đối tác cấp dưới
Trục ba bên mới thành lập này không phải là không có những khuyết điểm. Đáng chú ý nhất trong số đó là chế độ ĐCSTQ muốn đưa Iran và Nga đi theo những tham vọng của riêng mình.
Ông Jacob Stokes, một thành viên cao cấp tại CNAS chuyên về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nói rằng Hoa Kỳ nên khai thác khía cạnh này trong động lực của phe Trục, vốn là một trong những điểm yếu nhất của họ.
Ông Stokes nói: “Đối với Bắc Kinh, các đối tác có một mức độ yếu kém nhất định thực sự là một ưu điểm, chứ không phải là một khuyết điểm.”
“Ít nhất, Trung Quốc muốn đứng đầu trong số các quốc gia ngang hàng. Và, nhiều nhất, thì là cường quốc thống trị có quyền phủ quyết đối với các vấn đề của những gì mà chúng ta có thể gọi là các quốc gia phụ thuộc.”
Ông Stokes cho biết, Bắc Kinh muốn tránh việc Moscow và Tehran trở nên quá thân thiết để tạo đối trọng với việc mở rộng kinh tế và ngoại giao của mình ở Trung Đông, đồng thời tránh “sự sụp đổ hoàn toàn của các đối tác” mà có thể sẽ khiến Bắc Kinh mất đi lợi thế khi làm việc với một khối.
“Mặc dù có những lời lẽ cho thấy điều ngược lại, nhưng Trung Quốc không thực sự tìm kiếm sự đa cực,” ông Stokes nói.
“Thay vào đó, những gì Trung Quốc muốn là một hệ thống lưỡng cực, nơi mà các đối tác liên kết dưới một cực do Trung Quốc lãnh đạo trong việc chống lại Hoa Kỳ.”
Ngoài ra, ông Stokes cho hay, chủ nghĩa độc tài áp bức của ba cường quốc cũng đang khởi tác dụng chống lại phe Trục này và các mục tiêu dài hạn của phe này. Ông nói, việc liên tục thể hiện chủ nghĩa toàn trị như vậy đang thúc đẩy các nền dân chủ tự do trên khắp thế giới tái đầu tư vào các liên minh của họ.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times