Các chuyên gia cảnh báo về ‘nô lệ kỹ thuật số’ khi Amazon đẩy mạnh dịch vụ thanh toán quét lòng bàn tay
Amazon đã khai triển công nghệ để thúc đẩy dịch vụ thanh toán bằng cách quét lòng bàn tay, và chịu sự chỉ trích từ các chuyên gia về quyền riêng tư cũng như về giám sát và kiểm soát xã hội.
Đại công ty thương mại điện tử Amazon vừa ra mắt công nghệ mới giúp việc ghi danh dịch vụ thanh toán quét lòng bàn tay trở nên dễ dàng hơn nhiều, một lần nữa làm dấy lên lo ngại giữa các chuyên gia về quyền riêng tư, với một số người cảnh báo rằng đây là một viên sỏi khác trong đống đá ngày càng tăng của chế độ nô lệ kỹ thuật số theo phong cách tiểu thuyết của George Orwell mà các công ty công nghệ lớn đang cố gắng tạo ra.
Hôm 28/03, Amazon đã thông báo rằng họ vừa ra mắt một ứng dụng mới cho phép những người sử dụng dịch vụ thanh toán sinh trắc học Amazon One lần đầu tiên ghi danh vào ứng dụng này một cách thoải mái tại nhà riêng của họ (thay vì phải thực hiện tại cửa hàng thực tế) bằng cách chụp một bức ảnh bàn tay mình và tải lên máy chủ của Amazon.
“Cho đến hôm nay, khách hàng phải đến một địa điểm thực tế để đưa tay lên một thiết bị Amazon One nhằm ghi danh cho dịch vụ này,” công ty cho biết trong một thông cáo báo chí. “Giờ đây, họ có thể ghi danh Amazon One từ nhà, nơi làm việc, hoặc trong khi đang di chuyển.”
Theo Amazon, lợi ích của người dùng là sự tiện lợi. Còn các nhà bán lẻ có triển vọng được hưởng lợi từ việc xếp hàng nhanh hơn và “trải nghiệm êm ả hơn tại cửa hàng,” Amazon cho biết. Máy quét lòng bàn tay đã có mặt ở nhiều địa điểm bán lẻ trên toàn quốc và đã được sử dụng hơn 8 triệu lần.
Khi Amazon lần đầu tiên thông báo khai triển dịch vụ thanh toán sinh trắc học vào năm 2020, một số chuyên gia về quyền riêng tư đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, với một số người gọi việc khai triển này là một “ý tưởng khủng khiếp” vì có rất ít luật buộc các đại công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm về việc giữ an toàn cho thông tin cá nhân nhạy cảm của người Mỹ hoặc luật ngăn cản các công ty này bán thông tin đó cho các bên khác hoặc lạm dụng thông tin đó theo những cách khác.
Giờ đây, việc Amazon ra mắt ứng dụng mới có thể đẩy nhanh việc chuyển giao dữ liệu sinh trắc học cho công ty có lịch sử rò rỉ và vi phạm dữ liệu này. Sự việc đã thu hút nhiều lời chỉ trích mới.
Phần lớn những lời chỉ trích mới tập trung vào ý tưởng rằng Amazon đang khiến việc thu thập nhiều dữ liệu cá nhân hơn trở nên dễ dàng hơn, mà dữ liệu này lại có thể được khai thác trong một hệ thống giám sát và kiểm soát xã hội có được nhờ công nghệ.
Amazon đã không phúc đáp một yêu cầu bình luận về chủ đề này.
‘Gia súc kỹ thuật số’
Ông James Lindsay, người sáng lập New Discourses và là tác giả của một số cuốn sách, bao gồm các cuốn “Chủ Nghĩa Marx Chủng Tộc” (Race Marxism) và “(Bất)công Bằng Xã Hội” (Social (In)justice), nói với The Epoch Times rằng ông xem diễn biến này là bằng chứng mới cho thấy nỗ lực rộng rãi hơn hướng tới “nô lệ kỹ thuật số” có được nhờ công nghệ thông qua một loạt các mắt xích bao gồm tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC), thu nhập cơ bản phổ quát (UBI), và một hệ thống tín dụng xã hội kiểu Trung Quốc.
“Đó là sự thật,” ông nói khi được hỏi về nguy cơ xảy ra “nô lệ kỹ thuật số” dưới sự điều khiển của một loạt cơ chế do công nghệ tạo ra, bao gồm hệ thống tín nhiệm xã hội của Trung Quốc, cho phép nhà nước giám sát do cộng sản kiểm soát này trừng phạt và khen thưởng người dân vì những hành vi nhất định và đang được một số quốc gia sao chép.
“Chúng ta chưa khai triển đầy đủ hệ thống của Trung Quốc ở đây,” ông nói. “Nếu chúng ta đã làm như vậy, thì quý vị và tôi sẽ không thể có cuộc trò chuyện này.”
Ông Lindsay cũng đã bình luận về việc khai triển ứng dụng Amazon One trong một bài đăng trên X, viết rằng họ “đang thực sự thúc đẩy ID Nô lệ Kỹ thuật số” và “Tôi sẽ không trở thành gia súc kỹ thuật số.”
Ông đã nói thêm về ý tưởng này trong một loạt bài đăng tiếp theo, trong đó ông giải thích về việc “các nhà kỹ trị độc ác” xem thường nhân tính con người như thế nào và xem người tiêu dùng không khác gì những con vật được thuần hóa để vắt sữa kiếm tiền hoặc khai thác cho các mục đích sử dụng khác như thế nào.
Ông viết trong một trong những bài đăng, “Do đó, tôi đang nói rằng các nhà kỹ trị sẽ thiết lập một hệ thống mà đối với họ chúng ta chỉ như là những con vật, là các trung tâm dữ liệu để thu hoạch.”
Ý tưởng cơ bản mà ông đề ra về cách thức mà hệ thống “gia súc kỹ thuật số” này hoạt động hiệu quả là nhờ vào một số yếu tố: UBI, một hệ thống tín dụng xã hội gắn liền với các phần thưởng và hình phạt tài chính, bên cạnh UBI là một hệ thống tiền thưởng mang lại phần thưởng bổ sung cho “điểm tín dụng xã hội xuất sắc” cũng như một hệ thống “‘giáo dục’ nhốt trẻ em.”
Ông Lindsey, người từng lên tiếng chỉ trích chủ nghĩa thức tỉnh trong giáo dục, nói thêm rằng chìa khóa để khiến hệ thống nô lệ kỹ thuật số này hoạt động hiệu quả chính là dữ liệu.
Ông nói trong một bài đăng của mình, “Những kẻ đầu sỏ cần có đủ thông tin để biết những con gia súc của họ cần gì để tiếp tục sinh hoạt nhưng cũng cần rất nhiều thông tin để biết cách điều chỉnh và kiểm soát những người này sao cho trở thành những đối tượng và người tiêu dùng lý tưởng mà hệ thống của họ cần để duy trì hoạt động.”
Ông Lindsay cho biết mạng lưới cơ chế kiểm soát xã hội kỹ thuật số này sẽ chống lại người dùng, thưởng cho họ theo những cách “vô cùng giả tạo” và vô nghĩa như trong trò chơi điện tử trong khi các hình phạt có thể rất thực tế.
Ông viết, “Vì vậy, quý vị không bay, quý vị không đi du lịch, quý vị ăn côn trùng và đậu lăng, quý vị đến gặp hàng xóm, quý vị xem tuyên truyền, quý vị làm các câu đố thu thập dữ liệu hoặc chơi các trò chơi thu thập dữ liệu, v.v., và quý vị nhận được các khoản tín dụng thưởng đặc biệt vượt trên mức phân bổ cơ bản mà quý vị có thể bán để lấy đặc quyền.”
Mặc dù Amazon không phúc đáp yêu cầu bình luận về những lời chỉ trích về dịch vụ thanh toán quét lòng bàn tay dựa trên trí tuệ nhân tạo của mình, nhưng trong thông báo của mình, họ cho biết công ty duy trì “tiêu chuẩn cao” cho cả quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của khách hàng.
Công ty cho biết những hình ảnh được chụp qua ứng dụng Amazon One sẽ được mã hóa và gửi đến một khu vực an toàn trên các máy chủ đám mây của họ. Công ty cho biết không thể tải xuống hoặc lưu ảnh lòng bàn tay của người dùng vào điện thoại, và ứng dụng di động này “có các lớp phát hiện giả mạo bổ sung.”
‘Sự bao vây thu hẹp dần dần của vòng tròn toàn trị’
Một số nhà phê bình đã lập luận rằng những lo ngại về một hệ thống “nô lệ kỹ thuật số” kiểu Orwell đã bị thổi phồng lên quá mức vì cơ hội áp dụng một hệ thống như vậy là rất mong manh, vì công chúng vốn dĩ phản đối những hiện tượng cấp tiến như việc thúc đẩy Lý thuyết Chủng tộc Trọng yếu (CRT) trong trường học hoặc áp đặt các chính sách về Đa dạng, Công bằng, và Hòa nhập (DEI) đối với các nhân viên công ty.
“Hy vọng là như vậy,” ông Lindsay nói khi được yêu cầu bình luận về quan điểm cho rằng bong bóng của chủ nghĩa thức tỉnh là một sự dư thừa thoáng qua của văn hóa hiện đại và bong bóng này trên thực tế đã vỡ.
Tuy nhiên, ông cảnh báo: “Đó chỉ là hy vọng thôi.”
Khi được hỏi có nguy cơ lớn đến mức nào về việc một hệ thống “nô lệ kỹ thuật số” kiểu Orwell mà sẽ đối xử với mọi người như “gia súc kỹ thuật số” được khai triển ở Hoa Kỳ, ông Lindsay thể hiện niềm hy vọng — nhưng cũng cảnh báo về rủi ro.
Ông nói, rủi ro “là có thật.” “Nhưng tôi cũng lạc quan rằng họ sẽ mất khả năng thực sự áp dụng hệ thống đó nếu chúng ta tiếp tục vạch trần và lên tiếng về vấn đề này.”
Ông nói thêm: “Tuy nhiên, nếu chúng ta không làm gì thì đó là điều chắc chắn sẽ xảy ra.”
Ông Michael Rectenwald, cựu giáo sư tại Đại học New York và là một học giả ưu tú tại Cao đẳng Hillsdale, nói với The Epoch Times trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử rằng lời hứa về sự tiện lợi — lợi ích chính được Amazon nêu rõ khi giới thiệu ứng dụng mới của mình — là một điểm thu hút mọi người vào những thỏa thuận có thể sẽ không phục vụ cho những lợi ích căn bản hơn của họ.
Ông Rectenwald, người cũng là tác giả của 12 cuốn sách, trong đó có cuốn mới nhất của ông, mang tên “Đại Tái Thiết và Cuộc Đấu Tranh vì Tự Do: Làm Sáng Tỏ Nghị Trình Toàn Cầu” (The Great Reset and the Struggle for Liberty: Unraveling the Global Agenda), cho biết, “Mối đe dọa của sự nô lệ hóa kỹ thuật số toàn diện sẽ đến thông qua sự chào mời về ‘tính tiện lợi’ và ‘sự bao trùm’ của các công ty phụ thuộc vào nhà nước — hoặc cái mà tôi đã gọi là ‘các tác nhân của chính phủ’ — như Amazon và Google.”
“Ứng dụng quét lòng bàn tay của Amazon là một bước đi theo hướng nhận dạng kỹ thuật số,” ông tiếp tục, nói thêm rằng Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tổ chức tài chính có trụ sở tại Thụy Sĩ thường được gọi một cách thông tục là “ngân hàng dành cho các ngân hàng trung ương” đã tuyên bố rằng một “chương trình nhận dạng kỹ thuật số” là điều kiện tiên quyết để có được tiền CBDC hiệu quả.
“BIS cũng đã thừa nhận rằng CBDC cho phép giao dịch hoàn toàn minh bạch,” ông nói. “Việc truy cập vào tiền dựa trên danh tính kỹ thuật số bao gồm hồ sơ (chính trị) hoàn chỉnh — người ta có thể dễ dàng hình dung ra những năng lực (công nghệ) kiểu Orwell mà điều này sẽ đòi hỏi.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times