Các chuyên gia: Dù có xung đột lợi ích nhưng Qatar vẫn rất quan trọng trong các cuộc đàm phán Israel–Hamas
Là quê hương thứ hai của nhà lãnh đạo Hamas sống lưu vong, quốc gia nhỏ bé giàu dầu mỏ này đóng một vai trò đặc biệt trong các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas.
Trong vòng đàm phán hôm 15/11, các nhà hòa giải Qatar đã theo đuổi một thỏa thuận giữa Israel và Hamas. Một quan chức tóm lược về các cuộc đàm phán nói với Reuters rằng thỏa thuận hiện tại vẫn đang trong quá trình bàn bạc và phối hợp với Hoa Kỳ, bao gồm việc thả 50 con tin dân sự khỏi Gaza để đổi lấy lệnh ngừng bắn kéo dài ba ngày.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, điều trớ trêu nhất trong các cuộc đàm phán con tin giữa Israel và Hamas là những cuộc đàm phán này được Qatar làm trung gian giúp tổ chức, quốc gia được xem là quê hương thứ hai của nhiều lãnh đạo Hamas, và Qatar lại một lần nữa là trung tâm địa chính trị ở Trung Đông vì đây là nơi quyết định số phận của 200 con tin.
Nhà khoa học chính trị Joseph A. Kéchichian ở Saudi Arabia nói với The Epoch Times: “Gia tộc cầm quyền Al Thani đang can dự sâu vào các cuộc đàm phán đang diễn ra với Hamas và chính phủ Israel để bảo đảm việc thả con tin.”
Ông nói, “Mặc dù [không thể] biết chắc chắn, nhưng Iran cũng có thể đã làm chậm quá trình này, qua đó có lời khuyên rằng nên thận trọng để có những cuộc thương lượng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, quá trình này vẫn đang diễn ra và cuối cùng sẽ chứng tỏ có hiệu quả, vì Qatar là nước có đặc quyền đối thoại với cả hai phía.”
Tại sao lại là Qatar?
Ông NishaKant Ojha, một chuyên gia chống khủng bố, đã nói với The Epoch Times rằng, Qatar đã tiếp đón các quan chức chính trị của Hamas tại thủ đô Doha của nước này trong hơn một thập niên. Trong số các quan chức Hamas sinh sống tại Qatar có ông Khaled Mashaal, một thủ lĩnh Hamas lưu vong sống sót sau vụ ám sát của Israel năm 1997 ở Jordan, và ông Ismail Haniyeh, lãnh đạo tối cao của Hamas.
Chuyên gia chống khủng bố này cho biết có nhiều lý do khiến Qatar muốn đảm nhận vai trò hòa giải này — quan trọng nhất là họ có khả năng tiếp cận và liên lạc với bất kỳ nước nào trong khu vực.
Ông Ojha cho biết Qatar có mối liên hệ “mật thiết” với Gaza và lưu ý rằng từ năm 2012 đến năm 2021, Qatar đã giúp Gaza về mặt tài chính với khoản viện trợ trị giá 1.49 tỷ USD.
Ông Ojha nói: “Qatar có chính sách ngoại giao 360 độ và hiệu quả. Chúng ta có thể thấy họ đã đón tiếp các lãnh đạo cao cấp của Hamas và mặt khác họ cũng cung cấp cho Hoa Kỳ một căn cứ không quân rộng lớn. Họ cũng thu hẹp mọi khoảng cách trong mối bang giao với Iran.”
Ông Kéchichian nhấn mạnh Qatar cũng là quốc gia ủng hộ Tổ chức Anh em Hồi giáo, trong đó Hamas là thành viên chủ chốt.
“Hơn nữa, và nhờ mối quan hệ đặc biệt với Iran, Doha đóng vai trò là cầu nối không thể thiếu giữa Tehran và Israel, điều này đã nâng cao vị thế của chính họ. Trong những năm qua, gia tộc cầm quyền Al Thani đã giành được sự tin tưởng của tất cả các bên, đó là lý do tại sao hiện nay và trong tương lai họ tiếp tục đóng vai trò trung gian hòa giải quan trọng,” ông Kéchichian nói.
Điều mà ông Ojha và ông Kéchichian mô tả là một sức mạnh chiến lược thì những người khác lại gọi là khả năng gây bất ổn cho khu vực đồng thời củng cố vị thế của mình.
Ông Abhijit Iyer-Mitra, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột có trụ sở tại New Delhi, gọi chế độ Qatar là “phiên bản Sunni của chế độ Ayatollah ở Iran.” Ông nói, “Jordan lần đầu tiên chứng minh cách quý vị có thể từ từ tham gia và chế ngự Tổ chức Anh em Hồi giáo. Qatar đang cố gắng làm điều tương tự.”
“Quan trọng hơn, những gì Qatar đang cố gắng làm là họ thích tạo ra xích mích và gây mất ổn định — nơi mà quý vị biết đấy, tất cả các năng lực nội tại của một chiến binh thánh chiến đều bị đẩy ra ngoài,” ông nói, đề cập đến việc đưa các chiến binh thánh chiến bản xứ đi làm nhiệm vụ ở nơi khác.
Ông nói: “Theo một nghĩa nào đó, họ đang làm những gì mà người Saudi đã từng làm cách đây 20, 30, 40 năm trước, bởi vì họ có một lượng lớn lực lượng [thánh chiến] dư thừa cần được đẩy ra bên ngoài, bằng cách này hay cách khác.”
Chuyên gia quốc phòng này cho rằng trường hợp của Qatar độc đáo ở chỗ nước này tận dụng những cơ hội này để đạt được lợi thế “rõ rệt” so với các cường quốc khác ở Trung Đông như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Ông Iyer-Mitra nói: “Họ cũng rất tính toán. Vì vậy, Qatar vừa là giải pháp của quý vị vừa là nguyên nhân đưa đẩy đến những gì đang xảy ra.”
Ông nói, nếu Qatar muốn chấm dứt vấn đề con tin, thì nước này có thể thực hiện nhanh chóng bằng cách đưa ông Mashaal, ông Haniyeh, và gia đình họ vào tù, tuy nhiên, điều này khó có thể xảy ra và Hoa Kỳ khó có thể gây áp lực buộc Qatar phải làm như vậy.
“Họ [Hoa Kỳ] sẽ không làm như vậy. Tại sao? Bởi vì, […] người Mỹ thích sự phức tạp giả tạo. Đây là lý do tại sao họ tiếp tục chiến đấu với các triệu chứng ở Afghanistan, nhưng họ từ chối đánh thẳng vào nguyên nhân của vấn đề này tại trung tâm đầu não ở Rawalpindi,” ông Iyer-Mitra nói.
Rawalpindi, một trong những thành phố lớn nhất ở Pakistan, là nơi đặt trụ sở của Quân đội Pakistan và được nhiều người xem là trung tâm của cuộc nổi dậy ở Afghanistan.
Qatar giống như rắn hổ mang
Ông Iyer-Mitra nói: “Qatar đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định số phận của các con tin Israel. Như quý vị đã biết, rắn hổ mang được dùng để sản xuất thuốc chống nọc độc. Quý vị không thể sản xuất thuốc chống nọc độc nếu không có rắn hổ mang, có thể chính là loại rắn hổ mang mà ban đầu đã cắn quý vị.”
Ông Ojha nói: “Phương trình toán học của Hoa Kỳ và Qatar đang tỏ ra hiệu quả hơn các phương trình khác như sự can thiệp của Ai Cập, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, và Saudi Arabia.”
Thanh Nguyên lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times