Các chuyên gia: Nỗi lo sợ của phương Tây về việc Thổ Nhĩ Kỳ nghiêng về phía Moscow là thổi phồng
ANKARA, Thổ Nhĩ Kỳ — Một cuộc gặp gần đây tại Sochi, Nga, giữa các nhà lãnh đạo Nga với thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ, đã làm dấy lên nỗi lo sợ của các quan chức phương Tây về “mối liên hệ sâu sắc hơn” giữa Ankara và Moscow.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã nói chuyện với The Epoch Times lại phản đối khẳng định đó, nói rằng cuộc gặp — và kết quả của nó — chỉ phản ánh cách tiếp cận thực dụng của Ankara trong các giao dịch với Nga.
Ông Matthew Bryza, cựu quan chức cao cấp của Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao cho biết: “Kể từ thời Ottoman, chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến Nga luôn là một cách làm cân bằng lợi ích.”
Ông nói thêm, cuộc gặp gỡ dường như của nhiều trí óc đã diễn ra ở Sochi, “là một sự tiếp nối của hành động cân bằng này.”
Giao dịch bằng đồng rúp
Hôm 05/08, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc gặp mặt với người đồng cấp Nga Vladimir Putin lần thứ hai chỉ sau hơn hai tuần.
Trong cuộc gặp kéo dài 4 giờ, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về các diễn biến trong khu vực, bao gồm xung đột âm ỉ ở Syria và những cuộc đụng độ bùng phát gần đây giữa Armenia và Azerbaijan ở khu vực Nagorno-Karabakh.
Nhưng những hiểu biết đạt được trên phương diện kinh tế cuối cùng đã trở thành tiêu điểm.
Cùng với việc gia tăng thương mại song phương, hai bên đã đồng ý đẩy mạnh hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tài chính, năng lượng, và du lịch. Họ cũng thảo luận về việc ngành ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ gần đây áp dụng hệ thống thanh toán MIR của Nga, cho phép khách du lịch Nga đến thăm Thổ Nhĩ Kỳ có thể thanh toán tiền khách sạn và thực hiện các giao dịch mua khác.
Đáng chú ý, ông Erdogan đã sử dụng cơ hội này để nói rõ ý định của đất nước ông là bắt đầu thanh toán cho khí đốt tự nhiên của Nga — ít nhất là một phần — bằng đơn vị tiền tệ của Nga. Khí đốt của Nga hiện chiếm gần một nửa tổng lượng khí đốt nhập cảng của đất nước đang gặp khó khăn về tài chính Thổ Nhĩ Kỳ.
Kể từ hôm 31/03, ông Putin đã yêu cầu “các quốc gia không thân thiện” — tức các nước ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga vì cuộc chiến đang diễn ra với Ukraine — sử dụng đồng rúp để trả cho khí đốt của Nga.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không có trong danh sách đó. Mặc dù Ankara đã nhanh chóng lên án “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga khi nó bắt đầu hồi cuối tháng Hai, nhưng họ đã kiềm chế không ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow.
Tuy nhiên, hôm 11/08, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez đã xác nhận Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng sử dụng đồng tiền của Nga trong các khoản thanh toán khí đốt trong tương lai.
Tuy nhiên, tỷ lệ phần trăm của các khoản thanh toán sẽ được tính bằng đồng rúp này, “vẫn chưa được quyết định,” ông Donmez nói.
Khi trở về từ Sochi, ông Erdogan nói với các phóng viên rằng Thổ Nhĩ Kỳ “hy vọng” sẽ tham dự một cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải — theo lời mời của ông Putin — sẽ được tổ chức vào tháng tới tại Uzbekistan.
‘Quá thân thiết’
Trong những ngày sau cuộc gặp ở Sochi, một số tiếng nói nhất định trên báo chí phương Tây đã đưa tin “lên tiếng cảnh báo” về “mối liên hệ ngày càng sâu sắc” của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga.
Một tờ báo nổi tiếng (Financial Times, hôm 07/08) đã ủng hộ khẳng định trên bằng cách trích dẫn một loạt các “quan chức phương Tây” không rõ danh tính, với một trong số những người này đã ám chỉ rằng Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt tài chính — dưới hình thức này hay hình thức khác — nếu họ “trở nên quá thân thiết với Nga.”
Đây không phải là lần đầu tiên. Hai năm trước, Hoa Kỳ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Ankara mua một vài hệ thống phòng thủ hỏa tiễn S-400 do Nga sản xuất.
Hoa Thịnh Đốn cũng đã hủy bỏ kế hoạch bán 100 chiến đấu cơ F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng theo ông Halil Akinci, một chuyên gia về chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kỳ, những lo ngại của phương Tây về việc Thổ Nhĩ Kỳ nghiêng về Nga — trước sự tổn thất của NATO — là “hoàn toàn không có cơ sở.” Ông cũng nhanh chóng bác bỏ quan điểm cho rằng đã có một vài cơ sở mới để trừng phạt Ankara dựa trên kết quả của cuộc gặp ở Sochi.
“Phương Tây luôn cáo buộc chúng tôi về việc hướng tới Nga và rời xa NATO mà không có căn cứ,” ông Akinci, từng là đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Moscow từ năm 2008 đến năm 2010, nói với The Epoch Times.
“Làm thế nào chúng tôi có thể bị cáo buộc đang tiến về phía Nga trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang cung cấp cho Ukraine các phi cơ không người lái Bayraktar tiên tiến, vốn đã chứng minh rất hữu dụng trong cuộc xung đột đang diễn ra này?” ông hỏi.
“NATO liên tục không nhận ra các mối quan tâm an ninh quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ,” ông nói. “Hoàn toàn ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO duy nhất phải chịu các lệnh trừng phạt và cấm vận vũ khí định kỳ của chính các đồng minh của mình.”
“Điều này đã buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải áp dụng một cách tiếp cận thực dụng đối với Nga, một nước láng giềng đáng gờm.”
Ông Bryza, người là một thành viên hội đồng quản trị của Jamestown Foundation, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn dành cho các vấn đề chính sách quốc phòng, cũng đã đồng ý.
“Tôi không nghĩ rằng [Thổ Nhĩ Kỳ] đang nghiêng về phía Nga để xa rời NATO hoặc Ukraine,” ông cho biết. “Luôn luôn có một ‘lực kéo-đẩy’ trong mối bang giao Thổ Nhĩ Kỳ-Nga, và bộ thỏa thuận mới nhất này — bao gồm cả việc Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tiến hành thương mại với Nga bằng đồng rúp — đang phản ánh điều đó.”
“Đây chỉ đơn thuần là việc Thổ Nhĩ Kỳ đang thực dụng theo cách gây khó chịu cho các nước khác trong liên minh NATO.”
‘Thổ Nhĩ Kỳ trên hết’
Theo ông Akinci, chính cách tiếp cận “thực dụng” này đối với các giao dịch của họ với Moscow đã cho phép Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian — mà không phải là không có thành công nào — giữa Nga và Ukraine.
Tháng trước (07/2022), Ankara đã giúp tạo ra một thỏa thuận mang tính bước ngoặt giữa hai quốc gia tham chiến cho phép Ukraine nối lại các chuyến hàng ngũ cốc qua Biển Đen. Theo kết quả trực tiếp của thỏa thuận đó, 16 tàu chở hàng đầy lúa mì cho đến nay đã khởi hành đến các thị trường ngoại quốc từ các cảng biển của Ukraine, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận hôm 13/08.
“Cách tiếp cận của Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, cũng như trong quá khứ, là hợp tác với Nga khi có lợi, và chống lại chủ nghĩa bành trướng của Nga khi cần thiết,” ông Bryza nói.
“Thổ Nhĩ Kỳ luôn tìm kiếm, theo một cách hoàn toàn thực dụng, để ‘làm cho Thổ Nhĩ Kỳ vĩ đại trở lại’ bằng cách áp dụng một chính sách ‘Thổ Nhĩ Kỳ trên hết,’” ông cho biết thêm. “Và điều này có nghĩa là duy trì hợp tác kinh tế sâu rộng với Nga.”