Các chuyên gia: Bầu cử giữa kỳ có thể mang lại cơ hội cuối cùng để ngăn chặn thảm họa kinh tế
Theo một chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh lạm phát tiếp tục gia tăng, chi tiêu liên bang quá mức, và công chúng ngày càng cảm thấy bất an về tình trạng của nền kinh tế, cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 08/11 có thể là một trong những cơ hội cuối cùng để đạt được đa số lập pháp sẵn sàng và có thể đảo ngược các chính sách tài khóa thảm khốc thúc đẩy đất nước này tiến tới một sự bùng nổ tương tự như cuộc khủng hoảng nợ xảy ra với Hy Lạp hồi năm 2009.
Lạm phát tiếp tục đóng một vai trò gây mất ổn định và gây ra những căng thẳng tồi tệ hơn đối với các cử tri. Các số liệu mới nhất cho thấy trong tháng Chín, chỉ số tiêu dùng cá nhân cốt lõi, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đã tăng 0.5% so với tháng Tám, đánh dấu mức tăng 5.1% trong suốt năm 2022. Trong cùng tháng, thu nhập của người Mỹ đã tăng 0.4%, không được điều chỉnh theo lạm phát, trong khi chi tiêu chung của họ đã tăng 0.6%.
Tháng 06/2022, lạm phát chạm mức 9.1%, mức cao nhất kể từ tháng 11/1981. Tỷ lệ lạm phát hàng năm, tức so với cùng tháng năm ngoái trong vòng một năm tính đến tháng Chín năm nay, là 8.2%, với lần công bố tiếp theo dự kiến là vào ngày 10/11.
Một số nhà kinh tế cho biết, những con số này phần lớn là kết quả của một chính sách tiền tệ mở rộng của chính phủ Tổng thống (TT) Biden, dẫn đến việc quá nhiều tiền mà lại có quá ít hàng hóa. Việc chính phủ liên bang tích cực mua trái phiếu Kho bạc đã cung cấp cho các ngân hàng một lượng tiền mặt thanh khoản dồi dào để cho những người đi vay vay.
Nhưng theo quan điểm của một chuyên gia, con số đáng lo ngại nhất trong tất cả, và là điềm báo cho những tai họa kinh tế thậm chí còn nghiêm trọng hơn sắp xảy ra, nếu không có sự đảo ngược mạnh mẽ trong chính sách tài khóa, là tỷ lệ nợ trên GDP của liên bang, hiện đang ở mức 125%, nghĩa là các khoản nợ của chính phủ đang vượt quá rất nhiều toàn bộ giá trị hàng hóa và dịch vụ của quốc gia sản xuất ra trong một năm.
Ông Ivan Pongracic, một giáo sư khoa kinh tế tại trường Cao đẳng Hillsdale ở tiểu bang Michigan, nhận thấy con số này đặc biệt đáng lo ngại khi so sánh với con số 56% hồi năm 2000.
Ông Pongracic nói với The Epoch Times: “Chúng ta đã thấy tỷ lệ này tăng hơn gấp đôi trong 20 năm qua, điều này thật đáng kinh ngạc. Chính phủ liên bang đang chi một phần tư tổng thu nhập được tạo ra ở đất nước này. Ngân sách liên bang là khoảng 6 ngàn tỷ USD tại thời điểm này, và GDP là khoảng 22 ngàn tỷ USD.”
Các ưu tiên lập pháp
Ông Pongracic cho biết nếu Đảng Cộng Hòa làm tốt trong cuộc bầu cử giữa kỳ và giành lại được Hạ viện và Thượng viện, thì một trong những nhiệm vụ cấp bách của đảng này sẽ là ổn định tỷ lệ nợ trên GDP. Ông Pongracic tin rằng vấn đề ổn định tỷ lệ nợ này nên được đặt lên hàng đầu trong bất kỳ nghị trình tài khóa nào nếu các nhà lập pháp muốn ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nợ toàn diện, nhưng một kế hoạch hành động sẽ đòi hỏi phải đảo ngược tình trạng thờ ơ hiện tại về sự gia tăng nợ đến mức không thể hình dung nổi như thế này cho đến nay.
Ông nói: “Bây giờ tỷ lệ này đang ở mức 125 %, vì vậy nó đã tăng vượt khỏi tầm kiểm soát, và tôi nghĩ rằng mọi người đã khá thờ ơ về tình trạng này. Mọi người chỉ nghĩ rằng đồng dollar là đồng tiền dự trữ của thế giới, và chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục vay không giới hạn.”
Một phần của vấn đề là người Mỹ đã không trải qua một tình trạng vỡ nợ kiểu Hy Lạp trong quá khứ và một số người có thể đã bị ru ngủ bởi một cảm giác cho rằng nợ có thể tiếp tục tăng lên mà không gây ra các hậu quả nghiêm trọng nào.
Ông Pongracic nói: “Chúng ta có thể tiếp tục bao lâu nữa với mức nợ này, không ai biết, nhưng ở một góc độ nào đó, nếu chúng ta tiếp tục đi theo con đường này, thì một số niềm tin vào khả năng trả nợ, nghĩa là trả nợ khi đến hạn và tiếp tục trả lãi, của chính phủ Hoa Kỳ sẽ bị mất đi. Nếu chúng ta rơi vào tình trạng đó, thì nó sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế, như chúng ta đã thấy với Hy Lạp, vốn có tỷ lệ nợ trên GDP khoảng 150% trước khi họ xảy ra một cuộc khủng hoảng nợ chính phủ to lớn.”
Theo quan điểm của ông Pongracic, một số người có thể chỉ đơn giản là không có đủ thông tin về nền kinh tế để nhìn thấy những điểm tương đồng như vậy, hoặc họ tưởng tượng rằng Hoa Kỳ được yên ổn nhờ một bức tường lửa dựa trên quy mô tuyệt đối của nền kinh tế của mình, nhưng những giả định như thế là ngây thơ trong trường hợp tốt nhất và là nguy hiểm trong trường hợp xấu nhất.
Ông cho biết, “Mọi người nói rằng Hoa Kỳ không phải là Hy Lạp, Hy Lạp là một quốc gia nhỏ bé, và đồng dollar là đồng tiền dự trữ của thế giới, vì vậy quý vị không thể so sánh hai quốc gia này. Nhưng vấn đề là nhận thức của những người cho vay đối với chính phủ, những người sở hữu trái phiếu. Nếu các trái chủ cảm thấy chính phủ sẽ không trả nợ đúng hạn, thì chúng ta sẽ kết thúc với một cuộc khủng hoảng nợ chính phủ.”
Ông nói thêm rằng, “Nếu chính phủ không thể tiếp tục vay nợ, thì trong một thời gian rất ngắn, chính phủ sẽ phải hạn chế chi tiêu của mình xuống mức [những gì họ nhận được từ] nguồn thu thuế, và điều đó có nghĩa là ngân sách sẽ bị cắt giảm đột ngột. Đây sẽ là một thời điểm khắc nghiệt cần phải đối phó, sự cắt giảm ngân sách đột ngột sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế.”
Ông giải thích thêm, vấn đề với một tỷ lệ nợ trên GDP lệch như vậy không chỉ đơn giản là chính phủ nợ rất nhiều tiền. Ông Pongracic cho biết chính phủ liên bang ngày càng khó quản lý chi phí trả nợ, và họ phải liên tục lún thậm chí sâu hơn vào với ngân sách hoạt động của mình để trả lãi cho khoản nợ. Ông giải thích, trong cuộc khủng hoảng năm 2008, và trong giai đoạn từ 2001 đến 2022 trở đi nói chung, điều này không quá khó thực hiện vì lãi suất ở mức thấp kỷ lục, và lãi suất trái phiếu Kho bạc do chính phủ phát hành cũng thấp tương tự.
Bức tranh ngày nay là hoàn toàn khác, với lãi suất trái phiếu Kho bạc chuẩn đã tăng gấp đôi từ 2% lên 4%.
Ông Pongracic nói: “Không chỉ khoản nợ tăng lên, nghĩa là các khoản lãi phải trả lớn hơn, mà lãi suất của khoản nợ đó cũng đang tăng lên. Vì vậy, chính phủ sẽ phải bắt đầu chi một phần ngày càng lớn hơn trong ngân sách của mình chỉ để trả lãi nợ, và họ sẽ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về việc đâu là những nơi để cắt giảm ngân sách.”
Tình trạng phủ nhận
Ông Pongracic nói, ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, chính phủ và các nhà lập pháp đang ở trong tình trạng “phủ nhận hoàn toàn” về bức tranh kinh tế đang xấu đi và đang hành động như thể đang chi tiêu cho bất kỳ số lượng chương trình nào và tiếp tục không có giới hạn một cách vô hạn định.
Mặc dù hôm 21/10 Tổng thống Joe Biden đã đưa ra bình luận công khai về việc đã giảm thâm hụt liên bang từ 2.8 ngàn tỷ USD trong năm tài khóa 2021 xuống còn 1.4 ngàn tỷ USD trong năm tài khóa hiện tại, nhưng việc có sự suy xét về sự thay đổi này là điều quan trọng. Ông Pongracic chỉ ra rằng khoản thâm hụt 1.4 ngàn tỷ USD vẫn còn khá cao và phần lớn sự sụt giảm này là có liên quan đến việc loại bỏ dần một số chương trình và chính sách mà chính phủ áp dụng để chống COVID-19. Mức sụt giảm đó không cho thấy mức độ tiết kiệm và thận trọng cao hơn từ phía chính phủ.
Ông nói thêm rằng, “Tổng thống Biden đang khoe khoang về mức giảm thâm hụt lớn nhất trong lịch sử, đó là sự thật, nhưng đó chỉ là vì con số đó vốn dĩ đã xuất phát ở mức quá cao như vậy.”
Bên cạnh ví dụ về cuộc khủng hoảng ở Hy Lạp hồi năm 2009, ông Pongracic nói rằng các xu hướng hiện tại, và các kết quả có thể xảy ra, khiến ông nhớ lại những gì đã xảy ra với đất nước Nam Tư (Yugoslavia) sau khi lãnh đạo quốc gia, Nguyên soái Josip Broz Tito, qua đời vào ngày 04/05/1980.
Ông Pongracic chỉ trích rằng ông Tito đã sử dụng sức hút đáng kể của mình để thu hút những bên cho vay và vay một số tiền lớn, nhưng sau khi ông qua đời, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các chủ nợ khác đã yêu cầu trả lại các khoản nợ của quốc gia này. Yêu cầu này khiến chính phủ phải in một lượng tiền rất lớn để trả cho những bên cho vay vào cuối những năm 1980. Điều này đã dẫn đến một trong những trường hợp siêu lạm phát nghiêm trọng nhất trong thế kỷ trước, khiến kinh tế sụp đổ, và một cuộc nội chiến mà theo đó một phần tư triệu người đã tử vong.
Chúng ta có thể đảo ngược tình thế không?
Các kinh tế gia khác đa phần đồng ý với ông Pongracic về các bước mà một phe đa số giả định của Đảng Cộng Hòa (GOP) có thể làm theo kể từ tháng 01/2023 trở đi để đưa quốc gia ra khỏi tình trạng sa sút kinh tế, nhưng lại bất đồng về câu hỏi về xác suất xuất hiện của một cơ hội như vậy.
Đề cập đến việc khi Fed đã nâng lãi suất lên gần 20% nhằm giảm lạm phát tăng cao, ông Brian Domitrovic, một giáo sư lịch sử tại Đại học Tiểu bang Sam Houston ở Huntsville, Texas, nói với The Epoch Times: “Tôi nghĩ rằng chính sách tài khóa, và quy định, có thể đóng vai trò chính trong việc ngăn chặn lạm phát. Tôi tin rằng những nỗ lực tài khóa của cựu Tổng thống Ronald Reagan vào đầu những năm 1980 quan trọng hơn các biện pháp của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Paul Volcker.”
Ông nói thêm rằng, “Các cải cách tài khóa như cắt giảm thuế cận biên — và chúng ắt phải là thứ cận biên — và việc bãi bỏ quy định có các tác động lớn đối với việc tăng sản lượng, dẫn đến việc hạ giá.”
Ông Gary Wolfram, một đồng nghiệp của ông Pongracic tại Cao đẳng Hillsdale, đồng tình rằng việc giảm mạnh thâm hụt liên bang có thể là cách duy nhất để kiềm chế lạm phát.
Ông nói: “Giải pháp dài hạn là giảm nợ bằng cách giảm chi tiêu thâm hụt.”
Ông Jeffrey Haymond, một giáo sư kinh tế tại Đại học Cedarville ở tiểu bang Ohio, cho rằng tình hình hiện tại phần lớn là trách nhiệm của chính phủ Tổng thống Biden và những thói quen phung phí của họ, cũng như sự phản đối của họ đối với các đường ống dẫn mà ngành năng lượng từ lâu đã phụ thuộc. Ông Haymond nhận thấy các xu hướng mạnh tay đang lan sang không gian quản lý tài chính, nơi hướng dẫn từ SEC đang có một giọng điệu gay gắt hơn đáng kể so với thời các tổng thống trước.
Ông Haymond cho biết, “Vấn đề không chỉ là ở ông Biden, mà là chính phủ của ông Biden, cam kết với nghị trình này là chống kinh doanh và chống sản xuất, và vấn đề lớn hơn không chỉ là ngành dầu khí, nó được thể hiện qua sự tấn công của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) vào quỹ đầu tư tư nhân. Họ đang cố gắng thay đổi các quy tắc về điều đó ngay lúc này,” khi ám chỉ những nỗ lực đang được tiến hành từ phía SEC và Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai để thắt chặt các yêu cầu báo cáo đối với các cố vấn đầu tư và trao cho các cơ quan quản lý quyền lực được mở rộng một cách rốt ráo đối với lĩnh vực quỹ đầu tư tư nhân.
Khủng hoảng sản xuất
Ông Haymond lưu ý, chính phủ cũng đã tự bảo đảm sẽ tiếp tục giám sát các lĩnh vực lớn của nền kinh tế và cuộc sống của người dân thông qua thông báo của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Xavier Becerra hôm 13/10 rằng COVID-19 vẫn là một trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Ông nói thêm: “Việc tiếp tục áp dụng tình trạng khẩn cấp COVID-19 cho phép họ mang lại nhiều lợi ích hơn cho những người tham gia Medicaid, dẫn đến việc nhiều người không thể quay trở lại lực lượng lao động, bởi vì họ kiếm được nhiều tiền hơn, một cách hiệu quả, bằng cách hưởng phúc lợi. Việc dừng tình trạng khẩn cấp sẽ buộc họ phải kiếm việc làm và thực sự là người sản xuất chứ không chỉ là người tiêu dùng. Ông Biden nói rằng ông ấy muốn giảm tỷ lệ thất nghiệp, nhưng thực tế là sự tham gia của lực lượng lao động đang rất tồi tệ.”
Nhìn chung, những chính sách này góp phần làm cho một quốc gia bị đặt quy định nhiều quá mức và siêu lãng phí nhanh chóng trượt sâu vào nợ nần, với khả năng xảy ra sự sụp đổ kinh tế là có thật, trừ khi các nhà lập pháp đối lập có thể kiềm chế các xu hướng tồi tệ nhất và kiềm chế thâm hụt chi tiêu. Nhưng ngay cả trong trường hợp tốt nhất, ông Haymond tin đây là một viễn cảnh không chắc chắn.
Ông nói: “Không ai nghĩ rằng Đảng Cộng Hòa sẽ nhận được 60 phiếu bầu tại Thượng viện. Họ sẽ có thể nhận được 52 hoặc 53 phiếu. Nhưng họ thực sự cần 67 phiếu vì ông Biden sẽ phủ quyết bất kỳ thay đổi nào đối với kế hoạch chi tiêu.”
Nhưng Đảng Cộng Hòa nên ở một vị thế để ngăn chặn những luật mới nào có khả năng làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Ông Haymond nói, với 53 phiếu bầu, họ sẽ có thể ngăn các đề xướng do chính phủ ông Biden đưa ra và cắt giảm một số mức dư thừa tồi tệ nhất.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times