Cam kết bảo vệ khí hậu của ngân hàng: Sẽ hạ cấp các doanh nghiệp không ‘thức tỉnh’ xuống hạng 2
Các doanh nghiệp đang tìm kiếm nguồn tài chính có thể sớm phải đối mặt với một loạt các yêu cầu, trên thực tế, sẽ xác định xem liệu họ có “thức tỉnh” đủ để được các tổ chức tài chính chấp thuận cấp các khoản cho vay hoặc đầu tư hay không.
Theo một số chuyên gia về chủ nghĩa toàn trị và kinh tế thị trường, trong khi các yêu cầu này được trình bày như thiện chí đối với vấn đề môi trường và áp bức, chúng được củng cố bởi một hệ tư tưởng có khuynh hướng toàn trị.
Nghị trình này đang được thúc đẩy bởi nhiều tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực tài chính, bao gồm các ngân hàng lớn, các tổ chức đầu tư, và các tổ chức quản trị tài sản. Các chuyên gia cho biết, nếu thành công, nghị trình này của các tổ chức tài chính sẽ tạo ra một nền kinh tế hai tầng, với tầng lớp “thức tỉnh” được đối xử ưu đãi còn những người bất đồng chính kiến bị hạ cấp để chỉ nhận được những thứ phế thải.
“Thức tỉnh” (“Woke”) theo nghĩa ở đây đề cập đến một tập hợp các quan điểm cấp tiến đã thống trị các nhóm tổ chức trong chính phủ, học viện, và giới doanh nghiệp.
Các công ty hứa rằng họ sẽ đối xử ưu đãi với những khách hàng vận hành theo một cách “bền vững.” Theo quan điểm của các ngân hàng, điều đó có nghĩa là khách hàng sẽ phải thực hiện các chính sách giảm lượng khí thải carbon hoặc thúc đẩy một số mục tiêu khác, chẳng hạn như “bình đẳng giới” và “bình đẳng chủng tộc.” Những khách hàng không ủng hộ việc cắt giảm carbon sẽ phải đối mặt với các hình phạt như “loại bỏ” và “thoái vốn,” theo hướng dẫn của Liên minh Ngân hàng Net-Zero do Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn, bao gồm hàng chục ngân hàng lớn trong số các thành viên của nó.
Nhiều nhà khoa học dự đoán rằng trừ khi lượng khí thải carbon được cắt giảm mạnh mẽ, hành tinh sẽ ấm dần lên và trải qua nhiều thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như lũ lụt và hạn hán. Các nhà khoa học khác thì nghi ngờ những dự báo khí hậu thảm khốc như thế, những dự báo vốn có rất ít bằng chứng để trở thành sự thật.
Nhưng những nội dung của nghị trình khí hậu đã gây ra những lo ngại như thế lại hầu như không liên quan đến tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Một cách thực dụng, nghị trình của các nhà tài chính đồng điệu với các chính sách của chính phủ ông Biden, tạo cơ hội cho họ có được một phần trong hàng trăm tỷ dollar của người nộp thuế mà tổng thống hứa sẽ hỗ trợ. Đồng thời, họ có thể tìm cách tác động đến việc thiết lập khuôn khổ quy định, bảo đảm rằng nó có lợi cho họ, hơn là những người mới tham gia.
Theo ông Peter Klein – giáo sư kinh doanh Đại học Baylor và thành viên nghiên cứu tại học viện theo chủ thuyết tự do Mises – các nhà điều hành ngân hàng có trách nhiệm tín thác để đem lại lợi tức cho các cổ đông, ngay cả khi những khoản lợi tức này được hậu thuẫn bởi sự can thiệp của chính phủ.
Ông nói với The Epoch Times rằng, “Nếu họ có thể làm như vậy bằng cách tận dụng hệ thống quy định, bằng cách tận dụng hệ thống pháp luật … thì tội gì mà họ không làm?”
Một số chuyên gia đã cảnh báo rằng nếu nỗ lực thúc đẩy đầu tư này không thành công, thì nó có thể dẫn đến một gói cứu trợ khổng lồ – một sự chuyển giao tài sản nữa tới cho các tập đoàn từ túi những người nộp thuế.
Tuy nhiên, các học giả đã chỉ ra rằng, một nghị trình như vậy thậm chí còn đặt ra nhiều rủi ro căn bản hơn, vì nó đòi hỏi sự đồng thuận với một hệ tư tưởng mà, về bản chất, là toàn trị.
Nền kinh tế hai tầng
Những người ủng hộ tự do thường cảnh báo đối với những nỗ lực của chính phủ trong việc lập kế hoạch tập trung. Nhưng “không chỉ là các quan chức chính phủ mới có tư duy của người lập kế hoạch,” ông Klein chỉ ra. “Đó cũng thường có thể là những nhà lãnh đạo điều hành doanh nghiệp cao nhất.”
Ông nói: “Nhưng tất nhiên, trong chính phủ, cũng như trong khu vực tư nhân, quý vị có một nhóm những người ra quyết định ưu tú tự coi mình ở vị trí tốt hơn để đưa ra các quyết định quan trọng hơn so với những thành viên tham gia thị trường khác.”
Trên thực tế, nhà kinh tế Friedrich Hayek dự đoán rằng các tập đoàn độc quyền sẽ là bên đầu tiên thực hiện nhiệm vụ hoạch định nền kinh tế dưới sự phản đối ngày càng tăng của cạnh tranh trên thị trường tự do.
Ông đã viết trong cuốn sách “Con đường đến chế độ nô lệ” (The Road to Serfdom) năm 1943 của mình rằng, “Cuộc đấu tranh toàn cầu chống lại cạnh tranh hứa hẹn sẽ tạo ra một điều gì đó lúc đầu thậm chí còn tồi tệ hơn ở nhiều khía cạnh. Một tình trạng không thể làm hài lòng các nhà lập kế hoạch cũng như những người chủ trương thị trường tự do, một kiểu tổ chức hợp tác hoặc kết hợp ngành trong đó cạnh tranh ít nhiều bị kìm hãm, nhưng việc lập kế hoạch lại lọt vào tay các công ty độc quyền độc lập của các ngành riêng biệt.”
Đây là hệ quả đầu tiên không thể tránh khỏi của một tình huống ở đó mọi người cùng thống nhất ở thái độ thù địch đối với với cạnh tranh, nhưng lại có ít sự thống nhất về các vấn đề khác. Bằng cách phá hủy sự cạnh tranh ở hết ngành này đến ngành khác, chính sách này đặt người tiêu dùng [bị phụ thuộc] vào lòng nhân từ của hành vi độc quyền được liên kết giữa các nhà tư bản và những nhân viên trong các ngành được tổ chức tốt nhất của họ.
“Một khi tới giai đoạn này, giải pháp khác duy nhất để quay lại cạnh tranh là nhà nước kiểm soát độc quyền. Một sự kiểm soát mà, nếu muốn được thực hiện có hiệu quả, thì lại phải trở nên ngày càng toàn diện hơn và chi tiết hơn.”
Đây là “một đặc điểm phù hợp với tình hình của nền kinh tế hiện nay,” theo ông Michael Rectenwald, giáo sư bộ môn khoa học nhân văn đã nghỉ hưu tại Đại học New York và là một chuyên gia về chủ nghĩa xã hội doanh nghiệp – sự hội tụ của lợi ích chính phủ và doanh nghiệp trong việc thiết lập một dạng thức cai trị xã hội chủ nghĩa, toàn trị.
“Lưu ý rằng hiệp hội gồm các ngân hàng và công ty quản trị tài sản, những công ty lớn nhất thế giới, đang nhắm tới mục tiêu ‘thúc đẩy cung cấp tài chính cho lĩnh vực công nghệ tư nhân sạch và ép buộc các ngành công nghiệp gây ô nhiễm đang sử dụng dịch vụ của họ (các ngân hàng) phải cắt giảm lượng khí thải.’ Điều đó nghĩa là, họ sẽ sử dụng sức mạnh tài chính của họ để ép các nhà sản xuất không tuân thủ phải biến mất, bằng cách hướng các khoản đầu tư vào các đối tác được ưu ái, nhóm đã tự chỉnh lại [reset]” ông nói trong một email, đề cập đến “Tái lập Vĩ đại” (“Great Reset”) hướng đến “một tương lai xanh hơn, công bằng hơn” do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và người đứng đầu là ông Klaus Schwab đề nghị.
Ông Rectenwald nói: “Sự kìm kẹp tài chính này đối với các ngành công nghiệp sẽ củng cố địa vị kinh tế của các nhà sản xuất được ưu ái và củng cố sự độc quyền của họ trong sản xuất và phân phối. Các biện pháp này cũng sẽ có ảnh hưởng xuống việc tiêu thụ của những người tiêu dùng ở đầu cuối, với lượng khí thải carbon sẽ bị giảm xuống theo mặc định. Họ sẽ không còn gì để nói về việc lái xe chạy bằng xăng, vì những loại xe như vậy sẽ không được sản xuất và xăng sẽ không còn nữa.”
“Mục tiêu là hạn chế sự đi lại và mức tiêu thụ của đại đa số và giảm xuống đến mức giới hạn của nghị trình Tái lập Vĩ đại.”
Ông nói, trong khi các nhà tài chính có khả năng không thể loại bỏ hoàn toàn các doanh nghiệp không tuân thủ, “các nhà hoạch định đang tạo ra một hệ thống hai lớp, với các nhà sản xuất/các nhà phân phối được ưu đãi ở lớp trên và các nhà sản xuất/nhà phân phối không thức tỉnh ở bên dưới.”
Ông nói: “Đây là một hệ thống phân cấp tĩnh và sẽ dẫn đến sự đình trệ và có thể dẫn đến việc nhà nước cần can thiệp nhiều hơn những gì họ đang làm. Thật thú vị, chính những người theo chủ nghĩa xã hội, với thái độ coi thường cạnh tranh, lại viện trợ và tiếp tay cho việc hình thành các công ty độc quyền và một hệ thống phân cấp kinh tế tĩnh. Việc loại bỏ một tầng lớp trung lưu thịnh vượng luôn là con đường dẫn đến chế độ nông nô.”
Ông Klein thừa nhận rằng những gì chúng ta thấy bây giờ “không chính xác giống quy hoạch công nghiệp theo kiểu những năm 1940.”
“Nhưng nó có cùng một kiểu ý thức,” ông nói.
Ông nói, bất chấp những lời phàn nàn về chủ nghĩa tư bản bè phái ngày nay, “Nghị trình ‘Tái lập Vĩ đại’, trách nhiệm xã hội, và các mô hình về các bên hưởng lợi [hiện đang được nhiều tập đoàn lớn ủng hộ] có nguy cơ khiến chúng ta thậm chí còn trở thành bè phái chủ nghĩa nhiều hơn.”
Lập luận về tự do
Lập luận rằng điều đó là tốt hơn, là cần thiết, hoặc thậm chí không thể tránh khỏi để chỉ thị nền kinh tế một cách có chủ ý không phải mới mẻ gì. Nó đã đặc biệt nổi bật trong 100 năm qua và thường được quảng bá bởi những nhóm người theo chủ nghĩa xã hội khác nhau.
Ông Klein nói: “Một số bộ phận xã hội luôn cảm thấy rằng không hoạch định nghe có vẻ sơ khai, có vẻ hoang dã và điên rồ.”
It nhất khái niệm này đã trở lại với Karl Marx, đồng tác giả của Tuyên ngôn Cộng sản, người đã mô tả chủ nghĩa xã hội trong cuốn sách Das Kapital của ông ta: “con người được xã hội hóa, những nhà sản xuất được liên kết, điều tiết một cách hợp lý sự tương tác với Thiên nhiên, đặt nó dưới sự kiểm soát thay vì bị những lực lượng vô hình của Thiên nhiên chi phối.”
Tuy nhiên, ông Klein cho rằng khái niệm này lại bắt nguồn từ một hiểu lầm về hệ thống giá cả trên thị trường tự do.
Ông nói: “Những người đề xướng ra kế hoạch tập trung … tuyên bố rằng những người bảo vệ hệ thống dựa trên nguyên lý thị trường [tự do] giả định rằng mọi cá nhân đều nhận được thông tin rất đầy đủ, hướng đến tương lai, và luôn đưa ra quyết định đúng đắn, v.v. Đó không phải là cơ sở lập luận. Điều cần lý luận ở đây là: có sự không chắc chắn về điều đúng đắn phải làm là gì.”
Tiền đề tri thức được công bố rộng rãi của những người [theo quan điểm] thị trường tự do là trong vô số quyết định mà các cá nhân đưa ra, ít nhất một số trong số đó sẽ đúng. [Và] giải pháp thực sự hữu hiệu sẽ thu hút sự chú ý của các thành viên tham gia thị trường khác, khiến nền kinh tế thích ứng theo.
Ông nói: “Quý vị muốn một hệ thống trong đó nhiều người khác nhau có thể thử nhiều thứ khác nhau; mọi người đều được khích lệ sử dụng kiến thức của mình với khả năng tốt nhất của họ bởi vì cá nhân họ gặt hái được lợi ích và chịu phí tổn cho những hành động mà họ thực hiện.”
Đẩy việc quyết định kinh tế xuống cho đơn vị nhỏ nhất, là một cá nhân hoặc một gia đình, cũng hạn chế tác động tiêu cực của bất kỳ lựa chọn sai lầm nào.
Ông Klein giải thích: “Một hệ thống thị trường phi tập trung giảm thiểu những sai lầm nguy hại có thể mắc phải, trong khi trong một hệ thống tập trung thì những sai lầm nhỏ lại có thể gây ra những tác hại to lớn.”
Theo ông James Taylor, chủ tịch của Viện Heartland, một tổ chức tư vấn về thị trường tự do vốn hoài nghi về những dự đoán khí hậu thảm khốc, việc xem biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng để biện minh cho sự can thiệp kinh tế là không đủ thỏa đáng.
Ông nói ít nhất thì nó nên được đưa ra cho một cuộc bỏ phiếu, chứ không phải áp đặt từ trên xuống.
Ông nói với The Epoch Times: “Tin tưởng sâu sắc rằng điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra không biện minh cho việc lật đổ quá trình dân chủ, không biện minh cho việc tước đoạt quyền của người dân mà không cho người dân [ít nhất là] quyền tự vệ thông qua tiến trình chính trị dân chủ.”
Bản thân cơ chế một tập đoàn là sản phẩm của việc chính phủ ban tặng “những quyền lợi và sự bảo vệ nhất định” cho những thực thể đó, ông lập luận.
“Nếu chúng là những vật thể duy nhất của nền kinh tế, thì tôi có thể đồng ý … rằng chúng ta nên mặc kệ. Nhưng mà, chúng được tạo ra với sự hỗ trợ của quyền lực chính phủ, và giờ đây chúng được sử dụng để áp đặt các nghị trình chính trị lên các công dân Hoa Kỳ. Điều đó rất đáng lo ngại,” ông nói và nhận xét thêm rằng “đây là kiểu chủ nghĩa chuyên quyền vô trách nhiệm mà cánh tả luôn quan tâm.”
Ông Taylor nói rằng các nỗ lực bảo vệ môi trường không nhất thiết phải mâu thuẫn với sự thịnh vượng.
Ông cho biết chính sự thịnh vượng đã cho phép Hoa Kỳ phát triển các công nghệ mới, sạch hơn, giúp cắt giảm lượng ô nhiễm không khí và nước xuống hơn một nửa trong vòng 40 năm qua.
Ông nói: “Khi quý vị có một nền kinh tế khá giả, thì quý vị sẽ có đủ khả năng để có những chính sách rất hữu ích cho môi trường.”
Do Petr Svab thực hiện
Lý Bình biên dịch
Xem thêm: