Các chuyên gia: Đạo luật ‘Tôn trọng Hôn nhân’ mới được ban hành có thể đe dọa tự do tôn giáo
Hôm 13/12, trong một buổi lễ tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống (TT) Joe Biden đã ký Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân, pháp điển hóa sự công nhận của liên bang đối với hôn nhân đồng giới và hôn nhân khác chủng tộc.
Dự luật này thay thế các điều khoản xác định hôn nhân hợp pháp là chỉ giữa một người nam và một người nữ bằng các điều khoản công nhận bất kỳ cuộc hôn nhân nào “giữa hai cá nhân hợp lệ theo luật tiểu bang”. Dự luật cũng có hiệu lực yêu cầu các tiểu bang phải công nhận hôn nhân đồng giới từ các tiểu bang khác.
Đó là lý do để cộng đồng LGBT ăn mừng, những người này đã bày tỏ lo ngại rằng khả năng kết hôn của họ cần được bảo vệ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng luật liên bang mới nói trên gây lo ngại cho những người khác, vì nó có thể xâm phạm quyền tự do của những người từ chối tham gia hôn nhân đồng giới do luật này khiến họ dễ dàng bị kiện.
Hai thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã nêu bật những lo ngại trên đây trước cuộc bỏ phiếu hôm 08/12 của Hạ viện. Dự luật đã được gửi trở lại Hạ viện sau khi Thượng viện Hoa Kỳ thay đổi về câu từ.
Phiên bản mới bao gồm các sửa đổi liên quan đến tự do tôn giáo và một phần mô tả tầm quan trọng của hôn nhân và quan điểm về hôn nhân. Dự luật cũng bảo vệ hôn nhân giữa các chủng tộc.
Những người phản đối dự luật cho biết họ lo ngại về một số điều khoản trong dự luật.
Dân biểu Mario Diaz-Balart (Cộng Hòa-Florida) và Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania) đã rút lại sự ủng hộ của mình đối với dự luật trong lần thứ hai thông qua tại Hạ viện, cho biết họ không nghĩ rằng dự luật này bảo vệ đầy đủ quyền tự do tôn giáo của những người cảm thấy thật sai trái khi tham gia lễ cưới của các cặp đôi đồng giới. Một nghị sĩ Đảng Cộng Hòa khác đã chuyển sang bỏ phiếu “chống”. Một nghị sĩ khác đã bỏ phiếu trắng, thể hiện sự không ủng hộ và cũng không phản đối. Bốn thành viên Đảng Cộng Hòa khác đã không bỏ phiếu.
Đạo luật trên đã được Hạ viện thông qua với tỷ lệ chênh lệch lớn, với 39 thành viên Đảng Cộng Hòa tham gia cùng với tất cả các thành viên trong nhóm họp kín của Đảng Dân Chủ để ủng hộ dự luật, sau khi được Thượng viện thông qua, với tỷ lệ 61–36.
Sau sự việc này, các nhóm LGBT bày tỏ sự nhẹ nhõm và vui mừng.
“Cuộc bỏ phiếu hôm nay tại Hạ viện gửi đi một thông điệp rõ ràng: tình yêu sẽ chiến thắng,” cô Kelley Robinson, Chủ tịch Chiến dịch Nhân quyền, cho biết trong một bài tuyên bố sau khi Hạ viện thông qua dự luật.
“Việc dự luật này được thông qua với sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng ở cả hai viện chứng tỏ đông đảo người dân Mỹ ủng hộ bình đẳng hôn nhân.”
Sau khi Thượng viện thông qua dự luật này hôm 29/11, TT Biden bày tỏ sự hài lòng rằng sự ủng hộ của lưỡng đảng đã giúp nhấn mạnh “quyền căn bản được kết hôn của các cặp đôi LGBTQI+ và các cặp đôi khác chủng tộc.”
Ông nói rằng nếu dự luật này được Hạ viện thông qua, ông sẽ tự hào là người “ký ban hành thành luật ngay lập tức.”
Cuộc bỏ phiếu trên khẳng định phán quyết năm 2015 của Tối cao Pháp viện về vụ Obergefell kiện Hodges, trong đó công nhận khả năng kết hôn của các cặp đồng giới là một quyền căn bản.
Có những lo ngại cho rằng phán quyết của Tối cao Pháp viện có thể bị thách thức, khiến hôn nhân đồng giới gặp nguy hiểm, khi Tối cao Pháp viện trong vụ Dobbs kiện Jackson đã quyết định trao quy định phá thai trở lại các tiểu bang. Phán quyết hồi tháng Sáu này đã lật ngược án lệ Roe kiện Wade kéo dài 49 năm vốn khiến việc phá thai trở thành hợp pháp trên toàn quốc.
Ngay sau đó, các chuyên gia đã lớn tiếng đặt câu hỏi liệu Tòa án này có thể lật ngược cả án lệ Obergefell kiện Hodges hay không.
Họ cho rằng mối lo ngại của họ là bắt nguồn từ bản ý kiến của Thẩm phán Clarence Thomas về vụ Dobbs kiện Jackson, trong đó ông lập luận rằng Tối cao Pháp viện đã phán quyết vụ Obergefell kiện Hodges và vụ Roe kiện Wade theo logic giống nhau.
Ông viết trong bản ý kiến của mình rằng, lật ngược một vụ kiện có thể dẫn đến lật ngược cả hai vụ kiện.
Tự do tôn giáo
Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân thực sự có đưa ra một số biện pháp bảo vệ quyền tự do tôn giáo.
Văn bản của dự luật nêu rõ rằng bất kỳ tổ chức tôn giáo bất vụ lợi nào cũng “không bị bắt buộc phải cung cấp dịch vụ, địa điểm, ưu đãi, cơ sở vật chất, hàng hóa, hoặc đặc quyền cho việc tổ chức hay cử hành hôn lễ”.
Nhưng các chuyên gia nói rằng dự luật cũng để lại những kẽ hở.
Các chuyên gia cho biết, đơn cử như, dự luật có thể buộc các nhà cung cấp dịch vụ tiệc cưới giúp tổ chức một hôn lễ đồng giới, ngay cả khi làm như vậy đi ngược lại đức tin tôn giáo sâu sắc của họ.
Cô Emma Waters đến từ Quỹ Di sản cho rằng Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân làm tổn hại đến tự do tôn giáo bằng cách buộc những người có đức tin tham gia vào một số yếu tố của hôn nhân đồng giới.
Cô Waters nói với The Epoch Times: “Dự luật này chỉ bảo vệ quyền tổ chức hôn lễ, chứ không phải các yếu tố khác xung quanh sự kiện đó”.
Cô Waters lập luận rằng cách diễn đạt của dự luật có những lỗ hổng lớn.
Chẳng hạn như, chính phủ không thể ép buộc một mục sư làm phép cưới cho một cặp đôi đồng giới. Nhưng nếu mục sư đó cho thuê nhà thờ của mình để tổ chức đám cưới, thì ông ấy có thể bị buộc phải để họ làm lễ cưới ở đó, cô nói.
Ngoài ra, cô lập luận rằng dự luật vẫn cho phép kiện một tổ chức tôn giáo vì phân biệt đối xử với các cặp đôi đồng giới.
Cô cho biết: “Theo ngôn ngữ của dự luật, thì mặc dù dự luật không yêu cầu kiện tụng chống phân biệt đối xử, nhưng cũng không cấm điều đó.”
Cô Waters cho biết IRS có thể sử dụng dự luật này để loại bỏ tình trạng miễn thuế, lấy đi các khoản trợ cấp chính phủ, và thu hồi giấy phép của các tổ chức tôn giáo.
Hơn nữa, những lời trong dự luật không đề cập đến sự bảo vệ nào đối với những người theo đạo điều hành các doanh nghiệp tư nhân và phản đối hôn nhân đồng giới vì lý do đạo đức.
Cô Waters cho biết, theo Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân, một thợ làm bánh Cơ đốc giáo từ chối sử dụng khiếu thẩm mỹ của mình để làm một chiếc bánh cưới phục vụ cho đám cưới của người đồng giới có thể phải đối mặt với một vụ kiện.
Thượng viện đã bác bỏ một sửa đổi do Thượng nghị sĩ (TNS) Mike Lee (Cộng Hòa-Utah) đưa ra. Bản sửa đổi của TNS Lee sẽ cấm chính phủ liên bang thực hiện “hành động phân biệt đối xử” đối với một người nào đó vì họ tin rằng hôn nhân chỉ tồn tại giữa một người nam và một người nữ.
Cô Waters cho biết nếu không có điều sửa đổi của TNS Lee, thì Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân sẽ khiến bất kỳ ai không ủng hộ hôn nhân đồng giới đều dễ dàng bị tấn công.
“Bất cứ ai muốn giữ quan điểm truyền thống về hôn nhân sẽ gặp rắc rối vì điều này.”
Trong một tuyên bố, ông Diaz-Balart cho biết nước Mỹ có lịch sử lâu đời tôn trọng các quyết định của chính phủ về những gì cấu thành nên hôn nhân. Ông nói rằng ông ủng hộ các quyền tự do tôn giáo “linh thiêng và dễ bị tổn thương”.
“Lý lịch bản thân cho thấy rằng từ lâu nay tôi đã là người ủng hộ chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử. Tuy nhiên, tôi không thể ủng hộ bất kỳ nỗ lực nào làm suy yếu các quyền tự do tôn giáo bằng cách không đưa ra các biện pháp bảo vệ hợp pháp cho các tổ chức Dựa trên Đức tin vốn bày tỏ sự phản đối dựa trên niềm tin tôn giáo sâu sắc của họ,” ông Diaz-Balart nói.
Ông cho biết đã bỏ phiếu chống lại dự luật này bởi vì các nghĩ sĩ Đảng Dân Chủ ở Thượng viện đã bác bỏ những sửa đổi để bảo vệ quyền tự do tôn giáo.
Những giá trị truyền thống
Có lẽ chẳng bao lâu nữa những người Mỹ theo đạo Cơ đốc tham gia vào các hoạt động kinh doanh liên quan đến đám cưới sẽ thấy rằng họ buộc phải lựa chọn giữa công việc kinh doanh và lương tâm.
Ông Daniel, sinh sống ở Florida, là một người theo đạo Cơ đốc phản đối hôn nhân đồng giới và sở hữu một địa điểm tổ chức đám cưới cùng vợ mình. Ông đã chọn cách ẩn danh để bảo vệ công việc kinh doanh của gia đình.
Theo ông, hôn nhân giữa một người đàn ông và một người phụ nữ tạo dựng nên xã hội, sinh ra những đứa con, và mang lại những lợi ích sâu rộng.
Ông không cho rằng hôn nhân đồng giới cũng đem lại hoa thơm trái ngọt giống như vậy.
“Tôi tin rằng cả người cha và người mẹ đều rất cần thiết. Không có cha và mẹ, tạo ra một gia đình, xã hội của chúng ta không còn tồn tại”, ông nói. “Hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác khẳng định rằng trẻ em sẽ thực sự phát triển tốt nhất khi có một gia đình hạt nhân nguyên vẹn, có cả cha và mẹ nuôi dạy chúng.”
Ông Daniel cho biết địa điểm tổ chức đám cưới của mình rõ ràng không mang tính tôn giáo. Nhưng ông coi công việc của mình như là một sự nghiệp vì đạo đức.
“Cả hai vợ chồng chúng tôi đều cảm nhận sâu sắc về tầm quan trọng của gia đình. Và nếu chúng tôi có thể giúp các gia đình làm nên một kỷ niệm tuyệt vời về sự khởi đầu của họ, thì còn lĩnh vực kinh doanh nào tốt hơn thế?” ông chia sẻ.
Vì niềm tin của mình, ông Daniel muốn thúc đẩy và tôn vinh hôn nhân khác giới thông qua công việc kinh doanh. Tuy nhiên, ông lo lắng rằng bây giờ ông có thể sẽ phải đối mặt với một vụ kiện nếu từ chối cho một cặp đồng giới thuê địa điểm của mình.
“Nếu ai đó kiện tôi đòi bồi thường 100,000 USD, thì tôi sẽ phá sản,” ông cho hay. “Nhưng ý tôi là, những vụ kiện ngày nay được tính bằng giá hàng triệu dollar.”
Ông Daniel cũng từ chối tổ chức các bữa tiệc uống rượu cho các hội nam sinh hoặc hội nữ sinh địa phương ở địa điểm của mình, vì ông không muốn phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào nếu một sinh viên say rượu làm điều gì đó gây tổn hại người khác. Ông nói rằng ông từ chối tạo điều kiện cho trẻ vị thành niên uống rượu hoặc những người uống rượu vô trách nhiệm.
Ông nói: “Tôi không nghĩ mình phải tham gia vào một thứ mà tôi nghĩ là chẳng có gì tốt cho xã hội của chúng ta.”
Vẫn chưa có một cặp đồng giới nào tổ chức lễ cưới ở địa điểm của ông. Các cặp đôi đồng giới đã đến xem nhưng không yêu cầu đặt trước địa điểm của ông. Ông đã tổ chức nhiều sự kiện có sự tham dự của những người “bị thu hút bởi người đồng giới” mà không gặp vấn đề gì.
Ngọc Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times